ART & CULTURE

The Male Gaze – Phụ nữ có được quyền chủ động trong chân dung khỏa thân của chính họ?

May 17, 2022 | By Ton Binh

Là một nguồn cảm hứng bất tận trong những bức chân dung khỏa thân, nhưng phụ nữ luôn ở tư thế thụ động, gần như câm lặng trước sự quan sát của người xem. Lấy ví dụ từ thần thoại và những tác phẩm nghệ thuật lấy đề tài khỏa thân trong văn hóa châu Âu, bài viết này sẽ phân tích về sự xuất hiện của nữ giới và nhãn quan nam giới trong các tác phẩm.

Những bức họa khỏa thân đầu tiên miêu tả Adam và Eve. Trong Sáng Thế Ký, họ chỉ nhận thức được về sự khỏa thân sau khi ăn trái cấm. Có thể nói, sự khỏa thân được tạo ra trong tâm trí của người quan sát. Cơ thể trần trụi của một con người chỉ mang tính khỏa thân khi cơ thể ấy được người xem nhìn nhận như một vật thể, chứ không phải như một con người.

Những bức tranh thời kỳ Phục hưng thường khắc họa khoảnh khắc hổ thẹn của Adam và Eve khi nhận thức được sự khỏa thân của chính mình. Bộ phận nhạy cảm của họ thường được che bởi lá cây, hoặc bởi đôi tay. Tuy nhiên, dường như sự tủi hổ này không chỉ nằm giữa hai nhân vật chính, mà còn nằm giữa nhân vật và người xem tác phẩm. Biểu cảm gương mặt cũng như sự che chắn của Adam và Eve trong bức tranh cho thấy họ ý thức được sự quan sát của người khác về cơ thể lõa lồ của họ.

Ambus, Adam and Eve, đầu thế kỷ XVI.

Về sau, khi tôn giáo không còn là chủ đề duy nhất của những bức tranh khỏa thân, thì những bức chân dung đó luôn có ngụ ý rằng người phụ nữ trong tranh ý thức được việc có khán giả ngắm nhìn cơ thể của họ.

Trong tranh sơn dầu châu Âu, tấm gương thường là biểu tượng cho sự phù phiếm của người phụ nữ. Tuy nhiên, chính người họa sĩ đã đặt vào tay người phụ nữ một tấm gương, như một phương tiện để khiến nhân vật lầm tưởng rằng bản thân cô là một sự vật để ngắm nhìn. Việc lên án sự phù phiếm của người phụ nữ trong những bức họa như vậy có phần ngụy thiện, khi chúng ta suy nghĩ dưới góc nhìn của người nghệ sĩ – họ vẽ nên những hình ảnh này để thỏa mãn cái nhìn của đối tượng nào.

Memling, Vanity, 1435-1494.

Sự phán xét của Paris (Judgment of Paris) trong Thần thoại Hy Lạp cũng lấy chủ đề về người đàn ông nhìn ngắm những người phụ nữ khỏa thân, nhưng giờ đây sự đánh giá của anh ta lại mang tính trọng yếu trong việc định nghĩa cái đẹp. Chàng hoàng tử Paris trao tặng quả táo vàng trong vườn tiên cho một trong ba vị nữ thần trên đỉnh Olympus mà anh thấy đẹp nhất, và dường như chỉ nhờ sự quyết định của anh ta mà họ có thể phán xét được người phụ nữ nào đẹp, và người nào thì không. Nhan sắc dần mang tính cạnh tranh qua sự phán xét của người nhìn, cụ thể là người đàn ông. Có thể thấy, mô hình “Sự phán xét của Paris” trong sử thi Hy Lạp có điểm tương đồng với những cuộc thi hoa hậu thời hiện đại.

Cranach, The Judgment of Paris, 1472 – 1553.

Rubens, The Judgment of Paris, 1577-1640.

Trong những bức họa phía dưới, mắt của nhân vật hướng về phía người xem một cách thụ động, với một biểu cảm mang sự quyến rũ có chủ đích, trong khi cơ thể lõa lồ của họ được phơi bày. Bức tranh của danh họa Lely có thể được coi như một bức họa về thần Vệ Nữ và Cupid. Tuy nhiên, đây thực chất là một bức chân dung vẽ Nell Gwynne, người tình của vua Charles II. Sự khỏa thân của người phụ nữ chính là sự phục tùng của bà trước đề nghị của nhà vua, và sự phục tùng đó đã khiến những vị khách của nhà vua đố kỵ với ngài khi ngắm nhìn bức tranh này.

Lely, Nell Gwynne, 1618-1680.

Titian, Venus of Urbino, 1538.

Lông cơ thể không xuất hiện trong những bức họa trên. Trong văn hóa châu Âu, lông thường là biểu tượng cho sự đam mê và chủ động trong tình dục. Bằng việc loại bỏ yếu tố này, đam mê tình dục của người phụ nữ được giảm thiểu tối đa, để người chiêm ngưỡng bức tranh cảm thấy như họ có quyền làm chủ những ái tình đó. Khi đó, cơ thể của những người phụ nữ thiếu đi sự chủ động của một người trưởng thành. Họ như một đứa trẻ bị tình dục hóa dưới con mắt của người xem, hay dưới nhãn quan nam giới (the male gaze). Vai trò của người phụ nữ trong những bức tranh này là để thỏa mãn sự ham muốn của người xem, trong khi bản thân họ không thể hiện bất cứ dục vọng nào.

Rembrandt, Danaë, 1636-1650.

Giữa hàng chục nghìn bức tranh sơn dầu khỏa thân châu Âu, chỉ có một số ít bức họa hé lộ về người phụ nữ như chính bản thân họ, chứ không phải như một vật để nhìn. Những người phụ nữ này được khắc họa một cách độc đáo dưới góc nhìn thân mật của nghệ sĩ. Từng nét cọ có chủ đích của người nghệ sĩ, từ cấu trúc của bức tranh tới biểu cảm của người phụ nữ, khiến người nhìn không thể vật hóa nhân vật.

Georges de la Tour, Woman catching a flea, 1638.

Trong những tác phẩm nghệ thuật lấy đề tài khỏa thân trong văn hóa châu Âu, người nghệ sĩ, người xem và cũng là người sở hữu bức tranh thường là đàn ông, và những nhân vật bị đối xử như những vật thể thường là phụ nữ. Mối quan hệ không cân xứng này đã ăn sâu vào văn hóa phương Tây, từ đó hình thành sự tự nhận thức của biết bao thế hệ phụ nữ. Nhà phê bình nghệ thuật John Berger đã viết: “Trong tâm trí của những người phụ nữ, tồn tại một người quan sát là nam giới. Như vậy, phụ nữ vật hóa chính mình, biến bản thân thành một vật thể của ánh mắt”.

Rubens, Helene Fourment in a Fur Coat, 1577-1640.

Về Nhãn quan nam giới  – The Male Gaze

Nhãn quan nam giới là sự miêu tả phụ nữ dưới góc nhìn của đàn ông dị tính trong các tác phẩm nghệ thuật và văn học. Dưới nhãn quan nam giới, phụ nữ bị tình dục hóa và được coi là một vật thể thụ động, chỉ tồn tại để thỏa mãn cái nhìn của đàn ông. Theo Sandra Bartky, sự vật hóa người phụ nữ một cách tình dục xảy ra khi cơ thể, hoặc một phần cơ thể của người phụ nữ bị tách ra khỏi bản thân họ, và người phụ nữ được coi như một vật thể phục vụ cho ham muốn tình dục của nam giới.

Khái niệm nhãn quan nam giới lần đầu được sử dụng bởi nhà phê bình nghệ thuật trong John Berger trong bộ phim tài liệu Ways of Seeing (1972), và khái niệm này được củng cố bởi nhà hoạt động nữ quyền Laura Mulvey trong tác phẩm “Visual Pleasure and Narrative Cinema” (1975).

Ngày nay, nhãn quan nam giới vẫn đang tồn tại. Nó được thể hiện trong hình ảnh nữ siêu anh hùng với trang phục bó sát, trong những thước phim điện ảnh quay cận cảnh cơ thể người phụ nữ, trong việc khắc họa phụ nữ như những vật thể thụ động trước sự quan sát của người xem. Tuy vậy, giờ đây, chúng ta có thể chứng kiến sự xuất hiện của nhãn quan nữ giới (the female gaze). Thay vì vật hóa nam giới, nhãn quan nữ giới là sự phản hồi của những nhà hoạt động nữ quyền. Từ góc nhìn của những khán giả nữ, họ muốn khẳng định quyền tự chủ của những người phụ nữ xuất hiện trong những tác phẩm nghệ thuật.

Linh Bùi


 
Back to top