Nghệ thuật / Nghệ sĩ

KTS Nguyên Kava từ Story Architecure: Nương theo nhu cầu con người để tạo ra một công trình bền vững

Aug 29, 2021 | By Trang Ps

Nương theo yếu tố con người để phát triển một công trình kiến trúc, và lấy triết lý vô vi của Lão Tử cũng như vô ngã của nhà Phật để hướng đến sự bền vững và cân bằng, KTS Nguyên Kava từ đội ngũ Story Architecture đã bày trải với LUXUO những quan điểm thiết kế thú vị và độc đáo. 

Từ Mom Apron House, Alone House đến Phú Yên House,… những ngôi nhà mà Story Architecture (SA) thực hiện mang phong cách hiện đại hòa nhập vào thiên nhiên. Theo anh, tính đương đại trong một công trình kiến trúc mà SA thiết kế cần đáp ứng những yếu tố thiết yếu nào? Yếu tố nào làm gốc cho một công trình đương đại như vậy?

Theo tôi, công trình kiến trúc sinh ra không nhằm đáp ứng tính cách nào của người kiến trúc sư hay tiêu chí lẫn phong cách mà xã hội đề ra. Công trình kiến trúc cần đáp ứng cho một hay nhiều đối tượng cùng sống trong không gian ấy, với nhu cầu sinh hoạt cụ thể, trong một bối cảnh, vị trí diện tích miếng đất, xã hội văn hóa, điều kiện tự nhiên,… thuộc nơi đó.

Công trình kiến trúc phục vụ con người, vì thế cần lấy yếu tố con người làm gốc, cụ thể là những nhu cầu thiết yếu về thân và tâm của họ trong khi sinh hoạt trong công trình.

Thiết kế từ vật nhỏ nhất đến lớn nhất đều phải dựa vào yếu tố con người mà nương theo. Chẳng hạn ở vật nhỏ như chiếc ghế, thiết kế ghế phải phụ thuộc vào chiều cao đôi chân của bạn, bờ ngang dựa vào kích thước mông, lưng ghế dựa vào đốt sống lưng. Tùy vào tính chất sở thích văn hóa của mỗi người và mỗi vùng mà chiếc ghế có màu sắc và hình dáng phù hợp với người đó. Đến nội thất lớn hơn như chiếc giường, kích thước cao bao nhiêu, dài bao nhiêu để thành viên sử dụng thoải mái. Họ có nhu cầu chứa thêm đồ dùng dưới gầm giường không để người kiến trúc sư cân nhắc làm hộc tủ. Khi hình dung được kích thước và khối tích chiếc giường, sẽ đi đến tủ đồ hay kệ TV…

Mom Apron House Đồng Nai: Ngôi nhà thông minh cho gia đình có con nhỏ.

Từ nhu cầu sử dụng và tỷ lệ kích thước/khối tích các vật dụng, tiếp theo, kiến trúc sư phân tích khi ngồi xuống kéo hộc tủ thì cần khoảng rộng bao nhiêu để lưng bạn không bị đụng chiếc ghế và giường phía sau. Khi di chuyển, cần khoảng rộng như thế nào để không va vấp vào các vật dụng. Từ đó hình dung cụ thể về khối tích ngang rộng của một phòng ngủ cũng như chiều cao trần để thành viên không cảm thấy bị ngộp và không bị loãng dẫn đến khó ngủ. Tất cả mọi thiết kế, như vậy, đều nương vào con người mà hình thành. Sau đó, KTS phối màu và sắp xếp bố cục để tạo ra hiệu ứng thị giác thỏa mãn tâm thức.

Từ phòng (ngủ) này, KTS liên kết đến các phòng khác, đến cầu thang (nếu có), luồng giao thông,… Tất cả các kích thước và quy chuẩn đều dựa vào nhu cầu người sử dụng để tạo ra cấu trúc ngôi nhà.

Vì có thể, mỗi người trong gia đình sẽ có những nhu cầu riêng biệt nên ngôi nhà sẽ được thiết kế linh động để mang đến những đáp ứng khác nhau.

Anh có đặt năng vai trò di sản kiến trúc địa phương trong khi thực hành kiến trúc hay không? Và vì sao?

Khi tới một nơi nào đó để khảo sát thiết kế, di sản kiến trúc địa phương đóng vai trò quan trọng và cần được nghiên cứu kỹ để học hỏi. Vì di sản này phản ánh lối sinh hoạt, tập quán cũng như văn hóa của con người nơi đó, đồng thời thể hiện điều kiện thời tiết và khí hậu của khu vực, từ đó giúp KTS có thêm nhiều dữ liệu thiết kế nhằm phục vụ con người sống trong công trình tốt hơn. Cũng nhờ vậy, công trình kiến trúc tương tác với môi trường tự nhiên trọn vẹn hơn.

Trong kiến trúc có thuật ngữ Chủ nghĩa phê bình khu vực (Critical Regionalism), ám chỉ một hướng đi bền vững của kiến trúc mà đặt sự chú tâm vào đặc điểm khí hậu, địa hình hay địa chất, như một ý tưởng phản biện lại chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Hướng đi của SA khi liên tưởng đến chủ nghĩa này như thế nào?

Chủ nghĩa kiến trúc do các nhà nghiên cứu kiến trúc hay nhà phê bình kiến trúc đặt ra sau một giai đoạn phát triển kiến trúc dựa vào các công trình hiện hữu. Các kiến trúc sư thực thụ không nhằm mục đích tạo ra một trường phái nào mà đơn thuần sáng tạo những công trình phục vụ con người với nền văn hóa, xã hội và điều kiện kinh tế tự nhiên cụ thể…. Từ đó, mỗi khu vực sẽ sở hữu những hình thức kiến trúc khác nhau.

Vì kiến trúc nhằm phục vụ con người nên hướng phát triển của văn phòng SA vẫn dựa vào nhu cầu của con người hiện tại trong bối cảnh xã hội – kinh tế hiện tại cùng điều kiện tự nhiên của từng vùng miền cụ thể rồi nương vào đó để phát triển kiến trúc.

Về chủ nghĩa kiến trúc (Critical Regionalism) hay kiến trúc bền vững, tôi nghĩ hầu hết các kiến trúc sư khi nghiên cứu một đồ án nào đó, những tiêu chí này là điều đương nhiên và là kiến thức căn bản trong các tiết học kiến trúc ở các trường đào tạo kiến trúc nên không có gì phải bàn cãi.

Nhà Phú Yên: Nơi trú ngụ lý tưởng của gia đình có trẻ nhỏ

Vật liệu đóng vai trò tiếng nói ra sao trong khi thi công một công trình? SA có hướng tiếp cậnvật liệu ra sao, và có thử nghiệm vật liệu nào mới hay chăng?

Vật liệu thô đóng vai trò giúp kết cấu bền vững khi tương tác với môi trường theo thời gian. Vật liệu hoàn thiện ngoài độ bền còn đóng vai trò tạo ra cảm xúc.

Văn phòng chúng tôi luôn tiếp cận và sử dụng những vật liệu mới với các tính năng tốt hơn cho sức khỏe con người, dễ dàng thi công và thân thiện môi trường

Yếu tố ánh sáng luôn được thể hiện một cách sinh động trong các công trình của SA. Anh có thể nêu ra một số cách tiếp cận ánh sáng lý tưởng cho một ngôi nhà vùng nông thôn và thành thị?

Khi chúng ta ngăn các bước tường lại để tạo ra không gian thì ánh sáng đại diện cho thời gian. Con người và vạn vật sinh trưởng được nhờ ánh sáng, vì thế, việc đưa ánh sáng vào công trình kiến trúc như thế nào cho hợp lý là điều cần nghiên cứu kỹ để đáp ứng cho từng công trình khác nhau.

Việt Nam là vùng nhiệt đới ẩm nên nhiều nắng nên nhiều gia chủ sợ rồi hướng đến việc xây bít nhiều không gian tối và ẩm thấp.

Khi tiếp cận công trình, với từng ngôi nhà khác nhau sẽ có cách đưa nắng vào nhà khác nhau, nhưng có một điểm chung cơ bản là giảm cường độ sáng và sức nóng mặt trời khi đưa vào nhà. Chúng tôi không đưa nắng trực tiếp vào vùng sinh hoạt mà chia ra vùng nắng rọi vào và vùng sáng. Khu vực nắng rọi vào thường là không gian cây xanh hay các bức tường, làm tán xạ ánh sáng tạo ra các vùng sáng để sinh hoạt thoải mái hơn.

Nhà của chàng độc thân Sài Gòn: Tâm tư cuộc sống đầy ánh sáng và nhiều sống động

Anh quan niệm như thế nào về phong thủy nhà ở khi xây dựng một công trình? 

Phong thủy của một ngôi nhà tốt hay xấu phụ thuộc vào nhân quả của chủ nhà. Nhân quả phụ thuộc vào nghiệp lực, nghiệp lực phụ thuộc vào hành vi thói quen sinh hoạt đời sống của gia chủ. Ví dụ, gia chủ đi xem phong thủy và thầy phong thủy nói rằng đặt cái bàn hướng như vậy thì tốt, chủ nhà đặt đúng như vậy nhưng vì nghiệp xấu nên đứa con vô tình chạy tông vào bàn làm lệch đi một tí mà mình không biết và trở nên xấu. Hay, chủ nhà lỡ đặt chậu cây trước cửa nhà (vị trí phong thủy không tốt) nhưng vì tâm gia chủ tốt, nghiệp lực tốt nên có người lượm rác đi ngang qua vô tình nhích chậu cây qua một chút để lượm lon thì nó lại rơi vào vị trí tốt.

Có những ảnh hưởng nào (con người/câu chuyện) lên triết lý xây dựng và thiết kế của bên bạn hay không?

Vì kiến trúc phục vụ cho đời sống con người, và là con người, thì ai ai cũng làm việc gì đó nhằm mưu cầu hạnh phúc. Triết lý vô ngã của nhà Phật đã chỉ cách làm thế nào để đạt cuộc sống hạnh phúc, và áp dụng triết lý này vào kiến trúc cũng kiến tạo ra các không gian nhằm hướng con người tới sự bình yên và cân bằng.

Song song đó, triết lý vô vi của Lão Tử hướng con người hòa hợp với tự nhiên, sống an nhiên hạnh phúc, và kiến trúc cũng như vậy, cũng cần hòa hợp với tự nhiên và để con người hòa hợp với tự nhiên.

SALEM HOUSE

Triết lý Phật giáo và Lão Tử ảnh hưởng đến SA ra sao về việc tạo ra một công trình bền vững? Yếu tố hàng đầu tạo nên giá trị bền vững ấy là gì trong cách tiếp cận riêng của anh và studio?

Tính chất bền vững trong công trình có hai yếu tố. Một là yếu tố bền vững riêng cho công trình, nằm ở tính kết cấu bền chắc của công trình, và hai là tính chất phát triển bền vững của công trình tạo ra sự cộng sinh với tất cả các yếu tố còn lại như tự nhiên,  con người và xã hội. Nói một cách dễ hiểu hơn là sự phát triển của công trình kiến trúc không tàn phá môi trường tự nhiên,văn hóa và xã hội mà tương hỗ cùng nhau phát triển.

Còn Triết lý Nhà Phật, hay triết lý Lão giáo giúp con người buông bỏ cái tôi, bỏ bản ngã muốn được thể hiện, muốn được hơn, để sáng tạo ra một công trình hòa hợp với con người và với thiên nhiên.

Sở dĩ, để đạt giá trị bền vững, thì không có cái nào là hàng đầu, là quan trọng nhất, tất cả bình đẳng với nhau.


 
Back to top