Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Họa sĩ Bùi Hoàng Dương và Bộ tranh “Mo Mường” – Trong hành trình lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc

Apr 17, 2021 | By Trang Ps

Là người con Mo Mường, họa sĩ Bùi Hoàng Dương thấu rõ giá trị văn hóa và truyền thống của đồng bào mình để từ đó làm nên bộ tranh cùng tên được ra mắt công chúng vào 24/4 đến 28/4 này tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Thông qua series, nam họa sĩ một phần mong muốn lan tỏa nét văn hóa mà người dân Mo Mường đang cố gắng gìn giữ và phát triển.

Chào họa sĩ Bùi Hoàng Dương! Trải qua một thời gian học trái ngành ở Trung Quốc, vậy bằng cách nào, mối nhân duyên giữa anh với hội họa trở nên sâu đậm?

Bố mẹ tôi đều là những diễn viên – nhạc công nhưng họ lại không hướng tôi đi theo con đường ấy. Thế nhưng, dòng máu nghệ thuật của cha mẹ vẫn tuôn chảy trong tôi. Ngay từ thời cấp 1 và cấp 2, tôi đã theo học ở Cung Văn Hóa.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, khoảng những năm 2000, từ mong nguyện của cha mẹ, tôi theo học ngành Quản lý Du lịch ở Trung Quốc nhằm trở về xây dựng hệ thống du lịch mà gia đình tôi đang xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, càng học, tôi lại càng không có hứng thú. Vì thế, tôi đã chọn Trung Quốc họa và Thư pháp từ năm 2003 đến năm 2007. Giai đoạn này mới chính thức đánh dấu hành trình đầu tiên tôi đặt chân vào lĩnh vực hội họa. Càng thực hành hai thể loại này, tôi càng thấy bản thân giống một người Việt Nam hơn một người Trung Quốc, từ kỹ năng đến lối suy nghĩ.

Từ năm 2005 – 2007, tôi tham gia các triển lãm nhóm cũng như cá nhân đầu tiên. Hồi đó ở trường đại học, tôi cũng làm đủ thứ từ chụp ảnh, sắp đặt, tranh mực nho giấy xuyến chỉ và giấy dó,… Tôi không dừng lại ở tranh giá vẽ mà song hành cùng đó là các dự án điêu khắc không gian, video art, sắp đặt,… nhằm phục vụ nghệ thuật của riêng tôi một cách hợp lý nhất.

Kích thước: 160cm*160cm Chất liêu: Acrylic trên toan Năm sáng tác: 2020 Họa sỹ: Bùi Hoàng Dương

Gần 2 thập niên thực hành sáng tạo, anh có thể kể những series biểu tượng, tương ứng với những bước ngoặt sáng tác cá nhân?

Thành thực, trước đây, tôi vẽ đủ thứ, cái gì cũng nhảy vào, chất liệu nào cũng kinh qua… Nhưng bước ngoặt lớn nhất có lẽ là sau khi ly hôn với người vợ của mình.

Tôi bắt đầu vẽ cô ấy và những chú chó của bản thân. Thế nhưng, tôi chỉ dám nhớ về những người bạn bốn chân mà không dám nhớ đến vợ cũ. Tôi quyết định thay đổi và chỉ dùng hình ảnh của những người bạn bốn chân nhằm nói lên tiếng nói cá nhân mình, đó có thể là sự tự do, sự cô đơn, u uất hay hạnh phúc…

Cũng từ bước ngoặt này, một vài chuyển biến trong sáng tác của tôi bao gồm việc chuyển từ vẽ trên giấy và sơn mài thành sơn dầu và acrylic trên toan bởi chúng phù hợp hơn với tạng người cá nhân tôi.

Đến nay, tôi đã thực hiện nhiều series khác nhau, chẳng hạn như bộ Long Khuyển vào năm 2017 dựa trên những nghiên cứu của tôi về tổ tiên và câu chuyện thần thoại người Dao; bộ Tarot trong Hành trình Tarot của Dương vào năm 2019-2020 trong sự trải nghiệm những lá bài Tarot và biến chuyển chúng thành bộ tranh đủ 78 quân bài, và bây giờ là bộ Mo Mường.

Kích thước: 160cm*160cm Chất liêu: Acrylic trên toan năm sáng tác: 2020 Họa sỹ: Bùi Hoàng Dương

Anh có thể chia sẻ thêm một chút về series Hành trình Tarot của Dương, một dự án được công chúng đón nhận nhiệt tình?

Vẽ nguyên bộ Tarot là thử thách thật lớn với cá nhân tôi, một trải nghiệm thú vị nhưng vẫn còn những hạn chế. Trong 2 năm thực hiện 78 bức tranh, 1 bức là mặt sau của lá bài, tôi từng nhiều lần muốn bỏ giữa chừng nhưng điều gì đó đã cuốn hút tôi. Có lẽ, mỗi lá bài là một trải nghiệm rất riêng, khi vẽ lại có những khác biệt và gần gũi hơn với quan niệm và tư tưởng Á Đông.

Trong bộ tranh, nguyên mẫu của tôi không hẳn là tất cả những chú chó Mông Cộc – chính là tôi và những gì tôi nghĩ đến những người xung quanh. Tarot là vấn đề tâm linh, nhưng để thực sự cảm tâm linh thì tôi không thực sự chắc chắn. Tôi là người làm về sáng tạo, điều tôi cần trong lúc thực hành là sự tỉnh táo chứ không phải miên man như khi nghĩ.

Tôi yêu thích tìm hiểu tâm linh, và có đức tin rằng nó ở đâu đó trong mỗi người mà họ không thể đoán định trước mà chỉ có cách thông qua trải nghiệm. Tất nhiên tôi lại hứng thú những câu chuyện sử thi, thần thoại hay giấc mơ hơn cả.

Kích thước: 160cm*160cm Chất liêu: Acrylic trên toan Năm sáng tác: 2020 Họa sỹ: Bùi Hoàng Dương

Một từ mô tả anh rõ nhất trong thực hành sáng tạo?

Luôn kiếm tìm.

Những chủ đề nào thường lặp đi lặp lại trong sáng tác của anh?

Hầu hết sáng tác của tôi được mọi người chia sẻ là gợi cảm giác đượm buồn, rất người và rất đời bởi chúng phản ánh cuộc đời tôi, lặp đi lặp lại những điều sâu kín nhất mà tôi chưa từng thoát ra. Dù vậy, khi vẽ xong, tôi lại cảm thấy có niềm vui trong đó và có khi cười cả ngày vì điều ấy.

Chủ đề lặp đi lặp lại vẫn là những chú chó vì chúng là tôi và thông qua nhân vật này, tôi đi đến phần con trong tôi một cách rõ ràng nhất, song song đó, phần người được đánh thức dần dần.

Kích thước: 88cm*118cm Chất liêu: Acrylic trên toan Năm sáng tác: 2020 Họa sỹ: Bùi Hoàng Dương

Anh kỵ điều gì nhất trong sáng tạo nghệ thuật?

Tôi nghĩ phần lớn các họa sĩ kỵ nhất là chép lại bản thân và chép lại chính những thứ đang bán được vì nó sẽ làm mất đi tính sáng tạo. Lúc này, đó chỉ còn là thói quen, là kỹ năng,… Những yếu tố ấy sẽ giết chết sự sáng tạo một cách nhanh nhất.

Một nhân vật có sức ảnh hưởng đến anh? 

Chaim Soutine, một họa sĩ gốc Nga.

Kích thước: 160cm*160cm Chất liêu: Acrylic trên toan Năm sáng tác: 2020 Họa sỹ: Bùi Hoàng Dương

Về triển lãm Mo Mường sắp tới, anh đã có những chuẩn bị, cảm hứng và khó khăn như thế nào?

Gần một năm, tôi đã chuẩn bị xong gồm 30 tác phẩm hội họa và 1 tác phẩm sắp đặt cho triển lãm Mo Mường sắp tới.

Tôi là người dân tộc Mường thì thế văn hóa Mường ngấm vào tôi từ lời ăn tiếng nói, từ những bài hát ru của bà, từ tiếng Mường nơi mà mỗi lần về nhà tôi thấy sao mà thân thương, từ những lần thắp hương tổ tiên, từ những lần đám ma, làm vía, dựng nhà,… những ông thầy Mo Mường luôn cuốn hút tôi bởi họ sử dụng thứ ngôn ngữ Mường cổ để hành lễ.

Mo Mường còn là những bài văn được truyền miệng từ suốt bao đời, là một phần của bộ sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước có tuổi vài ngàn năm lịch sử. Những ông thầy Mo Mường là người thầy dẫn dắt đời sống tâm linh của dân tộc, hướng con người đến cái đẹp. Những bài văn tế đều là những lời tổ tiên dặn dò con cháu đời sau.

Nét đẹp nhất trong Mo Mường là đám ma, được cho là nghi lễ hoành tráng và quy mô nhất. Ý nghĩa của Mo Mường là lưu giữ được giá trị đời sống tâm linh đã dần bị mai một bởi văn minh – đô thị.

Bộ tranh là những cảm nhân của cá nhân tôi về phần nghi thức, nghi lễ, nhằm mở ra hướng đi cho bộ tranh kế tiếp. Thông qua đây, tôi cũng muốn chia sẻ rằng không phải thầy Mo Mường nào cũng đều làm những lễ nghi mê tín dị đoan, làm bùa làm phép… mà đó là nét văn hóa mà dân tộc thiểu số đang cố gắng gìn giữ và phát triển bằng cách này hay cách khác.

Kích thước: 160cm*200cm Chất liêu: Acrylic trên toan Năm sáng tác: 2020 Họa sỹ: Bùi Hoàng Dương

Đại dịch covid-19 có ảnh hưởng đến series sắp ra mắt của anh?

Suốt 2 năm đại dịch, từ cá nhân đến lãnh thổ, từ lĩnh vực này đến lĩnh vực khác, đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng cũng nhờ vậy mà các giá trị thật quay trở về đúng nghĩa. Con người học cách sống chậm lại và nhìn nhận mọi thứ trong mình và trong cuộc sống. Với họa sĩ Việt Nam, sẽ có những ảnh hưởng nhất định, nhưng với cá nhân tôi thì không nhiều lắm. Tôi vẫn cố gắng làm việc chăm chỉ để ra mắt bộ tranh Mo Mường và hy vọng mang lại điều gì đó tốt đẹp để phục vụ công chúng, cũng như đóng khép một dự án để mở tiếp cho bản thân ý tưởng tiếp theo.

Kích thước: 160cm*160cm Chất liêu: Acrylic trên toan Năm sáng tác: 2020 Họa sỹ: Bùi Hoàng Dương

Cảm ơn hoạ sĩ Bùi Hoàng Dương vì cuộc trò chuyện này!


Trong đợt triển lãm Mo Mường do LUXUO/Art Republik bảo trợ truyền thông, Bùi Hoàng Dương mang đến tất cả 35 tác phẩm, 2 sắp đặt tập chung chủ yếu vào những phần việc, chân dung, nghi lễ mà đồng bào Mo Mường thường sử dụng như: túi Khót, dao, quạt, chuông… những thứ binh khí mà không thể thiếu được của những ông Mo. Còn anh chỉ có sơn, toan và các vật liệu khác làm việc để gìn giữ và mở ra cho mình một nhánh mới trong suốt quá trình lao động cá nhân.

Thời gian: ngày 24/04/2021 tới 28/04/2021

Địa điểm: Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học Hà Nội


 
Back to top