ART & CULTURE

Art Republik review: Triển lãm “True-self” của Léopold Franckowiak

Jun 19, 2020 | By Trang Ps

Sau hai cuộc “gặp gỡ” ở Huế vào năm 2018 và 2019,[1] Léopold Franckowiak đã có cuộc gặp thứ ba với người xem Việt Nam tại The Gate Art Social Space (Hà Nội), một không gian nghệ thuật mới được Betty Pallard thành lập cách đây 2 năm. Triển lãm với 18 bức chân dung sơn dầu kích thước khác nhau được đặt tên là True-self (Chân ngã).

Sống ở Huế từ năm 2011, Léopold Franckowiak (sinh năm 1951) là họa sỹ người Pháp gốc Ba Lan. Năm 1985, sau 5 năm theo học ở Regional Fine Art Academy of Tourcoing, ông bắt đầu thực hành nghệ thuật sắp đặt và trình diễn. Sau khi chuyển đến Huế, ông làm giáo viên dạy tiếng Pháp tại Viện Pháp và đến với hội họa sơn dầu vào năm 2016. Dù chưa bao giờ vẽ sơn dầu, ông quyết định tự học để kết nối với con người từ các nền văn hoá khác bằng thế giới hình ảnh.[2]

Franckowiak hầu như chỉ vẽ chân dung. Triển lãm bắt đầu với ba tác phẩm khá ấn tượng có bố cục đa dạng được vẽ vào các năm 2016, 2017 và 2019. Chân dung tự họa cỡ nhỏ Autoportrait, en l’état, et en bicentenaire (2016) với hình chiếc đầu lâu điển hình cho thể loại tranh memento mori.[3] Bên phải bức tự họa là L’Indien (2017) vẽ toàn thân một người đàn ông cao to trong trang phục múa ba-lê màu đen. Khác hẳn với hai bức còn lại là bức tranh khổ to đặc tả khuôn mặt một người trẻ tên Kiên đang nhìn thẳng về phía trước. Mỗi nhân vật bộc lộ một cá tính riêng và không có một câu chuyện nào gắn kết họ. Ban đầu, sự sắp xếp này có thể khiến người xem bối rối.

Phong cách của Franckowiak chủ yếu là hiện thực huyền ảo (magical realism) với nét bút lộ rõ trong những bố cục đơn giản.

Phong cách của Franckowiak chủ yếu là hiện thực huyền ảo (magical realism) với nét bút lộ rõ trong những bố cục đơn giản; khi sử dụng gam màu trầm, tranh ông gợi nhớ Lucian Freud (1922–2011). Với những tranh mang tính tự sự, ông thường vẽ chính mình và người thân, bao gồm cả người đã khuất, trong những khung thời gian và không gian tưởng tượng.

Bức 2005-15 (2019) tả cảnh họa sỹ chơi cờ với bố ông; thú vị là tuổi của hai người được hoán đổi cho nhau. Franckowiak và bố ông lại có cùng độ tuổi với nhau và với những họ hàng khác trong bức Kawalerka (2018). Còn bức Les mandarins (2018) thì vẽ ông và các anh chị em của mình mặc áo dài như thể họ từng sống ở Việt Nam hồi bé. Tranh ông toát lên vẻ riêng tư, sâu lắng và như những sợi dây kết nối các mảng ký ức trôi dạt.

Léopold Franckowiak, 2005-15 (2019), 70 x 90 cm

Đối nghịch với hoài niệm về quá khứ thâm trầm là thực tại hiện đại, trẻ trung. Điển hình cho cách biểu đạt giàu cảm xúc, tập trung khắc họa tâm lý nhân vật pha chút tinh nghịch của màu sắc sặc sỡ là hai bức chân dung cỡ lớn vẽ anh em sinh đôi họ Lê. Lê Đức Hải và Lê Ngọc Thanh là những nghệ sỹ sáng lập không gian nghệ thuật độc lập New Sapce Art Foundation ở Huế. Điểm đặc biệt là hai chân dung này được vẽ tỉ mỉ hơn hẳn loạt tranh cũ và hơi nghiêng về trường phái cực thực. Hai khuôn mặt nổi tiếng trên nền bạc lấp lánh thoạt nhìn thì có cảm giác choáng ngợp, hào nhoáng. Nhưng sắc thái biểu cảm lại trữ tình, nhất là trong đôi mắt ưu tư được thừa hưởng từ người mẹ – bức chân dung toàn thân của bà được đặt trang trọng ở đằng xa, với ánh nhìn nghiêm nghị bao quát toàn bộ triển lãm.

Ngoài ra còn có 4 tác phẩm mới hoàn thành năm nay về đại dịch Vũ Hán. Bức The Safe Foreigner ghi lại trải nghiệm cách ly của một người phụ nữ ngoại quốc tại Việt Nam. Tương phản với hiện thực khách quan trong bức tranh này là chân dung hai vợ chồng ông đeo khẩu trang tím vàng đồng màu với áo và bức tường – chân dung đôi có tên là Arlequin et Colombine. Kẻ ca-rô là họa tiết đặc trưng trên trang phục của Harlequin, một nhân vật người hầu vui tính, sắc sảo trong hài ứng tác kiểu Ý phổ biến ở châu Âu vào các thế kỷ 16–18 (commedia dell’arte). Thế giới của Franckowiak vừa thực tế vừa có nét kỳ lạ tươi sáng; trong đó, ông không chỉ là người quan sát mà còn là nhân vật chính.

Thế giới của Franckowiak vừa thực tế vừa có nét kỳ lạ tươi sáng; trong đó, ông không chỉ là người quan sát mà còn là nhân vật chính.

Léopold Franckowiak, The Safe Foreigner (2020), 155 x 110 cm

Các tác phẩm được sắp đặt cho vừa vặn với không gian của The Gate, vốn không phải một gallery thông thường mà còn là quán cà phê và không gian sáng tạo của Công ty The Q Chemistry. Cộng thêm việc kỹ thuật vẽ của Franckowiak không đồng nhất nên đôi khi tạo cảm giác rời rạc. Dù vậy, sự phi tuyến tính này lại phù hợp với cuộc đối thoại vượt thời gian và không gian giữa những con người xa lạ. Ở đây không chỉ có sự pha trộn giữa cách biểu đạt nghiêm túc và vui vẻ mà còn là cuộc giao thoa giữa ký ức và thực tại của họa sỹ ở Pháp và Việt Nam.

Franckowiak chia sẻ: “Tất cả những cuộc gặp bất ngờ trong cuộc đời đã khiến tôi trở thành nghệ sỹ, chính vì vậy tôi luôn đặt tên các triển lãm là Rendez–vous từ khi bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật. Đó là câu chuyện tình yêu của tôi với thế giới này và lý do cho sự tồn tại của tôi.”[4] Rendez–vous vẫn sẽ là một cái tên hay cho triển lãm lần này. Tới đây, ta sẽ được “gặp gỡ” nhiều nhân vật khác nhau mà qua cái nhìn nhân văn của họa sỹ đã trở nên thân quen phần nào. Hậu giãn cách, con người lại có nhu cầu kết nối với nhau và một triển lãm chân dung sẽ là điểm hẹn lý tưởng để khơi gợi cảm xúc gắn bó giữa người với người.

Thông tin triển lãm

Thời gian: 08:00–21:30, 23/05 đến 30/06/2020 (Thứ Hai đóng cửa)

Địa điểm: The Gate Lounge & Lifestyle, Ciputra Club, Khu đô thị Ciputra, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Website: https://www.facebook.com/THEGATELoungeAndLifestyle/

Triển lãm vào cửa tự do.

Bài & Ảnh: TRẦN ĐAN VY 

Chú thích

[1] Léopold Franckowiak đã có hai triển lãm đều có tên là Rendez-vous tại New Space Arts Foundation (Huế) từ 15/12/2018 đến 15/01/2019 và tại Viện Pháp (Huế) từ 19/11 đến 07/12/2019. Rendez-vous có nghĩa là cuộc gặp gỡ, nơi hẹn gặp.

[2] Léopold Franckowiak, Falling in love with Hue, phỏng vấn bởi Nguyen Trong Chuc, http://news.baothuathienhue.vn/falling-in-love-with-hue-a80662.html.

[3] Memento mori là cụm từ La-tinh có nghĩa là “hãy nhớ (ngươi sẽ phải) chết”. Một tác phẩm nghệ thuật memento mori thường mô tả các vật như đầu lâu, đồng hồ cát và ngọn nến bị tắt để nhắc người xem về sự ngắn ngủi của cuộc sống.

[4] Nguyên văn tiếng Anh: “All the sudden meetings in my life have led me to becoming an artist, and this is why I have always named my exhibitions “Rendez-Vous” since I started my artist career. It is the story of my love with this world and the reason for my existence.” Léopold Franckowiak, Falling in love with Hue, phỏng vấn bởi Nguyen Trong Chuc.


 
Back to top