ART & CULTURE

Phía sau trừu tượng của Bùi Mai Hiên

Nov 11, 2022 | By Art Republik

Triển lãm cá nhân lần thứ hai ở tuổi 66, họa sĩ Bùi Mai Hiên giới thiệu 52 bức tranh trên chất liệu acrylic. Dưới hình thái hội họa trừu tượng, các tác phẩm của cô vẫn có những cái tên đầy ý nghĩa về cơ duyên tạo nên chúng.

Khán giả xem tranh trong triển lãm “Vô cực” của họa sĩ Bùi Mai Hiên tại Artspace 42 Yết Kiêu, Hà Nội.  Ảnh: Trần Thu Huyền

Trên con đường trừu tượng

Bùi Mai Hiên tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1985. Sau quãng thời gian mười năm nghiên cứu và học hội họa chuyên nghiệp, cô cảm thấy “thích trừu tượng” và từ những sáng tác của mình năm 1990, cô đã quyết định đến thẳng với trừu tượng. Triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1992 có tên “Sơn mài trừu tượng”, đã khiến cô được công nhận như người tiên phong trong việc thực hành hội họa trừu tượng trên chất liệu sơn mài Việt Nam truyền thống.

Bùi Mai Hiên, “Mây trắng mây xanh bồng bềnh” (2022), acrylic, 60 x 80 cm. Ảnh từ họa sĩ.

Tranh trừu tượng là một thể loại khó, bởi nó bỏ qua việc miêu tả để chỉ bằng những yếu tố cơ bản như điểm, đường, mảng với chất màu, để trình bày ra một hiện trạng thị giác phù hợp với những gì đang diễn ra trong cảm xúc và tư tưởng của người vẽ. Họa sĩ sáng tác tranh trừu tượng đòi hỏi phải đào sâu vào bản chất của chính mình. Khi được hỏi về tranh trừu tượng, Mai Hiên chia sẻ: “Tôi nghĩ tranh trừu tượng đòi hỏi phải dồn sức, vượt lên những yếu tố hiện thực, những quy tắc mà chúng ta đã được học trong mỹ thuật về bố cục, màu sắc, hình khối… Trừu tượng vẫn là tổng thể của những cái đó nhưng dùng ngôn ngữ phiêu du hơn để diễn tả cảm xúc, tâm tư, cảm nhận của người nghệ sĩ nhiều hơn, mênh mang hơn. Tuy nhiên nếu không học qua hiện thực thì khó mà vẽ được tranh trừu tượng. Qua hiện thực rồi, thì trừu tượng mới đủ độ phiêu, độ chín”.

Bùi Mai Hiên, “Ngày mới” (2022), acrylic, 60 x 80 cm. Ảnh từ họa sĩ.

Bùi Mai Hiên, “Theo dòng phù sa” (2022), acrylic, 60 x 80 cm. Ảnh từ họa sĩ.

Quyết định dùng chất liệu dân tộc để vẽ thể loại hội họa “Mô-đéc” (modern art – từ chỉ nghệ thuật hiện đại phương Tây), họa sĩ đã khám phá ra “khi nằm trong chất liệu sơn mài, trừu tượng như được bùng nổ hơn”. Và tiếp sau đó, họa sĩ đã nghiên cứu thử nghiệm được “vô vàn” kỹ thuật của sơn mài trừu tượng trong vòng hai mươi năm với các triển lãm liên miên tại Pháp, Trung Quốc, Indonesia, Mỹ, Hàn Quốc…

Phía sau vẻ đẹp của tạo hóa

Là họa sĩ càng phải cần sức khỏe hơn người bình thường, bởi phải dồn lực vào sáng tác. Làm nghệ thuật càng cần phải điều độ ăn ngủ nghỉ để cơ thể và tinh thần khỏe mạnh vì không thể sáng tác triền miên, như thế tranh sẽ không có năng lượng” – Mai Hiên.

Bùi Mai Hiên, “Mơ thấy đêm là thác đổ” (2022), acrylic, 60 x 80 cm. Ảnh từ họa sĩ.

Mai Hiên nổi tiếng với tranh sơn mài trừu tượng. Cô đã dành phần lớn cuộc đời hội họa của mình để vẽ trừu tượng. Bởi vậy, đến loạt tranh acrylic này, hình thức trừu tượng dường như đã quá nhuần nhuyễn và hoạt thoát. Vẽ trừu tượng sơn mài có cái hay ở yếu tố ngẫu nhiên trong sự chậm rãi, thì ở trừu tượng acrylic này nổi bật là tốc độ, sự kiểm soát, bút pháp chủ động, biến thiên, kỹ thuật điêu luyện. Cảm xúc trong các tác phẩm như được dâng trào sau những kìm nén, cho ra những hình thái hòa quện, đầy chi tiết gợi cảm mãnh liệt. Bởi vậy, những bức tranh của cô tạo ra được chất cảm đáng ngạc nhiên. Các lớp sơn acrylic được dùng vừa loãng vừa đặc để tạo ra bề mặt linh hoạt. Có chỗ dẻo, sệt, có chỗ trong, chảy như hội họa thủy ấn. Loạt tranh toát lên tính nhạy cảm và hàm chứa sự đồng cảm khá lớn với người họa sĩ tạo ra nó.

Bùi Mai Hiên, “Núi chờ mây” (2022), acrylic, 100 x 100 cm. Ảnh từ họa sĩ.

52 bức tranh được đặt tên như bài hát, như ca từ về cuộc đời chung, đời riêng hòa lẫn. Nếu một người chưa từng biết về cô, khi xem tranh chắc sẽ chỉ cảm thấy ngợp trước vẻ đẹp của đường nét, màu sắc vần vũ biểu cảm, như người ta ngạc nhiên trước tạo hóa. Nhưng nếu đã biết rồi thì sẽ đầy xúc động trước từng cái tên đó với đủ sắc thái của câu chuyện, để chúng ta nhìn cuộc đời và tác phẩm của cô mà thấy mình đâu đó. Có những bức tranh biểu hiện sự thanh thản trong sáng (“Biển xanh bao la”, “Ngày mới”, “Mây trắng mây xanh bồng bềnh”), có tranh dường như chứa đựng khát khao chưa vươn tới được (“Vũ hội của nhà sứa”, “Sóng xôn xao bờ đá”, “Núi chờ mây”), có bức đầy thỏa mãn và khẳng định, có bức quấn quýt đầy tình cảm yêu thương, nhưng có khi là giông bão, khắc khoải, và phiêu du, tủi hờn cho sự mong manh của tình yêu, kiếp người (“Theo dòng phù sa”, “Lũ chồng lũ”, “Mơ thấy đêm là thác đổ”, “Tảo bẹ và phù du”, “Sự di tản của rong rêu”, “Hoa nở trong mưa”, “Hãy cứ để núi cao”, “Cầu chi sa mạc nở hoa”…).

Bùi Mai Hiên, “Giấc mơ của nhà sứa” (2022), acrylic, 60 x 100 cm. Ảnh từ họa sĩ.

Trong những khán giả đến dự có những người thầy của cô Mai Hiên vẫn còn sống và nhận xét: “Mai Hiên đã mất 10 năm để tìm lại trừu tượng của ngày xưa (từ năm 2014 cô đã có khoảng 8 năm tạm rời bỏ chất liệu sơn mài và trừu tượng để đi khắp nơi vẽ phong cảnh hiện thực), để giờ đây trừu tượng acrylic của Mai Hiên chín hơn, hòa quyện và trong sáng hơn”. Cũng có ý kiến nhận xét rằng trừu tượng acrylic lần này của Mai Hiên không thuyết phục bằng sự tìm tòi trong chất liệu sơn mài… Tuy nhiên, nếu nhìn lịch sử nghệ thuật như một diễn trình chứ không phải tiến trình, thì nghệ thuật của Mai Hiên cũng là một hình thức tự sự cá nhân trong từng hoàn cảnh. Cô không ngần ngại quay về hiện thực, hay diễn tả những cảm xúc cùng cực của những ngày tháng đau khổ trong cuộc đời mình, khi từng có một series tranh mang tên là “Cơn dông Hà Nội”. Và giờ đây, acrylic là chất liệu phù hợp nhất với thể trạng, tâm hồn và và có lẽ là quan điểm sáng tác lúc này của họa sĩ.

Bùi Mai Hiên, “Cầu chi sa mạc nở hoa” (2022), acrylic, 60 x 100 cm. Ảnh từ họa sĩ.

Trừu tượng acrylic của hôm nay đã bao hàm cả cuộc đời trừu tượng sơn mài và hiện thực phong cảnh lúc trước, xuyên suốt là một thẩm mỹ cá nhân rõ nét qua loạt tác phẩm.

Không gian và khán giả xem triển lãm. Ảnh: Trần Thu Huyền

Trần T. Huyền


 
Back to top