ART & LIFE

KTS Đặng Anh Dũng từ AD+studio: “Thiết kế là một quá trình luôn tự làm mới bản thân”

Oct 07, 2021 | By Trang Ps

“Từ thời điểm bắt đầu các dự án độc lập, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở nhau: mỗi dự án sẽ thử nghiệm một cái gì đó mình chưa từng làm trước đây. Thật may mắn đến nay, chúng tôi vẫn còn giữ được tinh thần đó.”  Với tinh thần này, độc giả của LUXUO sẽ hiểu tại sao, các dự án do KTS trưởng Đặng Anh Dũng và đội ngũ AD+ thực hiện luôn mang màu sắc đương đại khá độc đáo và mới mẻ.

 

Một số dự án gần đây của AD+ như Nhà Lổng Hẻm hay Nhà Triền Dốc cho thấy tư duy thiết kế đương đại khá độc đáo. Studio có thể nêu rõ những đặc trưng thiết kế hay DNA thiết kế chủ đạo?

Chúng tôi quan niệm sản phẩm kiến trúc chỉ là “cái nền” mà ở đó các hoạt động khác diễn ra. Vai trò của người KTS là chuyển tiếp những yếu tố vô hình (văn hóa bản địa, bối cảnh khu vực, cách ứng xử khí hậu vùng miền, “nếp” sinh hoạt của người sử dụng) thành một yếu tố hữu hình phù hợp (kiến trúc).

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển. Dưới tốc độ xây dựng ồ ạt và sự đồng hoá công trình “mẫu”, sự khác biệt từ những yếu tố vô hình trên trong từng thiết kế sẽ mang lại cá tính riêng biệt cho mỗi công trình của AD+.

Nhà Lồng Hẻm: Lối sống thảnh thơi trong không gian tối giản

Như vậy, hướng tiếp cận một công trình để tạo ra cá tính riêng biệt diễn ra ra sao? Và theo studio, như thế nào là một công trình kiến trúc thành công?

Cách tiếp cận của chúng tôi không phải tư duy thiết kế, mà là xây dựng nhiệm vụ rồi thiết kế.

Đầu tiên, với vai trò một KTS, chúng tôi thích tạo ra sản phẩm, thích lắng nghe mong muốn của người sử dụng, cùng nhau đặt câu hỏi để thấu hiểu bản chất công trình. Tương tự là những vấn đề khi tiếp cận bối cảnh: chúng tôi tìm kiếm điều gì ở đây? Vị trí này cho chúng tôi cảm xúc gì? Nó đòi hỏi gì ở chúng tôi? …

Từ đó, chúng tôi nghĩ một công trình kiến trúc thành công là lời giải đúng cho một câu hỏi xuất sắc, chứ không phải lời giải xuất sắc cho một câu hỏi sai.

Studio có nghiên cứu giải pháp kiến trúc nào mới hay không?

Từ thời điểm bắt đầu các dự án độc lập, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở nhau: mỗi dự án sẽ thử nghiệm một cái gì đó mình chưa từng làm trước đây. Thật may mắn đến nay, chúng tôi vẫn còn giữ được tinh thần đó.

Chúng tôi không dám nói cái mới của mình là mới trong cộng đồng thiết kế. Cái chúng tôi mong muốn là luôn học hỏi được một điều gì đó qua từng dự án của văn phòng. Có thể chỉ là một giải pháp kết cấu vượt nhịp, một chi tiết xử lý, sử dụng một vật liệu mới, một cách tiếp cận khác, hoặc thay đổi ngôn ngữ biểu hiện,…

Đối với chúng tôi, thiết kế là một quá trình luôn tự làm mới bản thân.

Có hệ thống triết lý/ tư tưởng hay cá nhân nào ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy thiết kế của bên mình?

Trong quyển Echo of Space, Atelier Bow-Wow đã phân tích trải nghiệm kiến trúc có thể chia thành trải nghiệm “dưới hình thức tồn tại” (form of being) hay trải nghiệm dưới dạng vật chất và trải nghiệm “dưới hình thức vận động” (form of doing).

Hình dạng của kiến trúc được củng cố từ bên trong bằng “hình thức vận động”. Bất kỳ không gian nào thiếu sự liên kết hữu cơ giữa “tồn tại” và “vận động” sẽ không có sự hỗ trợ nội tại. Nó có thể hấp dẫn thị giác trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng sẽ không sinh trưởng cùng với những người sử dụng nó.

Cả “hình thái tồn tại” như một không gian vật lý và “hình thái vận động” như sự phát triển và duy trì không gian đó đều đồng thời hiện diện trong những trải nghiệm về kiến trúc cảnh quan và kiến trúc đô thị. Lấy ví dụ như đối với ruộng bậc thang, việc trải nghiệm không đơn thuần chỉ đứng giữa những dải ruộng hẹp men theo địa hình. Trải nghiệm còn bao gồm việc trồng trọt trên những con dốc, chồng chất đá, san bằng đất, tưới tiêu đồng ruộng và trồng lúa. Việc trải nghiệm phải đắm chìm vào cái “vận động” của ruộng lúa như cách mà người nông dân đã thực hiện bấy lâu nay. Một nơi ngoài trời mà có “hình thái vận động” nhất định sẽ cho chúng ta cảm giác như đang ở trong nhà.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra một không gian sống động nơi mà sự “tồn tại” và sự ”vận động” cộng hưởng hài hòa với nhau ngay tại thế kỷ XXI?

Lý thuyết này giải thích lý do tại sao có những kiến trúc đẹp qua hình ảnh nhưng không thể tồn lại nguyên vẹn lâu dài. Đây là quan điểm có nhiều ảnh hưởng đến AD+studio trong quá trình xây dựng phương án thiết kế.

Nhà Triền Dốc: Độc đáo mà thân thuộc

Sự bền vững kiến trúc được AD+tiếp cận theo một lộ trình như thế nào, và liệu có sự thay đổi/cải tiến nào trong tương lai?

“Khi nhân loại chưa phát minh ra điều hòa, người chết vì nóng không nhiều như bây giờ. Khi nhân loại chưa phát minh ra đèn điện, bệnh cận thị ít hơn bây giờ nhiều. Khi chưa có tivi, thời gian rảnh rỗi của mọi người cũng phong phú như vậy…

Cho tới ngày nay, tôi cảm thấy nhân loại đang đối mặt với nguy hiểm lớn nhất, chính là sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ và dục vọng ngày càng bùng phát của con người.”

Mạc Ngôn – The sound of Hope

Trước khi có khái niệm kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc tiết kiệm năng lượng,… con người đã sống hoà hợp với tự nhiên, tạo ra một môi trường cộng sinh bền vững. Ngày nay, chúng ta chọn lựa cách sống chinh phục tự nhiên.

Đối với chúng tôi, sự bền vững không đơn thuần chỉ là giải pháp tiết kiệm bao nhiêu năng lượng, trồng thêm bao nhiêu cây xanh,… Sự bền vững là Ý THỨC của chúng ta khi sử dụng tài nguyên hữu hạn.

“Con người tạo ra kiến trúc, kiến trúc định hình con người.” Thông qua kiến trúc, chúng tôi mong muốn tái lập mối liên kết giữa con người – cộng đồng – tự nhiên, hình thành nhận thức ứng xử phù hợp. Tôi nghĩ thay vì giải pháp, ý thức mới là lộ trình bền vững nhất.

Nhà Nửa Mái.

Một công trình mà bên mình làm mà cảm thấy ấn tượng nhất?

Nhà Nửa Mái / Nhà Chồng Mái là những dự án văn phòng mình hài lòng nhất trong quá trình hành nghề đến nay. Sau khi đưa vào vận hành, kiến trúc ngày càng được làm đầy và thể hiện cá tính riêng của người sử dụng. Thỉnh thoảng đến thăm lại, chúng tôi có thể cảm nhận được sự yêu quý công trình thể hiện qua việc chăm sóc của chủ nhà.

Trở ngại lớn nhất của studio khi tiếp cận và thực hiện một công trình đó là gì? Có một ví dụ cụ thể nào không và cách đội ngũ giải quyết?

Trở ngại lớn nhất khi chúng tôi thực hiện công trình là giới hạn về năng lực thi công.

Công trình xây dựng ở Việt Nam vẫn còn mang nặng tính thủ công. Điều này tạo ra cảm xúc rất mạnh cho tác phẩm nhưng phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng của người thợ. Trong nhiều trường hợp, chi tiết sản xuất thủ công không phù hợp yêu cầu mức độ tiện nghi của người sử dụng.

Thay vì nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ thi công, nhà cung cấp,… điều này lại gây ra rất nhiều vấn đề khi công trình đi vào vận hành, đôi khi dẫn đến sự can thiệp thô bạo vào tác phẩm.

Vì vậy, ngay cả khi công trình được bàn giao, chúng tôi vẫn theo dõi và xử lý các nhu cầu nảy sinh trong thực tế để đảm bảo trong khả năng của mình sự trọn vẹn về thẩm mỹ của công trình.

Nhà Chồng Mái.

Chất liệu thiết kế và chất liệu đóng vai trò là phương tiện diễn đạt kiến trúc được AD+ tiếp cận như thế nào? 

Về chất liệu thiết kế:

Trong một nền kiến trúc đương đại còn non trẻ và chưa định hình, chúng tôi ngược dòng trở về với những giá trị truyền thống. Từ sự đa dạng của văn hóa, các dân tộc, dù to dủ nhỏ, đều có thể hãnh diện bởi bản sắc riêng của mình. Chất liệu dân gian là nguồn cảm hứng để chúng tôi phát triển ý tưởng, tôn trọng các giá trị truyền thống bản địa, nhưng thể hiện theo một cách thức, ngôn ngữ mới và đương đại.

Chất liệu là phương tiện diễn đạt kiến trúc

Kiến trúc không phải là hình ảnh mà là trải nghiệm không gian, trải nghiệm không gian không dừng lại ở thị giác mà bao gồm tất cả giác quan. Theo Juhani Pallasmaa, tất cả các giác quan, bao gồm cả thị giác, là sự mở rộng của xúc giác.

Chúng tôi nhận thấy cảm giác trực tiếp giữa làn da và bề mặt công trình được truyền tải trực tiếp qua vật liệu. Đây là chất liệu mà chúng tôi muốn đào sâu

Vật liệu là chất liệu khơi gợi cảm giác mạnh mẽ nhất khi tiếp xúc với công trình : âm thanh, mùi, tiếp xúc bề mặt, bên cạnh thẩm mỹ phần nhìn

AD+ có thể chia sẻ về dự án sắp tới?

Cho đến nay, văn phòng mình tập trung chủ yếu vào nhà ở. Đây là một dạng công trình tư nhân, được thiết kế cho một (hoặc một nhóm) đối tượng sử dụng cụ thể. Trong năm nay, AD+studio đang thử thách bản thân qua những dự án công cộng, trải nghiệm diễn đạt sự đa dạng trên những loại hình khác, ở những quy mô mà đối tượng sử dụng thay đổi từ cá nhân sang cộng đồng. Cách đặt vấn đề cũng sẽ thay đổi dưới góc nhìn bao quát hơn.


 
Back to top