Hoàng Quyên: Vẽ “giấc mơ cuộc đời” bằng giai điệu
Sống là một điều diễm lệ. Tinh thần đó tràn ngập trong A Diary of Melody (Cuốn nhật ký bằng giai điệu), album thứ 4 mới phát hành do Hoàng Quyên hát và tự viết nhạc, một album can đảm và cho thấy nỗ lực vượt qua chính mình của cô gái 9x này.
Quyên Gallery: Vẽ “giấc mơ cuộc đời” bằng giai điệu
Một năm trước, tại số 9 Lê Phụng Hiểu (Hà Nội), Hoàng Quyên ngồi đó, trong nắng mùa xuân đang còn sót lại và ngẫu hứng hát mộc một cách say sưa mấy câu trong bài Xin cho hôm nay trôi đi: “Đôi chân đang trôi đi/ Thời gian đừng dừng lại/ Ai như đang trôi đi/ Cho em ngày buồn thế”. Bữa đó, Quyên mang đến cho người viết một nỗi ngạc nhiên thật lớn. Thì ra, Quyên cũng có thể viết nhạc hay và đẹp như vậy. Nếu dõi theo chặng đường âm nhạc Hoàng Quyên đã đi qua, sẽ hiểu, sớm muộn gì, cô gái với cá tính và mỹ cảm âm nhạc đó cũng có ngày phải tự hát lên tiếng lòng của mình một cách đồng nhất, không vay mượn.
Hay như Quyên kể, tháng Bảy của 2 năm về trước, khi cô đi qua một quảng trường rộng, không khí oi bức, ngột ngạt, bầu trời như sắp rụng ngay trong mắt. Với bao điều chất chứa, Quyên vừa đi vừa ngước nhìn bầu trời và hát lên rất tự nhiên: “Ngày mưa trời buồn, quảng trường rộng lắm, em trên lối một mình”. Kể lúc đó, cô nhận ra có một điều gì lớn và lạ lắm đang vẫy gọi mình. Trong khoảnh khắc ấy, Hoàng Quyên biết kể từ ngày hôm ấy, cô đã trở thành một người khác. Cô đặt tên cho ca khúc đầu tiên sáng tác là The Square (Quảng trường) để lưu dấu một thời khắc đặc biệt. Viết nhạc, hát lên giai điệu của chính mình, Hoàng Quyên đã tìm thấy một mảnh ghép khác trong nội tại, đồng thời bứt khỏi chiếc bóng mà những diva đàn chị đương thời, để bước chân vào địa hạt songwriter – singer (người viết nhạc – ca sĩ) với một tư thái hết sức đĩnh đạc.
Album A Diary of Melody gồm 8 ca khúc, được mở đầu bằng giọng hát alto trầm, mộc, tinh tế với cột hơi khỏe, đầy và gợi cảm của Hoàng Quyên. Sau đó, trên nền hợp âm piano gần như xuyên suốt từ ca khúc đầu tiên tới ca khúc cuối cùng, cô nàng cất giọng tự sự, đối thoại cùng nội tâm của mình.
Pop vốn là sở trường của Hoàng Quyên nên không có gì lạ khi nó được phát huy một cách tối đa sức mạnh biểu đạt, thể hiện mọi cung bậc, trạng huống tâm hồn nữ nghệ sĩ. Thỉnh thoảng, bên cạnh những đường guitar acoustic trữ tình, người nghe cũng bắt gặp những đoạn guitar riff mỏng, đơn lẻ có “mùi” của Jazz, gảy lên tạo thành những đường âm thanh có phần cao hứng, như tỉ tê, như sóng đôi, chuyện trò cùng tiếng hát người ca sĩ (The Balcony). Đến She, hơi thở Pop và Swing, Acoustic Jazz đã mở hẳn ra một không gian âm nhạc phóng khoáng, ngẫu hứng mà cũng đầy chia sẻ. Có thể coi đây là một trong những ca khúc thú vị và hay nhất của album thứ 4 này. Ở đó, người nghệ sĩ đang thăng hoa trong men tình, men đời, bỏ quên hết thảy, “chỉ tôi với người/ hát ca vang trời/ giấc mơ cuộc đời”.
Sống ‘là những ngày qua, điều quen thuộc đến khi ta già’, ‘là màu ngàn đời, là điều cốt lõi’, là ‘màu lung linh, màu của tình yêu, là màu tinh tú, màu của mỗi bản thân’
Ca khúc Life gần như diễn tả một cách đầy đủ tinh thần “giấc mơ cuộc đời” mà Hoàng Quyên gửi đến trong album của mình. Nghe Quyên hát, bất giác nhận ra: Ồ! Chỉ riêng việc sống thôi, đã là một điều diễm lệ! Âm nhạc xao xuyến, bồi hồi, còn người nghệ sĩ không né tránh nỗi buồn, mất mát mà vươn cao với nỗi đau tỏa rạng trong khát vọng sống của mình, truyền năng lượng tích cực cho người nghe.
Không gian âm nhạc càng về cuối album càng rộng mở, âm nhạc càng ngày càng hay. Quyên hát Xin cho hôm nay trôi đi như đang tan trong khu rừng cảm xúc của chính mình. Sang Bốn mùa để yêu, khá khen cho Hoàng Quyên đã có màn hoan ca tuyệt vời với Hoàng Hiệp, giọng ca chính của ban nhạc Ngũ Cung mang lại chất rock chảy tràn. “Cuộc đời bốn mùa để cho ta yêu người/ Dù người có là chạm va cho ta buồn vui”. Để khi album đọng lại bằng màn kết hợp đẹp và đẳng cấp giữa Hoàng Quyên và Thanh Bùi trong một ca khúc mang phong cách R’n’B (Colors), tiếng đệm piano đã ngưng nhưng âm nhạc còn dư âm mãi.
Biết “chơi” một cách đẳng cấp
Có thể nói, với album nhạc và triển lãm nghệ thuật A Diary Of Melody, Hoàng Quyên đã tạo nên một hành trình âm nhạc mới cho phép cô tung tẩy với mọi cung bậc cảm xúc nở rộ, chín đầy và quyến luyến người nghe không rời. Cô kể lại câu chuyện tình yêu, câu chuyện cuộc đời bằng giai điệu, bằng trải nghiệm và khát vọng của mình. Ở đó, người ca sĩ hiểu thế mạnh của mình là pop nhưng vẫn không quên tiệm tiến những xu hướng âm nhạc đương đại đang thịnh hành (Pop Jazz, Acoustic Jazz…). Cô quy tụ thế hệ solist nổi bật như Lương Việt Tú (piano), San Trịnh (guitar), Phúc Minh Phạm (bass), Lê Minh Hiếu (drum) thành ban nhạc The Circle, cùng nhau sáng tạo toàn bộ phần phối khí cho album theo tinh thần liveband trong ba tháng tại studio.
Ngoài Benjamin James là người đặt hợp âm, Hoàng Quyên còn bắt tay với Tim Van Der Kuil, nhà sản xuất âm nhạc của Adele, khi bắt tay thực hiện album A Diary of Melody. Album cũng có bước tiến về sản xuất khi hợp tác với hãng thu âm hàng đầu thế giới Abbey Road London ở khâu mastering – bước cuối cùng của quá trình hậu kỳ, cân bằng các yếu tố âm thanh và tối ưu hóa việc phát trên tất cả hệ thống đa phương tiện. Hoàng Quyên chịu “chơi” và biết “chơi” với những đại diện của sự đẳng cấp để mang đến âm nhạc có giá trị đặc biệt trong khả năng của mình.
Nhưng cũng là cô gái ấy, chưa từng một ngày từ bỏ “mã định danh” cá nhân trong một cuộc chơi có sự góp mặt của những cộng sự quốc tế. Nghe album mới của Quyên, nếu để ý, vẫn thấy thấp thoáng đâu đó chất tròng trành và tình tứ của văn hóa bản địa Việt Nam. Tất cả làm nên sự đặc biệt cho A Diary of Melody – một sản phẩm âm nhạc mang căn cốt Á Đông đậm bản sắc nhưng đầy thời thượng, hiện đại của Tây phương.
Hoàng Quyên cũng bật mí cô và cộng sự sẽ tiếp tục “cuộc chơi” bằng concert thứ ba trong sự nghiệp đầu 2024 và một live tour giới thiệu album tới cuối năm. Cuối tháng 8 đầu tháng 9 vừa qua, triển lãm nghệ thuật Quyên Gallery của cô tại không gian nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) là điểm đến của rất nhiều công chúng trẻ. Vỏ album được tạo tác bằng sơn mài phiên bản giới hạn 100 đĩa đã được khán giả mộ điệu sưu tập gần như đến những chiếc cuối cùng sau chưa đầy một tháng phát hành.
Nghệ sỹ biết chơi luôn có khán giả chịu chơi.
Quyên đã đúng!