ART & LIFE

Làm sao để thăng bằng giữa thế giới nghệ thuật đa diện?

Jun 21, 2023 | By Trang Ps

Trong Kiều, Nguyễn Du viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân – Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Mỗi người đến với cuộc đời này, đều có một nghiệp thức riêng, mà chỉ có thái độ tỉnh giác mới học ra bài học của chính mình trên nghiệp thức ấy. Những người có duyên với hội họa cũng vậy, đó là “nghiệp” của họ, chỉ khi trở về chính mình, đối diện một cách chân thật, họ mới thuận theo dòng chảy sáng tạo vô tận bên trong.

Mỗi người có một duyên nghiệp để học hỏi và giãi bày riêng

MƯA BIỂN, Acrylic, Trần Vĩnh Thịnh, 2019.

Là một người Á Đông, chúng ta thường có khuynh hướng tâm linh theo kiểu tin vào vận mệnh, sự sắp đặt của số phận hay những gì tương tự. Ai cũng biết mình đều có một lá số tử vi, và lấy đó để lý giải cho những gì xảy đến với mình. Thế nhưng, tử vi chỉ có thể suy đoán được nghiệp lực mà bạn đã tạo từ vô lượng đời sống trước, tức đó là chỉ “quả báo”. Nếu bạn tạo nhân tốt, tức có một thái độ đúng tốt trong đời hiện tại, thì bạn hoàn toàn có thể xoay chuyển được vận mệnh của mình. Và thái độ đúng tốt ấy được coi là quá trình chuyển nghiệp.

Khi Trần Đoàn chia sẻ về hệ thống tử vi, bài học ở đây là để mỗi người chớ nên tham lam tìm cầu mà nên quay về chính mình, học rốt ráo bài học trên nghiệp mang đến ở đời này. Chẳng hạn, lá số tử vi của anh A nói rằng nếu anh ấy làm công việc liên quan đến hội họa sẽ phát triển rất tốt, thì đây chính là bài học mà anh ấy nên đón nhận để phát huy thái độ sống. Nhưng nếu anh ấy lại tham lam, từ chối hội họa, để theo đuổi buôn bán kinh doanh, thì anh ấy có lẽ sẽ khó phát huy được, thậm chí còn đối mặt phải rất nhiều vấn đề cẳng thẳng tinh thần, do không thuận theo dòng chảy nghiệp thức bên trong.

THU Á ĐÔNG 02, 80 x 100 cm, Watercolor, 2022, họa sĩ Hồ Hưng.

Trong quá trình phỏng vấn các họa sĩ, tôi thấy phần đa mọi người đều có nhận thức rất tốt về nhân duyên này của họ. Có nhiều người ban đầu cũng theo đuổi những nghề nghiệp khác, nhưng thấy không thuận với bên trong họ, nên đã dần chuyển hướng sang hội họa và gắn bó. Trong một cuộc phỏng vấn với Duy Hòa, anh cũng giãi bày chân thành: “Những năm đầu vẽ tranh, tôi không thường nghĩ về mục đích của việc làm nghệ thuật hay sáng tác nghệ thuật. Tôi chỉ biết rằng tôi rất ham mê nó. Khoảng năm 2016, tôi mới thường tự hỏi bản thân làm việc này để làm gì. Ngoài là niềm đam mê, một nghề, nó còn là điều gì khác nếu mình dành thời gian cả một đời. Có lẽ bởi sự giãi bày, chiêm nghiệm bằng hội hoạ lại phù hợp với tôi nhất nên tôi thấy an ổn và trân trọng.”

“Dễ mới đúng. Bắt đầu đúng và bạn sẽ thấy dễ. Càng ngày càng dễ, và bạn sẽ đúng. Cách đúng để trở nên dễ dàng là quên đi cách đúng. Và quên rằng sống dễ dàng là dễ”. – Trang Tử

Một người bạn thân thiết của tôi, từ thi sĩ nay đã chuyển qua vẽ tranh, cũng thẳng thắn: “Về sau này chị phát hiện ‘dễ mới đúng, càng dễ càng đúng’. Như việc vẽ của chị, hãy việc viết của em, một lúc nào đó, nó bộc phát và được phát huy một cách mạnh mẽ mà lý trí không thể nào lý giải nổi. Dễ ở đây không phải là công việc vẽ dễ, hay viết dễ, mà là dễ vì thuận theo trực giác hay thiên hướng bên trong mình mà đi, thì khi đó chúng ta chẳng còn phải đấu tranh dằn vặt chi cho mệt mỏi.” Tôi bất ngờ trước chia sẻ của chị, bởi chị nhận ra nó thông qua thực sống của bản thân. Còn tôi biết triết lý ấy trước từ Trang Tử: “Dễ mới đúng. Bắt đầu đúng và bạn sẽ thấy dễ. Càng ngày càng dễ, và bạn sẽ đúng. Cách đúng để trở nên dễ dàng là quên đi cách đúng. Và quên rằng sống dễ dàng là dễ.” Đó chẳng phải là sống vô vi như Lão Tử từng dạy hay tùy duyên thuận pháp như nhà Phật hay sao.

Trở về chính mình để thăng bằng giữa thế giới nghệ thuật đa diện

Tranh của Joseph Harpignies.

Tôi cũng từng thẳng thắn với một bạn họa sĩ mới bước vào nghề rằng: “Nghệ thuật hay viết lách, đó chỉ là một nhân duyên mang đến để ta học ra bài học của mình. Chứ viết lách hay nghệ thuật không phải là tất cả của cuộc đời một con người. Bởi nếu chỉ tham vọng phát triển nghệ thuật, ta thường có khuynh hướng chạy ra bên ngoài, tìm cầu, tham vọng, để rồi không thể thấu hiểu được thế giới vô tận bên trong. Mà khi không hiểu được mình, ta thường rơi vào những tình huống như lạc lõng, cảm thấy không bao giờ là đủ, mệt mỏi, phiền não vì tâm tìm cầu bao giờ cũng chỉ chăm chăm so sánh hơn thua. Nhưng nếu ta biết lắng lòng nghe chính mình, quan sát thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau, niềm vui hạnh phúc bên trong, ta không những thăng bằng được mà cũng không tự tạo ra phiền não chỉ vì tranh đua với thế giới hội họa bên ngoài.”

Thật thế, giờ đây, thế giới nghệ thuật đang mở rộng chiều kích số lượng để thỏa mãn trí sáng tạo của cả nghệ sĩ lẫn sự tìm cầu mới mẻ của người xem. Từ những khuynh hướng cơ bản như hội họa, điêu khắc, giờ đây, nghệ thuật là một thế giới rất “phức tạp”, từ video art, trình diễn, sắp đặt,… rồi gần đây là NFT, cùng rất nhiều trường phái, phong cách dị biệt. Cũng không ít người nghệ sĩ theo đuổi các hình thức này và xem đó là cách làm mới mình, là cách sáng tạo mình. Rồi những tổ chức, giám tuyển,… cũng có thể xem lối đi đa chiều này của nghệ sĩ mới thể hiện được sự phá cách và can đảm của anh ta. Thế nhưng, với tôi, theo đuổi hình thức nghệ thuật đa dạng không định nghĩa sự sáng tạo của một người, mà làm sao anh ta thăng bằng được, có thái độ đúng tốt, để luôn cảm nhận dòng chảy sáng tạo vô tận của anh ta từ bên trong, chứ không phải là “khoe khoang” hình thức sáng tạo tự bên ngoài.

Abstract No11, 2022, Mix on Canvas, 134x81cm, họa sĩ Trần Nhật Thăng.

Trao đổi về vấn đề này, họa sĩ Đoàn Đức Hùng cũng chân thành: “Tôi khá yêu thích xem các loại hình nghệ thuật khác để tìm hiểu những thông điệp, quan niệm mới về nghệ thuật để bổ trợ cho nghề của mình. Tuy nhiên, quả thật, tôi chỉ tập trung vào vẽ. Chỉ làm một việc ấy mà chín cũng đã rất khó rồi! Tôi nghĩ vậy.”

Tất nhiên, nói điều này không hàm ý phê phán hay không đồng ý với cách nghệ sĩ theo đuổi những loại hình nghệ thuật khác nhau, mà nhấn mạnh, nếu bên trong anh cảm thấy chưa phù hợp để trải rộng thể nghiệm của mình, thì phải giữ lấy chính kiến sáng tạo để không lung lạc giữa thế giới nghệ thuật đa diện ngày hôm nay. Thế giới nghệ thuật dù có thay đổi “ghê gớm” đến đâu, thì với những cá nhân có nội tâm vững vàng, họ vẫn luôn thấy giá trị chân – thiện – mỹ là bền vững với thời gian.

Nhưng chân – thiện – mỹ không nằm ở hình thức nghệ thuật, mà nằm ở thái độ của người sáng tạo trong khi vẽ một bức chân dung hay nặn một bức tượng. Vì thế giới nội tâm anh ta phản chiếu hình thức sáng tạo của anh ta. Chứ không phải điều ngược lại.

Như họa sĩ Trần Nhật Thăng cũng từng chia sẻ với tôi: “Nhờ học Phật mà tôi mới ngộ ra sự buông bỏ trong hội họa là như thế nào. Vẽ là hành đạo, là phương tiện tốt để ngộ. Mục đích lớn nhất trong cuộc đời này của tôi chính là ngộ ra sự thật. Tôi thực hành sống và vẽ nương theo những gì Đức Phật khai thị.”


 
Back to top