Nghệ thuật

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: “Trẻ em và phụ nữ có một nguồn năng lượng rất giàu có!”

Apr 03, 2023 | By Van Anh Nguyen

Đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ về cảm hứng và quá trình làm bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương”.

Bộ phim tài liệu đầu tay của nữ đạo diễn người Tày Hà Lệ Diễm “Những đứa trẻ trong sương” kể về câu chuyện một cô bé mười ba tuổi người Mông giữa ranh giới mong manh của tuổi thơ và thế giới người lớn. Trong hai năm, cùng với những cô bé trong cộng đồng của mình, Di (nhân vật của phim) sẽ khám phá những điều quyến rũ và cả những hiểm nguy của ranh giới này, để từ đó tìm ra con đường đi cho bản thân trong tương lai.

“Những đứa trẻ trong sương” đã đi một chặng đường dài để đến được những giải thưởng tại “Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam” – LHP tài liệu lớn nhất thế giới và mang về cho Hà Lệ Diễm giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc nhất”. Phim gây được tiếng vang khi lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu Oscar 2023, danh sách 20 phim tài liệu của năm 2022 từ tạp chí Paste, 34 giải thưởng từ các Liên hoan phim quốc tế, nhưng Hà Lệ Diễm thú nhận mình chỉ muốn “kể một câu chuyện hay nhất có thể, còn bộ phim đi được xa đến đâu, là do chính nó!”

Chặng đường của bạn để trở thành đạo diễn phim tài liệu diễn ra như thế nào?

Tôi có xuất phát điểm là ngành báo chí và truyền thông Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội), trong quá trình này, tôi có tham gia một khoá học làm phim tài liệu miễn phí TPD vào năm 2011 trong vòng 6 tháng. Đó là khoảng thời gian tôi bắt đầu tiếp xúc với ý niệm về phim tài liệu, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó. Hơn một năm sau, tôi có dịp quay trở lại để đăng ký một đợt làm phim tài liệu. Bộ phim tôi làm lúc đó có tên “Con đi trường học” về một người phụ nữ người Dao sống chung cùng HIV ở Bắc Kạn. Bộ phim nói về quá trình nhân vật một mình nuôi con đi học.

Sau bộ phim này, tôi bắt đầu thực sự thích làm phim tài liệu và có hình dung rõ ràng hơn về việc làm phim tài liệu, tôi nhận ra đây là loại hình mang đến những sự tự do nhất định trong việc kể câu chuyện nào mình thấy thích, về những người bình thường mà báo chí và truyền thông có khi chẳng bao giờ để ý đến, quá trình làm phim cũng linh hoạt hơn, mình cũng không cần phải giải thích lý do vì sao lại thích câu chuyện đó (trừ khi đi xin quỹ hay trả lời với khán giả).

Sau khi làm xong “Con đi trường học” vào năm 2013, vào năm 2016 tôi theo học một khoá làm phim tài liệu tại Varan Việt Nam. Sau khi học xong tôi đi Sapa khảo sát và quyết định làm phim “Những đứa trẻ trong sương”.

Ý tưởng ra đời “Những đứa trong sương” đến với bạn thế nào?

Khi đến Sapa, tôi ở nhà Di (nhân vật chính trong phim ‘Những đứa trẻ trong sương’). Di hay rủ tôi đi chơi vì người lớn bận với công việc đồng áng, buổi sáng em đi học nhưng chiều thì rảnh nên hay rủ tôi đi chơi cùng bạn. Tôi mang một chiếc máy quay mượn bạn để ghi lại những hình ảnh Di chơi với các bạn để bọn trẻ con xem lại và thấy rất vui. Cảnh đầu phim có đoạn các bạn nhỏ chơi ở trên đồi cũng được quay vào thời điểm này. Lúc đó, tôi bắt đầu có ý tưởng làm một bộ phim về những khoảnh khắc rất đẹp của tuổi thơ.

“Một năm sau, tôi bắt đầu thấy tò mò hơn muốn biết Di và bạn bè mình lớn lên thì sẽ thay đổi như thế nào, tôi có trao đổi điều này với em, và em đồng ý trở thành nhân vật trong phim như vậy.”

Bạn có thể chia sẻ về quá trình thực hiện bộ phim, từ khâu ý tưởng cho đến quá trình thực hiện?

Một năm tôi thường lên Sapa 5-6 lần để quay phim, ưu tiên sắp xếp lịch để lên vào những dịp đặc biệt như năm mới, hay cuối học kỳ khi Di phải học nhiều để ôn thi, trước trong và sau nghỉ hè, giai đoạn bắt đầu vụ trồng lúa của người dân ở đó… Nói chung là những dấu mốc đặc biệt. Tôi quay và hoàn thành bộ phim trong khoảng 5 năm (từ 2017 – cuối năm 2021), nghe thì có vẻ lâu, nhưng với người làm phim tài liệu thì cũng bình thường, có những đạo diễn làm những bộ phim còn dài hơi hơn. Tôi tự quay toàn bộ, và có hai anh chị cố vấn sản xuất hỗ trợ. Đến năm 2019, nháp phim của tôi rất nhiều và cũng gần như kết thúc quay vì tôi nhận ra Di đã lớn rồi, em đã bước một chân qua thế giới của người lớn. Di có suy nghĩ độc lập hơn. Nên tôi quyết định ngừng quay.

“Những đứa trẻ trong sương” tiếp cận đời sống đồng bào dân tộc Mông từ một điểm nhìn mới khi khám phá thế giới của một cô gái trẻ. Bạn dường như có hứng thú đặc biệt với chủ đề tuổi thơ thì phải?

Tôi thích trẻ con, thích làm việc với trẻ con và cũng thích làm phim về trẻ con vì trẻ con và phụ nữ luôn thích nói chuyện, thích chia sẻ. Họ có một nguồn năng lượng rất lớn và giàu có. Tuổi thơ chỉ là một phần thôi.

Những thách thức trong quá trình bộ phim thành hình là gì?

Thách thức trong quá trình quay tất nhiên vẫn là về tài chính, hầu hết trong 3 năm tiền tôi kiếm được đều đổ vào việc đi quay. Vì Việt Nam không có quỹ hỗ trợ phim nên tôi phải bắt đầu xin quỹ ở các liên hoan phim và dự án hỗ trợ điện ảnh ở nước ngoài để có tiền để làm hậu kì, trả cho người dựng phim, cho người dịch tiếng Mông tôi mời trên Sapa xuống cố vấn văn hoá Mông cho phim, để phim được hoàn thành và có thể ra mắt.

Quá trình đi xin quỹ cũng là một thách thức lớn với tôi, quỹ đầu tiên tôi xin được là của LHP Quốc tế Busan, LHP DMZ Hàn Quốc được tài trợ bởi Chính phủ Hàn Quốc, một quỹ của LHP Quốc tế của Hà Lan, Canada, Viện phim Sundance… vì thế phim mới có chi phí để hoàn thiện. Dịch phụ đề tiếng Mông sang tiếng Việt cũng khá khó, vì dịch phụ đề phim cũng không thể theo sát hoàn toàn, mà phải chuyển thể để làm sao khán giả quốc tế cũng hiểu được. 

“Tôi thích trẻ con, thích làm việc với trẻ con và cũng thích làm phim về trẻ con vì trẻ con và phụ nữ luôn thích nói chuyện, thích chia sẻ. Họ có một nguồn năng lượng rất lớn và giàu có.”

Bộ phim tài liệu đầu tay đã ngay lập tức đưa bạn đến những giải thưởng phim tài liệu, thậm chí trong danh sách rút gọn của Oscar, điều này có ý nghĩa như thế nào với cá nhân Hà Lệ Diễm?

Với tôi thì đây chỉ là điều bổ xung thêm thôi, tôi nghĩ nó có ý nghĩa hơn với người khác. Vì phim đã trải qua nhiều điều rồi, những cái tôi muốn làm thì cũng đã làm được rồi, bởi khi làm phim, tôi chỉ muốn là làm cho xong một cách tốt nhất có thể để có một bộ phim hoàn chỉnh thôi. Còn phim đi xa được đến đâu, thì nó là một điều tốt, nhưng phải do bản thân bộ phim. Tất nhiên khi biết tin này tôi cũng vui, chứ tôi chưa bao giờ kỳ vọng mình sẽ đi được đến Oscar, tôi biết đó là quãng đường dài và … mệt. Tôi cảm thấy phim chiếu được ở LHP Quốc tế Hà Lan đã là tốt quá rồi. Tuy nhiên, sự kiện này cũng khiến khán giá tò mò hơn về phim và háo hức muốn đi xem.

Sau quá trình dài hơi thực hiện “Những đứa trẻ trong sương” và tiếp cận nhân vật ở điểm nhìn rất gần gũi như vậy, góc nhìn của bạn về đời sống người dân tộc Mông có thay đổi không?

Có nhiều điều diễn ra trong phim mà tôi chưa từng nghĩ có thể diễn ra ngoài đời thực, đây là một quá trình tự nhiên diễn ra với nhân vật, và buộc tôi phải suy nghĩ tìm hiểu thêm. Còn những điều tôi muốn nói, tôi đã kể hết trong phim rồi, tôi muốn người xem khám phá theo cách hiểu cá nhân. 

Bạn có chịu ảnh hưởng của phong cách làm phim, đạo diễn hay những bộ phim tài liệu cụ thể nào không?

Người có ảnh hưởng nhiều nhất tới tôi về phim tài liệu là thầy André Van In. Thầy đến Việt Nam để dạy các khoá của Varan Việt Nam, và cũng dạy rất nhiều anh chị trước đó như Trịnh Đình Lê Minh, chị Thắm đạo diễn phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, chị Trần Phương Thảo đạo diễn phim “Đi tìm Phong”, chị Đoàn Hồng Lê đạo diễn phim “Đất đai thuộc về ai”…

Với phim điện ảnh nói chung, tôi thích phim của Hirokazu Koreeda vì phim của ông luôn về chủ đề gia đình, trẻ em, những tình cảm mong manh và tự nhiên. Bên cạnh đó, tôi cũng thích các phim của đạo diễn Abbas Kiarostami.

 

Kế hoạch trong tương lai gần của Hà Lệ Diễm?

Tôi đang làm bộ phim tiếp theo, nhưng nó như thế nào thì tôi chưa có hình dung cụ thể.

Cảm ơn Hà Lệ Diễm vì những chia sẻ thú vị!
Bài: Vân Anh
Ảnh: NVCC


 
Back to top