Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Quyền Thiện Đắc: “Jazz như chiếc chìa khóa mở cánh cửa đến những không gian sáng tạo hơn.”

Aug 09, 2020 | By Trang Ps

Từ một cậu bé nghịch ngợm, hay bỏ học và mê chơi điện tử, nhờ sự dẫn dắt của người cha Quyền Văn Minh cũng như sự truyền lửa của tiếng kèn saxophone, Quyền Thiện Đắc đã trở thành một nghệ sỹ thành công được yêu mến và ngưỡng mộ. Quyết tâm theo đuổi nhạc jazz của anh được ngân vang qua những giây phút ngẫu hứng thăng hoa cùng saxophone.

Bên trong thân hình vạm vỡ cùng vẻ mặt hơi lạnh lùng của Quyền Thiện Đắc là một tâm hồn lãng mạn bay bổng. Một trong những sáng tác tâm đắc nhất của anh là Một Nét Huế, một giai điệu trầm lắng về xứ Huế mộng mơ. Anh có mối tình đẹp với thiếu nữ phố cổ, người cũng sinh vào mùa thu giống anh và cặp đôi đã kết thành vợ chồng trong một đám cưới màu tím.

Tỏa sáng bên ngoài là một tình yêu nhạc jazz “cha truyền con nối” mà dần dần đã ngấm sâu vào từng hơi thở của Quyền Thiện Đắc. Tỏa sáng không chỉ trên sân khấu, trong CLB mà ở cả ngoài đường phố và giữa thiên nhiên; biểu diễn không chỉ cho dân sành nhạc ở Nhà hát Lớn mà cả những em học sinh của trường dân tộc nội trú Vị Xuyên. Cùng với nghệ sỹ Đào Minh Pha, người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng về dự án Jazz Steps, Quyền Thiện Đắc mong muốn mang nhạc jazz đến mọi miền đất nước.

Nhạc công Minh Khuê nói về người bạn thân của mình: “Đắc rất tâm huyết với âm nhạc và nghiêm túc với nghề nên cậu ấy chấp nhận cuộc sống khó khăn để theo đuổi đam mê.” Khát vọng cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam của Quyền Thiện Đắc không chỉ dừng lại ở việc phổ biến nhạc jazz ở quê hương. Anh còn muốn đem lại tinh thần Việt cho dòng nhạc chuyên biệt này bằng cách sử dụng chất liệu dân gian độc đáo và từ đó nâng cao vị thế của jazz Việt trên thế giới.

Với anh, “jazz như chiếc chìa khóa mở cánh cửa đến những không gian sáng tạo hơn”.

Năm 2017, anh đã nói: “Tôi chỉ biết mình đang đi tìm cá tính, cái tôi, tìm thứ âm nhạc riêng trong jazz mà không ai bắt chước được.”[1] Anh có thể chia sẻ thêm về con đường tìm kiếm chất nhạc riêng và cá tính nhạc jazz của mình?

Từ khi tôi nói câu đó đến nay, cũng có biến chuyển một chút, nhưng chưa có gì nhiều để hiện hữu cá tính đấy hơn. Tôi đã đưa được cá tính nhạc jazz của mình vào các dòng nhạc như nhạc vàng, nhạc trẻ cũng như các tình khúc; nhưng cái tôi vẫn muốn làm là mảng âm nhạc dân gian của Việt Nam, làm sao để thành dòng nhạc mới mang yếu tố thời đại. Tôi cũng đã bắt đầu có một cá tính riêng biệt không giống ai; ví dụ khi công chúng nghe tôi thổi saxophone, họ biết đấy là phong cách của Đắc.

Anh có nhận xét gì về quá trình Việt hóa nhạc jazz?

Vào năm 1994, cha tôi đã có ba sáng tác là Ngẫu Hứng Tây Nguyên (sử dụng chất liệu Tây Nguyên), Vấn Vương (chất liệu quan họ) và Tiếng Khèn Gọi Bạn (chất liệu Tây Bắc). Ông đặt nền móng cho việc thể nghiệm sáng tác nhạc jazz dựa trên màu sắc của các vùng miền Việt Nam. Năm 2003, tôi làm đĩa Việt Nam Bóng Dáng Quê Hương gồm những sáng tác của mình. Về hình thức thì giống như cha tôi đã làm; tuy nhiên, giai điệu Việt Nam và hình thức nhạc jazz vẫn bị tách biệt, chưa hòa vào nhau. Năm 2011, tôi làm đĩa À Ơi ở Thụy Điển, cũng mới chỉ là bước khởi đầu. Kho tàng âm nhạc bản địa Việt Nam vẫn cần tiếp tục được khai thác và công việc này phải tính bằng nhiều năm.

Hàng tối, ở Bình Minh Jazz Club đã bắt đầu chơi một số bản nhạc Việt Nam của cha tôi do tôi hòa thanh lại. Cái khó là dẫn dắt được cảm xúc của khán giả, để cho giai điệu của mình đi vào lòng người như nhạc pop. Sau đó mới đến phần ngẫu hứng thể hiện cá tính của nghệ sỹ; mà trong nhạc jazz thì có nhiều cá tính hỗ trợ lẫn nhau. Quan trọng là phải có một sợi chỉ nối giữa phần giai điệu và ngẫu hứng. Để phát triển dòng nhạc này như thế nào còn là một câu hỏi lớn và cần rất nhiều người cùng làm.

Quan trọng là phải có một sợi chỉ nối giữa phần giai điệu và ngẫu hứng. Để phát triển dòng nhạc này như thế nào còn là một câu hỏi lớn và cần rất nhiều người cùng làm.

Trong những chuyến đi cùng Jazz Steps, chắc hẳn anh còn nhiều kỷ niệm đáng nhớ chưa từng kể?

Sau một buổi giảng dạy về hòa thanh ở Học Viện Huế, tôi với Đào Minh Pha xuống sân trường, lúc đó sân vắng lắm. Tôi mới bảo Pha chơi một bài để thử cảm giác diễn ở một nơi không có ai. Tôi cứ vừa nhắm mắt vừa chơi và cảm nhận khung cảnh để chọn nhạc. Lúc chơi xong phần ngẫu hứng của mình, tới phần của Pha thì tôi mở mắt ra và thấy rất nhiều học sinh đứng xunh quanh mình. Điều đó đã làm tôi rất xúc động.

Cũng trong đợt đấy, sau Huế thì chúng tôi đi Bình Dương. Tôi và Pha chơi hai bản nhạc trong một trường tiểu học vào giờ ra chơi. Sau buổi đấy, tôi mới biết có tất cả 1500 học sinh, lượng khán giả nhiều nhất tôi từng biểu diễn. Đứng trên sân khấu mà chân tôi bị run; cái này không phải run sợ mà là run sướng, một niềm hạnh phúc khó tả.

Ngoài nhạc jazz, anh còn niềm đam mê nào khác?

Một niềm đam mê nữa của tôi là cigar. Và tôi vẫn mê chơi game, nhưng không phóng khoáng như hồi trẻ nữa. Tôi kiểm soát những thú chơi của mình trong giới hạn. Là một nghệ sỹ, muốn tôn trọng người nghe thì tôi phải tôn trọng cảm xúc của mình trước. Những đam mê của tôi sẽ một phần nào đó giúp nuôi dưỡng cảm xúc để làm việc. Tôi cũng phân biệt rất rõ ràng giữa hưởng thụ và làm việc, một điều mà cha tôi đã dạy từ khi tôi còn rất trẻ.

Phương châm của tôi là ăn chơi có thể thoải mái nhưng khi làm việc thì phải hết mình.

Bộ phim Manhattan của Woody Allen mở đầu với những khung cảnh điển hình của thành phố New York với nhạc nền là bài Rhapsody in Blue. Nếu có những cảnh quay tương tự về Hà Nội, anh sẽ chọn bản nhạc nào?

Câu trả lời của tôi rất đơn giản là tôi sẽ sáng tác một bản nhạc mới; một bản nhạc chiều được những ký ức và cảm xúc của tôi về Hà Nội.

Với trải nghiệm du học ở Mỹ, Thụy Điển và kinh nghiệm làm giảng viên ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, anh có nhận định và mong muốn thay đổi gì về nền giáo dục âm nhạc nước nhà?

Ở Việt Nam cũng đã có những thay đổi, điển hình là các giảng viên trẻ đều được đào tạo ở nước ngoài. Đây là một điều rất tốt! Họ có đầy đủ kiến thức và khả năng đào tạo các sinh viên chơi nhạc jazz.

Tuy nhiên, khoa nhạc jazz chưa có những môn chuyên ngành chỉ của nhạc jazz và sinh viên vẫn phải học những môn khác. Tôi mong muốn khoa nhạc jazz chỉ học nhạc jazz thôi. Tôi đã đề xuất những lớp mới như phối khí nhạc jazz, ký xướng âm của nhạc jazz chứ không phải theo hệ thống của Áo và Nga như hiện tại. Cần có các môn bổ trợ như vậy để giáo trình được xuyên suốt hơn, nhưng nhân lực và tài chính vẫn còn thiếu.

Anh có thể chia sẻ về các dự án âm nhạc mới nhất hoặc những dự định sắp tới?

Hiện tại, tôi đang làm đĩa CD Vàng 9999. Vàng là nhạc vàng và 9999 ý nói vàng thật. Đĩa này để tặng những người bạn thân, người anh đã luôn song hành cùng tôi. Tôi đã thực hiện ba bài (Lênh Đênh Phận Buồn, Vừng Lá Me Bay, Mưa Rừng) với Bạch Ngọc Vượng, nghệ sỹ chơi piano ở Bình Minh Jazz Club. Ngoài ra, tôi sẽ hoà âm lại đĩa Birth 99 của cha tôi và đặt tên là Rebirth 20 hoặc 21 với sự tham gia của các nghệ sỹ đang chơi ở Jazz Club. Còn một dự án lớn kết hợp âm nhạc dân gian mà tôi rất muốn làm là viết một bản nhạc có tên Sinh Lão Bệnh Tử.

 Thực hiện: Trần Đan Vy I Ảnh: Alvis Nguyễn 

[1] https://tuoitre.vn/nsut-quyen-van-minh-van-hoa-vn-khong-phai-la-su-ky-di-dan-bau-20171027075602401.htm


 
Back to top