ART & LIFE

Phiên đấu giá nhà Aguttes hướng đến 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương

Feb 28, 2024 | By Art Republik

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, nhà đấu giá Aguttes mở phiên đấu giá “Hoạ sĩ châu Á” với chủ đề “Hội họa hiện đại Việt Nam” vào ngày 7/3 tới đây.

Buổi đấu giá sẽ đem đến tuyển tập các tác phẩm tiêu biểu cho sự canh tân của nghệ thuật hiện đại Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, và phác họa một bức tranh toàn cảnh về các kỹ thuật được nghiên cứu tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tiên phong trên thị trường mỹ thuật châu Á, Aguttes giới thiệu đến người yêu nghệ thuật những tác phẩm đáng chú ý khác của hoạ sĩ Nguyễn Khang, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ. Danh mục này còn giới thiệu bộ sưu tập của Nguyễn Hữu Hợp và Nguyễn Nguyệt Nga, cặp vợ chồng quý tộc có mối quan hệ thân thiết với gia đình hoàng gia, đặc biệt là với Hoàng đế Bảo Đại.

“Năm 1924, cách đây đúng một trăm năm, Victor Tardieu đã trình bày với Toàn quyền Martial Merlin bản báo cáo về sự cấp thiết phải mở một trường mỹ thuật tại Hà Nội. Ý kiến của ông đã được chấp thuận và ngôi trường này được thành lập vào tháng 10 cùng năm. Lớp học sinh đầu tiên được tuyển chọn đã bắt đầu khóa học vào mùa thu năm 1925. Năm 2014, cách đây mười năm, Aguttes đã phát hiện tác phẩm Le Thé của Lê Phổ (một trong những học sinh của khoá đầu tiên) tại Paris. Nhà đấu giá quyết định dành cho tác phẩm một vị trí đặc biệt trong phiên đấu giá, giúp cho tác phẩm đạt được mức giá bán phù hợp. Điều này cũng khơi nguồn cho sự thức tỉnh của một thị trường đã ngủ quên kể từ giữa thế kỷ XX.” – Charlottes Aguttes-Reynier, chuyên gia về họa sĩ châu Á.

Mai Trung Thứ (1909–1980): Hoạ sĩ của đời sống thường nhật

Mai Trung Thứ là một trong những họa sĩ xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, kiên định với việc lựa chọn đề tài phụ nữ và đời sống thường nhật cho tác phẩm của mình, dù cho phong cách hội họa của ông có nhiều biến chuyển qua năm tháng. Kể từ những năm 1950, vóc dáng nhân vật được Mai Trung Thứ biểu đạt bằng đường nét đơn giản, khuôn mặt tròn trịa với phông nền mang màu trung tính. Những thay đổi này trở nên mạnh mẽ hơn vào những năm 1960 và được thể hiện rõ nét nhất trong các bức tranh được sáng tác vào năm 1970.

“Chân dung bà Nguyễn Nguyệt Nga” là ví dụ cho vẻ đẹp và phong cách độc đáo, là sự kết hợp giữa ảnh hưởng phương Tây và Việt Nam, được nắm bắt một cách khéo léo nhờ khung cảnh cuộc sống thường ngày và cảm xúc của con người. Mai Trung Thứ đã rất tỉ mỉ khi thực hiện chân dung bà Nguyễn Nguyệt Nga vào năm 1950.

Người phụ nữ được miêu tả trong một không gian nội thất quý phái, với dáng vẻ sang trọng phù hợp với địa vị xã hội của mình. Bà ngồi trên một chiếc ghế dựa, tay và chân đan chéo và cầm cuốn sách trong tay. Sự tinh tế trong trang phục của bà sánh ngang với sự tinh tế của hoa văn trang trí trên tấm thảm và trên đôi giày đang lộ ra.

Mai Trung Thứ (1906–1980), “Người bà” (1976), lụa, 22 x 47 cm. Mức giá ước tính: 150.000 – 200.000 EUR

Tác phẩm “Người bà” (1976) ghi dấu bởi sự khác biệt trong việc sử dụng màu sắc sống động và có phần sáng chói. Theo đó, những sắc màu sáng như xanh dương và da cam được danh họa sử dụng mang tới cảm giác vui tươi, trong khi nền sử dụng kỹ thuật chuyển màu giữa xanh dương và xanh lá góp phần làm nổi bật bảng màu rực rỡ này.

“Mai Trung Thứ tôn vinh những giá trị này thông qua phong cách hội họa độc nhất, là sự giao thoa giữa ảnh hưởng của phương Đông và phương Tây, cùng với một tầm nhìn đặc biệt mà ở đó màu sắc giữ vai trò chủ đạo trong tranh”. – Nhà đấu giá Aguttes nhận xét.

Vũ Cao Đàm (1908–2000): Một tiếng nói chung của họa sĩ Việt Nam xưa 

Vũ Cao Đàm theo học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1926, nơi ông học vẽ, hội hoạ và điêu khắc dưới sự giảng dạy của Victor Tardieu, người sáng lập trường. Sau khi tốt nghiệp, ông nhận được học bổng và tiếp tục theo học mỹ thuật tại Pháp.

Tại đây, ông tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình, tiếp xúc với nhiều tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ châu Âu lớn như của Renoir, Van Gogh, Bonnard, Matisse cũng như các tác phẩm của Rodin và Giacometti, những người truyền cảm hứng đặc biệt cho ông. Sự ảnh hưởng bởi các phong trào tiên phong phương Tây như trường phái Fôvit và trường phái Paris cũng được thể hiện qua tác phẩm của ông.

Vũ Cao Đàm (1908-2000), “Portrait de Monsieur Nguyễn Hữu Hợp” (1951), sơn dầu trên vải, 41 x 33 cm. Mức giá ước tính: 18.000 – 25.000 EUR

Giống như Mai Trung Thứ, khi vẽ chân dung tinh tế của bà Nguyễn Nguyệt Nga đã tôn vinh sự hào phóng của cặp đôi bảo trợ, Vũ Cao Đàm cũng mang đến một tác phẩm giàu biểu tượng. Với những đường nét tỉ mỉ và kỹ lưỡng, người nghệ sĩ đã vẽ ra những cánh hoa gần như đang bay lên, sắp xếp bố cục một cách hoàn hảo để tạo nên dáng của đoá hoa. Việc sử dụng màu sắc cũng được kiểm soát chặt chẽ với những lớp màu trắng, vàng nhạt và xanh pastel. Phía sau, gam màu xanh lá và các sắc thái của màu nâu nâng cao vẻ đẹp của lá và cành, thể hiện kỹ thuật sfumato của Ý.

Vũ Cao Đàm (1908–2000), “Hoa cúc” (1949), mực và màu trên lụa, 46 x 54,7 cm. Mức giá ước tính: 100.000 – 150.000 EUR

Lê Phổ (1907–2001): Cầu nối giữa phương Đông và phương Tây

Là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, trong các tác phẩm của mình, Lê Phổ thường thể hiện một sự kết hợp hoàn hảo giữa tranh lụa truyền thống với trường phái Ấn tượng tại nơi ông sinh sống và làm việc – nước Pháp. Ông nhanh chóng được Victor Tardieu, hiệu trưởng và người sáng lập trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, chú ý từ rất sớm.

Lê Phổ (1907–2001), “La maternité” (khoảng năm 1960), sơn dầu và bột màu trên lụa, 81 x 50,5 cm. Mức giá ước tính: 60.000 – 100.000 EUR

Tác phẩm “Trong vườn” đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp của họa sĩ Lê Phổ và phản ánh một cách xuất sắc những nghiên cứu về hội họa của ông trong thời kỳ chuyển giao. Lê Phổ chọn chất liệu lụa làm nền, một chất liệu sáng tác rất khó kiểm soát và không cho phép sửa chữa. Thêm vào đó, họa sĩ tái hiện một hình ảnh rất có ý nghĩa của đất nước mình: Một cô gái đang hái hoa đào phía sau hình ảnh hai mẹ con. Khung cảnh bình yên này làm nổi bật lên tầm quan trọng của cây đào trong văn hoá Việt Nam.

Lê Phổ (1907–2001), “Trong vườn”, lụa, 46,3 x 33,3 cm. Mức giá ước tính: 35.000 – 50.000 EUR

Phiên đấu giá này có nhiều tác phẩm hội họa đến từ những danh họa Việt Nam từng tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật Đông Dương, như “Tổ đan mây” của Nguyễn Phan Chánh, “Thiếu nữ đan len” của Lương Xuân Nhị. Sự kiện này còn có sự góp mặt của các danh họa tiêu biểu cho mỹ thuật Đông Dương nửa đầu thế kỷ XX.

Lương Xuân Nhị (1914–2006), “Thiếu nữ đan len”, sơn dầu trên canvas, 61 x 46 cm. Mức giá ước tính: 130.000 – 150.000 EUR

Nguyễn Phan Chánh (1892–1984), “Tổ đan mây” (1960), mực và màu trên lụa, 49 x 71,4 cm. Mức giá ước tính: 50.000 – 80.000 EUR

Nguồn: Aguttes

Bài: Phương Uyên


 
Back to top