ART & CULTURE

Phạm Công Luận: Viết về Sài Gòn chìm sâu dưới lớp bụi thời gian

Mar 19, 2022 | By Trang Ps

Như nhà văn Phạm Công Luận bộc bạch, ông là người con Sài Gòn, sống và làm việc nơi đây suốt 60 năm qua, nên việc viết về Sài Gòn diễn ra như một nhu cầu tự thân, đúng thời điểm thì tự bộc lộ. Trải qua hơn nửa đời người sống ở thành phố hoa lệ này, Sài Gòn luôn mang đến những bất ngờ và thú vị để ông khám phá và viết lên những câu chuyện đời chuyện phố suốt trăm năm qua. 

Từ một người viết sách cho thiếu nhi, và là tác giả của những cuốn nổi tiếng như “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”… Vì sao Phạm Công Luận lại chuyển hướng viết về Sài Gòn? Nhân duyên nghiên cứu này đến với ông ra sao?

Trước khi cùng Đông Vy viết chung cuốn “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, tôi đã viết một số bài về đời sống Sài Gòn xưa trên tạp chí Nội Thất từ 2004 đến 2008. Các bài đó sau này đưa vào cuốn “Những lối về ấu thơ”.

Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố này. Tổ tiên phía bên ngoại, ít nhất từ thời ông cố tôi đã định cư bên Khánh Hội, quận 4 từ giữa thế kỷ 19 và xa hơn nữa cũng chỉ quanh quẩn ở Chợ Lớn và Sài Gòn. Từ thập niên 1930 cho đến 1945, ông ngoại tôi làm thư ký Sở Hỏa xa Đông Dương (ngôi nhà cổ ngay bùng binh Quách Thị Trang, hiện nay là Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn), ba tôi làm nhân viên tiệm buôn Kim Phát ở cửa Tây chợ Bến Thành từ thập niên 1950… Những câu chuyện có bóng dáng người thân yêu sống trên thành phố này luôn vây quanh tôi trong những ngày giỗ, họp mặt gia đình, từ hồi bé thơ cho đến tận bây giờ.

Sống trong không khí đó, tâm thức không thể không ám ảnh về cuộc sống một thành phố mà tôi gắn bó quá lâu, rất nhiều con đường tôi đi qua đều có những câu chuyện để kể từ mấy thế hệ trong gia đình, mỗi lời ca tiếng nhạc một thời, mỗi bức tranh xưa, tên nhà hàng rạp hát cũ… đều gợi nhớ những gì quen thuộc. Do đó, viết về Sài Gòn, cả Gia Định, Chợ Lớn là nhu cầu tự thân, nằm sẵn trong tâm trí chỉ đợi dịp bung ra.

Ông có thể chia sẻ về hành trình nghiên cứu về Sài Gòn này, nó có thể chia ra những giai đoạn tương ứng với cách ông tiếp cận ra sao? Ông đã nghiên cứu trên các khía cạnh nào, và tiếp cận với những tư liệu nào (sách cũ, con người cũ…)?

Đây là một câu hỏi có thể thành một chuyên đề để viết ra hay trao đổi với nhau.

Trước khi viết về chủ đề Sài Gòn, ít nhất tôi có 30 năm đọc sách viết về Sài Gòn – Gia Định. Thực tế là không có nhiều sách báo, bài viết về chủ đề này. Vài cuốn sách của các nhà văn Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc hay và thú vị nhưng quá ít ỏi so với hiện thực cuộc sống ngồn ngộn cả thế kỷ ở thành phố đầy biến động này. Tôi tiếp tục đọc qua các tác giả khác như Hồ Biểu Chánh, Hồ Trường An, Kiệt Tấn… và nhiều tác giả hải ngoại, nghiệp dư và chuyên nghiệp. Tôi tìm đọc ở sách báo cũ. Thú vui tìm đọc sách báo đã tạo cho tôi một kiến thức nền tương đối tốt. Nó tích lũy trong hơn 30 năm, không dài nhưng đáng kể, tạm đủ cho tôi trong việc viết lách sau này.

Khi nhận thấy dư địa của đề tài này vô cùng lớn và đã đủ cảm hứng, tôi bắt tay vào viết. Nhưng, tôi không thích chỉ là người tổng hợp những tư liệu, câu chuyện do người khác khai thác. Tôi muốn viết về những đề tài lạ, chìm sâu dưới lớp bụi thời gian. Những người tài danh đã bị quên lãng, những dự án từng có trên thành phố này hiếm ai còn nhớ, những tòa nhà cổ không ai biết sau bức tường dày là cuộc sống thế nào, những buồn vui đời thường của cộng đồng dân cư trong một xóm hẻm đâu đó ở quận I, quận 5… khác gì so với ngày nay, sau hơn nửa thế kỷ. Đó là định hướng viết của tôi, tôi sẽ “viết ra câu chuyện tôi muốn đọc”.

Tuy nhiên, viết về những điều chìm khuất, khai quật một quá khứ xa xôi không thể chỉ dựa vào tài liệu trên mạng hay sách báo xưa. Dùng kỹ năng làm báo, tôi tìm kiếm và trao đổi rất nhiều điều với người trong cuộc hoặc với thân nhân những người đã khuất. Việc này khá vất vả, có người sống xa quê hương, không thích dùng email hay Facebook. Một số ít người từ chối vì nhiều lý do. Có người rất nhiệt tình nhưng nhớ không chính xác hoặc diễn đạt khó khăn. Những người hiểu về đời sống Sài Gòn cách nay trên nửa thế kỷ, nay phần lớn đã trên tám mươi tuổi. Thực tế đó buộc tôi phải tranh thủ thời gian vì ở tuổi đó không ai nói trước điều gì.

Một việc cần thiết là xử lý những tài liệu mâu thuẫn, đối chiếu với tài liệu qua sách vở. Việc xử lý tài liệu không đơn giản, không phải hễ có là dùng. Tài liệu xưa cũng có những chỗ sai sót. Hai tờ báo ra cùng ngày viết về một hiện tượng lại nghịch nhau. Thông tin trên mạng đúng sai lẫn lộn, khi gặp được nhân vật mới thấy có nhiều chỗ đã được viết không chính xác. Những bài viết như vậy, ở thời buổi share hay copy/paste này, lại có thể trở thành chuẩn mực cho người đọc tham khảo về sau. Đây là điều cần lưu ý, để nhắc nhở mình cần cẩn trọng khi viết.

Cuối cùng, tôi nghĩ sự tập trung vào đề tài mình viết là quan trọng. Trong ý nghĩa đó, việc đọc sách, xem phim, đọc báo, lướt mạng, xem các bài trên Facebook, trò chuyện với mọi người là những hoạt động mang đến rất nhiều gợi ý cho công việc. Với tôi, không bao giờ thiếu đề tài để viết, chỉ sợ không có sức đeo đuổi.

“Lối rẽ” riêng này ắt mang đến cho ông những bài học thú vị! Ông có thể kể một vài câu chuyện đáng nhớ trong hành trình này?

Gần mười năm đeo đuổi đề tài Sài Gòn xưa, tôi nhận ra chiều kích rộng lớn của đời sống thành phố này mà trước đó không thể hình dung. Cuộc sống ở đây quá đa dạng, nhân tài nhiều, ẩm thực phong phú, lối sống và phong tục khác nhau ít nhiều ở từng cộng đồng…. tất cả lại có thể hòa hợp với nhau để tạo ra một kiểu cách Sài Gòn không lẫn vào đâu được. Trải qua 60 năm sống ở đây, đến giờ Sài Gòn vẫn tiếp tục mang đến những ngạc nhiên thú vị, giúp tôi viết nên được nhiều câu chuyện về đời sống thành phố này trăm năm qua. Mỗi con hẻm, mỗi khu phố đều có câu chuyện của mình, không hề tẻ nhạt.

Khi viết về Sài Gòn, tôi luôn nghĩ nên cố gắng chân thành hết mức với bài viết, tôn trọng nhân vật và tránh soi mói những thị phi để tìm sự giật gân, gây chú ý. Nhưng cố gắng đi sâu vào thế giới nội tâm của họ với những khát vọng, khó khăn hay giằng xé trong cuộc đời của họ.

Khi viết về hai cha con soạn giả cải lương tiên phong Tư Chơi và Huỳnh Háo “đệ nhất tay trống Đông Dương”, tôi không ngại viết câu chuyện họ là nghệ sĩ lớn, nổi danh nhưng cuộc sống riêng đều không vui, thậm chí có người đi vào con đường say sưa nghiện ngập vì ẩn tình riêng. Viết xong loạt bài đó, tôi trở thành bạn thân thiết của hậu duệ của hai người. Anh ấy giống như những người khác, cảm thấy tác giả nhìn nhận đúng và cảm thông về người thân của họ, hơn là tô vẽ hay viết ra một cách hời hợt.

Tôi nghĩ cuộc sống như một bức tranh mosaique, mảnh này gắn với mảnh kia. Sau chừng ấy thời gian, tôi nhận thấy các câu chuyện, nhân vật cùng thời, dù có viết riêng từng người cũng dẫn đến các mối quan hệ, quen biết vả ảnh hưởng đến những người khác dù không cùng lĩnh vực hoạt động, điều này thật thú vị. Quá khứ nếu được hiểu biết đầy đủ sẽ như một bức tranh xã hội cực lớn phơi bày hết mọi ngóc ngách và các mối liên kết trong đó.

Ông thấy mỹ thuật Sài Gòn thời gian này có gì đặc sắc? Ở khía cạnh cộng đồng nghệ sĩ, người chơi tranh, và công việc sưu tập, được thể hiện như thế nào? Điều đó có khác biệt gì so với thị trường nghệ thuật bây giờ?

Từ sau 1954, xuất hiện nền mỹ thuật mới của miền Nam vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa. Các nhóm sáng tác mỹ thuật được thành lập và bộc lộ nhiều tài năng, cá tính như Hội Họa sĩ trẻ, nhóm Sáng tạo…. Nhiều hoạt động mỹ thuật được tổ chức như cuộc Triển lãm Quốc tế Mỹ thuật lần thứ I tổ chức tại công viên Tao Đàn năm 1962 với 20 quốc gia tham dự và rất nhiều cuộc triển lãm khác. Mỹ thuật có sự đóng góp đa dạng của giới hoạ sĩ từ nhiều nguồn, ở miền Nam xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định và các trường mỹ nghệ Biên Hòa và Bình Dương, từ Huế và từ miền Bắc vào. Các hoạ sĩ thoải mái đi theo khuynh hướng hội họa mình chọn. Bộ môn Mỹ thuật ứng dụng phát triển do nhu cầu của xã hội. Ngành Mỹ nghệ cũng rất phát triển, với các sản phẩm của các công ty Thành Lễ, Trần Hà và Mê Linh và nhiều công ty khác, được Huy chương của nhiều nước và được ưa chuộng.

Hoạt động sưu tầm cổ vật phát triển, tổ chức được vài cuộc triển lãm và mang đồ đi trưng bày tại nước ngoài. Thú chơi tranh, sưu tầm tranh tập trung vào giới khá giả, người nước ngoài và một số người trong giới trung lưu… So sánh với hiện nay là điều khó vì tôi không theo dõi nhiều mảng mỹ thuật. Các họa sĩ hiện nay vẽ rất đa dạng, phong phú từ đề tài đến cách thức thể hiện. Số người chơi tranh cũng nhiều hơn trước. Truyền thông về mỹ thuật quá phong phú nhờ internet. Rất nhiều triển lãm được mở ra. Tuy nhiên, cá nhân tôi cảm thấy ít rung cảm trước các bức tranh xem được khi dự triển lãm. Điều này cũng giống như khi nghe nhạc hay đọc thơ sáng tác sau này. Có thể do tôi đã lạc hậu.

Cái chất Sài Gòn trước 75 đã dần phôi phai sau 75, nói vậy liệu có cực đoan không? Ông thấy giờ đây, phải chăng ta quay về quá khứ để viết là để vớt vát những gì đã qua, để nhớ, để hoài niệm là chính? Và ông thấy được tầm quan trọng của việc nghiên cứu này đến thế hệ mai sau như thế nào?

Cần phải định nghĩa “chất Sài Gòn” thực sự là gì mới biết có phôi phai hay không? Đó là lý do cần phát triển bộ môn nghiên cứu về Sài Gòn, hay là “Sài Gòn học”, hiện chưa có. Theo tôi, tính chất con người thành phố này cho dù có thay đổi ít nhiều qua thời gian nhưng những đức tính căn bản vẫn còn giữ được, người ta đã phân tích nhiều không cần nhắc lại. Ý kiến cho là:“quay về quá khứ để viết là để vớt vát những gì đã qua, để nhớ, để hoài niệm là chính” có lẽ muốn nói về các bài tản văn về Sài Gòn chăng? Có như vậy đi nữa thì theo tôi, nhiều tản văn, tùy bút viết về Sài Gòn của những cây bút nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp có cái hay là giữ gìn trong đó nhiều câu chuyện về đời sống đô thị, phong tục tập quán một thời, ngôn ngữ một thời, cách nghĩ cách cảm một thời trên thành phố này. Những điều đó rất quý với người gốc gác ở đây, để tìm lại những gì tạo nên thế giới tinh thần của họ đã được hình thành từ thuở ấu thơ cho đến khi bạc tóc.

Còn những cuốn sách, những bài khảo cứu, sách tư liệu về Sài Gòn xưa chắc chắn không chỉ để hoài niệm, mà là tư liệu quý nếu được viết một cách nghiêm chỉnh, là những kiến thức cần được phổ biến đến công chúng, nhất là giới trẻ để họ nhận ra chân giá trị của thành phố lớn và trung tâm kinh tế bậc nhất của cả nước, cách nó phát triển như thế nào qua nhiều va đập, thăng trầm vì chiến tranh và sự thay đổi các chế độ, cung cấp nhận thức về lịch sử thành phố một cách gần gũi, dễ cảm nhận….

Trong đó, cuộc sống đời thường ở thời quá khứ được viết ra đi kèm với hình ảnh tư liệu chính là nguồn cung cấp chất liệu cho văn học nghệ thuật, phim ảnh, tiểu thuyết, sân khấu, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, thời trang… Ký ức thành phố không thể bị đứt gãy mà phải tiếp tục nghiên cứu về nó và truyền giao cho thế hệ sau.

Có những người “sống trong hiện tại”, tức là cái gì đã qua thì cho qua, ông thấy như thế nào trong tương quan công việc của mình với “sống trong hiện tại” (be present)?

Một cá nhân có thể “sống trong hiện tại” và “cái gì đã qua thì cho qua” nhưng chuyện đời một thành phố hay một đất nước thì không. Một thành phố từng có khởi đầu khá xán lạn với một nền báo chí hiện đại, từng có ngành xuất bản rầm rộ, một nền giáo dục khai phóng, có nền hội họa, điện ảnh, thể thao không thua kém trong khu vực Đông Nam Á… và nhiều điều khác nữa thì tại sao phải bỏ qua việc sưu tầm, xem xét, đánh giá những thành tựu đã có? Từ đó, có thể tự hào, tự tin đi tới và tham chiếu quá khứ để suy tính về tương lai, cũng như để sửa sai. Đó mới chính là thái độ “Sống trong hiện tại” tích cực.

Ông có thể chia sẻ về dự án tiếp theo của mình?

Tôi mong có sức khỏe để viết tiếp về thành phố này, theo hướng tập trung vào một chuyên đề, một ngành nghề, một bộ môn nghệ thuật hay một khu dân cư…

Ảnh: RAB HUU STUDIO


 
Back to top