Audemars Piguet và nghệ thuật – Hai thế giới mang những giá trị song hành
Trong thế giới chế tác đồng hồ, hệ thời gian gắn liền với hệ giá trị về vẻ đẹp, sự phức tạp gắn liền với sự hoàn mỹ trong từng chi tiết. Những giá trị song hành trở thành yếu tố tạo nên các tác phẩm duy mỹ cho mỗi cỗ máy tưởng như “khô cứng”.
Có lẽ vì thế, vũ trụ nghệ thuật đối với Audemars Piguet không chỉ thể hiện qua những chiếc đồng hồ tinh xảo mang tính “hàn lâm”, mà còn là loạt dự án chạm tới làn sóng nghệ thật đương đại mà thương hiệu đã đặt tâm huyết để phát triển trong nhiều năm qua.
“Huyết mạch của thế giới chế tác đồng hồ và thế giới nghệ thuật đều bắt nguồn từ sự sáng tạo và tài năng của con người, duy trì và tôn trọng quyền tự do trong cách biểu đạt. Do đó, nghệ thuật đương đại trở thành con đường để hiểu sâu hơn không chỉ về thương hiệu, mà còn về tất cả ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ gắn liền với vùng đất mà nó được sinh ra.
Đây là một cuộc hành trình đầy cảm xúc mà qua đó, Audemars Piguet có thể chỉ ra cách thức làm thế nào để chia sẻ cảm xúc và đối thoại giữa con người với con người, đặc biệt là trong thời đại chúng ta đang sống, công nghệ hiện hữu ở khắp mọi nơi. Qua đó mỗi chúng ta có thể đương đầu với những thách thức của chính mình trong tương lai.” – Oliver Audemars, Phó chủ tịch của Audemars Piguet.
Art Commission – Nhìn sâu vào thế giới thông qua con mắt nghệ thuật
Câu chuyện kết nối với nghệ thuật của Audemars Piguet bắt đầu từ năm 2012 khi Audemars Piguet mời rất nhiều nghệ sĩ đến thăm Vallée de Joux nhân dịp kỷ niêm 40 năm của biểu tượng Royal Oak, trong số đó có Dan Holdsworth, một nhiếp ảnh gia của những bức ảnh khám phá thung lũng nơi thương hiệu khởi sinh. Tuy nhiên, những bức ảnh lại mô tả một cách rất khác với so với lý tưởng mà những người nơi đây luôn nhận thức về mảnh đất này.
“Nó khiến chúng tôi tự hỏi mình tại sao một nơi hoang vắng lại có thể trở thành cái nôi của ngành chế tác đồng hồ phức tạp, và chúng tôi lấy đó làm điểm khởi đầu để khám phá lại lịch sử của chính mình. Chúng tôi hiểu rằng nghệ sĩ có khả năng nhìn mọi thứ theo nhiều góc nhìn khác nhau. Đó là một cơ hội tuyệt vời để Audemars Piguet, thương hiệu có trụ sở chính ở một thung lũng rất biệt lập, hiểu sâu hơn về cách thế giới đang thay đổi thông qua tầm nhìn của nghệ thuật” – Oliver Audemars, Phó chủ tịch của Audemars Piguet, chia sẻ.
Đó cũng là khởi điểm mà Audemars Piguet thành lập một Ủy ban nghệ thuật – Art Commission vào năm 2014 nhằm hỗ trợ các nghệ sĩ trong việc tạo ra các tác phẩm có độ phức tạp, độ chính xác hiếm có để thúc đầy tiềm năng của bản thân một cách liên tục.
Mỗi năm, Art Commission sẽ mời một giám tuyển khách mời đến Vallée de Joux. Người phụ trách lập danh sách ngắn khoảng năm hoặc sáu nghệ sĩ dành thời gian ở Thụy Sĩ để làm việc trong các dự án của họ. Audemars Piguet sẽ cung cấp phương tiện, cho những nghệ sĩ sự tự do nhiều nhất có thể để hiện thực hoá tác phẩm. Sau đó, tác phẩm mới được giám tuyển khách mời và một ban cố vấn quốc tế chọn lọc và được giới thiệu tới công chúng qua các ấn bản được trưng bày tại Art Basel tổ chức ở Basel, Hongkong và biển Miami.
Audemars Piguet không chỉ cung cấp hỗ trợ tài chính để phát triển dự án đề xuất mà còn tạo điều kiện để nghệ sĩ tiếp cận với khoa học, công nghệ và những ngón nghề bậc thầy để nghệ sĩ đưa tầm nhìn của họ vào cuộc sống. Những nghệ sĩ nổi bật trong dự án này phải kể đến Robin Meier vào năm 2015, Sun Xun năm 2016, Tomas Saraceno năm 2017 hay bộ đôi nghệ sĩ người Anh Ruth Jarman & Joe Gerhardt năm 2018.
Chẳng hạn, bộ đôi Ruth Jarman & Joe Gerhardt chia sẻ khi thực hiện dự án cùng Audemars Piguet tại Art Basel “Khi đến thăm nhà máy ở dãy núi Jura của Thuỵ Sĩ, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi cơ chế điểm chuông bên trong chiếc đồng hồ. Sau đó, chúng tôi nhận ra rằng, chúng tôi đã tự mình thực hiện một tác phẩm điêu khắc thời gian lớn”.
Cỗ máy với tên gọi là HALO là sự kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh để tạo ra một trải nghiệm đắm chìm vào quá trình hình thành của vật chất trong vũ trụ sơ khai. Tất cả được biểu diễn nhớ vào các thiết bị khoa học và công nghệ được phát triển tại CERN (Tổ chức nghiên cứu hạt nhân Châu Âu).
Được trưng bày tại Art Basel, khách tham quan sẽ được mời đi bộ bên trong HALO, công trình hình trụ rộng 10m được định hình bởi các dây đàn piano thẳng đứng trải từ sàn đến trần nhà và gõ âm thanh bằng các búa nhỏ. Bức tường bao bên trong là một màn hình 360 độ cao 4m sẽ hiển thị sự va chạm của những hạt proton thông qua dữ liệu thô từ CERN. Nghệ sĩ cũng làm quay chậm gia tốc va chạm và thiết lập rung động, nhờ đó mà tác phẩm hiện lên như một cánh đồng sao, một hiện tượng thị giác tuyệt vời đồng thời tác động tới mọi giác quan của người xem.
“Tác phẩm sẽ tác động lên nhiều giác quan của bạn: bạn nhìn, cảm nhận và lắng nghe . Chúng tôi hy vọng mọi người từ đó có được cảm giác về phạm vi của vũ trụ. ”Jarman và Gerhardt chia sẻ: “Chúng tôi quan tâm đến ý tưởng về sự thăng hoa – con người hoà vào thiên nhiên và cảm thấy choáng ngợp.” và đó cũng chính là sự cao siêu của công nghệ — trải nghiệm bản chất thông qua ngôn ngữ của khoa học và công nghệ.
Art Commission có thể coi là dự án trao đổi ý tưởng, quan điểm từ đó làm phong phú và truyền cảm hứng cho cả 2 thế giới chế tác đồng hồ và nghệ thuật từ lịch sử, tâm thức và cảnh quang thiên nhiên hoang sơ của Vallée de Joux.
Origins Project – Tìm về cội nguồn thông qua nghệ thuật
Origins Project là những dự án nghệ thuật độc lập với quy mô nhỏ hơn, là cuộc đối thoại sâu sắc giữa hai thế giới sáng tạo về những giá trị mà thương hiệu đang nắm giữ. Bởi vậy, đây là những dự án mang tính cá nhân cao về nguồn gốc và văn hoá của Audemars Piguet thông qua những góc nhìn khác biệt của nghệ sĩ.
Một trong những dự án nổi bật gần đây vào 2019, khi nghệ sĩ âm thanh người Nauy, Jana Winderen, được uỷ quyền trong seris Origins Project hàng năm. Cô đã đến Le Brassus, nơi mà các nghệ nhân tạo ra những cỗ máy thời gian phức tạp để giải thích cho họ về nguồn gốc địa lý và văn hoá của công ty thông qua chủ đề “The Art of Listening: Under Water”.
Jana đưa khán giả của mình nhập vai vào những cuộc hành trình chu du môi trường sống bằng cách khuếch đại những âm thanh nhỏ và rất khó để tể tiếp cận của nhiều hệ sinh thái. Người nghệ sĩ thực sự thu hút cảm xúc của người nghe, với hy vọng thu hút được sự tôn trọng của họ đối với thế giới phức tạp xung quanh.
Olivia Giuntini, Giám đốc thương hiệu của Audemars Piguet chia sẻ rằng dự án là điển hình cho cam kết của Audemars Piguet trong việc hợp tác với những nghệ sĩ có tầm nhìn và tư duy cầu tiến, vượt qua ranh giới của những gì tưởng như bất khả thi: “Chúng tôi biết chúng tôi mắc nợ thiên nhiên những gì và tất cả các nghệ sĩ mà chúng tôi đang giao nhiệm vụ cũng có sự tôn trọng đối với thiên nhiên. Trong sản xuất đồng hồ, luôn có mối liên hệ giữa cái hữu hình và vô hình. Đó là chủ đề bạn cũng tìm thấy trong các tác phẩm của một số nghệ sĩ âm thanh mà chúng tôi đã chọn, như Jana.”
Trong tương lai, Audemars Piguet mong muốn nâng cao trình độ hiểu biết của các nhân viên về nghệ thuật để họ có thể giao tiếp với khách hàng tốt hơn về các tác phẩm được trưng bày trong không gian của thương hiệu, có thể trong Audemars Piguet Houses hoặc bảo tàng tại Le Brassus vừa mở cửa vào tháng 6 năm 2020.
Art Basel – Đưa những tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ tới công chúng
Art Basel là triển lãm nghệ thuật danh tiếng bậc nhất thế giới, được khởi xướng năm 1970 tại Basel, Thụy Sỹ với triết lý tin rằng những không gian trưng bày đóng vai trò tối quan trọng trong việc phát triển và quảng bá nghệ thuật tới đại chúng. Tại Art Basel, các nghệ sĩ đương đại trên toàn thế giới sẽ có cơ hội được trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của mình trong một không gian tự do đầy biến hóa, được duy trì ở những tiêu chuẩn cao nhất trong nghệ thuật.
Kể từ năm 2013, Audemars Piguet bắt đầu trở thành đối tác của Art Basel và cống hiến cho thế giới những không gian tầm cỡ với tầm nhìn, sự đầu tư lớn và tâm huyết không ngừng nghỉ mang tên Collectors Lounge. Đây cũng là nơi để Audemars Piguet trưng bày những chiếc đồng hồ đầy tính nghệ thuật và phức tạp của mình mỗi năm.
Hợp tác với giới nghệ sĩ đương đại tại Art Basel là điều vô cùng quan trọng với Audemars Piguet, bởi họ có khả năng đưa ra những quan điểm mới, đặt ra những câu hỏi theo nhiều góc nhìn, từ đó thúc đẩy Audemars Piguet hướng tới những sáng tạo kỹ thuật tiếp theo.
Tất cả nghệ thuật mà Audemars Piguet lựa chọn cho Collectors Lounge đều thông qua các dự án của Art Commission và Origins Project, như phản chiếu lại mối liên hệ giữa thiên nhiên và yếu tố con người tại Audemars Piguet, đồng thời đại diện cho tư tưởng trung thành với sự sáng tạo, thúc đẩy vượt qua giới hạn và quan trọng nhất là tính độc lập trong mỗi cá nhân.
Bà Jasmine Audemars, hậu duệ của gia đình Audemars, nay là Nữ Chủ tịch Hội đồng quản trị chia sẻ: “Tại Audemars Piguet, chúng tôi đã dành phần lớn công sức để tìm cách đưa hai mảng lại gần với nhau, hòa vào làm một”. Rất nhiều nhà sưu tập đồng hồ đều là những người đam mê nghệ thuật đương đại, và ngược lại. Những dự án nghệ thuật của Audemars Piguet có lẽ chỉ là sự khởi đầu, nhưng điều chắc chắn rằng những chiếc đồng hồ đỉnh cao của thương hiệu đã, đang và sẽ luôn luôn xứng tầm với thế giới nghệ thuật đương đại.