ART & CULTURE

Nghệ thuật đã không còn vị nghệ thuật từ rất lâu rồi…

Aug 29, 2021 | By Tam Tam

“Nghệ thuật đã không còn vị nghệ thuật từ rất lâu rồi….” – đó là quan điểm từ Tam Tam, một cây bút của Art Republik Việt Nam. Và “Nhạc hay để làm gì? Bức tranh đẹp để làm gì? Ai sẽ là những kẻ ngu ngốc khi cùng thích Mozart, M. Carrel, Michelangelo…“ – những câu hỏi này đã xuất hiện cách đây gần 2 thế kỷ.

Bạn là chuột Mickey hay là vịt Donald trong tác phẩm này? Roy Lichtenstein, Nhìn này Mickey (Look Mickey), 1961, sơn dầu (oil on canvas)

Câu nói truyền miệng “nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh” từ lâu đã tạo ra nhiều định kiến trong suy nghĩ của người Việt: làm nghệ thuật phải nhiều cảm xúc, cần phải có hứng mới làm nên được tác phẩm, nghệ thuật chân chính không vì tiền…

Tuy nhiên, cảm xúc của con người, về mặt cơ bản, là sự chủ quan. Cảm xúc của một người nghệ sỹ chưa chắc tạo ra cảm xúc cho người xem. Trong khi sự ngẫu hứng cũng tương đương với may mắn. Vì thế, việc trở thành nô lệ của câu nói truyền miệng mà ít ai hiểu về nguồn gốc của nó khiến cho nghệ thuật bị “mắc bẫy”.

Nghệ thuật vô cảm và đầy thách thức

Câu chuyện rằng Marcel Duchamp đã đặt ngược một chiếc bồn tiểu và đặt tên là “Đài phun nước” (Fountain), sau đó ký tên dưới bút danh R.Mutt và gửi đến Hội Nghệ sỹ độc lập (Society of Independent Artists) tại New York, Mỹ.

Vào thời điểm đó, Duchamp là thành viên hội đồng quản trị. Sau nhiều tranh cãi, tác phẩm đã không được giới thiệu trong triển lãm. Sau đó, Duchamp từ chức khỏi Hội đồng để phản đối. “Đài phun nước” được trưng bày và chụp ảnh tại studio của Alfred Stieglitz, và bức ảnh được xuất bản trong The Blind Man, nhưng bản gốc đã bị mất. Giờ đây, tác phẩm này được xem như một trong những tác phẩm tiêu biểu của thế kỷ 20.

Ở Việt Nam, các tác phẩm của sự thách thức khi nào sẽ xuất hiện?

Đây chính là sự thỏa mãn của một chuỗi câu hỏi, thách thức định nghĩa lại “nghệ thuật” của Duchamp nói riêng và phong trào Dada nói chung. Tác phẩm thành công ở việc kích thích cảm xúc (có phần tiêu cực, một scandal) và một cuộc tranh luận. Nó khiến chúng ta tự vấn và phải tìm cách tự thỏa mãn chính chúng ta vì cái sự mới mẻ, thách thức các giá trị, tiêu chuẩn nghệ thuật thời bấy giờ. “Đài phun nước” chỉ là một ví dụ nhỏ của sự thỏa mãn. Câu hỏi tiếp theo đặt ra là: “Ở Việt Nam, các tác phẩm của sự thách thức khi nào sẽ xuất hiện?”

Bạn nghĩ cảm xúc Duchamp là gì trong tác phẩm này? Trên: Marcel Duchamp – Đài phun nước (Fountain), 1917 Dưới: “Đài phun nước” trong tạp chí The Blind Man

“Nghệ thuật vị nghệ thuật” là lý thuyết được hình thành bởi nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật người pháp Théophile Gautier (1811-1872) (còn vế “Nghệ thuật vị nhân sinh” thì không rõ nguồn gốc).

Lý thuyết này xuất hiện trong lời nói đầu của cuốn sách Mademoiselle de Maupin (Quý cô Maupin) năm 1834: “Nhạc hay để làm gì? Bức tranh đẹp để làm gì? Ai sẽ là những kẻ ngu ngốc khi cùng thích Mozart, M. Carrel, Michelangelo và kẻ đã phát minh ra mù tạt trắng? Không có gì thực sự đẹp ngoại trừ cái không thể sử dụng được; tất cả những gì hữu ích đều xấu […] Tôi thích một chiếc bình nào đó phục vụ cho tôi dưới dạng một chiếc bình gốm sứ, chạm khắc rồng và chữ quan thoại, mà không phục vụ cho bất kì nhu cầu nào của tôi.

“Nghệ thuật vị nghệ thuật”… là lý thuyết bị bác bỏ ở đầu thế kỷ thứ 19. Nghệ thuật đương đại là sự đón nhận một cách cởi mở và đầy lí trí.

Lý thuyết về vẻ đẹp đã được định hình và tiêu chuẩn hóa trong thời bấy giờ. Tuy nhiên, nó đã bị bác bỏ bởi nhiều nhà triết học lớn như George Sand, Friedrich Nietzsche… Một điều thú vị là lý thuyết này vẫn còn tồn tại đến bây giờ và được giảng dạy ở nước ta. Tả thực chân dung và tĩnh vật vẫn là chuẩn mực để xác định năng lực nghệ sỹ. Và như thế, nền giáo dục bị cảm tính và thiếu ứng dụng.

Jackson Pollock, Số 1 (Number 1), 1949, men và sơn kim loại trên vải (enamel and paint on canvas)

Cũng như các môn khoa học, nghệ thuật cũng có những chuỗi tư duy lí luận lô-gíc, nối kết và phát triển. Ở đây, chúng ta sẽ không xác định đúng sai về lý thuyết này. Để nói một cách chính xác nhất, sự tồn tại của lý thuyết này chính là lí do hình thành của những lý thuyết và tư tưởng khác.

Bản thân những nghệ sỹ nổi tiếng cũng rất am hiểu lịch sử và tầm nhìn của những người đi trước để hình thành tư duy nghệ thuật của chính bản thân. Và đó là tiền đề của những thế hệ nghệ sỹ tiếp theo xây dài thêm cây cầu lịch sử của nghệ thuật thế giới. Nghiên cứu và học tập cả chiều dài hình thành nền nghệ thuật thế giới chính là cách tốt nhất để mài dũa tư duy nghệ thuật. Nếu không, người nghệ sỹ sẽ bị mắc kẹt trong cái tôi cá nhân cực đoan, lạc hậu và những chuẩn mực lỗi thời.

Damien Hirst, The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living (1991). Kính, thép sơn, silicone, acrylic, cáp nhựa, con bò và dung dịch formaldehyde

Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, khi mà các nền văn hóa đang trở nên không biên giới. Những yếu tố nghệ thuật cũ được sử dụng chỉ để tạo ra cái mới hơn. Nếu chỉ có dựa vào lối suy nghĩ, kỹ thuật của thế kỷ 19, khả năng cao người xem sẽ bị ngợp, sốc và có cái nhìn tiêu cực đối với những tác phẩm ở thế kỷ 20, 21. Vì nghệ thuật không có giới hạn, nên người xem cũng không nên chỉ giới hạn bởi việc thích hay không. Thay vào đó, hãy trở nên tò mò để thấy những điều thú vị hơn.

Ngày nay, các nghệ sỹ đương đại đóng góp cho nền nghệ thuật thế giới: Jeff Koons, Damien Hirst, Jasper Johns… kiếm rất nhiều tiền. Dù tích cực hay tiêu cực, họ cũng đang “vị nghệ thuật” một cách rất hiệu quả. Có thể nói rằng tầm nhìn nghệ thuật của họ được đón nhận và quy đổi ra vật chất.

Trái: Jeff Koons cùng tác phẩm “Chó bong bóng”, thép không rỉ. Phải: Jeff Koons trong dự án hợp tác “Masters collection” với Louis Vuitton.

Thông thạo các kỹ năng nghệ thuật, tôi có phải là một người nghệ sỹ?

Quay lại nhiều thế kỷ trước, nhiều tác phẩm vĩ mô của các bậc thầy như Da Vinci, Raphael được hoàn thành dưới sự giúp đỡ của rất nhiều trợ lý. Những người trợ lý này cũng sở hữu những khả năng và kỹ thuật thượng thừa để có thể hoàn thành yêu cầu của các bậc thầy. Bản thân Da Vinci, cũng đã từng là trợ lý cho bậc thầy Verrocchio, hoàn thành tác phẩm “Lễ rửa tội của Chúa Kitô”. Từ sau đó, chúng ta đều biết đến sự vĩ đại của Leonardo Da Vinci.

Andrea del Verrocchio, Lễ rửa tội của chúa Kitô (The Baptism of Christ), khoảng 1475 (est.1475)

Nhìn về thị trường nghệ thuật trong nước, chúng ta có một số nghệ sỹ chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện kỹ năng và thực hành theo cảm tính hoặc theo công chúng chứ vẫn ít đi theo hướng nghiên cứu ý niệm. Một số học viên được đào tạo ra trường cũng không hiểu về điều này. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, ở mức độ nào đó, việc này chỉ dừng ở mức ứng dụng nghệ thuật.

Tầm nhìn ý niệm nghệ thuật cho ra đời những ý tưởng sáng tạo. Đây chính là sự khác biệt giữa một người nghệ sỹ và một người có kỹ năng làm nghệ thuật. Theo chiều dài lịch sử nghệ thuật, các nghệ sỹ luôn tạo ra nhiều cuộc cạnh tranh quyết liệt để tạo ra ý niệm mới.

Làm khác đi một tí so với thị trường hay trở nên “dị dị” không giúp cho nghệ thuật của bạn trở nên có giá trị, sáng tạo. Những hành động, suy nghĩ ấy chỉ là những tính toán thực hiện tác phẩm đơn thuần. Việc chất vấn các yếu tố trong đời sống, chất vấn bản chất nghệ thuật, trải nghiệm bản thân sẽ là “mồi lửa” cho những ý tưởng sáng tạo. Đó cũng chính là thành quả của một chuỗi tư duy và được miêu tả qua tác phẩm. Không có sự ngẫu hứng hay ngẫu nhiên nào cả.

Nghệ thuật cổ điển lãng mạn Anh có đủ yếu tố của cái đẹp nghệ thuật vị nghệ thuật nhưng cũng sớm thoái trào vào cuối thế kỷ 19. Lawrence Alma-Tadema, The Roses of Heliogabalus, 1888, sơn dầu trên toan (oil on canvas), 132.7×214.4 cm.

Như tuyên bố của Pollock năm 1947: “Khi ở trong bức tranh của mình, tôi không biết mình đang làm gì. Chỉ sau một giai đoạn “làm quen” với những trạng thái ở trong đó, tôi mới không sợ việc thay đổi, phá hủy hình ảnh… bởi vì bức tranh có một đời sống riêng của nó. Tôi đã cố gắng để cho nó trôi qua. Chỉ đến khi tôi mất liên lạc với bức tranh thì kết quả là một mớ hỗn độn. Mặt khác có một sự hài hòa thuần khiết, một sự cho nhận dễ dàng, để rồi bức tranh hình thành một cách mỹ mãn.

Thực hiện: Tam Tam


 
Back to top