ART & CULTURE

Triển lãm “Toảo” – Phép ẩn dụ của nghệ thuật sơn mài

Dec 25, 2023 | By Art Republik

Ngày 24 tháng 12, tại 16 Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội), triển lãm cá nhân lần thứ 7 của hoạ sĩ Hiền Nguyễn mang tên “Toảo” chính thức khai mạc. Một lần nữa, đề tài vũ trụ trên chất liệu sơn mài của chị lại gây kinh ngạc với giới mộ điệu hội họa.

Hiền Nguyễn, “Infinity”.

“Infinity” – từ vô cực sinh ra vạn vật

Triển lãm chỉ giới thiệu 8 tác phẩm, nhưng chắc chắn khi đứng trước không gian trưng bày, người xem sẽ cùng có một cảm giác choáng ngợp bởi sự đầy đặn và bao phủ của vũ trụ sắc thái mà những bức tranh này mang lại. Trong đó, tác phẩm được xem như là “đinh” của triển lãm lần này được nữ hoạ sĩ đặt cho một cái tên rất khái quát, khái quát như bản chất của vũ trụ theo triết lý Đông phương: “Infinity” – vô cực, bất tận.

Với kích thước 240 cm x 720 cm, mất 2 năm để hoàn thành, đây được xem là tác phẩm lớn nhất, chiếm nhiều thời gian và bòn rút nhiều sức lực, tâm trí của Hiền Nguyễn nhất trong suốt hơn 20 năm thực hành nghệ thuật của chị.

Như chính cái tên, tác phẩm này là một bức tranh mà ngay từ điểm nhìn ban đầu, hoạ sĩ đã chọn ngay giữa không trung, phóng mắt nhìn ngang đến mút điểm chân trời, nơi giao hoà, gồm chứa những quấn quýt, đan xen, trộn lẫn và tách chia nhập nhoạng của trời và đất. Của bùng vỡ khởi sinh vũ trụ. Khả năng chơi những gam màu gây ấn tượng mạnh mẽ cùng sở trường biểu hiện trừu tượng được Hiền Nguyễn phát huy tối đa trong tác phẩm.

Chính ấn tượng này làm ta nhớ đến vô cực đồ trong Dịch học phương Đông cũng như những lời mở đầu của sách “Sáng thế ký” trong Kinh Thánh: “Vả, đất là vô-hình và trống không, sự mờ-tối ở trên mặt vực; Thần khí Đức Chúa Trời vận-hành trên mặt nước. Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng. Đức Chúa Trời thấy sáng là tốt-lành, bèn phân sáng ra cùng tối”. Có lẽ ấn tượng minh triết của hai nền triết lý Đông Tây cùng đi vào trong huyết quản của nữ hoạ sĩ, nuôi dưỡng nên tâm hồn hiện đại của chị nên chị mới tạo ra một “Infinity” với đầy những chớp rạch nhập nhoạng và giao hòa, những hỗn độn và quyện sinh như vậy. Ở “vô cực” này, ta vừa cảm giác một cái gì đó vừa biến mất, nhường chỗ cho một sự khởi đầu của tân vũ vụ. Một khởi đầu vừa có, vừa không căn nguyên, vừa như cảm giác được, lại cũng như không thấu hiểu nổi.

Nơi một phần ba bức tranh, bỗng có một tia sáng tự trời cao, như một ánh chớp đâm sầm xuống. Hiền Nguyễn chia sẻ rằng, với chị đó như là một ẩn dụ về hình tượng thần Zeus – vị thần chúa tể trong thần thoại Hy Lạp. Zeus vốn là vị thần của những cuộc giao hoan đa dạng, thường sẽ như một tia sét giáng xuống trần với nhiều hình tướng để hợp hoan với phàm nhân. Ở đây, hoạ sĩ gợi tia sét đâm xuống vùng nhập nhầy, hỗn độn trầm nâu ẩm ướt như một cái chí dương đâm vào, phá vỡ cái chí âm nhằm kiến tạo một sinh thể mới.

Vậy là “Infinity” dùng cái biểu hiện của màu, của sắc độ để chuyển tải một ẩn dụ không chỉ về sự khởi sinh của vũ trụ, mà đó còn như một ẩn ý về sự phồn sinh nhục thể động của sự sống vô hồi và vĩnh cửu.

Đặt tác phẩm “Infinity” ở trung tâm triển lãm, bảy bức tranh còn lại như là bảy khúc biến tấu của một tổng phổ, bảy sắc diện, bảy biến thể của một bản thể. Bản thể mang tên vũ trụ khôn cùng.

Vũ trụ là nỗi ám ảnh

Khi bắt đầu bài viết này, chúng tôi thật sự rất loay hoay và trăn trở. Không phải vì không tìm ra ý tứ về một triển lãm mà chúng tôi đã được ngắm nghía trước khá nhiều lần. Mà bởi vì không biết phải bắt đầu như thế nào. Trong sự trăn trở ấy, chợt nhiên tôi nghĩ đến bản thân hoạ sĩ với chính đề tài vũ trụ mà chị đang theo đuổi và thể hiện. Khởi sự với đề tài này từ năm 2019, đến đầu năm 2022, Hiền Nguyễn cho ra mắt triển lãm mang tên “Mở”. Giới thưởng lãm khi thấy chị đi theo đề tài này nghĩ rằng, với “Mở”, chị đã khép lại đề tài vũ trụ để bước sang tìm tòi ở một đề tài khác với tranh sơn mài. Nhưng không, chị tiếp tục với đề tài vũ trụ, như thể đó là một nỗi ám ảnh khó tả. Chị cũng bắt đầu bằng những loay hoay tìm tòi với đề tài này, nhưng khi đã mở được cánh cửa để bước vào chốn mênh mông vô tận ấy, thì chân trời sáng tạo của người nghệ sĩ này không ngừng rộng mở cả về không gian lẫn thời gian.

Nhà văn Trà Đoá từng chia sẻ rằng: “Tranh trừu tượng rất khó vẽ và cũng rất khó thưởng lãm. Vì sao? Vì thiếu đức tin”. Nếu từ góc độ này đối chiếu với thực hành đề tài vũ trụ theo phong cách trừu tượng, Hiền Nguyễn dường như đang vượt qua được “cái khó” ấy, nghĩa là chị đã thấy và sống được trong đức tin của mình, trước cái mênh mông khôn cùng của vũ trụ tâm hồn mình.

Và hẳn, với “Toảo” lần này, chị đang khẳng định rằng đề tài vũ trụ tiếp tục là nỗi ám ảnh day dứt và là đức tin của chị, trên dặm dài hành trình sáng tạo mà chị đang đi.

Lê Văn Đồng


 
Back to top