Nghệ thuật / Nghệ sĩ

#Stayhome: Họa sĩ Việt vẽ gì trong thời gian cách ly? (Phần 1)

Apr 10, 2020 | By Trang Ps

Với những người nghệ sĩ Việt Nam, trong những ngày này, khi những nhân viên y tế tuyến đầu đang cống hiến sức mình chống dịch, thì đó cũng là lúc họ tập trung tối đa cho công việc sáng tác để tạo nên những tác phẩm xuất sắc lấy cảm hứng từ thời khắc khó quên này.

Nguyễn Chính

Tại cộng đồng Vietnam Art Space trên Facebook, nơi thu hút 39.300 người tham gia, hàng loạt các nghệ sĩ chia sẻ những tác phẩm ý nghĩa. Đó là bức “Hoa Quỳnh” của họa sĩ Nguyễn Chính, ấn tượng với nét vẽ thần thái khiến những bông hoa chứa đựng linh hồn và sức sống bất diệt. Sắc xanh lá chuyển thành xanh biển tạo nên sự phối trộn nhịp nhàng, bông hoa quỳnh hé nở tươi tắn và tràn đầy sức sống, như thông điệp lạc quan và yêu đời của con người trước hoàn cảnh cách ly không mấy dễ chịu. Có độc giả khi nhìn bức tranh này liền thốt lên: “Như một vũ điệu hoa quỳnh, lấp lánh trong đêm!”

Nguyễn Tấn Phát

Trong những ngày dịch bệnh len lỏi, lan tràn và đe dọa cuộc sống bình yên thường ngày ở mọi ngóc ngách trên tổ quốc Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát bày tỏ niềm xúc động: “Có những khoảnh khắc lấy đi nước mắt của bạn, còn hình ảnh này thì đã chạm đến trái tim tôi. Họ là những người chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, ngày đêm chăm sóc bệnh nhân. Các bác sĩ phải xa gia đình trong thời gian dài, có những y tá cận kề ngày sinh đẻ vẫn quyết tâm ở lại bệnh viện chăm sóc bệnh nhân. Giọt lệ đã rơi, nhưng không phải vì vất vả mà vì đồng cảm khi chứng kiến nỗi đau của người bệnh, nỗi đau của tổ quốc.”

Cùng bức tranh đó, Nguyễn Tấn Phát còn vẽ chân dung Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người được mệnh danh là “Anh hùng thời nay” với lời tâm sự: “Họa sĩ chân yếu tay mềm nên chỉ biết ở nhà dùng bút thể hiện tâm sự, cầu chúc cho cơ quan chức năng đẩy lùi dịch cho nhân dân bình an. Dù vất vả và trang bị kín mít nhưng không dấu được vẻ đẹp của tâm hồn, những việc làm của những con người ấy sẽ luôn được xã hội thấu hiểu và sát cánh.”

Trần Hải

Trong thời điểm cách ly, người dân hạn chế ra khỏi nhà, và điều đó bao gồm cả những em nhỏ. Những đứa trẻ vốn dĩ hàng ngày được chạy nhảy tung tăng khắp nơi: đến trường, ra công viên, chăm cây, đi sở thú….thì bây giờ cũng quanh quẩn ở nhà. Bức tranh “Cách ly: ngủ” của họa sĩ Trần Hải đã thể hiện thông điệp ấy. Hình ảnh bé gái nằm dài trên chiếc ghế gỗ cũ kỹ và xung quanh là đàn chó mèo cũng hòa chung nỗi buồn tẻ đã khắc họa rõ hoàn cảnh những ngày này. Nhưng, có người lại cho rằng bức họa có hồn toát lên vẻ đẹp dễ thương, bình yên và dung dị.

Trần Vĩnh Thịnh

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh vẽ bức tranh “Cứu rỗi” lấy cảm hứng từ tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay với tâm nguyện cầu mong mọi chướng ngại do dịch bệnh sẽ sớm qua mau. Bức tranh được nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô-Kim Khôi xuýt xoa: “Màu rất đẹp!”

Bùi Hoàng Dương

 

Trong thời gian này, họa sĩ Bùi Hoàng Dương tập trung vẽ những bức tranh trừu tượng như một sở trường của anh, không tiết lộ lấy cảm hứng từ mùa dịch nhưng phần nào đó gợi đến cho con người ta những liên tưởng. Bộ ba các bức họa nổi bật phải kể đến “Long khuyển mùa giao hoan” và “Đi theo tiếng gọi của đức tin”.

Bùi Thanh Tâm

Trong thời gian cách ly, họa sĩ Bùi Thanh Tâm vẽ bức tranh cô bé và chú cún con ánh mắt xa xăm đượm hồn, với lời chia sẻ: “03/04, hắn ở trong nhà không hề bước ra khỏi cửa đã được 7 ngày, vẫn nói chuyện với cá và cây đều đều, chưa có dấu hiệu của chứng hoang tưởng và thi thoảng cười tủm tỉm một mình.”

Trần Lê Nam

Là họa sĩ góp mặt ở cả hai phiên đấu giá số 1 và số 6 của chương trình “Vượt qua đại dịch Covid-19”, Trần Lê Nam đồng cảm với đội ngũ nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Vợ họa sĩ làm ở Bệnh viện Bạch Mai, đã hơn 20 ngày nay chưa về nhà. Anh chai sẻ nhà cửa vắng bàn tay chăm sóc của phụ nữ trở nên bừa bộn và trống vắng hẳn.

Trước đây, anh từng tham gia các chương trình đấu giá để cảm ơn đội ngũ y bác sĩ. Trong thời gian này, hai bức tranh “Vượt gió” và “Cầu Long Biên” của anh được bán đấu giá. HÌnh ảnh “vượt gió” thể hiện những đàn chim sải cánh hối hả bay về phương nam tránh rét, còn cầu Long Biên là biểu tượng vượt qua chiến tranh của Hà Nội nay lại u ám và trầm buồn trong đại dịch. Anh muốn gửi gắm thông điệp: vượt qua dịch bệnh, mọi hân hoan lại trở về.


 
Back to top