Nghệ thuật

Iola Lenzi: Tìm kiếm dòng chảy chung

Jan 12, 2023 | By Ace Le

Tiến sỹ Iola Lenzi là một nhà nghiên cứu, giám tuyển nghệ thuật Đông Nam Á. Hiện bà đang là giảng viên tại Khoa Nghệ thuật, Thiết kế và Truyền thông, Trường Nanyang Technological University, Singapore.

Iola Lenzi và các tác phẩm vẽ trên khăn trải bàn của Trương Tân trong triển lãm “Moving Pledges” do bà giám tuyển tại Institute of Contemporary Arts (ICA), LASALLE College of the Arts, Singapore, 2018-2019.

Bà bắt đầu nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam từ những năm đầu 2000, và đến giờ đã trở nên chuyên sâu – dù không chỉ giới hạn ở – nghệ thuật đương đại Việt Nam những năm 90. Làn gió nào đã đưa một cựu sinh viên Canada ngành Luật tới đây?

Tôi đã dành cả tuổi thơ của mình lê la khắp các bảo tàng, rồi đi học luật, sau đó là lịch sử nghệ thuật ở London. Tôi chuyển tới Singapore sống năm 1994, và lập tức mê đắm nghệ thuật Đông Nam Á.

Năm 1995, nhiếp ảnh gia Singapore Chua Soo Bin mời tôi đến Bắc Kinh để gặp các bạn nghệ sỹ của anh là Zhou Chunya và Wang Guangyi – chúng tôi đi hát Karaoke. Bối cảnh nghệ thuật Bắc Kinh lúc bấy giờ rất náo nhiệt, nên khi trở về, tôi đã viết một bài thuật lại cho tờ Business Times của Singapore, mở đầu cho một loạt các bài phê bình, phân tích triển lãm và đấu giá mỗi tuần cho tờ này.

Trong buổi khai trương Singapore Art Museum tháng 1 năm 1996, tôi đã được gặp rất nhiều nghệ sỹ trong khu vực, bao gồm Krisna Murti, một người bạn thân thiết cho tới ngày hôm nay. Tôi bắt đầu viết về nghệ thuật Đông Nam Á cho Asian Art Newspaper và ARTAsiaPacific, rồi đào sâu nghiên cứu lịch sử chính trị xã hội khu vực để làm khung định vị cho nghệ thuật đương đại nơi đây.

Các nghệ sỹ bắt đầu mời tôi giám tuyển cho tác phẩm của họ để trưng bày tại các không gian nghệ thuật thử nghiệm như Atelier Frank & Lee ở Singapore – cũng là nơi tôi giám tuyển những sáng tác mới của Vũ Dân Tân và Nguyễn Quang Huy năm 2001. Ngân sách tuy hạn hẹp nhưng chất lượng tác phẩm rất mạnh. Yêu cầu duy nhất của tôi là phải được xuất bản vựng tập, vì tôi không thể giám tuyển mà không viết.

“Đi tìm dữ liệu là thử thách lớn nhất. Những tác phẩm trọng yếu trong thập kỷ 90 hầu hết đã phân tán khỏi Việt Nam hoặc bị phá hủy”

Tôi luôn tôn trọng bà vì những thành quả bà đạt được, và quan điểm không suy chuyển về việc coi Vũ Dân Tân là người đi tiên phong trong nghệ thuật đương đại Việt Nam. Bà có thể chia sẻ cho độc giả về quá trình tiến tới nhận định này?

Giữa thập kỷ 90, tôi được biết tới những tác phẩm nguyên bản và mạnh bạo bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội của những nghệ sỹ như Trương Tân, Nguyễn Văn Cường, Vũ Dân Tân, và những người khác. Loạt tác phẩm của Vũ Dân Tân được bày tại Second Asia Pacific Triennial of Contemporary Art (APT2, 1996) đặc biệt gây tò mò vì cấu trúc nghịch ngợm làm bằng những vỏ hộp vứt đi và sự kết hợp hình ảnh-từ ngữ – nghiên cứu của tôi về liên hợp hình ảnh-từ ngữ trong nghệ thuật đương đại Việt Nam sẽ được ấn hành năm 2022.

Ở Hà Nội, tôi gặp Vũ Dân Tân, người đã cho tôi xem pho tác phẩm đa phương tiện phi thường của mình. Những sáng tác trong thập kỷ 90 của ông không thuật lại, mà tụ hợp chất liệu, ký hiệu, thủ pháp và những khảo tích văn chương để phản tư đời sống Hà Nội. Tôi đã có những bài phân tích ngữ nghĩa ẩn trong thẩm mỹ của ông, minh họa cách ông sử dụng nghệ thuật để mổ xẻ giản lược những vấn đề xã hội-đạo đức của Việt Nam và châu Á, dưới làn sóng toàn cầu hóa. Sáng tác của ông cuốn người xem vào những tranh luận về tư tưởng thời đại – không có sự ngẫu nhiên hoặc Dada về nghệ thuật của Tân.

Iola và tác phẩm của Vũ Dân Tân trong triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, 2014.

Iola và tác phẩm của Vũ Dân Tân trong triển lãm tại Salon Natasha, Hà Nội, 2017.

Vũ Dân Tân sáng tác ở nơi công cộng, một phương pháp theo quan điểm của tôi là có tính trình diễn, đặc biệt khi ông vẫn thường hóm hỉnh tự viết và nhận mình là “lão thợ giày”. Những tác phẩm đả phá tín ngưỡng của ông phản ánh quan niệm nghệ thuật phải thay đổi để tương tác với hiện thực phức tạp và đang dịch chuyển của Việt Nam cuối thế kỷ 20. Dù khác biệt về hình thái, các tác phẩm của Vũ Dân Tân trong thập kỷ 90 đã chia sẻ những chiến thuật và suy tư trong những sáng tác của những nghệ sỹ khu vực như Heri Dono, Nindityo Adipurnomo, Sutee Kunavichayanont, Tang Da Wu, hay Lee Wen, và những người khác nữa. Do vậy, thực hành của ông là một phần của phổ nghệ thuật phản tư trong bối cảnh Đông Nam Á đương đại.

Iola Lenzi (ngoài cùng bên trái) và Dương Tường (ngoài cùng bên phải) tại triển lãm “Venus in Vietnam” do Iola Lenzi giám tuyển tại Viện Goethe, Hà Nội, 2012.

Vũ Dân Tân cũng đóng vai trò quan trọng khi thiết lập Salon Natasha năm 1990, một không gian đã thay đổi bối cảnh nghệ thuật Việt Nam mạnh mẽ. Tân và các nghệ sỹ Hà Nội kể trên đều là những người tiên phong cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Nhưng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng Vũ Dân Tân đã thử nghiệm với những giới hạn nghệ nghệ thuật từ thập kỷ 70 – ông thuộc thế hệ trước Trương Tân và những vị tiên phong khác – có một sự tự tin và tính đô thị trong những tác phẩm đa phương tiện và đa bộ môn những năm 90 của ông, và khiến chúng trở nên đột phá. Ông không tình cờ “ngã vào” sự mới lạ: ngay từ những năm 70, ông đã hiểu rõ sự thiết yếu của việc từ bỏ những trói buộc của nghệ thuật Việt Nam hiện đại, lúc ấy vốn đã trở nên tù túng. Các sáng tác của ông không bận tâm tới những quy tắc trong giới thực hành bấy giờ, và tới khi các nghệ sỹ Hà Nội bắt đầu rụt rè nhón chân thăm dò những thay đổi phong cách và đề tài hậu-đổi mới, thì Tân đã thực hành nghệ thuật đương đại như nó đã được định nghĩa ở Đông Nam Á rồi.

Trong một bài viết trên ARTAsiaPacific (AAP) năm 2002 tựa đề “Hà Nội Paris Hà Nội: Tiến hóa trong nghệ thuật Trương Tân và Nguyễn Quang Huy”, bà coi họ là đại diện của “một nhóm nhỏ nghệ sỹ avant-garde ở Việt Nam, với danh tiếng và ảnh hưởng toàn cầu lấn át dòng chính thống”. Giờ đây nhìn lại, liệu sự hiển lộ ra toàn cầu ấy có phải là một điều kiện cần để nghệ thuật đương đại với tới địa vị chính thống?

Tôi không nghĩ nghệ thuật đương đại những năm 90 của Vũ Dân Tân, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy, Trương Tân và Nguyễn Minh Thành đã với được tới địa vị chính thống, ngay cả lúc này, và “sự hiển lộ ra toàn cầu” (trích lời bạn) là điều kiện cần, hoặc kết quả tất yếu của những biến hóa mới lạ ấy.

Tôi viết luận án Tiến sỹ về những đột phá trong thập kỷ 90 của những vị tiên phong tại Hà Nội – Vũ Dân Tân, Nguyễn Văn Cường, Trương Tân, và những người khác – chính là vì họ vẫn còn là những nghệ sỹ chưa được nghiên cứu nhiều, chưa được biết đến rộng rãi, đặc biệt là Vũ Dân Tân và Nguyễn Văn Cường. Những gì tôi viết năm 2002 trong AAP vẫn đúng: các tác phẩm của họ làm lu mờ dòng nghệ thuật chính thống trong thập kỷ 90 vì chúng làm thay đổi dòng chảy hướng sang đương đại, chứ không phải vì độ thu hút thị trường của chúng.

Iola Lenzi và các tác phẩm “Nhật ký gốm” của Nguyễn Văn Cường trong triển lãm “Negotiating Home, History and Nation: Two Decades of Contemporary Art in Southeast Asia 1991-2011” bà giám tuyển tại Singapore Art Museum, 2011.

Nghệ thuật đương đại thập kỷ 90 trong và sau đó đã được trưng bày ở những triển lãm đương đại phi thương mại, bao gồm cả những dự án của tôi, trong khi nghệ thuật chính thống thì không. Với tư cách một sử gia nghệ thuật, tôi có thể nói rằng việc làm mới nghệ thuật những năm 90 ở Hà Nội mang tính lịch sử cao vì khi phá vỡ khuôn khổ, nó đã tương tác được với bối cảnh đương đại bằng những cách tiếp cận mới về hình thái-ý niệm để sản sinh nghệ thuật đương đại – lịch sử nghệ thuật được kiến thiết bởi những người dám chấp nhận rủi ro. Nhưng điều này không có nghĩa rằng lứa tiên phong đã thay thế được nhóm nghệ sỹ chính thống, những người vẫn được chỉ mặt đặt tên trong sử sách chính thống, có lẽ là vì tính khả thi trong thương mại của họ.

Sách báo viết về nghệ thuật Việt Nam giai đoạn 90 không đề cập một cách nhất quán đến nhóm tiên phong, hoặc nếu có thì cũng chỉ coi họ là phi đương đại vì họ không chạy theo xu hướng thế giới – tất nhiên rồi, vì họ không phải những kẻ a dua! Nhưng Âu-Mỹ không phải là góc nhìn độc quyền về nghệ thuật, nên tôi mới quyết định đặc biệt dành cả nghiên cứu ở cấp Tiến sỹ của mình cho nghệ thuật Việt Nam, trong một bối cảnh Đông Nam Á rộng hơn.

Chúc mừng bà đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ ở Nanyang Technological University. Bà có thể hé lộ được chút gì về quá trình và kết quả nghiên cứu chăng?

Cảm ơn bạn! Đi tìm dữ liệu là thử thách lớn nhất. Những tác phẩm trọng yếu trong thập kỷ 90 hầu hết đã phân tán khỏi Việt Nam hoặc bị phá hủy. Sử liệu cũng lỗ chỗ vì thời ấy không có mấy nghệ sỹ có máy ảnh. Rất may là một số nhà sưu tập ngoại quốc, nghệ sỹ Hà Nội và bạn bè tôi đã sẵn lòng chia sẻ lưu trữ của họ, hé lộ nhiều hình ảnh tác phẩm quan trọng.

Luận án của tôi xoay quanh năng lực đổi mới tự thân của nghệ thuật Việt Nam cuối thế kỷ 20. Kết quả nghiên cứu của tôi cho thấy nghệ thuật đương đại thập kỷ 90 đã bắt nguồn từ sự chuyển mình hối hả của bối cảnh xã hội-thị giác địa phương khi Hà Nội toàn cầu hóa. Các tác phẩm đầu thập kỷ 90 là những thử nghiệm khi nghệ sỹ phản ứng với giai đoạn đổi mới. Trước kia tôi đã có bài nghiên cứu về các cách tiệp cận ý niệm trong nghệ thuật đương đại Đông Nam Á, chỉ ra cách những chiến lược ý niệm được phát triển từ nhu cầu địa phương. Những thực hành đương đại tại Hà Nội thập kỷ 90 cũng nằm trong hệ quy chiếu Đông Nam Á này.

Iola Lenzi khi lắp đặt tác phẩm của Vũ Dân Tân cho triển lãm “The Roving Eye” tại AFTER, Istanbul, 2014.

Iola Lenzi khi lắp đặt tác phẩm của Vũ Dân Tân cho triển lãm “The Roving Eye” tại AFTER, Istanbul, 2014.

Vì vậy, luận án Tiến sỹ của của tôi phân tích những cơ chế và thành tố đứng sau chuyển dịch nghệ thuật đó ở Hà Nội, và kết luận rằng các sáng tác của Vũ Dân Tân, Nguyễn Văn Cường, Trương Tân và những người khác đã phản ánh những kiểm soát thẩm mỹ và tư tưởng phản tư độc lập của chính họ, theo đó mở rộng sân chơi nghệ thuật đương đại Đông Nam Á. Tôi đã xuất bản một số kết quả nghiên cứu, và sẽ tiếp tục trích xuất chúng trong những bài luận sắp tới, và một cuốn sách ra mắt năm nay.

“Vũ Dân Tân sáng tác ở nơi công cộng, một phương pháp theo quan điểm của tôi là có tính trình diễn, đặc biệt khi ông vẫn thường hóm hỉnh tự viết và nhận mình là “lão thợ giày”.”

Trong những triển lãm bà đã giám tuyển những năm qua, bà đã luôn định vị các sân chơi nghệ thuật trong Đông Nam Á – trong đó có Việt Nam – trong mối tương quan với nhau, để tìm ra những dòng chảy chung ở tầm nhìn vĩ mô. Xin chia sẻ thêm về lối tiếp cận giám tuyển của bà?

Các sáng tác của những nghệ sỹ Đông Nam Á đến từ những bối cảnh, giai đoạn và khu vực khác nhau cho ta thấy nhiều dòng chảy chung. Một số người mặc định rằng sự đa dạng của Đông Nam Á không bao gồm những tiếng nói chung trong nghệ thuật, nhưng khi soi kỹ vào các tác phẩm, ta sẽ thấy rằng những tranh luận thời đại về triết học, đạo đức và xã hội đều có những yếu tố phản tư chung của nghệ thuật khu vực, bất kể nó đến từ các nước đang hay đã phát triển, tư bản hay cộng sản – mà những quan sát này rất rõ ràng, không có gì gượng ép ở đây cả!

Iola Lenzi (ngoài cùng bên trái) trong một hội thảo tại Hongkong Art Gallery Week 2015.

Phương pháp giám tuyển của tôi lấy tác phẩm làm chứng cứ trọng tâm, rồi dựa vào học thuật liên ngành để cung cấp và giải thích bối cảnh, bởi vì điểm tham khảo và nguồn cảm hứng đầu tiên của nghệ sỹ chính là môi trường sinh sống của họ – Đông Nam Á hậu-Chiến tranh lạnh khi toàn cầu hóa đặc biệt ẩn chứa nhiều hình ảnh và tư tưởng. Các tác phẩm, dù được sáng tác ở những hệ thống và nền văn hóa khác nhau, đều vin vào những cách tiếp cận thẩm mỹ dưới góc nhìn phản tư-ý niệm tương đồng khi nghệ sỹ vật lộn với những mâu thuẫn tương tự nhau. Tôi củng cố những quan sát này bằng cách đặt những sáng tác ấy cho chúng đối thoại lẫn nhau trong không gian triển lãm. Phân tích mối quan hệ giữa nghệ thuật với bối cảnh, và tổng hợp liên khu vực những mối quan hệ ấy, sẽ cho ra đời một khung lý thuyết hợp lý cho nghệ thuật đương đại Đông Nam Á với tư cách là một trường lý luận riêng biệt.

Iola Lenzi (trái) và nghệ sỹ Thái Lan Vasan Sitthiket ngồi trong khu vực bày tác phẩm sắp đặt “The Past Moved” (2010) của Bùi Công Khánh.

Hiện bà đang có những dự án gì vậy?

Tôi đang đồng biên tập số sắp tới của Francophonie Asie-Pacifique, một tạp chí chuyên ngành Pháp-Việt, nói về những liên hệ giữa Pháp với Thái Bình Dương trong nghệ thuật hiện đại và đương đại; viết một cuốn sách về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á bao gồm kết quả nghiên cứu về giai đoạn Hà Nội nói trên; giám tuyển cho nhóm nghệ sỹ Vertical Submarine trong Singapore Art Week, và giảng dạy khóa cử nhân và thạc sỹ về lịch sử nghệ thuật châu Á tại Singapore. Riêng về giám tuyển – tôi đang có ba triển lãm Đông Nam Á trong kế hoạch, nhưng cần phải phân thân để hoàn thành!

Cảm ơn bà, và chúc bà thành công trong các dự án sắp tới!

(Tất cả hình ảnh do Tiến sỹ Iola Lenzi cung cấp)


 
Back to top