Phong cách

“Bình đẳng” trong thế giới làm đẹp: Khái niệm hãy còn khá xa vời!

Aug 09, 2020 | By Hai Yen

Với đầy đủ câu từ hoa mỹ lẫn hình ảnh giàu tính gợi, ngành làm đẹp vẫn đang ru ngủ người tiêu dùng bằng những câu chuyện đầy cảm hứng về bình đẳng bình quyền. Nhưng tôi đồ rằng trong những năm tới, nếu có một sự kiện về sắc tộc tương tự như trường hợp của George Floyd diễn ra, những cốt truyện y hệt sẽ được kể lại với cùng một thông điệp chẳng mấy đổi thay. 

Đáng buồn thay, còn ngành nào phân biệt màu da hơn làm đẹp!

Quy luật đa số thắng thiểu số chưa bao giờ sai khi áp dụng vào bất kì trường hợp nào. Và ngành làm đẹp cũng vậy. Sự phân biệt màu da của ngành làm đẹp được thể hiện rất rõ qua sự ít ỏi về mặt lựa chọn, nghèo nàn trong nội dung quảng bá và thái độ thờ ơ của chính người làm nghề. Có thể, bạn sẽ phản đối nhận định của tôi và dùng những cái tên nổi bật như Fenty Beauty hay Naomi Campbell để biện hộ cho sự tiến bộ của ngành làm đẹp. Nhưng tiếc rằng đó chỉ là vài nét chấm phá nổi bật chứ chưa phải là bức tranh toàn cảnh của cả ngành công nghiệp.

Sẽ thật chủ quan nếu chúng ta chỉ dùng thành tựu của một vài cá nhân để “chín bỏ làm mười” cho cả một tập thể. Vì chỉ với một Fenty Beauty hay Pat McGrath thôi vẫn chưa đủ để những phụ nữ da màu có thể tận hưởng nhu cầu làm đẹp bình thường mỗi khi đứng trước gương như phần còn lại của thế giới. Họ không có quá nhiều sự lựa chọn và cũng không có quá nhiều người chịu hiểu họ muốn gì, cần gì mà đáp ứng.

Fenty Beauty’s Pro Filt’r Hydrating Foundation

Mặc dù những phụ nữ da màu là nhóm đối tượng có mức chi tiêu cho làm tóc và làm đẹp lớn gấp 9 lần so với phụ nữ da trắng tại Mỹ (theo một thống kê của Nielsen), nhưng những sản phẩm dành riêng cho họ lại chỉ chiếm thiểu số trên tổng thị trường. Chính sự thiếu thốn trầm trọng ấy đã góp phần tạo nên sự thành công cho Fenty Beauty by Rihanna ngay từ khi ra mắt. Trước cả Rihanna, một số thương hiệu như Black Opal Beauty hay M.A.C Cosmetics với dòng sản phẩm Studio Fix Fluid Foundation cũng đã có những tông màu tối dành cho nhóm khách hàng đặc biệt này trước đó. Vậy Fenty Beauty by Rihanna thành công do đâu?

Câu trả lời chính là “của cho không bằng cách cho”. Fenty Beauty khiến người tiêu dùng cảm nhận được rằng mình sẽ không là đối tượng bị bỏ sót trong cuộc chơi này. Bốn mươi tông màu trải đều từ sáng đến tối với các sắc độ không quá chênh lệch để đảm bảo rằng dù bạn là ai, đặc điểm nhân chủng học như thế nào cũng đều có thể tìm cho mình được loại kem nền ưng ý. Không những vậy, bên cạnh phổ màu trải rộng, dòng kem nền của Fenty Beauty cũng được đầu tư cả về công thức để tất cả sản phẩm đều có thể phát huy hết công năng làm đẹp trên da mà không bị biến chất do sắc màu quá đậm.

“Của cho không bằng cách cho”

Chính ý tưởng “dành riêng cho bạn” ấy mới là cơn mưa rào tưới mát ngày hè đối với phụ nữ da màu – những người thường xuyên phải đứng bên rìa cuộc chơi mà ngưỡng vọng đến một thế giới làm đẹp đa sắc đa chủng hơn, đồng thời giúp Fenty Beauty trở thành hiện tượng mới được ngưỡng mộ và yêu quý bởi tinh thần xóa bỏ ranh giới về màu da – sắc tộc vẫn luôn tồn tại trong ngành công nghiệp làm đẹp.

Bên cạnh sản phẩm trang điểm, chăm sóc tóc cũng là một trong những vấn đề lớn mà phụ nữ da màu gặp phải trong hành trình làm đẹp. Phụ nữ da màu chi 473 triệu USD cho việc chăm sóc tóc hàng năm trong khi phụ nữ da trắng chi tiêu ít hơn 9 lần so với số tiền này. Mặc dù phụ nữ da màu là người tiêu dùng chủ đạo trong ngành chăm sóc tóc, các sản phẩm được bán cho nhóm đối tượng này lại ít an toàn hơn so với sản phẩm dành cho phụ nữ da trắng.

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Silent Spring Institute, đã có 66 hóa chất độc hại được tìm thấy sau khi phân tích 18 sản phẩm tóc thường được sử dụng bởi phụ nữ có màu. Điều đáng kinh ngạc hơn là một số lượng lớn các hợp chất độc hại này đã không được liệt kê trên nhãn thành phần sản phẩm. Tám trong mười sản phẩm được nghiên cứu có chứa các hóa chất như paraben, phthalates và nonylphenol. Những hóa chất này có thể gây ra các tác dụng phụ khôn lường như dậy thì sớm, sinh non, béo phì và ung thư vú cho người sử dụng. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chỉ có 7% sản phẩm được sử dụng bởi phụ nữ da trắng có chứa các hóa chất tương tự so với 50% sản phẩm được sử dụng bởi phụ nữ da màu.

Người mẫu Londone Myers

Con số không biết nói dối và sự thật không thể che đậy. Phân biệt, thậm chí bất công vẫn còn đó, ngay trong lòng một ngành công nghiệp vốn được sinh ra là để tôn vinh cái đẹp. Nếu sự khan hiếm về sản phẩm trên thị trường khiến phụ nữ da màu cảm thấy mình bị bỏ rơi thì sự thờ ơ của chính những người làm nghề (hair stylist, makeup artist) lại khiến họ cảm thấy mình bị chối bỏ, nếu không muốn nói nghiêm trọng hơn là bị tước đi quyền được đẹp như bao phụ nữ khác.

Chuyên gia trang điểm Tym Buacharen – người từng tham gia tạo hình cho các bộ phim đình đám của Hollywood như Black Panther, Dream Girls hay The Hunger Games đã thẳng thắn chỉ trích các trường đào tạo trang điểm vì không đào tạo học sinh của mình biết cách làm việc với tất cả các tông màu da. Hay nói cách khác, đa phần các chuyên gia trang điểm hiện nay không biết cách làm việc với các màu da tối hơn. Việc thiếu đào tạo chung trong ngành này có thể gây ra rất nhiều trục trặc trong quá trình trang điểm cho người mẫu và nữ diễn viên da màu để rồi khiến họ cảm thấy khó chịu hoặc không được chào đón trên trường quay. Cảm giác lúng túng “không biết bắt đầu từ đâu” ấy sẽ thể khiến nhiều nghệ sĩ trang điểm tránh xa những khách hàng là phụ nữ da màu.

Chính người mẫu Londone Myers cũng đã từng bức xúc trước sự xa lánh này của cánh tạo mẫu: “Tôi không cần những phương pháp chăm sóc đặc biệt từ bất cứ ai. Những gì tôi cần là các nhà tạo mẫu hãy học cách làm tóc cho phụ nữ da màu. Tôi rất mệt mỏi vì mọi người luôn lảng tránh việc phải làm tóc cho tôi tại các show diễn.”

Bạn thấy đấy, với ngành công nghiệp làm đẹp mà nói, “bình đẳng” có thể là một khái niệm vô cùng xa xỉ. Vì để xây dựng một cộng đồng làm đẹp nhân văn hơn, sự thay đổi phải diễn ra đồng bộ ở cả chiều ngang lẫn chiều sâu của ngành. Nếu không, chúng sẽ trở thành những câu chuyện kệch cỡm dễ khiến người nghe phản cảm và châm ngòi cho nhiều câu chuyện thị phi xảy ra trong nội bộ ngành.

Những phản ứng “rập khuôn” trước vấn đề sắc tộc

Để có thể tồn tại và phát triển thành một trong những ngành công nghiệp xa xỉ thành công nhất hiện nay, bản thân ngành làm đẹp cũng có những “chiêu bài” thường được tung ra để ứng phó với các vấn đề xã hội. Đầu tiên, chính là combo mà tôi tạm gọi là “Biệt đội phản ứng nhanh” mà hầu hết các thương hiệu đều sử dụng trong thời gian đầu sự việc diễn ra. Combo bao gồm một bài chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội chính thức với các khẩu hiệu đầy tính cổ vũ, sau đó sẽ là những phát biểu mang tính xây dựng của các nhà lãnh đạo tập đoàn và cuối cùng là một khoản quyên góp kịp thời để ủng hộ hoặc giúp đỡ các nạn nhân của chính về đề đó.

Điển hình là trường hợp của phong trào Black Lives Matter diễn ra gần đây sau khi sự việc công dân da màu George Floyd thiệt mạng tại Mỹ. Trên các tài khoản Instagram chính thức của mình, từ Dior cho đến Marc Jacobs, Huda Beauty, Biossance… đều đồng loạt sử dụng hashtag #BlackLivesMatter, post hình đen và có rất nhiều hãng đã đóng góp 1 khoản tài trợ cho những người tham gia phong trào này tại Mỹ. Thậm chí, người đứng đầu tập đoàn Estee Lauder còn tuyên bố rằng sẽ nỗ lực trong việc tuyển dụng nhiều nhân viên là người da màu hơn cho tất cả các cấp quản lý của mình trong năm năm tới. Chưa nói bàn đến vấn đề thật tâm hay giả ý trong những hành động này, nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng những phản ứng nhanh nhạy này đã giúp các thương hiệu thu về hiệu quả truyền thông tích cực và thể hiện được sự đồng điệu với những quan tâm, suy nghĩ của cách khách hàng mình.

Thế nhưng, khi sự việc dần lắng xuống và nếp sống thường ngày được lập lại, liệu rằng ngành công nghiệp này có thật sự đổi thay như những gì nó đã hứa? Nhìn lại những chuyển động trước đó của ngành làm đẹp liên quan đến vấn đề này, chúng ta có thể nhìn thấy những điểm sáng nhưng đồng thời cũng phải ngán ngẩm trước những màn thể hiện thiếu tinh tế từ nhiều thương hiệu.

Beauty Blender Bounce Foundation

Khi Fenty Beauty ra mắt vào năm 2017 và thắng lớn với 72 triệu USD cho mảng truyền thông ngay trong tháng đầu bằng dòng sản phẩm kem nền Pro Filt’r Soft Matte Longwear với 40 tông màu, Rihanna đã chứng minh cho cả giới làm đẹp thấy tiềm năng của thị trường này là to lớn đến mức nào. Sau đó, chúng ta có dịp được chứng kiến sự đổ bộ của các dòng sản phẩm kem nền với bảng màu trải rộng hơn cho các tông da tối như của Dior, Rimmel hay M.A.C Cosmetics. Ai cũng được khen là thức thời, duy chỉ có Bounce Foundation của Beauty Blender là tạo ra phản ứng trái chiều trong dư luận.

Ai cũng được khen là thức thời, duy chỉ có Bounce Foundation của Beauty Blender là tạo ra phản ứng trái chiều trong dư luận.

Hãng làm đẹp vẫn luôn nổi tiếng với sản phẩm bông mút trang điểm và mong muốn sử dụng dòng kem nền này như bước đệm để tiến sâu hơn vào thị trường mỹ phẩm. Hãng cho ra mắt 32 tông màu tất cả – một con số đi theo đúng concept “đa dạng hóa” các sự lựa chọn như xu hướng hiện nay nhưng tiếc thay đây lại là một trường hợp khéo quá thành vụng. Người tiêu dùng dễ dàng nhận ra trong bảng màu phong phú ấy đã có hơn 23 tông màu là ngả từ sắc độ trung bình đến sáng, phụ nữ với làn da tối hơn chỉ có 9 sự lựa chọn. Vẫn là một tình trạng đa số áp đảo thiểu số quen thuộc, nhưng giờ đây được che đậy dưới một hình thức tinh vi hơn. Điều này đã gây ra sự phẫn nộ trên mạng xã hội vì nhiều người cho rằng Beauty Blender có thể bỏ bớt một vài tông màu sáng và thêm những tông màu tối để tạo sự cân bằng hơn cho bảng màu hiện có. Những gì Beauty Blender đã làm phần nào thể hiện rõ ràng tư duy của ngành công nghiệp. Một số thương hiệu chỉ đơn giản là thêm vào một số tông màu tối để bản thân mình nhìn có vẻ bao hàm hơn. Nhưng trên thực tế những hành động này chỉ để che đậy thái độ qua loa và thiếu nỗ lực trong việc thay đổi tình trạng bất bình đẳng trong việc làm đẹp của phụ nữ da màu.

Cùng với tỉ lệ người da màu được tuyển dụng cũng như tham gia trực tiếp vào ngành công nghiệp làm đẹp vẫn còn thấp, chúng ta vẫn chưa thể mơ về một cộng đồng cởi mở, tiến bộ hơn. Điều đó một lần nữa đặt lại câu hỏi cho vấn đề này, rằng liệu là: “chỉ với một bài post hay một khoản quyên góp đã không còn đủ để các thương hiệu “qua cửa” trong những sự kiện liên quan đến phân biệt chủng tộc như hiện nay?”

p.oly


 
Back to top