Nghệ thuật

Đông Vy & Nhân duyên với không gian văn hóa Nam Thi House

Mar 08, 2022 | By Trang Ps

Được hình thành như “nơi chốn thứ ba” vô cùng ấm cúng và thân thuộc giữa lòng Sài Gòn, Không gian văn hóa Nam Thi House là nơi chúng ta có thể gặp gỡ, kết nối, nuôi dưỡng tri thức và tinh thần qua nhiều hoạt động thú vị như đọc sách, thưởng lãm nghệ thuật đến những đàm luận về văn hóa, văn chương, triết học, nghệ thuật…

Cuộc trò chuyện giữa LUXUO và tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy là cơ hội tốt đẹp để độc giả lắng nghe về nhân duyên thú vị giữa chị và Nam Thi House cũng như vai trò tương giao giữa không gian, Sài Gòn và những vị khách hữu duyên.

Chị Đông Vy có thể chia sẻ về mối nhân duyên đến với Nam Thi House? Liệu có khó khăn hay thử thách thú vị nào không, vì trước đó chị làm công việc liên quan đến viết lách nhiều hơn? 

Nhân duyên đến với Nam Thi House nói cho cùng có lẽ bắt đầu từ… mối duyên của tôi với sách vở chăng. Tôi thích sách, có viết sách, cũng làm xuất bản một thời gian, thế nên khi dự án không gian văn hoá Nam Thi House muốn tìm người quản lý không gian đọc, một số thân hữu đã giới thiệu tôi. Ban đầu, tôi từ chối vì nghĩ mình không hề phù hợp với công việc đòi hỏi tôi phải gặp gỡ tiếp xúc với nhiều người mỗi ngày. Tôi thuộc tuýp người ít nói, hướng nội. Tuy nhiên, tôi vẫn chia sẻ suy nghĩ của mình với những bạn đang phụ trách dự án này khi đó, những hình dung và mộng tưởng của tôi về một không gian đọc ở Sài Gòn, hình dung về đối tượng độc giả mà tôi cho là sẽ ưa lui tới đó, những người như tôi chẳng hạn.

Có lẽ mộng tưởng của tôi cũng gần với mong đợi của mọi người, thế nên các bạn tiếp tục động viên tôi cùng tham gia để biến nó thành hiện thực. Thử thách lớn nhất mà tôi phải đối diện chính là… phá bỏ cái ham muốn được yên thân của chính tôi.

Nam Thi House được xây dựng dựa trên những hoạt động chính nào? Các hoạt động này xoay quanh sứ mệnh cụ thể ra sao?

Nam Thi House có 3 không gian chính: The Lighthouse là Không Gian Đọc có thu phí, The Nest là Không gian sáng tạo nơi tổ chức các workshop văn hóa tâm lý sáng tạo cho trẻ em người lớn, Không gian triển lãm The Prism phục vụ các triển lãm nghệ thuật và sự kiện giao lưu văn hóa khác.

Bên cạnh đó, còn có thương hiệu cà phê Paper & I trú ngụ chung một mái nhà với Nam Thi House và cùng tạo nên một không gian phức hợp đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, và thể hiện trọn vẹn hình dung của chúng tôi về một “nơi chốn thứ ba” – một nơi tao ngộ ấm cúng, thân thuộc giữa lòng Sài Gòn – nơi chúng ta có thể gặp gỡ và nuôi dưỡng sự kết nối với người khác, bồi đắp tri thức cũng như sức mạnh tinh thần thông qua các hoạt động văn hóa như đọc sách và suy tư, thưởng lãm nghệ thuật hoặc giao lưu đàm luận về văn hóa, văn chương, nghệ thuật,…

Để các hoạt động chính này diễn ra hiệu quả, không biết chị và đội ngũ đã lên những ý tưởng và kết nối với các đối tác bên ngoài lẫn bên trong tòa nhà ra sao? Những hợp tác được thể hiện nhuần nhuyễn ra sao, chị có thể chia sẻ?

Nam Thi House nằm trong một biệt thự xưa khá đẹp, đã được cải tạo để đáp ứng chức năng sử dụng mới. Từ ngôi nhà riêng tư của một gia đình, nơi này giờ đây trở thành không gian lui tới của nhiều người. Vừa lưu giữ đường nét kiến trúc duyên dáng thuở ban đầu, vừa chứa đựng hơi thở sống động của hiện tại. Cá nhân tôi rất thích với sự hòa hợp có ý nghĩa đó. Ngôi nhà này nuôi dưỡng các không gian khác nhau cho nhu cầu khác nhau. Nếu đi với nhóm để tán gẫu nhẹ nhàng, bạn sẽ tìm đến quán cà phê. Nếu muốn giao lưu học hỏi bạn có thể tham dự các hoạt động hay những buổi workshop. Nếu thích một mình để đọc và suy nghĩ, trầm tư– người ta sẽ thích không gian đọc.

Đối với riêng tôi, Nam Thi House chứa đựng tinh thần cởi mở, phóng khoáng, thực tế mà bao dung của Sài Gòn. Sự hợp tác mà Nam Thi House mong đợi và cố gắng duy trì cũng dựa trên tinh thần đó, không muốn đóng khung trong bất kỳ định nghĩa hay định kiến nào, nhưng rốt cục vẫn tìm kiếm sự tương hợp và hài hòa giữa các yếu tố. Có lẽ đó cũng là một lựa chọn. Dù sao Nam Thi House chỉ mới mở cửa từ đầu năm 2022 và đang ở những bước đầu trong quá trình hoạt động. Đường còn dài.

Chị đánh giá ra sao về các không gian như Nam Thi House tại Sài Gòn? Tiềm năng và sự linh hoạt của nó nằm ở các yếu tố nào? Cùng đó, những khó khăn cho một không gian như Nam Thi House là gì? 

Người Sài Gòn thích ra ngoài, và giới trẻ giờ đây ưa hưởng thụ các hoạt động văn hóa bên ngoài ngôi nhà của mình, xem triển lãm, đọc sách, giao lưu, tham gia các workshop sáng tạo. Thực tế như chúng ta có thể thấy, những nơi như vậy vô cùng ít ỏi, so với dân số của thành phố này. Những không gian công cộng như các nhà văn hóa có diện tích lớn nằm ở địa điểm thuận lợi thì thường cồng kềnh, hoạt động theo lối mòn và vì vậy dần trở nên xa lạ với giới trẻ. Trong khi các không gian tư nhân thường nhỏ cả về diện tích lẫn nguồn lực, nhưng đáng mừng là gần đây bắt đầu phát triển đa dạng về hình thức lẫn nội dung: các phòng triển lãm nhỏ, cà phê sách, tiệm sách nhỏ, không gian giao lưu tọa đàm, sân khấu kịch ứng tác, lớp workshop sáng tạo,… Một số không gian đã đóng cửa, đặc biệt sau hai năm vừa qua. Khó khăn ai nhìn vào cũng thấy của những nơi này, là làm thế nào để “tự sống”.

Chỉ nhiệt huyết thôi không đủ. Nếu không có nguồn thu đủ để vận hành thì không đi đường dài được. Nguồn thu đó, tôi nghĩ, tốt nhất và bền vững nhất là sự đóng góp của chính cộng đồng, chứ không phải từ một vài nhà tài trợ. Mỗi người dùng đều là nhà tài trợ cho thương hiệu mà mình yêu thích. Có lẽ chúng ta cần thay đổi suy nghĩ về việc hưởng thụ các hoạt động văn hóa.

Chúng ta quen với câu “không có bữa ăn nào miễn phí”, vậy thì cần quen với câu “không có tác phẩm nào miễn phí”, “không có cuốn sách nào miễn phí”, và thời gian không gian – của người khác – mà chúng ta được thụ hưởng cũng không miễn phí.

Nếu chúng ta sẵn sàng trả tiền cho một cuốn sách, hay một ly cà phê. Chúng ta có sẵn lòng trả tiền cho một không gian yên tĩnh để đọc cuốn sách đó? Chúng ta trả tiền cho một tác phẩm nghệ thuật, vậy có sẵn lòng trả tiền cho thời gian ngắm nhìn tác phẩm đó? Việc hưởng thụ văn hóa cũng vậy. Chúng ta trả tiền cho một cuối sách, vậy có sẵn lòng trả tiền để nghe tác giả trò chuyện?

Và tôi vẫn nói đùa rằng, ở Không gian đọc Nam Thi House chúng tôi không bán sách, không bán cà phê, chúng tôi chỉ bán không khí. Nhưng nếu bạn may mắn, “love is in the air”.

Khó khăn thứ hai thể hiện rõ trong thời gian dịch vừa qua, rất nhiều hoạt động kể cả hưởng thụ văn hóa đều đã chuyển sang hình thức online. Và yêu cầu duy trì khoảng cách nữa. Tôi có lẽ nằm trong số ít những người “lạc thời” – cảm thấy thoải mái hơn trong những cuộc gặp gỡ ngoài đời thực. Và tôi nghĩ cho dù mọi người quen với môi trường online đến mức nào, như cầu được gặp gỡ nhau, nhìn sâu vào mắt nhau khi trò chuyện sẽ không bao giờ biến mất. Nam Thi House là một nơi để bạn gặp gỡ người khác trong đời thực mà vẫn giữ được một khoảng cách riêng tư nhất định. Với tôi, tiềm năng và tính linh hoạt của nó nằm ở chính điều đó.

Như chị chia sẻ, giới trẻ chắc chắn sẽ hào hứng và thích thú những không gian như Nam Thi House? Chị thấy phản ứng cụ thể của họ như thế nào? Họ có góp ý gì để không gian thêm phát triển?

Tôi nhìn thấy sự đa dạng về tính cách và phong cách ở những bạn trẻ đến với không gian này mỗi ngày và tin rằng, chính sự hiện diện của những người đến đây, sự dung nạp trong hài hòa, sẽ dần dần định hình tính cách cho “nơi chốn thứ ba” này. Điều quan trọng, có lẽ những người lui tới đây cũng nhận ra điều đó. Vì thế, họ cảm thấy thoải mái để thể hiện mình hơn chăng? Có người trẻ, người già, trẻ em,… Cũng có một số góp ý. Có những thứ điều chỉnh ngay được, có thứ cần thong thả hơn vì chúng tôi đang bắt đầu thiết lập danh mục hoạt động cả về loại hình và nội dung, hoàn thiện vận hành. Nói chung các góp ý đều nhã nhặn, cởi mở bao dung. Và Nam Thi House tiếp thu các góp ý theo tinh thần kaizen của Nhật – cải tiến từng chút một mỗi ngày.

Theo trải nghiệm, tôi thấy Nam Thi House cũng có giống như mô hình coworking space? Giống và khác của nó được thể hiện như thế nào? 

Điểm giống nhau ở đây có lẽ là bạn phải trả phí để sử dụng một không gian nhất định trong khoảng thời gian nhất định, các dịch vụ và tiện ích là lợi ích kèm theo.

Điểm khác nhau? Chúng tôi tạo dựng Nam Thi House là nơi chốn thứ ba – the third place. Đây là một thuật ngữ do nhà xã hội học người Mỹ Ray Oldenburg đặt ra trong cuốn sách The Great Good Place của ông vào năm 1989. Nó mô tả một điểm đến bên ngoài nhà và nơi làm việc, là nơi luôn mang lại cảm giác thoải mái và cho phép mọi người được tự do thể hiện mà không sợ bị phán xét. Oldenburg đã xác định một số đặc điểm cho nơi chốn thứ ba: đó là nơi có sức chứa và dễ tiếp cận, trung lập, bình đẳng, bình dị và lành mạnh, không khí vui vẻ, có những cuộc trò chuyện, có những gương mặt quen thuộc, và đó giống như một gia đình bên ngoài ngôi nhà riêng của chúng ta. Bạn có thấy những đặc điểm đó ở Nam Thi House không?

Mặt khác, tôi nghĩ sự khác biệt giữa third place với co-working space đã nằm ngay trong từ ngữ rồi. Theo tôi space chỉ không gian thuần túy. Còn place là nơi chốn, và nơi chốn chứa đứng một kết nối mang tính riêng tư với ta, là giao điểm xác định giữa không gian, thời gian và những cuộc gặp gỡ có ý nghĩa. Cuộc gặp gỡ có thể là với những con người cụ thể, hoặc với các tác giả, những nhân vật trong sách. Người ta đến đây không thuần túy để bàn chuyện công việc làm ăn mà giao lưu thoải mái hơn, phóng khoáng hơn, chẳng hạn về chuyện hưởng thụ văn hóa, chuyện sách vở, hay học thêm một thứ gì đó mới mẻ thú vị.

Hình dung của chị về Nam Thi House trong thời gian phát triển 5 năm? 

Ngày Tết vừa rồi có nhiều gia đình trẻ đến Nam Thi House, họ nói không gian khá yên tĩnh nhưng không quá nghiêm nghị, hiện đại trẻ trung nhưng không quá náo nhiệt. Nó thoải mái gần gũi. Và cả gia đình cảm thấy thích thú với sách, với việc học hỏi những thứ mới mẻ trong các workshop. Họ hy vọng không gian này sẽ được duy trì tốt và trở thành điểm đến quen thuộc. 5 năm tới, nếu gia đình vẫn lui tới nơi này thoải mái như trở về chốn cũ, nơi chốn thứ ba của họ, cô bé con cặm cụi vẽ tranh hôm nay trở thành cộng tác viên của Nam Thi House và tạo nên nhiều hoạt động thú vị khác nữa thì đó chính là Nam Thi House trong hình dung của tôi.

Ảnh: Chiron Dương và Thắng Hoàng


 
Back to top