Nghệ thuật: Thắp hy vọng giữa những ngày dài u ám (Phần 1)
Nhiều năm sau nữa, chúng ta sẽ nhớ nhất điều gì về khoảng thời gian này trong lịch sử? Chúng ta sẽ chọn để nhớ lại những khoảnh khắc cả thể giới bị bao trùm bởi sự sợ hãi do đại dịch Covid-19 gây ra? Hay chúng ta sẽ nhớ nhất khoảnh khắc những con người hy sinh và cống hiến để làm nên những điều tốt đẹp hơn. Và ngoài kia, có những con người đem đến niềm hy vọng cho chính họ và cho cả nhân loại thông qua nghệ thuật.
Covid Art Museum – Niềm hy vọng hơn trong đại dịch
Mang đến thông điệp tích cực là niềm hy vọng của những người sáng lập ra Covid Art Museum, một nền tảng điện tử chia sẻ các tác phẩm nghệ thuật về chủ đề đại dịch Covid-19 trên các phương tiện truyền thông xã hội. Lần đầu tiên thế giới có một bảo tàng số về chủ đề đại dịch. Cho tới nay bảo tàng đã có 159 nghìn lượt người theo dõi tài khoản Instagram.
“Một vài ngày trong kì cách ly ở Tây Ban Nha, chúng tôi nhận ra rằng mọi người đang chia sẻ tác phẩm nghệ thuật của họ trong khi đang bị cô lập. Rất nhiều các nghệ sĩ, nổi tiếng và chưa có tên tuổi, đều bắt đầu diễn tả những cảm xúc, suy nghĩa và quan điểm của họ về Covid-19” Llorca, người sáng lập CAM kể.
Giãn cách xã hội khiến con người cảm thấy buồn chán và dĩ nhiên cả sự cô đơn; những nỗi lo sợ bao phủ trên các tin tức, nỗi sợ bị nhiễm bệnh, cái chết hay những người bác sĩ, tình nguyện viên đang đứng đầu chiến tuyến chống chọi với dịch bệnh. Đó là những chủ đề được các nghệ sĩ sáng tác. Họ mô tả lại những mốc sự kiện lịch sử theo cách của riêng mình. Thông qua nghệ thuật để nói lên những mong muốn, khát khao và hy vọng mới.
Những tác phẩm được các nhà giám tuyển chọn lựa có chủ ý. Hầu hết đều là những cảm xúc phổ biến về đại dịch. Nhưng thông qua sự hỗn loạn cảm xúc của con người, các nhà giám tuyển muốn khơi gợi niềm hy vọng, sự đồng lòng, một chút hài hước trong cơn bĩ cực và cả những lời động viên cùng cố gắng vượt qua khó khăn.
Nhờ CAM, “khách tham quan” giờ đây có thể cảm nhận được rằng họ không hề đơn độc trong cơn dại dịch. Họ thấy ấm lòng hơn khi cảm được sự đồng cảm giữa người với người.
Ở một đất nước xa xôi cách Việt Nam hơn 8 nghìn cây số, tại Florence mọi người cũng đang tranh thủ nấu ăn vui vẻ bên gia đình trong những ngày cách ly. Hay chúng ta đồng cảm với những hình ảnh cô gái ngồi ngẩn ngơ nghĩ không biết nên làm gì tiếp theo trong chuỗi những ngày tháng cách ly dài đằng đẵng.
CAM là một bảo tàng đặc biệt trong thời kì số. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên các nghệ sĩ lựa chọn thông điệp hy vọng để nói lên những ước muốn của con người. Chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng một số bức tranh tiêu biểu cho thông điệp hy vọng của các hoạ sĩ nổi tiếng trên thế giới.
Hope (1886, George Frederic Watts)
Tác phẩm nổi tiếng và gây ám ảnh về chủ đều này với cái tên theo chủ đề – Hope (Hy vọng). Hope là bức tranh tiêu biểu của trường phái tượng trưng (Symbolism) của họa sĩ, nhà điêu khắc người Anh George Frederic Watts, được sáng tác vào thời kì Victoria. Một trong những bức tranh đáng nhớ nhất, thơ ca nhất của người nghệ sĩ tài năng.
Vào thời điểm sáng tác, bức tranh được đánh giá cao với hình ảnh đáng nhớ và thông điệp sâu sắc. Không chỉ đậm chất phực hưng (với tông màu và tính biểu trưng) mà còn hướng tới sự hiện đại và chủ nghĩa siêu thực (với hình ảnh nhân vật bịt mắt nhưng lại như đang tưởng tượng).
Chủ đề của bức tranh – Hy vọng. Nhưng thoáng nhìn qua, bức tranh đem lại cảm giác u tối, không có hy vọng. Nhân vật với đôi mắt bịt kín, ngồi trên quả cầu đang trôi lơ lửng trên mặt nước và đang chơi chiếc đàn lia đã bị đứt gần hết dây. Đó là cách sử dụng hình ảnh và phúng dụ quen thuộc của Watt.
Cô gái khẽ ngả đầu lại gần để nghe tiếng đàn như đang dần tắt, cũng chính dáng ngồi của cô tạo cho người xem cảm giác buồn rầu. Một khung cảnh hiếm khi người ta dùng để mô tả chủ đề tươi sáng như hy vọng. Cũng chính vì vậy mà có một vài nhà phê bình nghệ thuật từng cho rằng bức tranh nên được đặt là Despair (tuyệt vọng) hơn là Hy vọng.
Nhưng Watts cũng đã từng giải thích “Hy vọng không cần phải là mong chờ. Mà hy vọng ở đây là chính thứ âm nhạc được tạo ra từ sợi đàn duy nhất còn sót lại”. Chiếc đàn lia dù đã đứt gần hết, nhưng vẫn còn 1 dây trụ lại và cô gái đã cố gắng hết sức để có thể tạo ra nhiều âm thanh nhất có thể. Với tất cả sức lực còn lại, cô cố hết sức để lắng nghe thứ âm thanh nhỏ bé đó – niềm hy vọng nhỏ nhoi của cô.
Một số người cho rằng tâm trạng bức tranh của Watts ảnh hưởng từ sự đau buồn sau cái chết của cô con gái nuôi của ông. Niềm hy vọng sẽ có lại những ngày tháng tươi đẹp trở lại được ông gửi gắm vào bức tranh. Bức tranh hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Tate Britain.
Hope (1896, Burne-Jones)
Một bức tranh khác mang màu sắc tươi sáng hơn – Hope của Burne–Jones cũng được thực hiện vào cùng thời kì với Watts.
Hope được đặt vẽ bởi phu nhân George Maston Whitin, bà cũng là một nhà bảo trợ cho các hoạ sĩ. Phu nhân Whitin ban đầu đã yêu cầu Jones vẽ một cô gái đang nhảy múa, nhưng Jones khi đó đang còn buồn rầu sau cái chết của người bạn thân William Morris đã hỏi bà liệu có thể chuyển thành chủ đề Hy vọng hay không? Và bà đã đồng ý.
Hope là một trong những bức tranh lớn nhất của Jones trước khi ông chết vào năm 1898. Bức tranh cũng là một phúng dụ khá quen thuộc theo truyền thống của phục hưng. Hình ảnh người phụ nữ là hiện thân cho sự duyên dáng mà người ta thường thấy trong các tác phẩm của Botticelli, trong khi thông điệp của bức tranh khá dễ nhận ra nhưng đồng tời mang tính thuyết phục rất cao.
Hoạ sĩ vẽ nhân vật của chúng ta đang đứng trong một không gian tương đối hẹp, chân trần xiềng xích, trong khi tay cô hướng lên trời và đằng sau là tấm khung cửa sắt tạo cảm giác như đang ở trong tù ngục. Điểm nhấn của bức tranh là những cánh hoa táo trên cánh tay cô – biểu tượng của hy vọng.
Sự mô tả Hy vọng của Burn-Jones khá dễ nhìn thấy ở đây. Ông sử dụng cái đẹp hoàn mĩ của hội hoạ phục hưng để mô tả về niềm hy vọng đẹp đẽ của con người. Burne-Jones đã từng viết “Tôi muốn tạo một hình ảnh về giấc mơ đẹp và lãng mạn chưa từng có, và sẽ không bao giờ có – trong một thứ ánh sáng tốt hơn bất kì thứ ánh sáng nào từng được toả sáng – trong một vùng đất không ai có thể định nghĩa và nhớ tên, chỉ còn niềm khát khao – và những hình dáng đẹp đẽ tuyệt đối”
Bức tranh hiện đã được quyên góp cho bảo tàng Museum of Fine Arts, Boston bởi con gái của phu nhân Whitin.
Hope II (1907-1908, Gustav Klimt)
Trong khi đó, Klimt – người ảnh hưởng khá lớn bởi nhà phân tâm học Freud lại lựa chọn mô tả chủ đề Hy vọng theo một cách rất riêng biệt. Hình ảnh người mẹ mong ngóng người con ra đời và những hy vọng cho sự an toàn của đứa con. Hope II là một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất của Gustave Klimt thời kì tiền hiện đại.
Hope II gợi nhớ tới bức tranh Hope được thực hiện trước đó của Klimt về chủ đề của những người phụ nữ khi đối mặt với khoảnh khắc sinh nở. Hope II, cho ta thấy hình ảnh của mẹ bầu và trọng lượng của niềm hy vọng mà họ mang trên mình.
Một người phụ nữ cúi đầu, mắt nhắm chặt như đang cầu nguyện cho sự an toàn của đứa con chưa được ra đời. Lấp ló gần chiếc bụng bầu của cô là hình ảnh một chiếc đầu lâu – một dấu hiệu không tốt lành như đang bám lấy người con thậm chí chưa được sinh ra. Trong tác phẩm Hope, Klimt cũng sử dụng nhiều hình ảnh “memento mori” để khắc hoạ những hiểm nguy rình rập xung quanh quãng thời gian mang bầu của người phụ nữ.
Tâm điểm của bức tranh, bên dưới chân của người mẹ là ba người phụ nữ cũng đang cúi đầu và giơ tay lên trên đầu. Họ cầu nguyện cho mọi thứ tốt lành sẽ đến, cứ như thể họ nhìn thấy trước được điều gì đó.
Hình ảnh những người phụ nữ mang bầu hay chủ đề về mang bầu hiếm khi được khắc hoạ trong lịch sử hội hoạ. Bằng hình ảnh người mẹ đang mong ngóng sự ra đời của con làm trung tâm, Klimt thể hiện niềm hy vọng sắp xảy đến cho người mẹ.
Người phụ nữ đang bị mắc kẹp giữa hiện thực về một điều sắp xảy ra và có thể là sự kết thúc của một cuộc đời. Mẹ tròn con vuông hoặc một bi kịch cho đứa trẻ. Đứa trẻ chưa ra đời là hiện thân của niềm hy vọng, nhưng cái chết lại đang lảng vảng xung quanh. Sự sinh đẻ, cái chết và những cảm xúc của người sống tồn tại bên cạnh nhau tạo thành một trạng thái cân bằng trong bức tranh. Cũng vì thế mà bức tranh được đánh giá khá cao về hình ảnh và nhiều tầng ý nghĩa.
Klimt vẽ bức tranh vào thời kì đỉnh cao của mình và hiện bức tranh đang được trưng bày tại bảo tàng MoMa, New York.