Art Republik Next Gen 2020: Trương Thế Linh: Chơi vơi, nội tâm và ám ảnh
“Con người đã chinh phục đại dương và vũ trụ, nhưng nội tâm của họ có lẽ ít ai tường tận, ngay cả tự hiểu chính bản thân mình.” Như lời chia sẻ, hội họa của Trương Thế Linh cũng chơi vơi, ám ảnh và xoáy sâu vào hành trình nội tại đầy bí ẩn ấy.
Nếu chọn 3 tính từ điển hình để mô tả tác phẩm hội họa của Trương Thế Linh thì đó là những tính từ nào?
Chơi vơi, nội tâm và ám ảnh. Đấy là những cảm xúc và trạng thái tôi đã trải nghiệm hầu như, những uẩn ức về thời tuổi thơ, về gia đình và những con người nơi tôi lớn lên, những âm thanh, hình ảnh, những ký ức cứ ám ảnh tôi từ thuở thơ dại… Tất cả làm nên tôi – một con người hướng nội. Tôi vẽ nó vì đó là thứ tôi đã thấm nhiều hơn cả, cũng là cách tôi giãi bày những tâm sự khó nói bằng lời.
Các bức tranh như những độc thoại về sự trầm lặng và bi kịch nhưng đằng sau những hình hài và cảm thái ấy đồng thời thể hiện niềm hi vọng, tự tin và lòng kiêu hãnh,…
Nhìn vào những bức họa của họa sĩ, bóng tối và ánh sáng dường như kể lên câu chuyện riêng của chính nó và dội vào tâm tư người xem niềm ám ảnh khôn nguôi.
Khi đứng trước tấm toan trắng, tôi như đối diện với chính mình. Tâm trạng, nhân sinh quan, cuộc sống thời điểm ấy quyết định rất lớn đến tác phẩm. Vì tôi làm việc với những cảm thái, những thứ không thể nắm bắt bằng mắt thường. Tôi dùng tất thảy kiến thức hội họa mà mình có để thể hiện, từ cấu trúc, hòa sắc, ánh sáng, mảng màu, những vết cọ cho đến các hạt màu nhỏ li ti,…
Với ánh sáng, tôi thích cách xử lý của những bậc thầy cổ điển nhưng tôi sử dụng nó với cường độ mạnh. Tôi muốn ánh sáng và bóng tối va đập mãnh liệt nhất có thể. Đấy cũng là thứ ánh sáng thường thấy trong phòng lấy cung, ánh sáng được chiếu rọi từ trên xuống trực diện, phơi bày và soi xét, tôi muốn ám thị đến sự tự sự, tự thú hoặc những lời bộc bạch.
Một đồng nghiệp từng nhận xét: “Trong tranh Linh, ánh sáng chỉ hiện hữu để làm nổi bật bóng tối”. Tôi nghĩ, sự cháy sáng ở một diện tích và cường độ nhất định làm cho bóng tối trở nên giá trị và hấp dẫn.
Con người là một thực thể mâu thuẫn, dường như điều đó thể hiện rõ qua tranh anh, với những chiều sâu nội tâm dữ dằn khó lột tả thành lời. Phải chăng anh là người có mong muốn đi sâu vào nội tại con người thông qua các series tranh của mình?
Đúng như vậy. Con người đã chinh phục đại dương và vũ trụ, nhưng nội tâm của họ có lẽ ít ai tường tận, ngay cả tự hiểu chính bản thân mình. Loài người là thực thể cao cấp và phức tạp, đá mòn sông cạn nhưng câu chuyện về loài người sẽ mãi tiếp diễn; nguồn cội, tiến hóa, sinh tồn, đấu tranh, tình yêu, lừa dối và hận thù,… Chúng ta vẫn sẽ tồn tại với bản năng “thất tình lục dục” – bảy thứ cảm xúc và sáu thứ ham muốn, nội tâm con người chính là chốn làm tôi thấy trăn trở. Hẳn nhiên, với tôi, đó là một đối tượng xứng đáng để nghiên cứu.
Trong 5 năm qua, chủ đề/ vấn đề nào được anh quan tâm hơn cả? Và những quan tâm đó đã khiến anh có những ấp ủ nào đáng kể?
Tôi dành phần lớn thời gian để thể hiện nội tâm con người, cố gắng đặt người xem vào trạng thái nhân vật, thấu hiểu và đồng cảm cùng những thân phận yếm thế và khơi gợi tình yêu thương… Có thể nói hội họa đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi từng ngày, khi vẽ về những phận người, chính tôi đã “đặt mình” vào họ, cùng những người bất hạnh. Nói cách khác, thực hành nghệ thuật khiến tôi thêm trưởng thành, biết chia sẻ nhiều hơn, tường minh và trung thực trong cuộc sống, vì hơn ai hết chính họa sĩ phải là người cảm thụ tác phẩm mình trước lúc đem ra bày cho công chúng.
Kết quả của những ấp ủ đó là triển lãm cá nhân “Chơi vơi” vào cuối năm 2018 khi tôi hợp tác với Craig Thomas Gallery tại Tp. Hồ Chí Minh, một triển lãm của những thổn thức.
Anh có thể chia sẻ về phong cách tranh của mình? Ở đó chất liệu, gam màu, ý niệm… được anh thể hiện như thế nào?
Một họa sĩ luôn khát khao tạo cho mình một phong cách riêng biệt. 5 năm qua là giai đoạn đầu tôi bước vào nghiệp vẽ, theo tôi, đấy là khoảng thời gian có phần khốc liệt đối với bất kỳ họa sĩ trẻ nào. Tôi đã tự mở rộng cánh cửa với quan điểm “phong cách là không có phong cách” nhằm thỏa mãn nghiên cứu thể nghiệm nhiều chất liệu kỹ thuật, nhiều cách vẽ và cuối cùng là tìm thấy chính mình trong mớ hỗn độn đấy. Không trói buộc mình trong các định kiến, đó cũng là lý do tôi có vài cách vẽ song hành, mặc dầu các bức tranh chưa thực sự hoàn hảo nhưng tôi cảm thấy thú vị và được thử thách trong tiến trình này.
Tạm thời trong 5 năm tới tôi vẫn giữ trạng thái “phong cách là không có phong cách”. Tôi cho phép mình có 10 năm để kiếm tìm một “ngôn ngữ” riêng và tôi đã đi được một nửa chặng đường.
Thực sự chất liệu là điều kiện tiên quyết đến phong cách tạo hình của họa sĩ. Tôi đang nghiên cứu sơn dầu và acrylic là chính, mỗi chất liệu đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, tùy vào đấy mà tôi lựa chọn cho từng bức tranh để có các kỹ xảo phù hợp, hoặc kết hợp trong cùng một bản vẽ.
Mặc dù, hội họa là hình thức nhưng thật buồn tẻ nếu các bức tranh đều đẹp một cách thuần túy, vậy có lẽ câu chuyện nghệ thuật đã không còn được tiếp diễn. Theo tôi, các tác phẩm nghệ thuật sẽ thật hấp dẫn nếu có các ý niệm, tư tưởng hay các quan niệm nghệ sĩ được song hành cùng các yếu tố mỹ thuật. Một ý mở mà tôi đang tự hỏi, liệu các nghệ sĩ tương lai sẽ có những phong cách định hình bởi các khái niệm và lý tưởng chứ không còn là phong cách thị giác đơn thuần?!
Suy nghĩ vậy nên tôi thường bắt đầu bức tranh bởi một cảm tưởng, sau đấy mới đến các yếu tố hội họa. Tôi muốn đạt được trạng thái rỗng trong lúc vẽ, ở đó các cặp yếu tố đối nghịch như: học thức và bản năng, lý trí và cảm xúc, sự tỉ mỉ và khoáng đạt, sự cầu toàn nhưng cũng có khi bất cần, lần lượt hoán đổi và dẫn tôi đi đến hết quá trình hoàn thiện. Cách làm việc cảm tính có phần phiêu lưu, nhiều tranh hỏng hoặc mất nhiều thời gian. Nhưng với tôi, thế còn hơn việc chưa làm mà đã biết trước kết quả như một cỗ máy.
Anh có một trải nghiệm tâm linh đặc biệt nào trong quá trình sáng tác nghệ thuật. Và theo anh, trải nghiệm nào quan trọng đối với nghệ sĩ như anh?
Tôi có một đời sống tâm linh khá đơn giản, trong nghệ thuật, tôi gọi đó là những giao cảm. Hội họa với tôi như là duyên kiếp, tôi đến với nghệ thuật không hề chủ đích, may mắn rằng các thành công và thất bại luôn đến rất đúng lúc để thức tỉnh trong khi tôi quá hân hoan cũng như lúc tôi tuyệt vọng. Những người đã gặp, những câu chuyện hữu duyên cứ đến đúng không gian và thời gian, cứ như là bạn phát ra năng lượng gì thì những năng lượng tương đồng sẽ đến với bạn vậy. Tôi nghĩ đó là một dạng giao cảm. Nó làm cho cuộc sống, công việc và cảm xúc của họa sĩ thêm nhiều giai tầng. Biên độ giao cảm/nhạy cảm của nghệ sĩ càng lớn, anh ta càng có cơ duyên với những tác phẩm vĩ đại.
Hội họa với tôi như là duyên kiếp, tôi đến với nghệ thuật không hề chủ đích, may mắn rằng các thành công và thất bại luôn đến rất đúng lúc để thức tỉnh trong khi tôi quá hân hoan cũng như lúc tôi tuyệt vọng.
Nghệ sĩ thường là những kẻ cô đơn, không phải dạng cô đơn đơn thuần, kẻ cô đơn hay thấy vắng thiếu, luôn đòi hỏi nhiều hơn những tình thương, dễ mẫn cảm nên có nhiều hơn cơ hội lắng nghe và yêu thương đồng loại, chính đó là thứ “tâm linh” mà không chỉ những nghệ sĩ mới cần có trong cuộc sống này.
Một triển lãm bước ngoặt của anh và tại sao?
Tôi vẫn nhớ tháng 10 năm 2013, khi vừa tốt nghiệp trường Mỹ thuật, đó là thời khắc khó khăn với tôi: không tiền bạc, không các mối quan hệ, khi tôi nằm dài sau các dự định thất bại và toan bỏ cuộc thì nhận thông báo từ Ban tổ chức Dogma Collection – Triển lãm mà tôi đã may mắn được giải cao. Có thể nói Triển lãm Dogma năm ấy một lần nữa đã đưa tôi trở lại với Nghệ thuật.
Anh có thể chia sẻ về dự án sắp tới của mình?
Sau sê-ri “Chơi vơi”, tôi đang dự định một triển lãm mới. Sê-ri này vẫn mang các thông điệp về nội tâm nhưng được thể hiện với phong thái hàn lâm – một thể nghiệm nhỏ nữa cho bản thân.
Cám ơn anh vì những chia sẻ thú vị nhé!
Về Art Republik Next Gen 2020
Là một dự án mới mẻ trong giai đoạn cách ly và hậu cách ly, Art Republik Next Gen 2020 có ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng sáng tạo. Thông qua góc nhìn và nhận định của đội ngũ giám khảo dày dạn kinh nghiệm, Art Republik đã tìm kiếm thành công 19 gương mặt trẻ tài năng (trong tổng số 30 hồ sơ được lựa chọn và 70 hồ sơ gửi về) với những tác phẩm phản ánh suy nghĩ thực tế chứ không đơn thuần dừng lại ở chức năng duy mỹ, trong đó nổi bật rõ sự hội nhập với trào lưu nghệ thuật thế giới và bản sắc Việt.
+ Đọc thêm về dự án và danh sách tại: https://bit.ly/32w8TZV
Về Art Republik Vietnam:
Trong những năm gần đây, thị trường nghệ thuật Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mới mẻ, có thể kể đến việc các nghệ sĩ đang tìm cho chính mình những con đường mới với nhiều sáng tạo ra đời, hoặc thị trường nghệ thuật của chúng ta đang đứng trước bước ngoặt cách tân quan trọng..
Do đó, chúng tôi cảm thấy thời điểm này chính là cơ hội để ấn phẩm Mag/Book song ngữ Art Republik Vietnam ra đời để đóng vai trò cầu nối giữa người yêu nghệ thuật và nghệ sĩ, nhà sưu tầm tại Việt Nam, Đông Nam Á hay xa hơn thế nữa.
+ Đọc thêm về ấn phẩm số 1: Một diễn ngôn mới: https://bit.ly/39aieI8
+ Đặt mua ấn phẩm Art Republik: bit.ly/35bgI6N