ART & LIFE

Vẽ trực họa: Trò chuyện cùng họa sĩ Lương Lưu Biên, Đặng Hữu và Phan Sang

Sep 18, 2020 | By Trang Ps

Trực họa luôn là trải nghiệm sáng tác đầy thú vị và giàu cảm xúc, mang đến nguồn năng lượng dồi dào và mới mẻ khi người nghệ sĩ trở lại sáng tác ở studio. Luxuo/Art Republik đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lương Lưu Biên, Đặng Hữu và Phan Sang để khám phá  góc nhìn riêng của họ về chủ đề quen thuộc mà độc đáo này.

Trái sang: Phan Sang – Lương Lưu Biên – Đặng Hữu

Lương Lưu Biên: Ký họa trực tiếp quan trọng trong sự hiểu biết tinh thần và  cảm thông giữa mẫu và họa sĩ

Người ta bảo Tự nhiên là ông thầy của Nghệ thuật, việc vẽ trực họa liên tục rõ ràng mang lại rất nhiều hiểu biết về hình khối, không gian, không khí, màu sắc và cấu trúc, bố cục, và tất nhiên cũng mang lại nhiều cảm hứng và ý tưởng sáng tác mới. Những trường phái nghệ thuật từ cổ điển đến Ấn tượng (Hiện đại) hầu hết đều dựa trên trực họa. Đến ngày nay vẫn còn nhiều họa sĩ theo đuổi cách sáng tác trực họa theo kiểu Ấn tượng, hiện thực, cực thực… Tôi thì không sáng tác theo cách này nhưng dù vậy vẫn thường xuyên trực họa (ký họa) người.

Với mẫu là con người, việc ký họa trực tiếp còn quan trọng hơn trong sự hiểu biết tinh thần và cảm thông giữa người mẫu và họa sĩ. Với rất nhiều họa sĩ trường lớp, họ không chấp nhận việc vẽ dựa theo ảnh chụp, họ cho rằng điều này là hời hợt, thiếu chuyên nghiệp, nó chỉ đơn giản là một việc sao chép một cách máy móc dễ dãi. Vẽ là việc thể hiện lại sự vật, sự việc dựa trên mức độ hiểu biết về nó chứ không chỉ hình khối bên ngoài. Vậy nên càng hiểu biết thấu đáo về đối tượng thì việc mô tả nó càng chuẩn xác và sâu sắc, một mẫu thật thì chứa nhiều thông tin về nó gấp ngàn lần một bức ảnh chụp nó. Người ta sáng tác trực tiếp cũng do mong muốn chuyển tải cảm xúc hiện tại trực tiếp với đối tượng được vẽ lên tranh, làm cho bút pháp và màu sắc sinh động hơn. Lúc đó việc vẽ là sự giao tiếp, đối thoại, tìm kiếm sự thông hiểu, cũng giống như sự thích vẽ của những đứa trẻ bắt đầu tiếp xúc với đời sống.

Việc vẽ theo trí tưởng tượng sẽ mang nặng chủ quan và cá tính sáng tạo của tác giả hơn là trực họa, dù rằng trực họa cũng có điều đó. Từ lúc đi học, mỗi năm chúng tôi có khoảng một vài tháng để đi ghi chép trực họa ở một địa phương nào đó. Sau khi ghi chép, ký họa rất nhiều, chúng tôi lại trở về và tìm tòi những bố cục tranh. Việc tìm bố cục này không sử dụng tư liệu ghi chép, nó chỉ thường được dùng để lấp đầy vào những thiếu hụt chi tiết cụ thể sau đó.

Khi tìm bố cục, ý tưởng sáng tác, những ghi chép và hiểu biết về vùng đất đó sẽ lắng chìm xuống, quên đi. Nó chỉ còn là một cảm xúc lớn, bao quát, những ấn tượng mơ hồ được tạo dựng trở lại trong một bố cục chỉ gồm ngôn ngữ cơ bản hội họa (đường nét, mảng sáng tối, hướng, hòa sắc).

Sau khi chọn được một bố cục ưng ý, một bố cục trừu tượng mang lại cảm xúc của khí hậu vùng đất đó, nhạc tính của nhịp sống hay hoạt động công việc, bình an hay vội vã, ướt át hay khô cằn, vắng lặng mênh mông hay sự đều đặn, chật chội công nghiệp, tốc độ nhanh hay chậm… chúng tôi sẽ một lần nữa đưa vào đó những hình hài, sự vật, câu chuyện có nghĩa cụ thể.

Với hội họa của mình, tôi muốn thế giới hiện thực đi qua tôi và chỉ còn lại những biểu hiện tinh thần cơ bản và chắc lọc nhất, một hiện thực được soi rọi từ tâm trí của mình, để trả lời những câu hỏi nội tâm và tìm kiếm cho nó sự cân bằng. Tôi coi hiện thực bên ngoài như vật liệu thô để sử dụng cho sáng tạo, những sáng tạo mang rõ được cá tính riêng biệt của một nhân vị sáng tạo.

Đặng Hữu: Các quy luật hình thành trong nghệ thuật nằm ở bản chất của tự nhiên

Về nhiều mặt, hội hoạ Alla prima (trực họa) là phương pháp khó vẽ màu dầu, vì tất cả tuỳ thuộc vào hiệu lực của mỗi nhát pinceau và việc áp màu đúng đắn. Nhưng không chỉ có cách thức là đáng kể, quan trọng là việc chọn màu và các sắc độ cùng quan hệ của chúng và hình thức các nhát pinceau. Nghệ sĩ có thể cạo khu còn ướt nhưng không vừa ý, sau đó phải làm lại. Nhiều người thực hiện như vậy và cử chỉ như tự phát.

Năng lực quan sát một vật hay một cảnh và vẽ nó trực tiếp bằng sơn dầu lên tấm toan đòi hỏi sự khéo léo, vững vàng và cần nhiều thực tiễn. Phương pháp này cũng cho phép nghệ sĩ xây dựng ngôn ngữ tạo hình riêng và đề cập mọi đề tài thoải mái. Hình thức thể hiện này đòi hỏi sự tinh tế về trực cảm và khả năng tưởng tượng để chuẩn bị một bảng màu lý tưởng cho khu vực vẽ, và sự lựa chọn bút chổi pinceau là cần thiết. Đó là một bức tranh thuộc “tạng chất” đòi hỏi nghệ sĩ phải có những quyết định và rủi ro.

Không phải mọi bức tranh alla prima đều có tính chất bộc phát và ngẫu hứng. Một số nghệ sĩ vẽ trực tiếp nhưng làm việc chậm dãi và có phương pháp cho đến nhát bút cuối cùng trên một tấm toan trắng. Thông thường, họ làm việc dựa vào một bức hình hoạ bằng bút chì, vẽ nghiên cứu hình, bố cục, ánh sáng từ thiên nhiên.

Vẽ trực hoạ là cách tiếp xúc trực tiếp với đề tài, nhân vật hoặc phong cảnh mình chọn, vì thế mà cảm xúc mạnh mẽ, bút pháp phong phú, đánh thức trực tiếp những xúc cảm vốn có trong người nghệ sĩ, và là chất xúc tác để đào sâu những cảm nhận về tạo hình, bố cục và màu sắc từ thiên nhiên. Tuy nhiên cái khó trong trực hoạ là người nghệ sĩ dễ bị chi phối vào mẫu thật, theo ánh sáng, không khí của tự nhiên. Vì vậy cần phải luôn chắt lọc và trau dồi kiến thức.

Tôi quan niệm vẽ cho mình, vẽ để thoả mãn đam mê cá nhân nên không đặt nặng vấn đề đề tài. Khi bị lôi cuốn về đề tài gì, tôi sẽ vẽ liên tục vài năm, cũng có thể vẽ cùng lúc hai đề tài người và phong cảnh. Ở mảng người, tôi quan tâm khai thác tâm trạng, cuộc sống nhân vật trong tranh, tôi thích vẽ những người nông dân. Họ gần gũi và thân thiết với tôi nên tôi hiểu họ và muốn thể hiện những tâm trạng, suy nghĩ và cuộc sống của họ. Về phong cảnh, tôi cũng vẽ gắn liền với những người nông dân. Đôi lúc là miền núi, cánh đồng hay miền biển. Nhưng thông thường, tôi vẽ từ những chuyến thực tế, trực hoạ, ký họa tranh nhỏ, và về xưởng tôi xây dựng những bức tranh to hơn.

Phan Sang: Vẽ trực họa là cách để cân bằng

Vẽ trực họa rèn luyện và trau dồi cho tôi những khả năng nhìn nhận, màu sắc lẫn bút pháp trước sự vật hay hiện tượng mà tôi đang vẽ, từ đó giúp tôi có nhiều cảm hứng hơn khi sáng tác ở studio.

Vẽ trực hoa và vẽ từ trí trưởng tượng khác nhiều lắm vì không gian, thời gian lẫn ánh sáng là khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, khi vẽ trực họa, tất cả tạo nên nguồn cảm xúc mạnh mẽ cho họa sĩ bộc lộ hết cảm nhận về sự vật hiện tượng mà họ đang vẽ.

Chủ đề trực họa của tôi luôn là phong cảnh thiên nhiên. Dành khoảng thời gian nhất định vẽ ngoài trời cũng là phương thức cân bằng cực kỳ hiệu quả. Và lúc này, cảm xúc chính là yếu tố quan trọng nhất khi tôi cảm nhận về mẫu vật.


 
Back to top