Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Nghệ sĩ VJ Tùng Monkey – “Tôi vẫn còn đầy tính ngông, ngẫu nhiên và lưu tâm nhiều những chất liệu truyền thống”

Sep 15, 2020 | By Trang Ps

Là nghệ sĩ VJ chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam, Tùng Monkey (Crazy Monkey) đứng sau các liveshow hoành tráng của Vũ Cát Tường, Monsoon Music Festival… Với tính ngông trong sáng tạo, ngẫu nhiên trong thể nghiệm và kết hợp truyền thống trong hiện đại, Tùng Monkey đã đưa chúng tôi đi sâu vào hành trình sáng tạo đầy lôi cuốn của anh.

Chào anh Tùng Monkey! Là một VJ chuyên nghiệp và hàng đầu tại Việt Nam, anh có thể chia sẻ về mối nhân duyên với nghề nghiệp thú vị này?

Thú thực, hồi trước, tôi cũng là một người theo học hội họa truyền thống ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Từ kỹ thuật vẽ sơn mài đến sơn dầu, tôi đều đã kinh qua. Nhưng sau khi ra trường, cầm cọ lại không phải là con đường mà tôi lựa chọn. Tôi yêu thích máy tính và bắt đầu tiếp cận đồ họa.

Khoảng tầm 6 năm trước, tôi chuyển hẳn sang hướng visual art, mà cụ thể hơn là VJ. Bằng cách sử dụng máy tính “mix” video, hiệu ứng, tôi cho rằng đây là tầm nhìn mới. Ngoài việc sử dụng máy tính, công cụ đồ họa, VJ cho phép tôi chiếu sản phẩm lên màn hình lớn, không chỉ màn hình sân khấu ở các lễ hội âm nhạc hoành tráng mà còn có thể chiếu lên người và tòa nhà…

Tác phẩm VJ là “cuộc hội tụ” của nhiều thứ, không chỉ là trang giấy hay một tờ báo nữa. Khi nhận thấy sự mở rộng này, tôi bắt đầu nghiêm túc theo đuổi nó.

Từ một người học hội họa truyền thống, ra trường làm việc như nghệ sĩ đồ họa và bây giờ là VJ, bước ngoặt chuyển tiếp ấy liệu có khó khăn và thử thách?

VJ là một thuật ngữ và ngành nghề khá mới mẻ với thị trường Việt Nam. Nhưng nhận định về sự chuyển tiếp này, tôi cho đó là quá trình logic chứ không hề đột ngột. Hội họa truyền thống – đồ họa đến VJ thực chất vẫn có sự liên quan mật thiết với nhau. Chúng nằm ở bản năng sáng tạo và học hỏi cái mới của người nghệ sĩ. Chẳng qua là công cụ khác biệt.

Công việc VJ là “mix” hiệu ứng nhưng cốt lõi vẫn là đồ họa máy tính. Bạn vẫn phải sử dụng công cụ đồ họa truyền thống để tạo ra nội dung, chỉ là cách chiếu nội dung bây giờ khác biệt.

Cảm hứng ban đầu của tôi khi bước chân vào con đường VJ là các sản phẩm của VJ Fader. Tôi xem khá nhiều sản phẩm VJ ở đó và tự học trong lĩnh vực này. Cách đây 5 năm, trào lưu EDM bùng phát. Lúc ấy, tôi may mắn góp phần làm Vjing cho chương trình Future Music Now, được xem là EDM Music Festival đầu tiên ở nước ta.

Liệu cơ hội làm graphic cho chương trình Future Music Now cũng đánh dấu thời điểm Tùng Monkey bắt đầu nghiêm túc tiến vào lĩnh vực VJ?

Cơ hội ấy đóng vai trò bước ngoặt, giúp tôi nhìn nhận VJ như một công việc sáng tạo chuyên nghiệp. Vì trước đó, tôi vừa học vừa chơi, và kiếm tiền chính từ nghề quảng cáo toàn thời gian.

Giai đoạn đầu, tôi phải giải thích với người khác VJ là gì và triển khai cụ thể ra sao. Đó cũng là cách củng cố hiểu biết của tôi về công việc này, và về sau, tôi càng tự tin cho rằng đây là lĩnh vực có đầy đủ tố chất sáng tạo cao để mình theo đuổi.

Nếu để chính thức kiếm tiền từ VJ thì phải sau đó một thời gian, khi tôi đã chuyên nghiệp hóa công việc và bắt đầu biết gọi tên thứ mình đang làm. Khi có thể gọi tên, tôi có quyền định giá nó theo mong muốn của bản thân. Tôi quyết định thành lập The Box  Collective studio 4 năm trước, và giờ đây phát triển thành công ty BOX chuyên về hiệu ứng hình ảnh trên sâu khấu và cho các công nghệ thị giác mới nhất. Đầu năm 2019, The Box Collective gia nhập tập đoàn Capital Studio với hệ sinh thái đầy đủ từ nội dung truyền hình, giải trí, đến sự kiện,…

Anh có thể chia sẻ 2 dự án VJ độc đáo nhất mà anh từng thực hiện?

Đó là hai tác phẩm cộng tác với hai nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam: Vũ Cát Tường và Sơn Tùng M-TP.

Năm ngoái, tôi thực hiện tác phẩm VJ cho sân khấu Inner Me của Vũ Cát Tường với tư cách là nghệ sĩ thị giác và giám đốc sáng tạo. Công việc của tôi là đưa ý tưởng sân khấu và là giám đốc visual. Inner Me là một sân khấu sàn led hoàn toàn, tức một tấm led khổng lồ với nội dung graphic được chiếu lên đó. Đây cũng là sân khấu 360 độ hoành tráng với lượng khá giả lớn ngồi vây xung quanh. Trong dự án này, tôi thực hiện thêm trailer cho liveshow bằng cách áp dụng công nghệ mới nhất như camera tracking, real time graphic…

Dự án thứ hai là hợp tác cùng Sơn Tùng M-TP cho graphic Lạc Trôi. Cũng chính dự án này đã thay đổi góc nhìn của tôi dành cho bạn ấy và những ca sĩ thị trường nói chung. Lạc Trôi là một sản phẩm âm nhạc hoàn toàn khác, đánh dấu màn lột xác ngoạn mục của Sơn Tùng M-TP. Dấu ấn phong cách electronic kết hợp âm nhạc dân gian khiến tác phẩm này trở nên độc đáo.

Khi gặp Tùng, tôi cảm thụ âm nhạc và sau đó bắt tay làm graphic cho bài hát này. Graphic, như bạn đã từng xem, là một ngôi chùa từ trong ra ngoài, đến đoạn cao trào thì ngôi chùa ấy vỡ vụn ra. Sau đó, tôi cùng đội ngũ của Sơn Tùng M-TP thực hiện MV 360 độ đầu tiên ở Việt Nam cho bài hát Lạc Trôi. Tính đến thời điểm hiện nay, đây vẫn được tính là video âm nhạc 360 độ đầu tiên và duy nhất ở nước ta.

Cộng tác với hai nghệ sĩ khó tính như vậy, liệu anh có gặp áp lực?

Ngược lại, tôi cảm thấy khá thư giãn và thoải mái vì hai lý do. Thứ nhất, khi làm việc với người biết chắc chắn họ muốn gì, quá trình cộng tác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Thứ hai, Vũ Cát Tường, Sơn Tùng M-TP và tôi đều là nghệ sĩ, vì thế, họ hiểu quá trình sáng tạo của một nghệ sĩ ra sao, từ đó biết nên và khônng nên can thiệp ở giai đoạn nào.

Không hàm ý so sánh nhưng VJ ở Việt Nam còn thiếu và cần học hỏi điều gì ở VJ quốc tế, thưa anh?

Thị trường VJ ở Việt Nam khá bé, và chúng ta lại là kẻ đến sau. Nếu như VJ quốc tế bắt đầu từ thập niên 70, 80 thì VJ mới du nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây, vì thế ngôn ngữ đồ họa của chúng ta chưa thực sự có ảnh hưởng.

Trên thế giới, VJ được phân nhánh chuyên nghiệp và rõ ràng, họ có VJ riêng cho câu lạc bộ, nhà hát, sự kiện thể nghiệm nghệ thuật… Bạn có thể đóng góp như một nghệ sĩ VJ, tự sáng tạo sân khấu cho một buổi biểu diễn nào đó. Nhưng tại Việt Nam, nghệ sĩ VJ vẫn còn là một khái niệm xa xỉ.

Nếu dùng 3 tính từ để mô tả phong cách VJ của anh, thì đó là những tính từ nào?

Chà, chưa ai hỏi tôi câu hỏi này! (cười)

Nhưng, tôi nghĩ trước hết là sự ngẫu nhiên. Lúc này, tôi loại bỏ yếu tố thị trường, sự ngẫu nhiên đạt được từ sự thể nghiệm. Tôi vô cùng tôn trọng yếu tố ngẫu nhiên ấy.

Thứ hai là truyền thống. Quê của tôi ở Quán Thánh, Hà Nội, mùa lễ năm nào, gia đình cũng dẫn tôi vào chùa và hình ảnh ấy rơi vào tiềm thức. Vì thế, các chất liệu truyền thống như hầu đồng, điệu múa chăm, ngôi chùa… thường xuất hiện trong các tác phẩm của tôi.

Thứ ba là ngông. Tôi yêu thích từ ngữ này. Tôi mong muốn kết hợp những yếu tố khác biệt vào ngôn ngữ đồ họa, vì thực sự, những đều bình thường sẽ dễ bị lãng quên.

Anh có kể đến chất liệu truyền thống trong tác phẩm của mình, vậy đâu là những dự án lột tả rõ nhất yếu tố này?

Cách đây vài năm, tôi hợp tác với nghệ sĩ Ngọc Nâu để ra mắt tác phẩm Hầu Đồng, được triển lãm tại Việt Nam và Nhật Bản. Sau đó, tôi hợp tác với Dustin Ngô và ban nhạc Anam cho series Electricity Project biểu diễn tại Đài Loan, và gần đây là tác phẩm Body and Soul cùng nghệ sĩ múa đương đại Thành Badaha.

Cám ơn anh vì những chia sẻ thú vị nhé!

Bài: TRANG PS | Ảnh: RAB HUU STUDIO


 
Back to top