Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân: “Kẻ rong chơi với trái tim vô bờ”

May 07, 2020 | By Trang Ps

“Tôi như người điên lang thang khắp nơi và nơi nào có rác thải, tôi lại tìm tới…” – Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân chia sẻ với chúng tôi về hành trình sáng tạo nghệ thuật hoang dã và đầy bản năng của anh. 

Từng là một kẻ lang thang, không nhà không cửa, con đường sáng tạo nghệ thuật của anh vừa hoang dã vừa mang đậm dấu ấn khác lạ. Tôi tò mò không biết sáng tạo trong anh có ý nghĩa như thế nào?

Với tôi, “nghệ thuật là sự ngốc của kẻ sĩ thông minh”. Nghệ thuật trước tiên không phải là con đường mà là thiên hà xúc cảm vô cùng của từng cá nhân mỗi kẻ sĩ. Sáng tác là sự giãi bày miền cảm xúc miên man đó ở góc riêng cá thể trong cái bao la vô cùng.

Con đường thiên hà thì chẳng biết đâu mà lần. Có thể “thị trường nghệ thuật” của nhân loại giờ đây rất cần sự lột xác để vững vàng trên con đường chuyên nghiệp, từ đó biến nghệ sĩ thông minh thành thông minh hơn, chuyên nghiệp hơn như am hiểu thị trường và nắm bắt thị hiếu công chúng để sáng tạo. Khi kinh doanh nghệ thuật, bạn cần cái đầu. Khi sáng tạo, bạn lại cần con tim. Và, tôi là người sáng tạo.

Với tôi, sáng tạo đơn thuần là những trải nghiệm vô bờ bến. Đôi lúc, nó ngốc nghếch, ngờ nghệch và sáng tạo ấy trước tiên chỉ cho riêng con tim mình. Trí tưởng tượng là nguồn năng lượng hàm tín ngưỡng* tuyệt vời trong tôi. Tôi và nó là một.

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân.

Một khi chúng ta tìm ra “con đường sáng tạo” có toan tính và chuyên nghiệp, đồng nghĩa với việc chúng ta đã tự kết thúc cuộc hành trình trên con đường sáng tạo đó. Và tôi không phải là kẻ sĩ kinh doanh sáng tạo, mà đơn giản là kẻ rong chơi với trái tim vô bờ. Vì thế, sự sáng tạo nghệ thuật trong tôi như tín ngưỡng cái “nghệ”, cái “thuật” theo cách riêng của mình.

Gần đây, dự án “Năng lượng nội hàm” với những “Điêu khắc thị giác” ấn tượng của anh được nhiều người quan tâm và chú ý. Anh ấp ủ nó trong thời gian bao lâu và quá trình sáng tác như thế nào? 

“Năng lượng nội hàm” là dự án nghệ thuật mà tôi ấp ủ từ rất lâu về giấc mơ được nói lên nỗi lòng của vạn vật bên lề sự sống: những vật bị vứt bỏ như chính số mệnh được định sẵn của loài người.

Ngày xưa, khi chỉ với vài tuổi, tôi đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ, bãi rác… Không nhà cửa. Không gia đình. Vì thế, gốc lang thang đã tích tụ thành nguồn năng lượng vô cùng trong tôi từ rất lâu. Và khi trở thành nghệ sĩ, độc lập tư duy sáng tác giúp tôi – nhịp tim tôi thấu hiểu vạn vật theo cách riêng của mình. Thậm chí đôi lúc, có người còn tưởng tôi bị điên.

Thời gian qua, với sự chuyển mình của thế giới trong đại dịch, tôi có cơ hội truyền tải thông điệp của mình mạnh mẽ hơn thông qua các tác phẩm “Năng lượng nội hàm”, với phong cách “điêu khắc thị giác” khác biệt. Một mặt là hướng tới việc chia sẻ nguồn năng lượng tích cực cho mọi người vượt qua đại dịch, mặt khác là cảnh thức tất cả chúng ta về nguồn năng lượng tích tụ bên trong mỗi cá thể vạn vật.

Khó khăn trong giờ giới nghiêm và giãn cách xã hội là thách thức trong quá trình thực hiện dự án. Vì tôi sáng tác với những vật dụng bỏ đi như rác thải, phế liệu,… nên việc thực hiện chỉ mỗi mình tôi. Tôi như người điên lang thang khắp nơi và nơi nào có rác thải, tôi lại tìm tới, nhất là những bãi biển xinh đẹp dọc miền Trung: Hội An, Duy Hải, Tam Kỳ… và sắp tới sẽ là Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định, Ninh Thuận,…

 Có một thời anh theo đuổi phong cách Phi Lập Thể, nhưng giờ đây thì sao?

“Phi Lập Thể” là dòng nghệ thuật sáng tạo mỏi mòn và lâu dài của riêng tôi từ ngày xưa và bây giờ cũng vậy. Tôi vẫn theo đuổi và hàng ngày dùng “Phi Lập Thể” để vẽ những giấc mơ, những câu chuyện, những vùng đất xa xôi đầy xúc cảm cho riêng mình.

“Phi Lập Thể” còn tồn tại hay không phụ thuộc vào quá trình lao động sáng tạo bền bỉ của cá nhân tôi. Và giờ đây, “Phi Lập Thể” đúng như mọi dự báo của tôi về một thế giới “vỡ toang” trong chính nội tại của nó. Sự vỡ vụn của mảng, khối ở những lớp không gian đa tầng, đa chiều trong tạo hình nhằm thiết lập trật tự mới của tạo hình đầy nội lực với nhiều giải pháp cơ bản trong không gian tạo hình; và để chúng ta sáng tạo nhiều hơn, đa chiều hơn.

Thế nên, cá nhân tôi thiết nghĩ “Phi Lập Thể” sẽ mãi còn đó và phát triển ở nhiều hình thái hơn nữa trong tương lai.

Có một câu nói rằng phong cách chỉ là tạm thời, nó sẽ biến đổi theo thời gian, còn giá trị cốt lõi – tức phần gốc rễ mới là chính yếu. Quan điểm của anh ra sao khi móc nối với tiến trình sáng tạo nghệ thuật của mình?

Khi nhìn ở góc độ “Mỹ Học”, tôi cho câu nói này là đúng nhưng chưa đủ vì chưa bao trọn hết nội hàm và ngoại hàm của nó, kể cả yếu tố mỹ quan cảm thụ triết học trong nghệ thuật nói chung.

Nhưng để môi trường mang tầm vĩ mô hình thành, với tầm ảnh hưởng vượt không gian và thời gian, thì nhân loại phải hy sinh vô vàn xương máu, kiến thức, tư duy thẩm mỹ, tầm nhìn và chiến lược kể cả nguồn tài chính dồi dào…mới kích cầu môi trường nghệ thuật trong thời gian dài và liên tục, lúc này, nhân loại mới nhận định “đây mới là nghệ thuật!”

Trở lại câu hỏi, cái gọi là “phong cách” không còn tạm thời nữa mà nó đã biến thiên thành rất nhiều giá trị khác, kể cả giá trị về kinh tế để nó được định danh. Các biến thiên đó ở mọi góc độ đều cần nền tảng tư duy “Mỹ Học” chuyên sâu,  “đẳng cấp”  cơ bản mà loài người cho đó là cái đích của giá trị mỹ học hoàn hảo, là gốc rễ thì với tôi, nghệ thuật nói chung sẽ bước vào lối mòn tư duy, khó có những sáng tạo vụt sáng và vượt bậc để so sánh, đối chiếu.

Mỗi cái gọi là “gốc rễ” ở mỗi thời đại cũng đều khác nhau, nên sự chuyển mình theo thời gian, không gian là yếu tồ cần trong sáng tạo. Nên với nghệ thuật, “tư duy ngược” có thể là khác biệt, dị biệt, là đối đầu, là phản đối, là song hành… vì không thể có bất cứ giới hạn nào trong tư duy sáng tạo. Đó mới là gốc rễ, kể cả ngược với cái “ngược” của chính mình và có khi “ngược” với toàn nhân loại.

Trong thế giới hiện hữu với điều này, ta cho là chuyên nghiệp, là sáng tạo. Nhưng ở cùng thời điểm (chưa đề cập đến trường hợp khác thời điểm) này ở hành tinh khác, thiên hà xa xôi khác thì sáng tạo của ta đôi lúc chả là gì nếu ta không có cảm quan thấu thị vạn vật bằng trực quan sáng tạo của riêng mình. Bằng con tim trong sáng và công bằng thì mọi sáng tạo đều là “phong cách” mà thôi.

Màu sắc nào khiến anh ám ảnh nhất?

Những thứ không màu.

Gần đây anh có chia sẻ một tác phẩm làm từ cánh chò nâu, có vẻ như, bất cứ chất liệu nào với anh cũng có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật?

Những cánh chò nâu thuộc chuỗi sáng tạo “Điêu khắc thị giác” với đề tài “Năng lượng nội hàm” do tôi khởi xướng và thực hiện, diễn ra trong suốt mùa dịch vừa qua và vẫn còn tiếp diễn.

Với tôi, nghệ thuật là khởi nguyên của tư duy tự do trong sáng tác đa tầng. Tôi không ép buộc hay gói mình vào chất liệu để kìm hãm sự rung cảm của con tim. Tôi sáng tác bằng con tim chứ không phải bằng cái đầu nên mọi rung cảm đều rất chân thực, không phô diễn. Chính sự nguyên sơ và đầy bản năng đó nên bất kể vạn vật trên cuộc đời này đều có thể trở thành tác phẩm dưới góc nhìn khờ khạo, trẻ con của mình. Và mặc nhiên, tất cả các chất liệu đều là nguồn cảm hứng sáng tạo vô bờ đối với tôi.

Khi sáng tạo tôi không mong chờ hay kỳ vọng vào bất cứ điều gì. Có như vậy tôi mới được tự do nhất. Không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì thì các sáng tạo mới phát huy tối đa giá trị của nó.

Trong những năm gần đây, nhựa cũng là nguồn cơn của ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe tự nhiên và con người. Ắt hẳn, đó cũng là thông điệp trong dự án “Năng lượng nội hàm”.

Môi trường ô nhiễm là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay của nhân loại chứ không riêng gì tôi. Nếu theo dõi kỹ hơn, bạn sẽ thấy đa phần chất liệu trong các tác phẩm của tôi là nhựa phế thải trong chuỗi sáng tạo “Điêu khắc thị giác”. Để truyền tải thông điệp về môi trường, người nghệ sĩ không thể nào cố gắng nhồi nhét một món ăn vì nó khiến người xem dễ bội thực thị giác, nhanh chán và ngừng theo dõi tiến trình sáng tạo của nghệ sĩ.

Vì thế, tôi thả lỏng tâm hồn trong sáng tác để người xem thả lỏng định kiến mà dõi theo tiến trình kêu gọi sự quan tâm với môi trường hiện tại theo cách tự nhiên nhất. Vậy nên, thông điệp bảo vệ môi trường của tôi vừa rõ ràng vừa thật khéo léo. Đôi khi, tôi phải dùng đa chất liệu để người xem dễ cảm thụ và quan tâm môi trường hơn.

Với những tác phẩm “điêu khắc thị giác” trông có vẻ quy mô như vậy, anh đã làm việc như thế nào và liệu có những cộng tác nào khác để hoàn thành không?

Những tác phẩm của tôi chẳng quy mô, và chính bạn cũng bị tôi “đánh lừa thị giác” bởi đây là loại hinh mà tôi tạm gọi là “Điêu khắc thị giác”. Người xem dễ lầm tưởng đến sự đầu tư tiền của, công sức, thời gian, con người… bởi quy mô có vẻ lớn đến rất lớn.

Nhưng, các tác phẩm của tôi đơn thuần là những mảnh rác thải nhỏ mà chính tôi đi nhặt ở khắp nơi để sáng tạo. Kích thước tối đa có khi chưa tới 1 mét. Theo tôi, quy mô lớn nhất và đầu tư nhất là tư duy sáng tác và ý tưởng cộng sinh nghệ thuật để cho ra đời một tác phẩm hoàn hảo. Tôi rất thích sáng tạo nghệ thuật trong cô đơn không ồn ào. Chỉ mình tôi với môi trường, chất liệu và với hệ tư duy độc lập mới có thể làm nên câu chuyện nghệ thuật theo ý tưởng rất riêng của mình.

Chính tôi là người có tầm ảnh hưởng đến tôi nhất trong mọi tiến trình sáng tạo. Vì chính tôi là người duy nhất luôn bên cạnh tôi và luôn đối thoại và phản biện tôi, để phân định ranh giới sáng tác của tôi và cho ra kết quả sáng tác vượt suy nghĩ của mình.

Anh có thể chia sẻ về dự án/ý tưởng nghệ thuật sắp tới đây của anh? 

Hiện tại, tôi đã và đang có kế hoạch thực hiện một vài dự án “Nghệ thuật sinh thái cộng sinh” tại Hội An và tiến tới là một vài địa phương khác.

Như bạn cũng biết, Hội An là chốn hội tụ của nhiều nghệ sĩ trẻ khắp nơi ở Việt Nam và trên thế giới. Với dự án “Nghệ thuật sinh thái cộng sinh”, tôi muốn truyền cảm hứng sáng tạo với thông điệp “nghệ thuật xanh” đến bạn bè thế giới nhằm chung tay tái tạo và phát triển hệ sinh thái sáng tạo nghệ thuật dựa trên nền tảng “Sinh thái cộng đồng”,  trong đó văn hóa là nền tảng cho mọi sự sáng tạo.

Thử nghiệm mới của anh?

Đã gọi là sáng tạo thì mọi thể nghiệm trong giới hạn sáng tạo nghệ thuật không tồn tại ranh giới. Các thể nghiệm nghệ thuật của tôi cũng vậy. Có thể sẽ có thay đổi ở phút cuối, tôi cũng không biết phải kể cho bạn như thế nào nhưng tất cả là sự bất ngờ.

Các thể nghiệm đó trong thời gian sắp tới sẽ rất đáng mong đợi, đồng thời lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đầy ngẫu nhiên. Khoái cảm nghệ thuật đôi khi chỉ là sự bất ngờ và như vậy mới có thể mang đến những điều thú vị.

Cám ơn nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân vì những chia sẻ vô cùng thú vị!

Bài: TRANG PS | Ảnh: NVCC

* Nguồn năng lượng nội hàm tín ngưỡng là năng lượng mà ở đó tồn tại trong chính nội tại của tín ngưỡng đa thần của loài người kể cả tín ngưỡng dân gian khi chúng không còn tồn tại hay chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác hay những giá trị đó được cho là chấm dứt. Đây là cơ sơ lý luận mang tính nghiên cứu cá nhân của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân.


 
Back to top