Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Họa sĩ Phương Quốc Trí: “Vẽ người như tạc tượng!”

Dec 03, 2021 | By LUXUO

Phương Quốc Trí, là một trong vài hoạ sĩ Việt Nam mà nhiều năm qua, tôi đặc biệt theo dõi với nhiều hứng thú. Ngay ở những bước đầu sáng tác của anh, tôi đã tin anh sẽ đi xa và để lại dấu ấn của mình trong nghệ thuật.

Phương Quốc Trí đang được biết đến nhiều nhất ở mảng tranh chân dung. Cả người trong giới mỹ thuật lẫn người thưởng ngoạn, gần như ai cũng phải thừa nhận Trí rất giỏi trong việc nắm bắt và thể hiện thần thái cũng như tính cách của nhân vật lên mặt tranh, bằng một bút pháp mạnh mẽ, nhiều hoạt tính, sinh động… Bằng kinh nghiệm và kỹ thuật thuần thục, anh dễ dàng nắm bắt các đặc điểm riêng về ngoại hình, và dễ dàng chinh phục các ấn tượng thẩm mỹ về nhân vật.

Họa sĩ Phương Quốc Trí: “Vẽ người như tạc tượng!”

Phương Quốc Trí có mảng tranh khác ít người biết. Mảng tranh mà anh tự nhận, là “vẽ cho riêng mình.” Mảng tranh mà anh phải chối bỏ thói quen, mày mò tìm lối… Tôi đã chứng kiến ngay từ đầu những bước đi loạng choạng đầy trăn trở, và cũng đầy bất an của Phương Quốc Trí. Đứng ở vị trí người quan sát, tôi trân trọng và thích thú với sự bất an này.

Trong sáng tạo nghệ thuật, khi còn bất an, người nghệ sĩ mới còn khám phá, còn dày vò bóc tách tâm hồn mình. Từ đó, may ra, mới làm ra được cái gì thực sự mới mẻ và chân thực.

Mới đây, Phương Quốc Trí mời tôi đến nhà xem loạt tranh “vẽ cho mình” này của anh. Tổng cộng mười lăm bức, khổ lớn. Xưa nay, tôi chẳng mấy khi có ý kiến ngay khi mới xem tranh. Nhận xét hay đánh giá tranh, với tôi, bao giờ cũng là sự ý thức lại trên nền tảng những cảm xúc, cảm nhận được hình thành từ sự tiếp xúc trực tiếp với tranh. Và tôi chỉ viết khi sự ý thức lại đó thực sự rõ nét, tạo thành luồng năng lượng thôi thúc muốn viết… Đứng trước loạt tranh “vẽ cho mình” của Phương Quốc Trí, tự nhiên, tôi lại nhớ đến các vườn đá tảng karesansui mang đậm tinh thần wabi-sabi Nhật Bản.

Trong các vườn đá tảng này, chỉ có đá và cát trắng. Không có màu xanh của cây cỏ. Không có sự thơ mộng. Tất cả, chỉ là sự đơn giản, trần trụi, thô ráp và cứng ngắt của đá và cát. Đó là nghệ thuật của sự câm lặng, của sự đơn độc, dở dang, và bất toàn. Nó buộc người đối diện phải sửng sốt dừng lại, đối diện với nó như đối diện với chính tâm hồn mình, với chính bản ngã mình. Và, phải chiêm nghiệm… Khó nói Phương Quốc Trí từng biết và chịu ảnh hưởng tinh thần wabi-sabi của nghệ thuật vườn đá tảng Nhật Bản. Tôi nhắc đến, bởi cũng sửng sốt trước tranh Phương Quốc Trí với những cảm xúc và suy tưởng giống như đã từng sửng sốt trước những vườn đá tảng của tinh thần wabi-sabi Nhật Bản.

Vài hoạ sĩ từng xem những bức tranh này của Phương Quốc Trí cho rằng anh vẽ người như tạc tượng. Những bức tượng đá như được tạc vội vàng, dở dang và dị dạng… Mà đúng như vậy thật.

Hình hiệu trong tranh Phương Quốc Trí, cái trạng thái ép vào và bung ra, co thắt và trương nở thể hiện trong cấu trúc hình hoạ chắc nịch, sần sùi với những hình khối căng nặng chồng chéo, vặn vẹo cùng bút pháp mạnh mẽ cấu tạo trong những nhát cọ ngắn gấp gáp, đứt quãng… đã khiến cho tranh Trí có một sức mạnh biểu xúc kỳ lạ. Nó là những biểu hiện cực đoan đầy thi tính và nhức nhối của thân phận và tinh thần giữa một không gian trống không, tăm tối và bất định… Đây chỉ là cố gắng tìm sự khác lạ về hình thức nhằm tạo dấu ấn riêng chăng?

Nhìn thấy tranh Phương Quốc Trí như một chỉnh thể có sự thống nhất nội tại, tôi cho là không. Nó là sự biểu xuất tự nhiên các ám ảnh, các day dứt và các suy tư của anh về thân phận con người, trong một thực tại dường như đã trở thành một chốn lưu đày, một cõi xa lạ. Thêm nữa, nó còn biểu hiện cho ý chí sinh tồn, ý chí vượt thoát với tình yêu đau nhói đầy thi tính hướng về siêu việt tính nhân bản nơi anh. Phương Quốc Trí dường như đang vẽ chính mình, vẽ vợ vẽ con, vẽ những người thân yêu của mình, những người mà anh muốn chở che, bao bọc, hay muốn chia phần gánh lấy gánh nặng hiện sinh của họ… Phương Quốc Trí không vẽ cái thực tại được nhìn thấy bởi đôi mắt nhìn ra. Anh vẽ cái thực tại được nhào nặn nơi chính tâm hồn mình. Những thứ làm anh nhức nhối, ưu tư.

Tranh Phương Quốc Trí, bởi vậy, giao động giữa phong cách tượng trưng và biểu hiện. Ở đó, có cái âm u, rờn rợn với các cảm xúc trữ tình siêu hình như trong tranh của Mikhail Vruben (hoạ sĩ Nga, 1856-1910), có cái quyết liệt, táo bạo với các cảm xúc trữ tình thế sự như trong tranh của Ilya Repin (hoạ sĩ Nga, 1844-1930), và có cả cái ý chí sung mãn đầy nam tính như trong tranh tượng của Michelangelo (điêu khắc gia Ý, 1475-1564). Nó thực sự gây sửng sốt với cảm tưởng đau đớn nhưng đầy sinh lực…

Phương Quốc Trí đặt tên chung cho những bức tranh “vẽ cho mình” này, là “NHẬT THỰC”. Nhật Thực: mặt trời bị che khuất, thậm chí là bị nuốt chửng! Với cái tên này, tôi nghĩ, Phương Quốc Trí đã ý thức trọn vẹn về những đứa con tinh thần của mình. Cũng là ý thức trọn vẹn về chính mình, về thân phận con người giữa cuộc đời đầy bất trắc, cay nghiệt…

Cuối cùng, tôi cũng đã viết được một mạch về Phương Quốc Trí-như một cá tính nghệ thuật. Và với tôi, đây là một niềm vui lớn.

Nguyên Hưng (Sài Gòn, 16 tháng 11 năm 2018)


 
Back to top