ART & CULTURE

Art Republik Review: Tâm hồn người phụ nữ trong triển lãm “Ẩn Hoa 2” của Châu Giang

Nov 03, 2020 | By Trang Ps

Lạc bước vào triển lãm “Ẩn Hoa 2” của họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang như ngụp lặn trong khu vườn thiên đường dành riêng cho những người phụ nữ đậm đà hai tiếng yêu thương “Việt Nam”.

Trưng bày 22 họa phẩm tại không gian Craig Thomas Gallery, “Ẩn Hoa 2” trước tiên gợi lên cảm giác trữ tình, nhẹ nhàng và thướt tha. Bộ sưu tập tỏa ra một năng lượng tĩnh tại và sâu lắng, khiến những bộn bề và ồn ào của người thụ hưởng như dừng lại ở đúng ngay cánh cửa ra vào.

Có lẽ, hiếm chất liệu nào phù hợp hơn lụa để lột tả trọn vẹn tinh thần đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam. Châu Giang cũng đã làm việc trên lụa suốt một thập niên nay, chính thế, người ta dễ dàng cảm nhận sự uyển chuyển, “làm mà như không làm” trên từng họa phẩm của cô. Để khi rảo bước chân chậm rãi đứng trước từng bức tranh, người ta không rõ hoa ẩn trong phụ nữ, phụ nữ ẩn trong hoa, hay hoa kia cũng chính là người phụ nữ ấy. Hai như một, không tách rời.

Chị em phụ nữ trong tranh của Châu Giang đầy đặn và giàu suy tư, mơ mộng. Dù là lúc họ nghe nhạc, chải tóc, buộc áo,… ánh mắt họ luôn mời gọi người thụ hưởng ngắm nhìn để cùng chia sẻ và thấu cảm. Chính vậy, ánh mắt, cửa sổ tâm hồn, chính là sợi dây kết nối giữa tranh và người thực, từ đó tạo ra một mối giao thoa đầy dai dẳng.

Hơn một nửa bộ sưu tập khắc họa những người phụ nữ trong tà áo dài, nhưng cũng không ít bức trong đó mô tả khuôn hình của họ trong bộ đồ lót. Một bên biểu hiện cho tính truyền thống, một bên có lẽ là hiện đại. Nếu ai đó hỏi phụ nữ trong tranh Châu Giang có nổi loạn không, thì tôi nghĩ, vừa có vừa không, nếu có, thì sự nổi loạn ấy ngấm ngầm và ẩn dấu đâu đó trong suy tư sâu lắng đa chiều của nội tâm. Thật khó lòng phát hiện!

Và cũng dễ để đánh đồng rằng trong chất liệu lụa và hình ảnh hoa, phụ nữ buộc lòng phải nhẹ nhàng và khuôn phép. Nhưng Châu Giang đã phá vỡ hình mẫu ấy bằng lối vẽ chiêm nghiệm xa xăm, khiến người ta gật gù đồng tình rằng, có lẽ đúng, phụ nữ là để yêu, không phải để hiểu.

Có những sự tương tác tiêu biểu trong tranh của Giang: phụ nữ và hoa, họa phẩm và người thụ hưởng, và phụ nữ với phụ nữ trong tranh. Mối quan hệ phụ nữ và phụ nữ trong tranh gợi nhớ về tình chị em trong gia đình, được biểu hiện qua những cái ôm, cuộc đối thoại, độc thoại, búi dây áo cho nhau,… Giữa họ luôn có một tần sóng giao thoa, và dường như giao tiếp bằng chính suy nghĩ và cảm xúc bên trong mình nhiều hơn là bộc lộ thành lời.

Có lẽ, khi đặt tên triển lãm là “Ẩn Hoa 2”, Châu Giang đã muốn nhấn mạnh về vẻ đẹp tiềm tàng bên trong của người phụ nữ hơn là thẩm mỹ thuần túy bên ngoài của họ. Người ta nói rằng, khi một người làm vườn có trái tim thơ mộng và rộng mở, anh ta chăm hoa như chăm một linh hồn. Anh ta không nhìn hoa, anh ta thấy hoa. Anh ta không tưới nước cho hoa, anh ta đang nuôi dưỡng hoa. Anh ta không tự kỷ, anh ta đang trò chuyện với những bông hoa. Và thế, anh ta cũng có một âm hồn trong sáng và hồn nhiên như hoa. Phụ nữ cũng vậy. Họ là bí ẩn của cuộc sống.


Triển lãm “Ẩn Hoa 2” diễn ra đến hết ngày 20/11/2020 tại Craig Thomas Gallery, 27i Trần Nhật Duật, Tân Định, Quận 1, Sài Gòn.


 
Back to top