Chanel tăng giá và những tác động tới thị trường bán lại
Theo WWD, Chanel đã tăng giá của 4 mẫu túi xách và bộ sưu tập may sẵn mùa xuân tại châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chính sách hài hoà giá cả của hãng đã đem lại những lợi ích nhất định cho thị trường bán lại.
Lần tăng giá mới đây của Chanel áp dụng cho những chiếc túi xách như classic như 11.12 classic hiện có giá bán lẻ khoảng 9.000 USD cao hơn trước đó là 8.595 USD.
Thương hiệu này đã thay đổi giá của 4 mẫu túi xách và bộ sưu tập quần áo may sẵn mùa xuân lên thêm 6% ở châu Âu, 5% ở Anh, 8% ở Nhật Bản, 5% ở Hàn Quốc và 2% ở Hong Kong (Trung Quốc). Trong khi đó, giá các sản phẩm ở Mỹ và Trung Quốc không bị ảnh hưởng.
Bruno Pavlovsky, chủ tịch mảng thời trang của thương hiệu Chanel đã làm rõ chính sách hài hoà giá cả của hãng, đó là đưa ra mức giá khá giống nhau ở mọi nơi để hạn chế thị trường chợ đen.
Ông cho biết: “Không có lý do gì để đối xử không công bằng giữa một khách hàng Trung Quốc với một khách hàng Mỹ. Theo lẽ thường tình, họ nên trả mức giá khá giống nhau cho cùng một sản phẩm”.
Tăng giá và lợi ích cho doanh nghiệp bán lại
Việc các thương hiệu đồng loạt tăng giá không chỉ có ý nghĩa đối với thị trường xa xỉ, The RealReal (thị trường bán hàng trực tuyến ký gửi) hi vọng sẽ được hưởng lợi từ những đợt tăng giá định kỳ như vậy.
Báo cáo doanh thu quý 4/2021 cho biết, doanh số bán hàng của The RealReal đạt 468 triệu USD, tăng 56% so với năm 2020.
Julie Wainwright, giám đốc điều hành The RealReal cho rằng: “Việc LVMH tăng giá khủng cho túi xách của họ hoàn toàn có lợi cho việc bán lại và cũng đem lại lợi ích cho những doanh nghiệp ký gửi như chúng tôi.”
Người sáng lập Fashionphile Sarah Davis xác nhận, các thương hiệu như Loiuis Vuitton và Chanel tăng giá sẽ đem lại “lợi ích” cho việc bán lại hàng xa xỉ. Bởi các thương hiệu đang thúc đẩy “mong muốn” sở hữu những sản phẩm cao cấp đã từng được sở hữu trước đó.
Theo báo cáo của The RealReal, công ty đã chứng kiến tác động trực tiếp từ việc tăng giá định kỳ của Chanel, khi giá bán lại túi đeo chéo Chanel tăng 11% so với năm 2021.
Mặc dù các đợt tăng giá tác động tích cực tới thị trường bán lại nhưng nó không thúc đẩy sự dịch chuyển khỏi bán lẻ đối với thương hiệu xa xỉ như Chanel.