Nghệ thuật

Art Issue (Kỳ 1): Khi nghệ thuật trở thành xa xỉ phẩm

Jan 19, 2023 | By Tam Tam

Chúng ta hãy mong đợi nhiều hơn vào năm 2023, ngay cả khi chúng ta không biết chính xác nó sẽ diễn ra như thế nào.

Khung cảnh bên trong Pinault Collection, tại toà nhà Bourse de Commerce, Paris, Pháp; là nơi quản lý bộ sưu tập nghệ thuật của gia đình Pinault. Ảnh: Aurélien Mole. Nguồn ảnh: fineartmultiple.com

2022 khép lại với xu hướng triển lãm nghệ thuật bùng nổ, nhà nhà làm triển lãm, người người đưa nghệ thuật vào các sự kiện. Dễ nhận thấy xu hướng các tác phẩm nghệ thuật sẽ trở thành chất bôi trơn mới để nâng tầm phong cách sống của nhiều hộ gia đình có điều kiện và bắt đầu có điều kiện.

Tuy nhiên, không phải hộ tiêu dùng nào cũng đủ tỉnh táo để xem nghệ thuật trong tác phẩm khi bị tiền che mất tầm nhìn. Các sự kiện chêm tí nghệ thuật để làm chỗ chụp hình đăng ào ạt lên facebook, khiến cho nghệ thuật ở năm 2022 giống như vật trang trí hơn.

Trên tinh thần đó, bài viết của Martin Herbert được lược dịch và cải biên dưới đây sẽ tổng hợp mấy xu hướng chính trong năm vừa qua và tâm lý người tham gia trong đó. Từ nghệ thuật cộng đồng documenta, nghệ thuật ở nhà đấu giá, cho đến NFT và AI, mỗi nhóm có nỗi khổ riêng nhưng chung quy đều liên quan đến rất nhiều tiền.

Martin Herbert, “Tell Them I Said No” (2016). Martin Herbert là một tác giả và nhà phê bình sinh sống và làm việc tại Berlin, Đức. Nguồn ảnh: Artbook at Hauser & Wirth Los Angeles

Việt Nam thì hiện tại thuộc nhóm mới có tiền một tí nhưng chỉ dám mua tranh của nhau.

Từ “thẩm mỹ từ thiện phi chính phủ”’ và hội họa “trông Ok” đến ranh giới ngày càng mờ nhạt giữa văn hóa và lối sống xa xỉ: thế giới nghệ thuật năm 2022

Để lạm dụng phép ẩn dụ nổi tiếng nhất của Édouard Glissant, có thể nói bối cảnh nghệ thuật đương đại vào năm 2022 giống như một quần đảo. Trong đó mỗi cái đảo có một kiểu riêng ít liên quan nhau. Chẳng hạn, “Đảo Không Tiền” – nơi có kiểu “thẩm mỹ phi chính phủ-từ thiện NGO” của documenta lộn xộn cùng ruangrupa đầy vấn đề, bao gồm các dự án bảo tàng dày đặc tính chăm sóc cộng đồng. Khác xa với “Đảo Không Có Gì Ngoài Tiền”, hay còn gọi là các nhà đấu giá.

Hạ màn World Cup, ngẫm documenta 2022 – Phép vua thua lệ làng

Dạo này, giá 100-150 triệu đô la cho một bức tranh đang được bình thường hóa (nếu bạn mua một bức tranh Warhol Marilyn tại Christie’s vào tháng 5 này, thì cứ móc ra 195 triệu đô la), và hầu như không ai trong các phòng “bán hàng mạ vàng” này nghía vào những bức tranh ồn ào, chính trực mà những người biểu tình phẫn nộ bên “Đảo Không Tiền” – với sự phản đối nhắm vào các loại hàng hóa và sự yêu thích đối với các sự kiện, âm nhạc, thực phẩm trong thời gian giới hạn, v.v.

Cách thức chính mà các cuộc biểu tình nghệ thuật và nghệ thuật đắt tiền kết nối với nhau trong năm nay – ngoài những hoạt động gây quỹ đang diễn ra cho Ukraine, nơi bảy bức tranh tường của Banksy cũng đã xuất hiện gần đây, hay Pussy Riot tự tài trợ bằng cách biểu diễn tại Art Basel Miami Beach, còn thể hiện qua tính viral truyền thông nhờ các nhà hoạt động Gen-Z của Just Stop Oil. Mối bất hòa này, với việc chạy theo tính viral bằng cách đổ thức ăn lên các các tác phẩm nghệ thuật bọc kính, đã tạo nên sự đổi mới thẩm mỹ dễ thấy nhất lên các tác phẩm của năm 2022, ít nhất là bên trong các phòng trưng bày: chất liệu tổng hợp.

Samara Golden, “Under a Skin Roof”, sắp đặt tại Art Basel Miami Beach 2022, Night Gallery, Los Angeles. Ảnh chụp bởi Nik Massey. Nguồn: news.artnet.com

Dấu hiệu chung của tất cả những điều trên là sự cực đoan, dọc theo các vectơ tài chính và cảm tính. Như mọi khi, vẫn có một số triển lãm cá nhân tuyệt vời; nhưng đây không phải là danh sách top 10 vì các show triển lãm đơn lẻ không thể cụ thể hóa các xu hướng, hay tạo xu hướng. Ngược lại, rõ ràng là nếu bạn liều lĩnh tham gia bất kỳ hội chợ nghệ thuật nào trong năm nay nếu không để tâm đến các vấn đề dân tộc học, thì bối cảnh thương mại (hay còn gọi là “Đảo Không Có Gì Ngoài Tiền) chủ yếu vẫn say mê hội họa “trông Ok”.

Trong một đợt nâng cấp trong vài năm gần đây, thị trường ngày càng ưa chuộng cả hai loại “tranh OK”, tượng hình và trừu tượng, giống như trong Thúy Nga, họ hát cả nhạc bolero và nhạc dance. Thêm vào đó, thị trường đang nghiêng về giới trẻ hơn và hướng tới những nhân vật thoải mái được đăng trên các tạp chí thời trang, với các phòng trưng bày ngày càng muốn giải cứu một cách hào hiệp những người trẻ tuổi lão luyện như Anna Weyant, Louise Giovanelli và Jadé Fadojutimi, khỏi việc dành thời gian mòn mỏi trong vùng “nghèo và đầy sói” sau khi tốt nghiệp. Trong các viện bảo tàng cũng vậy, và ở mức độ khen ngợi, tính đại diện tiếp tục được cải thiện đối với phụ nữ và nghệ sĩ da màu. Phụ nữ da đen đã giành được Giải Turner và Sư tử vàng tại Venice năm nay. Mặc dù vậy, theo báo cáo mới nhất của Burns Halperin về địa lý các thương vụ của các cơ sở nghệ thuật, điều này không không làm tăng việc mua lại bảo tàng, tính lâu dài và khả năng hiển thị mà chúng đại diện.

Tiếp tục, hãy bay qua “Đảo NFT” hào nhoáng, mới được hình thành gần đây. Ít nhất, với tư cách là một thị trường, nó gần như chìm trong sự sụp đổ của tiền điện tử năm nay, khi giá trị của những bông hoa Tulip Mới lạ (tôi hiểu đúng không?) đã giảm hơn 60% trong khoảng thời gian từ quý 2 đến quý 3. Tuy nhiên, sự tách biệt giữa công nghệ và đầu cơ thuần túy trong trường hợp này có thể không phải là một điều xấu. Bản thân NFT dường như có khả năng tồn tại dưới dạng một định dạng và phát triển khi các nghệ sĩ ít coi chúng là vật thể tĩnh, giống như hình ảnh hoạt hình ngớ ngẩn, mà thay vào đó là tài sản ảo đi kèm với tài sản vật lý hoặc dưới dạng quy trình động. Ví dụ tác phẩm “3FACE” (2022) gần đây của Ian Cheng, một bức chân dung riêng biệt sẽ tự điều chỉnh dựa trên nội dung được lưu trữ trong ví tiền điện tử của người mua. (Tác phẩm nghệ thuật thu tiền dựa trên những nhóm khán giả giàu có thích khoe khoang tài sản của họ, là một xu hướng vi mô trong năm nay: xem Bảng xếp hạng ATM của MSCHF bởi tập thể nghệ thuật Brooklyn (2022), tại Art Basel Miami Beach, bảng điểm máy rút tiền về số dư tài khoản của khách truy cập.)

Ian Cheng, bản vẽ sản xuất “3FACE”, năm 2022. Nguồn ảnh: outland.art/ian-cheng

Một liên kết của nghệ thuật sáng tạo như của Cheng – đã có thời gian tồn tại trong nhiều thập kỷ – với nền kinh tế phi tập trung của NFT, mặc dù còn non trẻ, giống như một cách sử dụng công nghệ nổi bật hơn là việc tung ra Hilma af Klint NFT có phần lố bịch và bị chỉ trích gay gắt từ sự kết hợp giữa Accuate Art và phòng trưng bày nghệ thuật kỹ thuật số của Pharrell Williams, GODA. Công nghệ cũng đang thúc đẩy một câu chuyện mới nổi khác: dân chủ hóa việc tạo hình ảnh, nhờ các phần mềm AI mới dễ xài như Dall-E 2, Midjourney và những thứ tương tự. Bản thân các nghệ sĩ cũng đang sử dụng các phần mềm như vậy: trong trường hợp tác phẩm gần đây của Jon Rafman, lắp đầy bởi các phần gợi ý để tìm đến các lãnh thổ mới trong sự quái dị và kỳ cục. Nhưng dường như tất cả những người khác cũng xài và lan truyền rộng rãi hình ảnh kết quả, điều này bắt đầu dẫn đến những bức tranh sáng loáng tựa tựa nhau, trông quen thuộc một cách phản trực giác.

NFT từ loạt tác phẩm “Paintings for the Temple” (đã cắt) của cố nghệ sĩ trừu tượng người Thụy Điển, Hilma af Klint. Ảnh: GODA. Nguồn: decrypt.co

Về cơ sở hạ tầng, đầu năm nay có tin đồn chưa được xác nhận rằng thương hiệu xa xỉ LMVH đang mua hoặc mở rộng hạn mức tín dụng cho Gagosian (vì LVMH là khách hàng lớn của Gagosian). Sự đồng thuận là ngay cả khi điều đó không xảy ra, cũng dễ suy được, thậm chí là hợp lý: Gagosian cũng là một thương hiệu cao cấp và có tính tập thể cao, khách hàng của phòng trưng bày này cũng là khách hàng của LVMH – chủ sở hữu là Bernard Arnault hiện là người giàu nhất thế giới. Và nghệ thuật trong mọi trường hợp ngày càng bị cuốn vào các khía cạnh khác của lối sống cao cấp như một bằng chứng phô trương của sự giàu có. (Các khách sạn sang trọng đầy nghệ thuật của Hauser & Wirth ở cao nguyên Scotland, cách Balmoral một đoạn ngắn, cộng với các nhà hàng, quán rượu và câu lạc bộ thành viên của họ; Amanda Sharp và nhà hàng Toklas ở Luân Đôn của những người sáng lập Frieze và khách sạn mới mở của Slotover ở Margate.)

Bernard Arnault với tác phẩm năm 1983 của Jean-Michel Basquiat, “Napoleonic Stereotype Circa 44”. Tác phẩm thuộc sở hữu của Fondation Louis Vuitton. Ảnh: Jamie Hawkesworh, cho Wsj. Magazine  © Jean-Michel Basquiat, Licensed by Artestar, New York. Nguồn: ​​wsj.com

Tất nhiên, khi bản thân nghệ thuật chỉ là một món đồ lặt vặt trong lối sống, thì những phẩm chất như yếu tố được công nhận và sức hấp dẫn bề ngoài trở nên quan trọng hơn bất kỳ thứ gì khác, điều này khiến mọi thứ trở nên nhạt đối với bất kỳ ai coi nghệ thuật là sự thử thách. Những người siêu giàu cướp bóc và tước đoạt mọi thứ có giá trị là câu chuyện của thế kỷ 21 và vẫn chưa được đảo ngược. Vì vậy chúng ta hãy mong đợi điều đó nhiều hơn vào năm 2023, ngay cả khi chúng ta không biết chính xác nó sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng một điều khác không thay đổi là nghệ thuật luôn phản ứng với chính nó, chuyển biến trên chính nó. Và nếu bạn không thích đảo này, thì hãy ra đảo khác.


 
Back to top