“Những cô gái da màu kim loại” của Sang Phan: Mỗi người là vẻ đẹp độc nhất!
Khi họa sĩ Sang Phan giới thiệu bộ tranh “Những cô gái da màu kim loại” được anh sáng tác vào năm 2021, hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là tiếng nói ca ngợi vẻ đẹp riêng, hay không phân biệt chủng tộc… Nhưng càng chiêm ngưỡng loạt tác phẩm này, tôi chợt ngộ ra rằng vẻ đẹp nơi mỗi con người không phải chờ đợi một ai chấm điểm, lên tiếng đánh giá… mà chính nó đã là một sự khác biệt bởi món quà của tạo hóa trao cho từng cá nhân là độc nhất, không bao giờ có thể lặp lại hay sao chép.
Bất cứ ai mới thoạt đầu quan sát hội họa của Sang sẽ dễ rơi vào chiều hướng cảm nhận hay bị thu hút bởi năng lượng trên tranh của anh: mạnh mẽ, táo bạo đến ấn tượng, quyến rũ… Một phần do anh thường dùng màu nóng với mật độ dày, sâu-đậm cùng những đường cọ giàu nội lực. Nhưng nếu “điểm rơi” chỉ dừng lại ở mặt năng lượng thì quả thật đáng tiếc. Bởi yếu tố năng lượng chỉ là sự lôi cuốn ban đầu để mời gọi mỗi người bước vào cuộc độc thoại – đối thoại mang tính chiêm nghiệm sâu sắc. Và tôi gọi bộ tranh “Những cô gái da màu kim loại” là cuộc chuyện trò trực diện giữa những đôi môi và ánh mắt. Bởi có lẽ, đôi môi và ánh mắt lại là hình ảnh ẩn dụ giàu giá trị xúc cảm cho những cô gái da màu.
Vẻ đẹp nơi mỗi người là hoàn hảo và duy nhất
Dù vẽ người, nhưng trong tranh của Sang, tôi luôn thấy anh dùng hình ảnh thiên nhiên để lột tả ngoại hình lẫn cá tính nhân vật. Có khi thiên nhiên là cảnh phụ trợ, có khi ẩn hiện trong ánh mắt, đôi môi, làn da, mái tóc… Cách biểu đạt này vừa gia tăng sự hài hòa, tràn đầy sức sống vừa truyền tải ý niệm con người là một phần của thiên nhiên. Chúng ta có mặt trong thiên nhiên từ khi sinh ra và khi hóa thì cũng trở về với đất mẹ.
“Những cô gái da màu kim loại” của Sang Phan cũng tương tự, họ hòa vào thiên nhiên và độc nhất giữa thiên nhiên vì sự xuất hiện của họ là khác biệt, không một con người thứ hai nào có thể lặp lại y hệt. Dù đôi môi dày của họ trông có vẻ giống nhau, nhưng chẳng đôi môi nào giống đôi môi nào. Dù ánh mắt của họ đang nhìn về một hướng, đang đối thoại với nhau, hay độc thoại trong chính nó, thì cũng chẳng đôi mắt nào là giống đôi mắt nào. Sự hiện diện của mỗi con người, mỗi thân phận là hoàn toàn vô nhị.
Khi nhận thức đúng về sự độc đáo của mình, chúng ta không bao giờ mong muốn sao chép cho giống ai, để là được ai, hay tự ti khi bị người khác hay một cộng đồng khác phán xét bản thân mình, hay cộng đồng của mình. Hình ảnh chiếc vương miện thể hiện cho điều đó. Nếu chiếc vương miện được sinh ra, thì nó có sẵn cho mỗi chúng ta, chứ không phải của riêng bất cứ một người nào. Chúng ta không cần phải đấu tranh về sắc đẹp để được đồng thuận, để được công nhận. Dù tiêu chuẩn sắc đẹp được đặt ra, thì đó chỉ là sự phán xét của một bộ phận người. Còn vẻ đẹp nơi mỗi người, tự nó đã là hoàn hảo.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến một bài thơ thời nhà Tống như thế này:
“Cả ngày tìm kiếm mùa xuân
mà không thấy,
mang đôi giày cỏ lang thang khắp chốn
đi giữa mây ngàn,
theo con suối vòng quanh
Trở về nhà, ta bật cười vang
Chợt bắt gặp,
hoa mận nở hương thơm ngát,
xuân ngay đó trên mỗi đầu cành
bao giờ cũng là hoàn hảo.”
Có lẽ tác giả bài thơ đang đi tìm một “mùa xuân”, mà xuân ấy có thể tượng trưng cho sắc đẹp, sự khác biệt, sự công nhận, niềm an lạc, hạnh phúc… Thực ra, nhiều người trong chúng ta cũng như vị tác giả ấy, mải mê đeo đuổi một dục vọng, một lý tưởng nào xa xôi để rồi đánh mất những gì đã sẵn có, đó là “hoa nở hương thơm ngát trên mỗi đầu cành”. Và chính những điều sẵn có này mới là hoàn hảo, và ta chẳng cần dụng công gì nhiều, mà chỉ đơn thuần có mặt trọn vẹn với nó. Tự khắc lúc ấy ta cảm thấy yêu đời, yêu người, vì được tạo hóa ban tặng cho một “mùa xuân” quá ư tươi đẹp!
Tôi thấy một mùa xuân tương tự trong “Những cô gái da màu kim loại”. Mùa xuân ấy tất nhiên không chỉ có sắc thanh hương vị ngọt ngào quyến rũ, mà là đủ đầy nỗi niềm rất người của con người. Mà những đôi môi, đôi mắt tượng trưng cho sự thấu cảm và sẻ chia, là cái nhìn trực diện vào chính thân phận của mình, để rồi sẵn lòng đón nhận.
Dùng màu để lột tả thân phận
Nếu nhìn thật kỹ thì những nét cọ của Sang thể hiện đa dạng cung bậc nội tâm, chứ không chỉ đơn thuần là một nội lực mạnh mẽ và táo bạo. Có khi nguệch ngoạc vui đùa như một đứa trẻ mới tập tành chơi màu, có khi chậm rãi tỉ mẩn như một “ông già” khó tính để tạo nên những loang lổ vừa tự nhiên vừa cân bằng, có khi lại thăng hoa, tươi mới như một người đàn ông mới biết yêu. Những lớp màu men chạy theo những khuôn hình có khi là hình học, có khi ngoằn nghèo uốn lượn vừa uyển chuyển vừa có chủ đích, tất cả làm nên ấn tượng thị giác thú vị, và đôi khi, gợi cho tôi về biểu hiện phá cách và mới mẻ của lập thể. Chính cách tiếp cận này khiến cho tác phẩm của Sang không bị rơi vào cực đoan “góc cạnh”, mà vẫn giữ được sự hồn nhiên và trong sáng cho hình, cho màu. Vì thế mà việc lột tả thân phận mới dễ dàng được cảm thụ.
Rốt cuộc, ta thấy, không phải ai trong cuộc sống cũng ý thức được về sự hoàn hảo nơi ngoại hình nói riêng và những gì mình sẵn có nói chung. Chính thế, mà đằng sau những lớp màu của Sang là những nỗi niềm thật đa dạng. Ngược lại với niềm vui, tự hào vì biết ơn tạo hóa đã ban tặng mình một đôi môi dày quyến rũ, ánh mắt to sáng, làn da màu khỏe khắn… thì vẫn sẽ có người tự ti với những gì mình đang có. Vì họ bị mắc kẹt trong những ý niệm, quan niệm về cái đẹp là gì, và phải như thế nào. Và chính việc bị mắc kẹt trong những phán xét và định kiến của tâm trí này mà mỗi người không ý thức được mọi điều xảy đến đã hoàn hảo, và rằng, hạnh phúc chỉ xuất phát từ bên trong chứ không phải là từ sự đồng thuận của bất cứ người nào dành cho mình.
Và như tên gọi của triển lãm, có lẽ ai ai trong chúng ta cũng có sẵn sự cứng rắn và dẻo dai, sự gai góc và mềm mại quyến rũ, quan trọng là mỗi người có biết cách khai thác kho tàng tiềm ẩn và giàu có trong chính mình hay không mà thôi!
Triển lãm cá nhân “Những cô gái da màu kim loại” của họa sĩ Sang Phan sẽ diễn ra từ ngày 13/5 – 23/5/2022 này tại Huyen Art House, 8 Đặng Tất, Quận 1, Sài Gòn.