Khách đầu năm: Nghệ sĩ Thành Lộc – khó khăn cùng cực là chất liệu cho sự “giác ngộ” trong nghệ thuật
Covid-19 khiến mọi thứ dừng lại. Trong tất cả đợt dịch, giới nghệ sĩ lúc nào cũng là thành phần “đi trước về sau”, phải ngưng biểu diễn trước tiên và hoạt động sau cùng so với các ngành nghề thiết yếu khác. Idecaf và nhiều sân khấu khác tại TPHCM đành phải tắt đèn. Nhưng công chúng hay ít nhất là người viết vẫn luôn hy vọng, mong chờ một cuộc hồi sinh ngoạn mục của kịch nói Sài Gòn sau hơn 100 ngày vắng bóng. Biết đâu, những khó khăn cùng cực lại là chất liệu của sự giác ngộ và thăng hoa nghệ thuật?
Không quá lời khi nói Thành Lộc là “gạch nối” hoàn hảo của kịch nói miền Nam trước và sau 1975, là “bậc thầy” diễn xuất của sân khấu kịch nói. Thế nhưng, Thành Lộc chưa bao giờ nhận “làm thầy” của bất cứ một diễn viên trẻ nào!
Thật vui mừng khi chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng “phù thuỷ sân khấu” – NSUT Thành Lộc trong những ngày “bình thường mới” tại TPHCM, khi đợt dịch thứ 4 tạm lắng dịu.
Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, trong mỗi bài viết của anh trên Facebook đều được đánh số thứ tự. Nó mang ý nghĩa gì?
Tôi có thói quen: mỗi ngày đều đăng tải 1 tấm hình và ghi rõ ngày – tháng – năm, đồng thời có con số kế bên. Số ngày mỗi một tăng dần. Tôi làm vậy, để mỗi năm Facebook sẽ nhắc nhớ lại cho chúng ta và riêng tôi về khoảng thời gian “kinh hoàng” vừa rồi. Chúng ta đã sống trong một thời kỳ rất gắt gao, có cả giới nghiêm. Lương thực phải được hỗ trợ, rất nhiều người phá sản, mất việc làm. Số ngày mà tôi đánh dấu cũng chính là số ngày mà tôi mất việc làm!
Có những người muốn quên, nhưng tôi thì lại không. Tôi muốn nhớ hoài. Bởi vì nó đau lòng lắm. Chúng ta đột ngột mất đi người thân, bạn bè, tất cả mọi thứ đều xáo trộn. Mình phải nhớ điều này, như 1 giai đoạn lịch sử vậy.
Vậy anh đã “mất việc” được bao nhiêu ngày rồi?
193 ngày! Đó là chưa kể 2 -3 đợt giãn cách của 2020. Hai năm liên tiếp, giới văn nghệ sĩ chúng tôi mất việc nhiều, mất thu nhập hẳn đi.
Quá lâu không diễn như vậy có khiến anh bị “lụt nghề” không?
Khoan nói chuyện nghề mà nói về cảm xúc, tôi bị hụt hẫng! Tính từ 1983, khi tôi tốt nghiệp trường Sân khấu (ĐH Sân Khấu – Điện ảnh TPHCM) và hành nghề chính thức, đây là lần đầu tiên tôi có một khoảng thời gian không được bước lên sân khấu dài đến như vậy. Thông thường, chúng tôi được nghỉ 2 ngày đầu tuần để dưỡng sức, còn đây là nghỉ ngơi ngoài sự mong đợi của mình. Đến giờ phút này, chúng tôi cũng chưa biết đến bao giờ được trình diễn trở lại.
Nhớ nghề lắm, nhớ lắm… Thực sự không biết mình có “lụt nghề” hay không. Không biết mình còn nhớ lời kịch bản mà mình đã diễn hằng đêm, hằng năm hay không? Những vở diễn mà mình đinh ninh rằng không thể nào quên được thì bây giờ, chưa chắc à.
Mỗi một suất diễn, tuỳ vào cảm hứng, cảm xúc mà có sự tung tẩy giữa mình và bạn diễn, sự tung hứng giữa nghệ sĩ và khán giả, điều mà người ta gọi là “sự thanh xuân của nghề diễn”. Không biết mình có còn sự nhạy bén đó nữa hay không. Cũng lo lắm chớ!
Vậy một “bậc thầy” (master) trong lĩnh vực sân khấu sẽ phải biểu diễn hằng đêm hay chỉ cần vài suất diễn ấn tượng trong năm là đủ khẳng định tên tuổi?
Nếu lâu lâu mới có vài suất diễn mà phát tiết được cái “đỉnh” của mình thì…ồ, tôi xin chắp tay bái phục! Còn riêng tôi, phải diễn mỗi đêm mới được. Bởi điều đó cho tôi nhiều kinh nghiệm. Tại sao đêm nay mình cũng diễn đoạn đó mà khán giả khóc ít, cười ít, mà hôm kia cũng đoạn đó mà khán giả khóc nhiều, cười nhiều. Tất cả như sự sàng lọc, để sau này mình nắm bắt các nhân vật mới sẽ bớt sạn đi trong diễn xuất. Chứ một người 2 -3 tháng mới diễn một lần, 2-3 năm mới có một show đỉnh, tôi nghĩ cái đỉnh ở đây có thể là về mặt tầm vóc dàn dựng hoặc kinh phí đầu tư, chứ đạt đỉnh về diễn xuất tôi e là khó.
Theo anh, những yếu tố nào làm nên 1 bậc thầy trong nghệ thuật, cụ thể là kịch nói?
Tôi nghĩ, những người nào hay ra vẻ mình là thầy thì người đó không thể là bậc thầy được rồi. Ông bà mình hay nói: người nào càng kinh nghiệm, càng giỏi thì càng ít nói lại, tay nghề càng cao thì ít bao giờ bộc lộ. Họ luôn ý thức mình cần học hỏi thêm. Nói đâu xa, đó là tấm gương của cố Giáo sư – Tiến sĩ (GS-TS) Trần Văn Khê.
Tôi từng hỏi: Bác ơi, bác đã là GS -TS rồi, sao bác đi hoài vậy?
Bác nói: Con ơi, danh xưng TS của bác đã cách đây mấy chúc năm rồi. Nếu bác không đi để xem thế giới có cái gì, để mình bồi bổ thêm kiến thức, coi như mình hổng còn là TS nữa đâu con. Mình đi để lĩnh hội những gì ở giới trẻ người ta có mà mình hông có. Như vậy, để bảo vệ danh hiệu TS của mình đó con. Rồi mình mới có cái để dạy thêm cho người ta, chứ không là mình hết.
Những người nghệ sĩ nào đứng trên sàn diễn nhiều, có nhiều vai diễn để đời, có nhiều tác phẩm dàn dựng đi vào lòng khán giả,… và họ vẫn tiếp tục làm điều đó không ngừng nghỉ, đối với tôi, đó là những bậc thầy thực sự.
Nếu lâu lâu mới có vài suất diễn mà phát tiết được cái “đỉnh” của mình thì…ồ, tôi xin chắp tay bái phục!
Với anh, bậc thầy (master) và người thầy (teacher) có giống nhau không?
Tôi nghĩ đơn giản thế này. Bậc thầy là người đi trước tích luỹ nhiều kinh nghiệm về vốn sống và nghề nghiệp, và biết cách truyền lại cho đời sau. Muốn trở thành bậc thầy thực sự phải không ngừng trau dồi nghề nghiệp và kiến thức. Việc học tập trong trường lớp rất cần thiết, cho mình nền tảng và kiến thức một cách khoa học.
Ví dụ như, với những nghệ nhân lão thành, họ không có dùng từ ngữ chuyên môn. Họ có thể nói “Con diễn cái đó không có thật! Con phải diễn vầy nè! Từ “trong bụng” con nghĩ sao con phải diễn như vậy.” Những từ ngữ truyền thụ dân dã. Nhưng người có học thuật sẽ hướng dẫn khác, sử dụng thuật ngữ “đơn nguyên lòng tin và chân thực cảm” để chỉ chính xác lối diễn.
Người nghệ nhân dân gian thường thị phạm, nôm na là “diễn mẫu” cho học trò, dẫn tới nhược điểm thế hệ sau sẽ diễn giống y chang như vậy. Nhưng người được học bài bản từ trường lớp thường sẽ không thích thị phạm, không muốn người học trò diễn y như mình mà chỉ gợi ý thôi, dựa trên “nguyên tắc xuất phát từ bản thân”. Người đạo diễn có học thuật sẽ khai thác và gợi ý cho diễn viên sáng tạo ra nhân vật bằng kiến thức, suy nghiệm và nhân dáng của chính mình.
Bản thân tôi tốt nghiệp diễn viên ở trường Sân khấu với tấm bằng trung cấp, tôi không có bằng đại học. Thành ra mình không có đủ điều kiện để dạy ai hết. Cho nên, thế hệ đàn em muốn lĩnh hội điều gì, tôi rút ruột rút gan truyền dạy lại hết. Như má Bảy – NSND Phùng Há ngày xưa vậy, má không giấu nghề, chỉ là ai có thiện chí đến hỏi, đến học thì sẽ truyền. Chứ tôi đâu có dám xưng hô “làm thầy” với người ta. Nhưng mà, trong diễn xuất nói riêng, nghệ thuật nói chung, cái bằng cấp cũng chưa nói lên điều gì. Kinh nghiệm sàn diễn còn quan trọng hơn hết. Kinh nghiệm mới chỉ ra điều mình học nằm ở chỗ nào.
Với tôi, “người thầy” mang tính mô phạm nhiều hơn. Tôi không dám nhận “làm thầy” bởi vì tôi không có khả năng sư phạm. Tôi chỉ có khả năng truyền đạt, chứ không có khả năng lên một giáo án dạy rõ ràng. Như vở diễn của mình, tôi muốn các diễn viên làm gì trong vở đó, nếu các bạn làm chưa đúng ý, tôi sẽ nói: “Các bạn làm chưa đúng đơn nguyên lòng tin và chân thực cảm. Bạn làm chưa đứng đơn nguyên tưởng tượng.” Và các bạn, nếu có học hành đàng hoàng, sẽ dễ dàng vỡ lẽ ra nhiều điều. Tôi nghĩ tôi có khả năng truyền đạt khuynh hướng của một “bậc thầy”, nhưng là một “người thầy’ sư phạm thì tôi không làm được. Suy cho cùng, bậc thầy và người thầy có thể là một, nhưng cũng có thể là hai vị trí tách bạch.
Với tôi, “người thầy” mang tính mô phạm nhiều hơn. Tôi không dám nhận “làm thầy” bởi vì tôi không có khả năng sư phạm. Tôi chỉ có khả năng truyền đạt, chứ không có khả năng lên một giáo án dạy rõ ràng.
Có sự chênh lệch nào giữa hai vị trí này không?
Tôi nghĩ là có sự chênh lệch. Người làm thầy chưa chắc là người có những thành tựu lớn trong sự nghiệp nghệ thuật như những bậc thầy.
Vậy ai là bậc thầy và người thầy trong anh?
Nhiều lắm! Tôi tự thấy mình khôn ngoan khi không dại gì chỉ nhận một người làm thầy. Tôi làm đạo diễn nhiều vở, thành công về mặt nghệ thuật và có giải thưởng lớn. Nhưng tôi không được đào tạo chính quy về đạo diễn. Ngoài khả năng thiên phú, tôi may mắn khi được làm việc, nói chuyện và học hỏi rất nhiều đạo diễn bậc thầy như: NSND Dương Ngọc Đức, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Phạm Thị Thành và cả những người tôi chỉ xem qua tác phẩm của họ như NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng.
Còn ở miền Nam, tôi được làm việc, được uống trà, được tâm sự nghề nghiệp với NSND Trần Minh Ngọc, NSUT Đoàn Bá, NSUT Thành Trí và các đạo diễn trẻ thuộc lớp đàn em mà tôi làm diễn viên cho họ, học được ở họ rất nhiều. Và cả những người chẳng liên quan đến nghề diễn như NSND – Biên đạo múa Thái Ly, NS Ea Sola Thuỷ. Với vở kịch lịch sử “Bí mật vườn Lệ Chi”, tôi chịu ảnh hưởng rất mạnh từ những tác phẩm múa của Ea Sola Thuỷ. Cái nghề đạo diễn của tôi, nói vui, là tôi “chôm” mỗi người một chút.
Trong diễn xuất, tôi chịu ảnh hưởng bởi NSND Đào Mộng Long, NSND Đoàn Dũng, NSND Trọng Khôi, NSND Nguyệt Ánh, NSND Thế Ánh, NSND Bảy Nam, NSND Kim Cương và rất nhiều NS thoại kịch miền Nam trước 1975. Tất cả họ đều là thầy của tôi. Đầu tôi giống như một thư viện, mỗi một người là một ngăn kéo trong ký ức của mình, ảnh hưởng trực tiếp đến sáng tạo nhân vật và sáng tạo vở diễn của tôi.
Tôi tự thấy mình khôn ngoan khi không dại gì chỉ nhận một người làm thầy.
Có thể hình dung “con người sân khấu” của Thành Lộc: chắt lọc tinh tuý của những bậc thầy để tạo ra phong cách của mình, vừa có cái chung vừa có cái riêng, có phải vậy không?
Đúng là như vậy! Tôi học cả những cái nhược, cái chưa hay của các bậc thầy! Học để tránh không lặp lại. Mình có quyền chọn lọc, khám phá cái hay và cái chưa hay của thần tượng của mình. Thần tượng hay bậc thầy không có nghĩa là cái gì cũng tuyệt đối.
Nếu một người tự ái cao, kiêu kỳ sẽ nói rằng: Tui hổng học của ai hết!, thì tôi sẽ nói: lĩnh hội đi. Mỗi một người mình sẽ lĩnh hội một thứ, rồi hoà trộn để ra cái riêng của mình. Cho nên, người tinh ý sẽ nhận ra Thành Lộc diễn nét này giông giống ai, nhưng giống ai thì tôi đố phát hiện ra. Bởi tôi không để cho người ta thấy.
Anh nghĩ gì về tính bắt chước trong diễn xuất?
Trong nghề thường có câu: Đừng bắt chước người ta, phải có cái riêng mình. Đứng ở môt góc nhìn khác, ý này… không đúng nha! Bởi bắt chước là một trong những kỹ năng của nghề diễn, được đào tạo ngay từ khi còn trong trường sân khấu. Cái bắt chước đó cuối cùng phải được xào, nắn, nấu, trộn để có được cái của riêng mình mà không giống người khác. Thế nhưng, ở góc nhìn “Không bắt chước người khác mà là chính mình” cũng đúng.
Vấn đề ở chỗ, bắt chước là kỹ năng, phương tiện làm nghề cho tốt, đều để phục vụ cho sự sáng tạo mang cá tính của riêng mình. Đôi khi trong tác phẩm, nhân vật còn buông ra những câu chửi thề. Nhưng câu chửi đó đúng vào ngữ cảnh sẽ thành viên ngọc sáng trong một lớp diễn, một lát cắt điện ảnh. Nghệ thuật đỉnh cao và giải trí thô tục khác nhau ở chỗ: bắt chước và biết cách gạn lọc, đâu là sạn đâu là kim cương, để ra được cái tinh tuý nhất.
Văn hoá bản địa tác động như thế nào đến tài năng và sự toả sáng của nghệ sĩ, mà ở đây chính là gốc rễ hát bội và cải lương 5 đời của gia tộc anh?
Trong thời gian giãn cách, tôi ở nhà và xem khá nhiều phim tài liệu, trong đó có một bộ phim về ban nhạc ABBA mà tôi ngưỡng mộ khi còn là cậu thiếu niên. Ngay lúc đó, tôi đã phát hiện: hầu hết các sáng tạo của âm nhạc ABBA, về mặt giai điệu, đều dựa trên nền nhạc dân ca Thuỵ Điển. Những bản pop hit trên bảng xếp hạng âm nhạc Mỹ như Billboard, hay giải thưởng MTV, dù ca sĩ người Mỹ nhưng tác giả các ca khúc đó hầu như là người Thuỵ Điển. Điều đó làm tôi bất ngờ. Nó cũng lý giải thành công trên toàn thế giới của ban nhạc ABBA chính ở chỗ dựa vào nền tảng âm nhạc dân tộc.
Tôi rất tự hào và hãnh diện được sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm nghệ thuật truyền thống: hát bội và cải lương. Mọi tư duy, sáng tạo nghệ thuật của tôi đều xuất phát từ cái nôi nghệ thuật này. Người ta thường ca ngợi những xử lý thông minh, phương tiện hiện đại, công nghệ tân tiến của sân khấu phương Tây.
Bên cạnh đó, giới làm nghề vẫn luôn dành sự tôn vinh cho sân khấu truyền thống châu Á nói chung, bởi xử lý ước lệ số một. Sân khấu truyền thống VN cũng vậy. Như sân khấu hát bội, chỉ có 1 cái bàn và 2 cái ghế hai bên, có lúc là cây cầu, có lúc là dòng sông, có lúc là thành trì, cung điện, phòng ngủ, là bất cứ cái gì khi nhân vật giao đãi bằng ngôn ngữ và vũ đạo thì khán giả đều hiểu được. Khi tôi làm đạo diễn, các vở diễn không rườm rà về cảnh trí mà sử dụng yêu tố con người để ước lệ: là dòng sông, là cánh rừng.
“Bí mật vườn Lệ Chi” là vở diễn mà tôi tiết chế tối đa cả về cảnh trí và màu sắc trang phục. Tất cả những điều đó, tôi chịu ảnh hưởng từ sự tối giản của sân khấu phương Tây và tính ước lệ đặc trưng của sân khấu truyền thống.
Đạo diễn. – NSUT Đoàn Bá có dàn dựng cho tôi một đoạn độc thoại trong vở Khúc nguyệt cầm. Tôi mặc chiếc áo bị đứt một chiếc nút, và lần mò đi tìm cây kim để khâu cái nút đó lại. Đoạn diễn đó thể hiện một người đàn ông già nua sống cô độc. Cái nút áo không có thật trên sân khấu, cây kim, sợi chỉ cũng tưởng tượng. Trong 15 phút, tôi vừa độc thoại vừa diễn cảnh lần mò trên vách để tìm cây kim, rồi xe sợi chỉ để luồn qua cây kim và khâu nút.
Mình phải tưởng tượng càng khâu thì sợi chỉ phải càng ngắn dần, chứ không thể cứ dài hoài được. Đó chính là đơn nguyên tưởng tượng trong giáo trình diễn xuất, mà cũng là thế mạnh của sân khấu truyền thống. Một người diễn viên kịch nếu không lĩnh hội và học tập những điều đó từ sân khấu truyền thống sẽ khó đáp ứng những đòi hỏi cao về diễn xuất nội tâm.
Người ta không thấy Thành Lộc nhận bất cứ nghệ sĩ nào làm học trò, và cũng không nhận làm cha nuôi, đỡ đầu cho bất cứ diễn viên trẻ nào. Lý do vì sao?
Tôi tự thấy mình không có tư cách làm điều đó. Mình biết mình còn khiếm khuyết nhiều thứ về kiến thức lắm. Mình nhận làm thầy mà làm sai điều gì, mang tiếng gấp 10 – 20 lần. Rồi lỡ mình làm điều gì không phải, mình xấu hổ một, đứa nhận mình làm thầy nó xấu hổ gấp đôi. Người làm thầy là tấm gương soi cho học trò. Tôi tự thấy tôi chưa “sạch sẽ” lắm, nên hông dám nhận làm thầy của ai bao giờ.
Coi vậy, chứ tôi yếu đuối lắm! Tôi sợ mình bị tổn thương, sợ bị trò phản thầy (cười). Chúng ta sống trong một thế giới tự do ngôn luận nhiều hơn lúc trước, nhiều phương tiện kết nối và thể hiện, thế giới phẳng mà. Người ta tự lăng-xê mình được và tự mắng mỏ người khác được. Có nhiều người mắng chửi thầy mình. Tôi thuộc thế hệ hơi cổ điển, dù biết thầy mình chưa phải nhưng gặp thầy vẫn khoanh tay cúi đầu, chớ nhiều người gặp thầy hất mặt đi luôn. Tôi rất dễ bị tổn thương với những chuyện đó, nên tôi không bao giờ dám làm thầy người khác, vầy cho yên ổn.
Có khá nhiều nghệ sĩ trẻ, thành danh, có thể theo con đường của anh hoặc không. Nhưng họ được truyền lửa từ anh để bước vào nghệ thuật. Anh nghĩ gì về sự truyền cảm hứng trong nghệ thuật?
Tôi thích công việc “truyền lửa” cho người khác. Mình không làm thầy người ta được thì việc “truyền lửa” như là trách nhiệm và bổn phận của người đi trước. Điều đó rất quan trọng. Bởi có những người làm nghề, sống nhờ nghề, giàu nhờ nghề, nổi tiếng nhờ nghề mà không có trọng nghề.
Thậm chí có người còn nói: Nghề này bạc bẽo lắm! Ơ, anh thành công nhờ cái nghề của mình mà anh còn nói câu đó?! Không thích sao làm? Làm vì cái gì? Khi mình biết trọng nghề nghiệp là mình biết trọng con người, phẩm giá của mình. Tại sao khi dễ cái nghề mà lao vô làm chi? Mục đích mình muốn cái gì? À, anh đi vào nghề vì vụ lợi à? Anh lợi dụng nghề này để làm chuyện khác, nên anh mới không coi trọng. Anh yêu nghề, đam mê nghề thì anh phải trọng nghề. Cho nên mới có bàn thờ tổ nghề này. Bàn thờ là nơi để trên đầu mình chứ đâu phải để ngang vai mình, mà có để ngang vai thì mình phải vác lên vai suốt đời.
Tôi muốn truyền cảm hứng đó cho những em những cháu theo nghề này. Vì tôi thấy làm nghề diễn xuất vui, sướng lắm, thích lắm. Còn cái chuyện bạc hay không? Ủa, mình bạc với người ta, người ta mới bạc với mình chớ! Một kiến trúc sư, một bác sĩ, một nghệ sĩ, hay một người phu quét đường – giá trị họ như nhau. Vì tất cả mọi thứ làm đẹp cuộc đời này và cuộc đời này cần tất cả mọi thứ. Anh có là một nghệ sĩ danh giá, anh sải bước trên thảm đỏ, cũng phải nhờ người công nhân hút bụi, quét sạch dơ bẩn trên thảm đỏ mà anh đi đó chứ. Anh không có quyền phỉ báng cái nghề của người khác, tại sao anh lại phỉ báng cái nghề của chính mình?
Hầu như các sân khấu có thâm niên tại TPHCM đều mở lớp dạy diễn xuất, khi nào thì anh sẽ đứng lớp truyền thụ nghề?
Trời, tôi đâu có đủ bằng cấp mà mở lớp (cười)! Nhưng nếu sân khấu kịch Idecaf mở lớp dạy với danh nghĩa công ty Thái Dương của tôi (NS Thành Lộc là Phó GĐ công ty), tôi sẵn sàng đứng lớp với tư cách người thầy bên cạnh việc mời các nghệ sĩ bậc thầy khác. Mà việc mở lớp còn phụ thuộc vào Ban giám đốc công ty có kế hoạch hay không. Tôi thực sự hoan nghênh và ngưỡng mộ tất cả đồng nghiệp đang đứng trên bục giảng ở nhiều sân khấu.
Hơn lúc nào hết, những người thầy đó cần truyền cảm hứng tích cực đến các diễn viên trẻ, lôi kéo các em trở về những giá trị đích thực của nghệ thuật. Bây giờ, việc truyền cảm hứng trong nghề diễn có phần khác xưa: “Đi làm diễn viên đi! Mau kiếm tiền lắm! Mau giàu lắm!”. Thế hệ tụi tôi đâu có truyền cảm hứng kiểu đó. Chúng tôi chỉ muốn truyền cảm hứng đam mê nghề nghiệp và dùng nghề nghiệp của mình để làm đẹp xã hội, để tôn vinh những giá trị Chân – Thiện – Mỹ của con người. Bởi chính môi trường nghệ thuật cũng làm cho chúng tôi hoàn thiện nhân cách của mình.
Cảm ơn những chia sẻ chân thành của NS Thành Lộc. Chúc anh nhiều sức khoẻ và bình an.