ART & CULTURE

Xem tranh (P1): Thấu hiểu cho những tâm hồn

Jan 17, 2022 | By Trang Ps

…Và thế, tôi nghĩ dù làm gì đi nữa, thì điều ta cần là lắng nghe và thấu hiểu cho những tâm hồn, chứ không phải là phán xét về một tác phẩm do họ sáng tạo ra

Nguyễn Ngọc Liêm, Sương trong núi, Acrylic trên Canvas, 2021, 60cm (H) x 80cm (W) / 23.62″ (H) x 31.50″ (W)

Thật lâu mới có dịp ngồi lại cùng người bạn nhâm nhi chén trà. Cuối năm, tiết trời Sài Gòn trong trẻo mát lành như mùa thu Hà Nội, chính vì thế mà cũng đẩy đưa câu chuyện đi xa hơn và sâu hơn. Là một người duy mỹ và xem nghiệp sáng tác như con đường tu học lâu bền, thật hiếm hoi khi lần đầu tiên anh chia sẻ tôi nghe những góc nhìn thấu đáo mà cũng đầy trăn trở: “Em có thấy nghệ thuật bây giờ đều theo xu thế bạo động không? Tìm kiếm những khoảng lặng trong nghệ thuật bây giờ thật khó, nhìn đâu cũng chỉ thấy xung đột, mà hầu hết đều tiêu cực.”

Anh dừng lại một chút, lặng lẽ nhâm nhi ly trà sen ấm nồng và tiếp: “Có lẽ do thời đại em nhỉ, mọi thứ tác động lên con người đều theo xu hướng tốc độ và bạo lực. Những tác phẩm theo dạng này, giờ đây, anh không còn muốn ngắm nữa. Chúng có nhiều sóng năng lượng tiêu cực tác động xấu đến người xem, sản phẩm của tham, sân và si bên trong người nghệ sĩ. Nghệ sĩ phương Đông ngày xưa luôn thanh tẩy tâm hồn trước khi đặt bút, nhưng giờ thì khác, người ta toàn đem những thứ ô trọc vào nghệ thuật. Quan niệm Chân Thiện Mỹ hiện nay bị coi là lỗi thời, nghệ sĩ bây giờ có xu hướng phát triển phần con nhiều hơn phần người. Ngay cả khán giả cũng hưởng ứng xu thế đó, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu cả thôi.”

Bức tranh của họa sĩ Tạ Duy.

Quả thực, không riêng gì nghệ thuật, mà trong bất cứ lĩnh vực nào cũng bị nhiễm phải thứ “ô trọc” mà anh nói. Thời gian đầu, khi viết về nghệ thuật, tôi cởi mở với tất cả mọi thể loại, từ cổ điển đến đương đại. Về sau, tôi cũng bắt đầu đặt câu hỏi, họa sĩ nghĩ gì khi vẽ những điều này, tâm thức họ đang khuất ẩn và vướng mắc điều gì, khi những hình tượng trên tranh đôi khi là rùng rợn và ma quái. Tất nhiên trong thế giới nghệ thuật, người nghệ sĩ có thể coi đó là một ý niệm, một ẩn dụ. Nhưng không vì thế mà tôi ngừng đưa ra những nghi vấn tò mò và sâu xa!

Rồi tôi chợt nhận ra như thế này, nếu trong đạo Phật có câu “trong thấy chỉ có thấy, trong nghe chỉ có nghe”, thì tôi nghĩ rằng khi là một người viết nghệ thuật, bản thân cũng nên ứng dụng pháp quan trọng này, để khi viết không hề một sự phán xét hay định kiến, dù năng lượng bức tranh có như thế nào đi nữa.

Trương Văn Ngọc, Sớm nay Xuân gõ cửa, Màu nước, màu tổng hợp trên giấy/ 54x78cm

Trong một cuộc triển lãm gần đây, tôi có dịp phỏng vấn một họa sĩ vẽ để chữa lành. Anh đắm chìm trong dòng chảy sáng tạo, và coi hoạt động ấy như một niềm an ủi lặng lẽ giúp anh xóa nhòa những trống trải bên trong. Và tôi tự hỏi: “Chúng ta có thể đòi hỏi gì hơn từ một người đang tự giúp mình theo cách của họ?” Cũng giống như khi người ta nhìn tranh của các em bé bị tự kỷ với năng lượng tối tăm, tôi cũng tự hỏi: “Chúng ta có thể đòi hỏi gì hơn từ những tâm hồn đang tổn thương như thế!” Từ đó, tôi không còn phán xét những gì tôi thấy, tôi tìm hiểu sâu hơn về những tâm hồn đằng sau những nét cọ trên tranh.

Hôm trước ở triển lãm, họa sĩ vẽ để chữa lành bước đến bên tôi, rất bẽn lẽn, rất ngại ngần như thói quen vốn là của anh: “Anh không nghĩ anh có thể chia sẻ nhiều như vậy. Cách dẫn dắt của em rất tự nhiên, khiến anh cảm thấy thoải mái.” Tôi mỉm cười, và anh cũng nghiêng mình cười theo nhịp cười sảng khoái của tôi. Dù hầu hết mọi người khi nhìn tranh anh đều thấy những nỗi đau chưa thể thoát ra, thì tôi vẫn thấy ở anh sự dễ thương, dễ mến, và đang tự “giải thoát” tâm hồn mình qua trải nghiệm vẽ. Đây vốn là giai đoạn mà anh đang cần phải kinh qua.

Anh Nguyễn, Tác phẩm Giờ Chơi, hoạ tiết chiếc xe hơi lấy từ nét vẽ của con trai.

Và thế, tôi nghĩ dù làm gì đi nữa, thì điều ta cần là lắng nghe và thấu hiểu cho những tâm hồn, chứ không phải là phán xét về một sản phẩm do họ làm ra. Vốn dĩ, trong cuộc sống này, ai ai ít nhiều cũng có tham, sân và si. Tất nhiên, nếu một người có ý thức thanh tẩy tâm hồn mình trước khi vẽ, thì đó là một điều thực sự tuyệt vời. Nhưng nếu ai đó vẫn muốn vẽ bằng tất cả những phiền não bên trong mình, thì đó cũng là một lựa chọn để họ học ra bài học của bản thân trên chính trải nghiệm ấy. Và cuối cùng, người xem phải tự quyết định bản thân cần xem gì, xem như thế nào, và với tâm thế ra sao.

Bức tranh của họa sĩ Lê Kinh Tài.

Cuộc sống là một cuộc giao thoa năng lượng, mà ở đó, ta không thể trốn tránh những nguồn năng lượng xấu mà dần dà, ta cũng phải đối mặt với chúng bằng sức mạnh nội tại vốn có của mình. Khi ta có sự đón nhận, thì đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, ta sẽ bắt gặp những nguồn năng lượng tốt lành nếu ta sống đúng tốt. Và nếu có bắt gặp năng lượng xấu, thì ta cũng thấu hiểu và không phán xét.


 
Back to top