Suy tư sáng tác P3: Trò chuyện cùng nghệ sĩ Duy Hòa
Đắm mình trong thiên nhiên, cảm nhận tính liên thuộc của toàn bộ sự sống đã khiến hội họa của Duy Hòa nên thơ mà độc đáo, nhẹ nhàng trong sâu thẳm, mãnh liệt trong tĩnh tại. Anh yêu thích những điều dung dị nhưng có tính vĩnh cửu, nên ít để tâm tới những chuyện có tính thời cuộc.
Khi nhìn vào tranh Duy Hòa, điều đầu tiên tôi cảm nhận ấy là một nguồn năng lượng vừa quen vừa lạ, có sự tinh khôi thanh khiết, có một chiều sâu khó tả, có những sự nguệch ngoạc tưởng chừng vô ý nhưng hóa ra lại có một ý tứ, hình khối rõ ràng. Anh quan niệm như thế nào về cách tạo màu, tạo khối trên tranh mình? Có vẻ Duy Hòa là một người khá nhẹ nhàng khi tranh anh hiếm khi thấy những màu sắc quá nóng/đậm hay táo bạo?
Tạo hình của tôi có lẽ được dẫn dắt nhiều từ vô thức. Tôi nhặt lại trong nhiều năm ở những bức vẽ dù được hay chưa được. Mỗi tranh lại có gì đó để học hỏi.
Giai đoạn 2019, tôi bắt đầu định hình dần ngôn ngữ mà mình đang vẽ hiện nay. Tôi thích sự trừu tượng rõ ràng (rõ ràng với mình). Trừu tượng được xuất phát từ những hình ảnh có thật, những cảm quan trực giác, hay tư duy lâu dài. Có lẽ, màu sắc ngoài việc tư duy về cách dùng, nó còn thuộc nhiều về chiều bản năng hay vô thức. Tôi nhận thấy cách dùng màu nhẹ hay đậm, tương phản mạnh, nhiều màu bổ túc,… không hẳn phản ánh sự nhẹ nhàng hay mạnh mẽ cá tính đơn thuần.
Khi mới xem, tôi thường nhìn vào trực giác bắt mắt đầu tiên rồi đi sâu hơn. Quá trình sau nếu đủ để đọng lại điều gì đó bên trong mình thật quan trọng hơn cả. Nhiều hoạ sĩ dùng màu rất mạnh nhưng khi xem, tôi bị vướng mắc vào cấu trúc bên ngoài mà không tiến vào được thêm.
Theo quan sát còn rất khiêm tốn của tôi về tranh Duy Hòa, thì có lẽ, chủ đề sáng tác của anh vốn là những điều bình dị xung quanh. Và anh dường như cũng là người thích đắm mình trong thiên nhiên, và lấy đó như một sự nương nhờ cho việc sáng tạo?
Tôi gắn bó với thiên nhiên và trong sáng tác tranh cũng có nhiều nguyên cớ. Sự yên tĩnh hay sự không lời trong thế giới ấy là điều khiến tôi thấy dung hoà và nuôi dưỡng bản thân rất nhiều.
Chủ thể trong tranh của tôi không nhằm mục đích hướng riêng tới vẻ đẹp của thiên nhiên, mà còn nhờ đó để biểu hiện những suy tư về mối quan hệ của tâm thức với thế giới, dù tôi không hẳn phân tách hai điều này như hai cá thể độc lập hoàn toàn. Càng về sau, khi nhìn thật vào các tác phẩm của đấng tạo hoá, tôi càng thấy mình bé nhỏ và cần nhìn nhận lại bản thân nhiều hơn.
Từ góc nhìn cá nhân, theo anh, sáng tác nghệ thuật nhằm mục đích gì? Anh có nghĩ sáng tạo là một bản năng của loài người?
Những năm đầu vẽ tranh, tôi không thường nghĩ về mục đích của việc làm nghệ thuật hay sáng tác nghệ thuật. Tôi chỉ biết rằng tôi rất ham mê nó. Khoảng năm 2016, tôi mới thường tự hỏi bản thân làm việc này để làm gì. Ngoài là niềm đam mê, một nghề, nó còn là điều gì khác nếu mình dành thời gian cả một đời. Có lẽ bởi sự giãi bày, chiêm nghiệm bằng hội hoạ lại phù hợp với tôi nhất nên tôi thấy an ổn và trân trọng.
Sáng tạo có phải là bản năng của loài người hay không? Tôi không chắc chắc chắn về điều đó.
Anh làm mới chính mình, làm mới sáng tạo như thế nào ?
Giai đoạn đi vẽ ngoài trời, vì tay trắng trong hội hoạ và đang hình thành ngôn ngữ nên sự trôi xảy ra rất nhiều: trôi theo cảm xúc, trôi theo trực giác. Điều đó giống như bạn vừa mày mò để tạo ra một ngôn ngữ của riêng mình, vừa nhìn nhận bản thân, vừa dò dẫm bắt quen với sự rung động của thế giới mà bạn đang tiếp xúc. Quá trình đó giúp tôi rất nhiều trong sáng tác cũng như trong quá trình học hỏi về sự sống.
Giai đoạn bản lề nhất cho việc sáng tác của tôi có lẽ là năm 2016, sau bước chuyển tiếp xúc với thiền Vipassana vào năm 2015. Những tranh trong giai đoạn này quan tâm tới sự rung động và tính không lời của thế giới. Việc đặt tên tác phẩm đơn giản nhất cũng là một phần của việc mình muốn lược bớt các khái niệm trung gian để người thưởng thức có thể bước vào không gian của tác phẩm nhanh hơn và tự do hơn. Có những tranh có lẽ không đặt tên lại phù hợp hơn với mục đích này.
Sự làm mới với tôi không hẳn là sự thay đổi hay mới mẻ về hình thức ngôn ngữ tác phẩm, mà sự rung cảm hay tác động tới mình bao nhiêu qua tác phẩm mới là điều mình để tâm. Cái mới nằm trong một tập hợp cả bộ tác phẩm đủ để thấy một thế giới có tính liên kết, có chiều sâu sự sống. Tôi xem đây là sự sáng tạo đầy phức tạp với cá nhân tôi.
Giai đoạn 2019 đến nay, tôi tập trung nhiều hơn vào sự tương tác với tự nhiên, tương tác với con người, mối quan hệ đó và sự độc lập nếu không có đối tượng tri giác, cái bên ngoài hay cái bên trong.
Còn về nguồn cảm hứng và động lực làm việc thì sao, chúng đến từ đâu?
Giai đoạn mới đi học, tôi mê tranh ấn tượng. Có lẽ đây, bước đầu tiên, tôi vẽ phong cảnh là từ đó. Sau thời gian làm việc với thiên nhiên, tôi cảm thấy rất hợp. Cả ngày được yên tĩnh, và đặc biệt thư giãn. Vẻ đẹp của thiên nhiên khiến tôi mê mẩn. Năng lượng tôi nhận được ở đó cũng rất nhiều. Nhìn nhận lại các sự vật một cách trong trẻo hơn, bớt sự ảnh hưởng từ các màng lọc khái niệm, mới thấy cả một thế giới vô cùng mới mẻ.
Vài năm gần đây, tôi vẽ ở xưởng là chính, nguồn cảm xúc vẫn có từ đó, chỉ là bản thân chiêm nghiệm nhiều hơn về sự nhiệm màu trong những điều giản đơn mà mình thấy hàng ngày. Đó là nguồn cảm hứng lớn và lâu bền với cá nhân mình. Tôi thích những điều dung dị nhưng có tính vĩnh cửu, nên tôi ít để tâm tới những chuyện có tính thời cuộc.
Theo anh, như thế nào là tự do sáng tạo? Làm sao để biết là tự do chứ không phải là đang phóng túng?
Sáng tạo hay thế nào là tự do sáng tạo? Tôi không định rõ được vì đó là hai khái niệm phức tạp. Tôi nghĩ sẽ tuỳ vào mỗi trường hợp cụ thể, hệ giá trị quy chiếu cụ thể hay thời điểm cụ thể để đánh giá.
Sự phóng túng hay đang tự do sáng tạo cũng như vậy, sẽ khó để định đoạt một cá nhân hay một tác phẩm phóng túng mà không thiên kiến cá nhân, hay dựa vào một hệ quan điểm tư tưởng làm nền.
Đại dịch vừa qua có khiến lối sống/ sáng tác của anh thay đổi? Anh học được bài học gì thông qua đại dịch này?
Đại dịch tác động tới tất cả mọi người theo nhiều cách khác nhau, và nó cũng làm cho tôi thấy sự không chắc chắn của mọi thứ. Tuy vậy, lối sống của tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều và sáng tác cũng vậy.
Trong quá trình sáng tác vừa qua, anh có hình thành những thử nghiệm nghệ thuật mới mẻ nào hay không?
Tôi rất thích chất liệu sơn mài, năm 2021 này, tôi đã bắt đầu thử nghiệm với nó.
Còn về dự án sắp tới thì sao?
Tôi thường làm việc không đề ra theo dự án. Sau mỗi một điểm ngưỡng nào đó của bản thân, tôi lại dành vài năm cho sự tìm tòi mới. Nhưng dù như thế nào đi nữa, các tác phẩm sẽ có một mạch nối tiếp nhất định.