ART & LIFE

Khách đầu năm: Họa sỹ Lại Diệu Hà – “Chống lại sự bình thường”

Feb 03, 2022 | By Art Republik

Năng lượng sáng tạo của nghệ sỹ được nuôi dưỡng và kích hoạt như thế nào trong cuộc sống bình thường? Trò chuyện cùng Art Republik, nghệ sỹ Lại Diệu Hà đào sâu vào khái niệm “bình thường mới” khi sáng tạo trong thời gian qua.

Lại Diệu Hà, “Hiện thực chậm lại” (Reality at a standstill) (2021), sơn dầu trên toan (oil on canvas), 55 x 100 cm

Là một trong những nghệ sỹ nổi trội của nghệ thuật trình diễn sắp đặt tại Việt Nam đầu thế kỷ 21, Lại Diệu Hà thường dùng chính mình làm đối tượng nghiên cứu và thực hành. Chị sử dụng nhiều phương thức thể hiện, từ nhiếp ảnh, điêu khắc, sắp đặt, video và gần đây là hội họa để biểu đạt tiếng nói nghệ thuật của mình. Những năm gần đây, chị khá im ắng, tập trung sáng tác hội họa để chuẩn bị cho triển lãm tranh đầu tiên tại Cúc Gallery vào cuối năm 2021.

Điều gì khiến chị tập trung năng lượng sáng tạo vào hội họa thay vì các phương thức khác?

Tôi đã ấp ủ việc vẽ tranh từ lâu. Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ Thuật, tôi trình diễn thể nghiệm như một cách đưa ra tuyên ngôn và nghiên cứu chính mình. Sau nhiều thể nghiệm, tôi muốn tái hiện việc thực hành trình diễn sắp đặt vào trong tranh. Tôi luôn muốn mở rộng các biên độ sáng tạo và không muốn nghệ thuật trình diễn bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Tôi muốn dùng hội họa như một cách để lưu giữ tư liệu trình diễn.

Lại Diệu Hà, “Diễn cảnh trình hiện số 1” (The Spectacles 1 or Scenes of Re-enactment 1) (2021), sơn dầu trên toan (oil on canvas), 100 x 155 cm

Đối với hội họa, tôi như một nghệ sỹ mới. Cảm nhận năng lượng sáng tạo như đang bơi giữa biển. Mỗi lần hoàn thành một bức tranh đều thấy chưa đủ. Cảm giác giống như trong đầu có một cuộn phim chụp rất nhiều nhưng chỉ lấy được một tấm. Tôi nghĩ vẽ tranh làm trình diễn chậm lại, sự tương tác của người xem với tác phẩm cũng khác.

“Trình diễn sắp đặt cần một cú đánh mạnh có thể gây đau, cho cả người xem lẫn người thực hiện” – Lại Diệu Hà

Chị có nghĩ mình đã từ bỏ trình diễn sắp đặt quá sớm, bây giờ mới là thời của thể nghiệm đương đại và sắp đặt ở Việt Nam?

Tôi nghĩ là do tính thời điểm. Khi mình dừng vì mình cảm thấy đau, cả nỗi đau vật lý lẫn tinh thần. Trình diễn thể nghiệm, nếu thấy đau thật tức là không thể nào tiếp tục được nữa rồi. Trình diễn sắp đặt hiện tại ở Việt Nam đang có tính xu hướng nhưng tôi lại cảm thấy các bạn trẻ chưa đẩy hết cảm xúc lên đến đỉnh điểm, cảm giác chưa đủ mạnh.

Tôi không cảm thấy mình từ bỏ thể nghiệm của trình diễn sắp đặt mà vẫn đang trong quá trình nghiên cứu chính mình. Các màn trình diễn mười mấy năm trước tôi ấp ủ trước đó rất lâu. Việc vẽ tranh bây giờ cũng vậy, đã được suy nghĩ và ấp ủ từ gần mười năm trước, nhưng đến 2017 mới thực sự dấn thân.

Trong tương lai có thể tôi sẽ trình diễn lần nữa, khi thai nghén một tuyên ngôn đủ mạnh. Trình diễn thể nghiệm với tôi vẫn luôn là một cách để lấy tư liệu. Song là nghệ sỹ khi đưa tác phẩm ra công chúng thì cần có trách nhiệm, và lần sau càng cần hoàn thiện hơn lần trước. Điều đầu tiên là mình cần thỏa mãn được chính mình, thứ hai là thỏa mãn sự tò mò của khán giả – vốn ngày càng khó tính và hiểu biết hơn. Tôi nghĩ khi mình quay lại với trình diễn thể nghiệm thì mọi thứ sẽ có một quá trình chuẩn bị, bao gồm ý tưởng, không gian, thời gian và tư liệu truyền thông chỉn chu hơn thuở sơ khai.

“Có nhiều người chưa hình dung được trình diễn thực tế của tôi là như thế nào, dù có một số hình ảnh hay video lưu lại. Tôi từng nghĩ đến việc hoàn thiện các tư liệu đó và giới thiệu với công chúng” – Lại Diệu Hà

Một Lại Diệu Hà từng không ngần ngại trình diễn chính cơ thể mình trước công chúng để lấy tư liệu tương tác nay dồn hết tuyên ngôn vào tranh. Liệu đây có phải là một bước chuyển thể hiện sự lùi bước trong tương tác với công chúng, đi vào nội tại nhiều hơn?

(Im lặng một lúc)

Có lẽ là có. Tôi là người làm việc độc lập, tính cá nhân cao đến mức cực đoan. Tôi có xu hướng cô lập chính mình, luôn nghĩ có thể sống ở đảo hoang một mình. Điều này hơi đi ngược với xu hướng cần tương tác với khán giả, cả trên mạng lẫn ngoài đời, của hiện tại. Dù chọn loại hình nghệ thuật nào thì tôi cũng không bao giờ quên được suy nghĩ mình chỉ là đạo cụ thôi.

Có nhiều người chưa hình dung được trình diễn thực tế của tôi là như thế nào, dù có một số hình ảnh hay video lưu lại. Tôi từng nghĩ đến việc hoàn thiện các tư liệu đó và giới thiệu với công chúng. Nhiều người đã viết về chúng, thậm chí đưa vào luận văn tốt nghiệp, nhưng cá nhân tôi thì chưa. Giai đoạn này, tôi đang dùng vẽ tranh như một phương tiện để giới thiệu cách mình làm trình diễn sắp đặt – một cách hoàn thiện tư liệu.

Lại Diệu Hà, “She is a performance”, 100 x 155 cm

Đầu tiên, tôi muốn vẽ lại các cảnh trình diễn chi tiết để người xem hình dung quá trình thay vì ở trong màn trình diễn đó. Tôi nghĩ đó sẽ là một thể nghiệm tương tác khác kích thích trí tưởng tượng. Phần tiếp theo tôi sẽ đi vào sắp đặt trình diễn thật sự trên tranh. Bước thứ ba chính là tranh thể hiện sắp đặt được thể hiện, sắp đặt trình diễn với âm thanh ánh sáng và các hiệu ứng khác.

Đây có lẽ là một bước sang trang mới, khi Diệu Hà không dùng cơ thể vật lý, không trưng mình ra theo nghĩa đen mà đưa các ý niệm thông qua tranh một cách có hệ thống và concept riêng.

Lại Diệu Hà, “Mực Thước Từ Một Bàn Tay” (A standard of a hand) (2020), sơn dầu trên toan (oil on canvas), 150 x 100 cm

Điều gì khiến chị cho rằng các màn trình diễn thể nghiệm của người trẻ hiện nay chưa đủ mạnh?

Có lẽ tôi chưa cảm được thôi hoặc khắt khe quá, nên đôi khi thấy hơi mơ hồ, hời hợt. Trình diễn sắp đặt cần các tố chất và tuyên ngôn mạnh mẽ. Bối cảnh Việt Nam lúc nào cũng ẩn chứa nhiều câu chuyện, xung đột tự thân. Bản thân người nghệ sỹ lúc nào cũng khao khát tự do, đòi hỏi đấu tranh và phản ánh các vấn đề trong xã hội. Tính cá nhân trong phương thức thể hiện này rất mạnh mẽ, đôi khi cần sẵn sàng phơi bày cả những nét xấu xa trong bản thể.

Trình diễn sắp đặt cần một cú đánh mạnh có thể gây đau, cho cả người xem lẫn người thực hiện. Tôi chưa thấy được điều này trong các tác phẩm được xem những năm gần đây.

Đại dịch Covid có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống sáng tạo của chị?

Tôi thuộc nhóm người rất ít ra ngoài mà chỉ tập trung nghiên cứu và làm việc trong nhà. Ở một khía cạnh nào đó, những người như tôi đã tự giãn cách xã hội trong vài giai đoạn. Cuộc sống bình thường vì thế không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng là một cá thể trong một xã hội bị thương, tôi học cách tách biệt các bản thể khi tương tác với người xung quanh.

Lại Diệu Hà, “Cúi xuống Là Hoa” (Bowing and finding Flowers) (2019), 100 x 150 cm. Oil on canvas

Tôi nghĩ đời sống sáng tạo bị ảnh hưởng khi nghệ sỹ không thể phân chia hay lựa chọn các không gian trong giai đoạn này. Chúng ta bị buộc phải chống lại sự nhàm chán trong cuộc sống bình thường và sáng tạo trong các không gian quen thuộc. Mâu thuẫn nảy sinh khi vừa phải chấp nhận sự bình thường mới vừa chống lại chính sự bình thường đó để sáng tạo.

Chị đã chống lại sự bình thường đó như thế nào?

Vốn dĩ tôi không phải người có nhiều bộc lộ như số đông thông thường. Trong nhiều năm, tôi đã chống lại việc bộc lộ cảm xúc trước người khác ngoại trừ trong tác phẩm của mình. Tôi luôn muốn đi sâu vào mỗi vấn đề mình quan tâm, đặt nhiều câu hỏi cho chính bản thân và đi đến tận cùng.

Tôi nghĩ khái niệm chống lại sự bình thường thực chất là một cách luyện tập sự kiên nhẫn và kỷ luật. Thế giới thay đổi rất nhiều trong hai năm qua. Trong đại dịch, người ta hoang mang, bất an và dễ trầm cảm hơn. Cách thức tương tác giữa tôi, chúng ta với nhau đều thay đổi. Mọi thứ trở nên mong manh, nhân sinh quan thay đổi, thậm chí nhiều thứ trần trụi xấu xí phô bày trước mắt hàng ngày mà chúng ta không thể lảng tránh đi chỗ khác được.

Lại Diệu Hà, “Diễn cảnh trình hiện số 2” (The Spectacles 2 or Scenes of Re-enactment 2) (2021), sơn dầu trên toan (oil on canvas), 100 x 155 cm

Một cuộc chuyện trò khơi gợi thật nhiều suy tư. Chân thành cảm ơn chị!

 

Bài: Lam An

Ảnh: Cuc Gallery

 


 
Back to top