Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Hội họa bậc thầy Wu Guangzhong: Giao lộ giữa Tây phương và Đông phương

May 01, 2021 | By Trang Ps

Sinh năm 1919 tại tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, Wu Guangzhong (Ngô Quán Trung) là một trong những họa sĩ Trung Quốc quan trọng nhất của thế kỷ 20. Ông được công nhận là họa sĩ đương đại Trung Hoa sáng lập nên nền hội họa hiện đại Trung Quốc.

Ông từng tặng Bảo tàng Nghệ thuật Singapore 113 tác phẩm sơn dầu và mực vẽ từ năm 1957 đến năm 2007. Các tác phẩm nghệ thuật của Wu đứng ngay giữa giao lộ Tây phương lẫn Đông phương, chẳng hạn như sự hòa quyện giữa trường phái dã thú và thư pháp Trung Quốc. Một phần kết quả đến từ quá trình nghiên cứu ba năm tại École Nationale Supérieure des Beaux-Arts ở Paris (từ năm 1947 đến năm 1950).

Người họa sĩ trưởng thành lên từ khó khăn và đau khổ

Two swallows

Là con trai của một giáo viên trong làng, ban đầu, Wu theo học Học viện Nghệ thuật Quốc gia ở Hàng Châu, dưới sự chỉ dẫn của Lin Fengmian, một họa sĩ được coi là cha đẻ của chủ nghĩa hiện đại Trung Hoa. Wu đã trải qua khá nhiều thử thách trong cuộc đời mình, vào năm 1937, trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật, ông phải di dời để tránh xâm lược. Nhờ quá trình liên tục di chuyển trong chiến tranh này mà ông có thể nhìn thấy nhiều địa điểm khác nhau. Ông coi những cuộc phiêu lưu là hành trình cần thiết để trở thành một người đàn ông và xây dựng tinh thần vững chãi.

Khi chuyển đến Paris vào năm 1947, ông đặc biệt bị thu hút bởi tác phẩm của Picasso, Cezanne và Van Gogh. Wu yêu Van Gogh nhất vì niềm đam mê nghệ thuật lẫn những dằn vặt nội tâm mà ông phải chịu đựng. Wu cũng cảm nhận được những khó khăn mà Gauguin phải trải qua khi rời Paris để đến hòn đảo Nam Thái Bình Dương nhằm tìm kiếm lý tưởng riêng của mình, cuối cùng Gauguin đã chết trên đảo. Trong quãng thời gian học ở Pháp, Wu đã nắm bắt  được ý tưởng về hình thức và ý nghĩa cơ bản của nghệ thuật.

Wu Guanzhong (1919 -2010) Zhou Village

Tuy nhiên, khi trở về nước vào năm 1950, ông thấy mình lạc lõng về mặt nghệ thuật. Nhà cầm quyền Cộng sản ủng hộ phong cách hiện thực xã hội, đặc trưng cho công nhân, nông dân và binh lính-anh hùng.

Năm 1966, khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, Wu đã phải đốt phá hủy nhiều bức tranh sơn dầu của mình bởi nghi ngại Hồng Vệ Binh. Ông đã đúng: Wu bị cấm vẽ tranh trong 7 năm, bị tố cáo là “người theo chủ nghĩa hình thức tư sản, và bị xa vợ và gia đình để từ Bắc Kinh đến vùng quê hẻo lánh lao động tay chân. Ông nói: “Cuộc sống chỉ là trồng lúa, gánh than, chỉ trích lẫn nhau, và đánh nhau… Điều duy nhất mà không ai được phép làm là vẽ…”

Khi Cách mạng Văn hóa lắng dịu vào những năm 1970 và khi Mao qua đời vào năm 1976, Wu cũng như nhiều đồng nghiệp của ông mới được phép quay trở lại với nghệ thuật. Và trong những thập kỷ tiếp theo, sự nghiệp hội họa của ông thăng hoa. Năm 1992, ông trở thành nghệ sĩ châu Á còn sống đầu tiên có triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Anh. Vào năm 2012, Hiệp hội châu Á ở New York đã tổ chức triển lãm: Revolutionary Ink: the Paintings of Wu Guangzhong.

Thật không may cho hầu hết nghệ sĩ, có một khoảng cách lớn về ý tưởng nghệ thuật giữa Trung Quốc và phần con lại của thế giới, người duy nhất có thể thu hẹp khoảng cách ấy là Wu, và với sự tự do mới tìm thấy, ông đã có thể thoát khỏi những ràng buộc cũ để quay trở lại phong cách yêu thích ban đầu mà không bị trả thù.

Du còn là cây viết về nghệ thuật, nhưng Wu coi mình là họa sĩ chứ không phải nhà lý thuyết. Ông có cách tiếp cận là đi vào thiên nhiên để khám phá, giúp khơi gợi sự quan tâm bên trong. Sau đó, ông phác thảo sơ bộ những gì mình đã thấy, và sau đó dành rất nhiều thời gian ở studio để thể hiện nguồn năng lượng mạnh mẽ cho vật thể. Sau đó, ông ấy vẽ nhanh chóng và bản năng với bất cứ loại bút lông nào mà cảm thấy phù hợp. Ông cứ vẽ hàng giờ như vậy cho đến khi thấm mệt và không thể tiếp tục. Ông có triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1979 và sự nghiệp cất cánh từ những năm 1980.

Hội họa Wu Guangzhong là giao lộ giữa Tây phương và Đông phương

Tranh của Wu là sự kết hợp giữa màu sắc bố cục tranh sơn đầu Tây phương và tinh thần nhẹ nhàng và giàu xúc cảm của tranh thủy mặc Trung Hoa. Ông là một họa sĩ thiên về cảm tính hơn lý tính. Những bức tranh của ông ghi lại trải nghiệm hơn là cảnh tượng. Nói rộng ra, chủ nghĩa tự nhiên trong các phong cảnh của Wu đã nhường chỗ cho sự trừu tượng nhiều hơn.

Việc thể hiện hội họa sơn dầu bằng chất liệu mực tàu và ngược lại, thể hiện phong cách thủy mặc bằng chất liệu sơn dầu là chìa khóa để hiểu công việc của Wu Guangzhong. Wu lưu ý rằng vào những năm 1980, ông chủ yếu vẽ bằng mực nhưng 4 tập kỷ vẽ sơn dầu hóa ra lại là bước đệm cho mực. Dầu và mực là con dao hai lưỡi của ông, cho phép khán giả tiếp cận một bức tranh huy hoàng giữa các nền văn hóa giao thoa. Ông tin rằng cái đẹp chính thể mới là nội dung chính của nghệ thuật, tin rằng đối tượng được miêu tả chỉ là thứ yếu, là công cụ chứ không phải mục tiêu.

Wu nhấn mạnh rằng phong cách phải nằm trong cá tính-cảm xúc cá nhân, một sự khác biệt hoàn toàn các giá trị hiện thực xã hội Trung Hoa vào giữa những năm 1940 đến những năm 1970.

Wu nhấn mạnh rằng sáng tạo nghệ thuật bắt nguồn từ việc sống thật với cảm xúc của chính mình trong thời gian hoạt động nghệ thuật. Ông từng nói: “Cọ và mực là đầy tớ của cảm xúc và suy nghĩ. Chúng nên đi và thay đổi theo cảm xúc… Nếu bạn đạo ý tưởng của người khác, tức là bạn đang ăn cắp cảm xúc của họ, và nói dối khán giả ấy là tác phẩm của bạn. Như vậy lao động sáng tạo cũng bằng không.”

Sáng tạo nghệ thuật là lao động cá nhân

Trong một cuộc phỏng vấn khi ông ở độ tuổi 89 (một năm trước khi mất), ông trả lời phóng viên rất thẳng thắn rằng: “Sáng tạo nghệ thuật là lao động cá nhân chứ không phải câu chuyện về tổ chức. Chúng ta đã có quá nhiều đàn gà lớn nhưng không chịu đẻ trứng. Nuôi họa sĩ, họa sĩ nào được nâng lên…hay những vấn đề liên quan sẽ khiến bọn họ tranh đấu nhau để giành danh hiệu, nhưng chẳng có một tác phẩm đích thực ra đời. Danh hiệu là thứ bỏ đi. Chúng ta có nhiều hội liên đoàn với chức năng chồng chéo nhau, gây lãng phí tiền thuế của người dân. Tôi nghĩ chỉ cần có một bộ văn hóa, còn lại hãy để các tổ chức phi chính phủ làm. Ai làm tốt thì mình trao giải…”

Ông nhấn mạnh về việc hãy để họa sĩ tự lớn lên, và họ trưởng thành trong đau khổ. Như nhà thơ, không có cảm xúc và tinh thần lao động thì chẳng thể có đóng góp thực sự. Ông cũng khẳng định luôn trong tương lai, những họa sĩ thực thụ (giống như Matisse) đến từ cộng đồng người dân chứ không còn là Học viện Nghệ thuật.

Wu Guanzhong: Reminiscence of Jiangnan (1996)

Khi thị trường nghệ thuật Trung Hoa trở nên phát triển, ông cho rằng phần lớn là bong bóng, nhiều người có tiền và đầu tư vào nghệ thuật nhưng lại không thực sự hiểu nghệ thuật là gì, trong khi đó, họa sĩ tận dụng cơ hội này để nâng cao giá trị của mình. Tuy nhiên, cuộc sống rất công bằng, những thứ không đích thực sẽ bị đào thải theo thời gian. Ngay cả khi tác phẩm của ông đấu giá hàng chục triệu USD, ông cho rằng đó là “điện tâm đồ”, và hoàn toàn không lấy đó làm niềm vui, số tiền đó không thuộc về ông, bởi rằng, ông cho những bức tranh của ông chưa vượt qua được thử thách của thời gian.

Bài viết có lược dịch, tham khảo từ nhiều nguồn như wiki, christie’s, huaglad, yangallery…


 
Back to top