ART & LIFE

Gặp gỡ Natalia Kraevskaia

Nov 16, 2023 | By Art Republik

Natalia Kraevskaia: “Nhưng làm sao tôi có thể cưỡng lại sự cuốn hút của Vũ Dân Tân, sự uyên bác của Bùi Xuân Phái, sự hài hước của Hoàng Lập Ngôn, và tiếng hát quan họ của Đỗ Phấn?”

Chân dung Natasha, Lê Quảng Hà, 1998. Ảnh: Natalia Kraevskaia.

Natalia Kraevskaia (tức Natasha), sinh năm 1952, là một nhà nghiên cứu độc lập chuyên về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Năm 1990, cùng chồng là cố nghệ sỹ Vũ Dân Tân, bà đã sáng lập phòng tranh thương mại đầu tiên tại Hà Nội mang tên Salon Natasha ở 30 Hàng Bông, một không gian nghệ thuật avant-garde.

Cơ duyên nào đã đưa bà đến Việt Nam và quyết định ở lại đây?

Năm 1983, Bộ Giáo dục Liên Xô cử tôi cùng ba đồng nghiệp khác đến Việt Nam để thành lập Viện Pushkin, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nga. Hai tháng sau, tôi gặp Vũ Dân Tân và bắt đầu sống “đời hai mặt”: về chính danh, tôi thực hiện nhiệm vụ của một nhà giáo dục, và vào thời gian rảnh, tôi bí mật gặp gỡ các nghệ sỹ. Trước thời Đổi Mới, việc tiếp xúc bên ngoài công việc giữa người Việt Nam với người ngoại quốc là phạm pháp, và các chuyên gia Liên Xô cũng được khuyến cáo không gặp gỡ riêng tư với người địa phương. Nhưng làm sao tôi có thể cưỡng lại sự cuốn hút của Vũ Dân Tân, sự uyên bác của Bùi Xuân Phái, sự hài hước của Hoàng Lập Ngôn, và tiếng hát quan họ của Đỗ Phấn? Sau khi kết hôn với Tân vào năm 1985, chúng tôi trở lại Nga. Khi chúng tôi quay về Việt Nam, vào năm 1990, đất nước khi ấy đã hoàn toàn đổi khác.

“Với tôi, anh Tân là người làm nên tinh thần của Salon Natasha. Mục tiêu của anh là tạo ra một không gian tự do cho nghệ thuật thử nghiệm mới.”

Bà có thể chia sẻ về sự ra đời của Salon Natasha?

Thành thật mà nói, chúng tôi trở về Việt Nam với mong muốn mở một không gian nghệ thuật. Đó hẳn nhiên là ý tưởng của anh Tân. Thời gian ba năm rưỡi của chúng tôi ở Nga (lúc đó vẫn là Liên Xô) trùng với thời gian diễn cải cách kinh tế với nhiều thay đổi lớn trên mọi lĩnh vực. Anh Tân vô cùng ấn tượng với bầu không khí tự do trong nghệ thuật: người ta không còn phải tuân theo quy định nhà nước, trung thành với đường lối, hay theo đuổi phong cách nghệ thuật đã được vạch sẵn. Hơn thế nữa, với tinh thần tươi mới và đa dạng, nghệ thuật bắt đầu bước vào không gian công cộng của các thành phố.

Niềm đam mê dành cho những tác phẩm có thể đến được với cộng đồng mà anh Tân đi xem ở công viên Izmailovsky tại Moscow được truyền tải rất rõ trong bức thư gửi đến Dương Tường, được đăng trên báo Thể Thao & Văn Hóa (29.11.1987). Trong thư ấy, Vũ Dân Tân đã đặt ra câu hỏi về khả năng có một Izmaylovo của Hà Nội. Tuy nhiên, khi trở về vào năm 1989, chúng tôi thấy rằng vẫn chưa có một động thái nào đáng kể trong nền nghệ thuật Việt Nam. Salon Natasha đã ra đời vào năm 1990 với mong muốn nhiệt thành của anh Tân là mang tới một không gian nghệ thuật tự do, dù nhỏ thôi cũng được.

Thư Vũ Dân Tân gửi Dương Tường, đăng trên báo Thể thao & Văn hóa, 1987. Ảnh: Natalia Kraevskaia.

Sau khi kết hôn, bà đã tiếp tục làm việc với tư cách là một nhà sử học và giám tuyển nghệ thuật tại Việt Nam. Mối quan hệ hôn nhân và đồng nghiệp giữa bà với Vũ Dân Tân được xây dựng như thế nào? Liệu sự kết hợp độc đáo này đã làm nên tinh thần của Salon Natasha?

Với tôi, anh Tân là người làm nên tinh thần của Salon Natasha. Mục tiêu của anh là tạo ra một không gian tự do cho nghệ thuật thử nghiệm mới. Anh Tân không coi gallery là nơi chỉ để trưng bày; thay vào đó, anh ấy ủng hộ việc tích hợp studio với không gian sinh hoạt riêng của chúng tôi cùng không gian triển lãm. Đó là chưa kể đến việc anh luôn đón chào những cuộc tụ họp hằng ngày với bạn bè, các văn nghệ sỹ và những người làm sáng tạo khác – việc trao đổi thường xuyên ấy rất quan trọng với anh.

Tuy nhiên, anh Tân không tham gia vào công việc quản lý Salon mà chỉ đóng vai trò là nghệ sỹ – giống như bao nghệ sỹ khác triển lãm ở đây. Anh giao cho tôi nhiệm vụ quản lý. Tôi được tự do tổ chức triển lãm, làm việc với các nghệ sỹ; yêu cầu duy nhất mà anh Tân đặt ra là tôi không trưng bày các tác phẩm cổ súy bạo lực. Em họ của anh Tân, Mai Chí Thanh, và Eric Leroux, một nghệ sỹ Pháp, giúp tôi quản lý Salon trong giai đoạn thập niên 1990. Và vì vậy, tôi với anh Tân mỗi người một việc, những xích mích liên quan đến hoạt động của Salon nhờ vậy hoàn toàn không diễn ra.

Trình diễn âm thanh của các nghệ sỹ tại Salon Natasha cho phóng sự đài truyền hình NHK, Nhật, 2000. Nguồn: Natalia Kraevskaia.

Cuốn sách “Từ Hoài cổ hướng sang Miền đất mới” của bà, ở thời điểm năm 2005, gần như là ấn phẩm đầu tiên và duy nhất về nghệ thuật đương đại và hiện đại Việt Nam do một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật nước ngoài viết, đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Cuốn sách đã được đón nhận như thế nào trong lần đầu ra mắt? Bà nhận định mình có những quan điểm khác biệt gì so với các nhà nghiên cứu trong nước cũng như nước ngoài khác về nghệ thuật Việt Nam?

Cuốn sách này là tập hợp các tiểu luận đã được xuất bản của tôi, một số ở Việt Nam, số còn lại ở nước ngoài. Với tôi, điều quan trọng là người Việt Nam sẽ đọc nó. Các phản hồi tới cuốn sách rất đa dạng. Một mặt, có một số người cho rằng những nhận định của tôi khá khắt khe. Mặt khác, khi tôi đăng tải vài phần của cuốn sách lên chuyên trang hàn lâm www. academia.edu, thì những bài khắt khe nhất, kể cả đã được viết 20 năm trước, lại là những bài được đón đọc nhiều nhất.

Thêm điều nữa là, với chuyên ngành ngôn ngữ học và sử học văn học, quan điểm và cách phân tích của tôi có thể khác với những cây viết nghệ thuật khác. Tôi thường sử dụng các phương pháp luận từ những lĩnh vực này, chẳng hạn như ký hiệu học và phân tích so sánh của bên ngôn ngữ học, hay phân tích xã hội học với điều tra tâm lý của bên nghiên cứu văn học. Tôi cảm thấy may mắn khi có thể sống ở Việt Nam để hiểu rõ hơn về các dòng chảy địa phương. Tuy nhiên, tôi vẫn khó có thể cạnh tranh với các chuyên gia Việt Nam, những người đã ngụp lặn trong lịch sử văn hóa của xứ sở này.

“Mối bận tâm duy nhất của tôi có chăng chỉ là: liệu họ có đủ dũng cảm như những người đi trước hay không?”

Một hội nghị bàn tròn “Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?” từng diễn ra vào năm 2002 trên trang Talawas. Nếu chúng ta mở ra một hội nghị bàn tròn khác về nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh ngày nay, bà có nghĩ sẽ có sự khác biệt lớn nào không? Về những tiếng nói chủ chốt, những quan sát về dòng chảy đương đại, và cách mà bối cảnh nghệ thuật đã thay đổi theo thời gian?

Theo tôi, mỗi thời kỳ đều đặt ra các vấn đề cụ thể, nhưng một số vấn đề vẫn mang tính thời sự trong nhiều thập kỷ và thu hút các nhà phê bình. Việc chúng ta có thể tiếp tục thảo luận chắc chắn là hữu ích; tuy nhiên, tôi cho rằng thảo luận trên các nền tảng như trang Talawas sẽ thích hợp hơn là trên không gian mạng như Facebook. Và tất nhiên, sẽ có những người mới đóng vai trò quan trọng: một thế hệ trẻ gồm các nhà sử học, nhà phê bình hay giám tuyển nghệ thuật Việt Nam không chỉ có kiến thức mà còn năng động. Mối bận tâm duy nhất của tôi có chăng chỉ là: liệu họ có đủ dũng cảm như những người đi trước hay không?

Các nghệ sỹ tham gia triển lãm “My Favourite Characters” cùng khách mời tại buổi khai mạc ở Salon Natasha, 1995. Ảnh: Natalia Kraevskaia.

Bà có thể chia sẻ một số dự định tương lai cho kho lưu trữ Salon Natasha cũng như bộ sưu tập nghệ thuật Vũ Dân Tân không? Bà có ý định mở một không gian để tiếp tục chia sẻ và trưng bày công khai những di sản này không?

Kho lưu trữ của Salon Natasha đã được hoàn thiện vào năm 2015 và có thể được truy cập trên trang web của Asia Art Archive. Tuy nhiên, bộ sưu tập lại chủ yếu xoay quanh các hoạt động của Salon và không bao gồm các tác phẩm được tạo ra hoặc trưng bày bên ngoài khuôn khổ này. Anh Vũ Dân Tân được giới thiệu theo cùng một cách thức như các nghệ sỹ khác từng cộng tác với Salon, tức là nhiều tác phẩm quan trọng của anh – những tác phẩm sắp đặt được làm ở nước ngoài hay của các thời kỳ trước đó – đều không có mặt trong bộ sưu tập. Tôi vẫn đang tiếp tục hệ thống hóa và lưu trữ các tác phẩm của anh Tân, nhưng đó là một quá trình lâu dài. Tôi vẫn mong và đang nỗ lực để có thể mở được một địa điểm nhằm trưng bày di sản này cho công chúng, dẫu chưa biết trước khi nào điều ấy sẽ thành hiện thực.

Một phần kho lưu trữ của Vũ Dân Tân, 2022. Ảnh: Natalia Kraevskaia.

Cảm ơn bà thật nhiều!


 
Back to top