Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Lối đi cho người trẻ theo đuổi nghệ thuật: Lắng nghe tiếng gọi bên trong

Jun 07, 2021 | By Trang Ps

Khi ta nói đến linh hồn nghệ thuật, nghĩa là ta nói đến nhiều về khía cạnh tinh thần. Bởi vậy, khi theo đuổi lĩnh vực này, người nghệ sĩ không thể không đối diện những xúc cảm nội tại. Có lẽ, đó cũng chính là điều kiện cần thiết để họ đạt tâm vững chãi mà theo đuổi nghề nghiệp đầy thử thách này.

David Hockney, Model with Unfinished Self-Portrait, 1977.

Gần đây, trên mạng xã hội, họa sĩ Lê Kinh Tài đã có một chia sẻ thật hay như nguồn cảm hứng cho người trẻ thực hành nghệ thuật. Anh cho rằng, trong sáng tạo, tư duy logic chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ (mực thiết) để thể hiện tác phẩm phải là xúc cảm nội tại qua cái sự thấy một cách riêng biệt của từng người. Anh thẳng thắn nhận định cách giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam dường như không quan tâm nhiều đến xúc cảm đầu tiên, nơi khởi nguồn trong các “đề xuất” sáng tác của người trẻ, cái động thái sáng tác ấy ảnh hưởng rất lớn, đóng vai trò cần thiết đến ngôn ngữ sáng tạo cá nhân trong tác phẩm của họ về sau.

Tình trạng mất hút dần…

Tôi nhớ trong một cuộc trò chuyện với họa sĩ Lê Thừa Hải tại Huế, anh bảo: “Lớp học mỹ thuật thời sinh viên của anh có đến 100 người thì chỉ khoảng 5% bền bỉ theo đuổi nghệ thuật. Số lượng còn lại sẽ làm những nghề khác nhau, thậm chí phần lớn là không liên quan gì đến ngành đã từng học.”

“Angel”, 80x60cm, Lê Kinh Tài.

Cũng như vậy, họa sĩ Lê Kinh Tài bày tỏ sự nuối tiếc khi nhiều năm, anh đi xem bài tốt nghiệp của sinh viên tại Sài Gòn, nhiều bài cực kỳ tốt, nhưng sau khi ra trường, họ dần mất hút. Anh cho rằng giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam đang trọng kỹ năng thực hành theo kiểu duy mỹ, lý trí nhiều hơn xúc cảm, từ đó bóp nghẹt tư duy sáng tạo và làm tắc nghẽn sự thả lỏng trong sáng tạo.

Trong khi đó, nhà giáo dục nghệ thuật Đỗ Kỳ Huy luôn trăn trở về việc dạy học, đó là làm sao để giáo dục thiên cả về tính triết lý tinh thần. Ông khuyến khích sinh viên tự định nghĩa con đường nghệ thuật của mình, vì đó là quyền mà không ai có thể tước đoạt. Khi người trẻ lắng nghe răm rắp định nghĩa nghệ thuật của một triết gia và vin vào đó, có nghĩa là họ tự bó hẹp bề rộng và bề sâu trải nghiệm của mình. Họ chưa được là chính mình, thậm chí việc lắng nghe ai đó ngoan ngoãn mà không có sự phản tỉnh cũng đồng nghĩa với việc đang tự giết chết mình.

Một số tác phẩm trong series “Nude” của nữ họa sĩ Trần Vân.

Có một sinh viên bảo thầy Đỗ Kỳ Huy về thang nhu cầu maslow và đặt nghệ thuật ở tầng cao nhất, tức nhu cầu bậc cao của con người. Nhưng ông lại trái ngược với thang nhu cầu đó. Ông muốn chuyển hóa nó thành “tháp sinh thái”. Nghệ sĩ là “con mồi” đầu tiên trong chuỗi thức ăn, thể hiện sự mong manh, dễ lung lạc của họ. Trong chuỗi thức ăn đó, bất cứ ai cũng có thể “tóm” nghệ sĩ. Như vậy, nếu nghệ sĩ không tự tin và mạnh dạn, anh ta dễ bị chi phối bởi các triết gia, nhà nghiên cứu, chính trị và xã hội.

Theo đó, ông nhấn mạnh việc nếu nghệ sĩ trẻ tuổi dễ sa lầy, thất bại và bị vùi dập thì đó cũng là điều cần thiết để uốn nắn họ trở thành nhà sáng tạo tự lực. Rồi đây, họ phải tự định nghĩa nghệ thuật bằng tính cách uy nghiêm của mình. Họ cũng phải tự thanh lọc mình để không bị hùa vào tiếng ồn đám đông.

Sáng tạo là con đường đi vào bên trong

Một cái cây nếu muốn trưởng thành thì phải càng ngày càng bắt rễ sâu hơn vào lòng đất. Cũng như vậy, phẩm chất của một người sáng tạo là bắt rễ vào những xúc cảm nội tại của mình để không bị sụp đổ và lung lạc trước những ảnh hưởng khách quan và thậm chí chủ quan.

Một trong những thử thách rõ thấy nhất của sinh viên ngành mỹ thuật là vấn đề tài chính lẫn việc làm ngay sau khi ra trường. Chính điều này khiến họ dễ lung lạc và rời xa “bộ rễ” của bản thân, để đi tìm cho mình một con đường có thể đáp ứng ngay nhu cầu tài chính lẫn vật chất. Đó không hẳn là lựa chọn sai lầm, thậm chí phải nói là khôn ngoan nếu họ biết dùng công việc kia để nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của mình. Và không chối bỏ bản năng và tiềm năng sáng tạo ấy của bản thân.

Một tác phẩm của Võ Thành Thân. Anh cho rằng: Trong quá trình sáng tác nghệ thuật, triết lý xuyên suốt mà anh theo đuổi là nghệ thuật phải phản ánh đúng bản chất con người và cuộc sống của người nghệ sỹ.

Chẳng hạn như câu chuyện của họa sĩ Võ Thành Thân, năm 2011, anh tốt nghiệp ra trường. Hành trang trên vai của anh lúc đó là lòng đam mê sáng tác nghệ thuật và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhưng anh biết như vậy là chưa đủ, cái anh còn thiếu là vốn sống và những va chạm với đời. Bởi thế, anh đã đầu quân vào làm việc cho Sun Group. Đó là những yếu tố giúp anh đa dạng và phong phú hơn về chất liệu sáng tác. Đến tháng 05/2015, khi cảm thấy vốn sống lận lưng của mình ít nhiều đã có và cũng là năm nổi bật với hai cuộc chơi lớn sắp diễn ra: Cuộc thi chân dung tự họa Dogma Prize và Triển Lãm Mỹ Thuật Việt Nam, anh nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để quay trở lại con đường nghệ thuật. Đó cũng là cách anh dùng để kiểm chứng những gì mình đã học trong gần 5 năm vừa qua.

Con thuyền của em tôi, 120x80cm, sơn dầu trên bố, thực hiện vào năm 2021, Lê Minh Phong.

Hay như họa sĩ Lê Minh Phong, trước khi vẽ và làm điêu khắc, anh là một cây viết. Viết lách chẳng những nuôi dưỡng tâm hồn mà giúp anh làm chủ tài chính. Anh dùng viết lách để nuôi nghệ thuật, cho đến khi tranh và điêu khắc có thể tạo ra tài chính, anh tập trung mọi nguồn lực cho việc thực hành nghệ thuật này.

Không ít người chọn con đường như họa sĩ Võ Thành Thân và Lê Minh Phong, tức vẫn âm thầm nuôi dưỡng mạch ngầm sáng tạo bên trong mình.

Việc quán xét nội tâm để lắng nghe tiếng gọi bên trong mình là vô cùng quan trọng đối với những người trẻ thực hành sáng tạo. Nếu tư duy logic có thể giúp họ sống thực tế, thì việc tôn trọng xúc cảm nội tại khiến họ sâu sắc và trưởng thành hơn rất nhiều.

Hơn nữa, sáng tạo men theo xúc cảm nội tại sẽ tạo dấu ấn riêng cho người nghệ sĩ. Xúc cảm này được thành hình dựa trên trải nghiệm riêng của người đó vì thế sẽ không thể bị hòa lẫn vào đám đông. Nhưng khi rời xa tinh thần, thực hành ấy khó có thể nói là sáng tạo nữa. Và kết quả tạo ra sẽ dễ để lại năng lượng bề mặt, khó chạm vào tâm hồn người thưởng thức.

Học cách lan tỏa

Lê Phổ (1907-2001), “Thiếu nữ cắp tráp”, nhân vật mải miết rảo bước qua gốc hoa hồng trắng và đỏ, dường như quên không ngắm sắc đẹp rực rỡ ven đường. Trong tráp đựng trầu (Piper betle) và cau (Areca catechu).

Công nghệ internet cùng các trang mạng xã hội phát triển đang góp phần lan tỏa thực hành sáng tạo của nghệ sĩ nhanh như chớp mắt. Vẽ xong một bức tranh, người họa sĩ có thể chia sẻ ngay lên trang Facebook cá nhân hay các nhóm/cộng đồng nghệ thuật. Đó vừa là cơ hội vừa là thử thách. Một trong những thử thách lớn nhất là trong một cộng đồng mở như vậy, làm sao để người họa sĩ không bị trộn lẫn và lung lạc trong đám đông đó. Điều này bắt buộc họ phải biết tách biệt tâm hồn mình khỏi những ảnh hưởng đa chiều từ bên ngoài, và tiếp tục sẵn sàng đón nhận cô đơn trên con đường gian nan nhưng ý nghĩa này.


 
Back to top