Nghệ thuật

Thêu một hồn Tết xưa

Feb 05, 2024 | By LUXUO

Nhân những ngày lộc biếc mai vàng, hoài niệm hương sắc Tết xưa của một thời tranh thêu, liễn đối và mong về một ngày, vẻ đẹp đậm đà phong vị truyền thống Việt Nam được hân hoan chào đón trong văn hóa chơi Tết.

Một gia đình quan chức trang hoàng ngày Tết năm 1915 tại Hà Nội, với bàn thờ phủ tiền bàn “Sư tử hí cầu”, hai bên treo lồng đèn kiểu Triều Châu, trên cùng là tấm chấn “Hỷ thước mẫu đơn” ấn tượng.

Mỗi độ yến xuân hồi, một miền ký ức về những ngày Tết Nguyên Đán thuở nào như thao thức ùa về tâm khảm những trái tim hoài cổ. Trong nhiều vẻ đẹp truyền thống đang dần phai nhạt sau guồng quay tất bật của cuộc sống, thì những bức tranh thêu – từng là một phần không thể tách rời của linh hồn Tết xưa, đã khuất bóng tự lúc nào. Những tấm chấn, tấm tiền bàn, liễn thêu rực sắc đưa cả gian nhà vốn bình dị đơn sơ trong phút chốc huy hoàng như cung vàng điện ngọc, nay chỉ còn là hư ảo ẩn hiện trong những thước hình đã hàng thập kỷ, mà thậm chí, có thể chỉ còn trong màn sương hồi ức của những bậc lão niên.

Ngược dòng về những ngày xưa cũ, nghề thêu Việt Nam triều Nguyễn đã từng một thời lừng lẫy không chỉ trong nước mà còn vang danh năm châu bốn bể, tham dự hằng hà sa số triển lãm, đấu xảo lớn nhỏ khắp thế giới. Điển hình nhất là hai địa danh Hà Nội – Bắc Ninh, nắm giữ nhiều làng thêu danh tiếng với các hiệu thêu Ả Thiện, Trường Phát hay các xảo thủ tiêu biểu như: Phan Văn Khoan, Đỗ Năm Quạt, Nguyễn Văn Nam, v.v. Ngoài dòng tranh cung đình khó xuất hiện trong dân gian, từ khu vực Huế đổ vào miền Nam, các thức tú phẩm cũng được ưa chuộng nhưng lại không có nhiều làng thêu chuyên nghiệp. Đa phần tranh thêu này được nhập từ miền Bắc, số ít được chế tác tại gia hoặc các nhóm nhỏ địa phương. Trong tác phẩm “Tấm Lụa Đào” của nhà văn Xuân Vũ, ông cố ý nhắc đi nhắc lại chuyện cô Sương bỏ ra 6 tháng ròng, cần mẫn thêu tấm chấn “đẹp hơn cả hàng chợ” như ngầm khẳng định việc thêu được các tác phẩm “ngoại cỡ” như vậy cũng là niềm kiêu hãnh vượt bậc của các thiếu nữ thuở bấy giờ. Ở Sài Gòn, nơi có cộng đồng Hoa kiều lớn mạnh, cũng phổ biến chuyện nhập khẩu các hàng thêu từ Trung Quốc.

Trao đổi với một số cao niên mà tôi có dịp trò chuyện tại thành phố Rạch Giá, Kiên Giang và trung tâm Chợ Lớn, một số lượng không nhỏ các tranh thêu này được chế tác tại Trạng Nguyên phường, Quảng Châu, một số khác lại xuất xứ từ Triều Châu hay Phúc Kiến (nổi bật là thành phố Chương Châu nổi tiếng với việc xuất khẩu tranh thêu cho các phố người Hoa ở Đông Nam Á). Chúng thường là các tấm tiền bàn, liễn đối, tấm chấn (tấm y môn), tranh chúc thọ với kích thước từ cỡ trung (chỉ độ 1 mét) đến cỡ đại (3–4 mét) lộng lẫy nguy nga vô cùng. Thuở xưa, hôn sự và tiết tân niên đều là những dịp khánh hỷ đại cát, hoặc, cũng xem như cái “cớ” để thể hiện nếp sống phong y túc thực, hầu như không thể vắng bóng những thức gấm lụa xa hoa là vậy.

“Không như tiền bàn hay tấm chấn vẫn còn hiện hữu trong tín ngưỡng, liễn thêu đã dần biến mất trong văn hóa lễ tiết Việt Nam,…”

[h.1] Cận cảnh bộ bàn thờ ngày Tết tại Hà Nội năm 1915, phủ tấm tiền bàn sặc sỡ

Đối với ngày Tết mà nói, ngoài những phẩm vật như: bộ lư, hoa trái, v.v. vốn tùy thuộc vào mỹ thuật và phong tục từng địa phương, thì bố cục sắp xếp tranh thêu gần như giống nhau:

Ở giữa đặt bàn thờ, phía trước trùm tấm thêu hình vuông gọi là tiền bàn (Hán tự là trác quần 桌裙/ trác vi 桌围, nghĩa là tấm phủ chân bàn) [h.1], kích thước tầm 1 mét. Đồ án trang trí muôn hình vạn trạng, nổi bật nhất là “long phụng trình tường”, “sư tử hí cầu”, “bách điểu hy xuân”,… hoặc trang trí Tứ linh: long, lân, quy, phụng – một thiết kế kinh điển đậm màu “Việt Nam”.

Ngay phía trên bàn thờ là tấm chấn (mà bây giờ phổ biến tên gọi tấm y môn – với “y môn” ở đây là khoảng không giữa hai cột nhà, tạo thành ô cửa giả), hộ nào hầu bao lớn có thể treo tới 2–3 tấm với độ cao thấp khác nhau, tạo ra hiệu ứng tầng tầng lớp lớp rất cuốn hút. Dưới mỗi tấm chấn đều thắt dàn tua rua, mà dân gian gọi là “chân chỉ hạt bột”. Khác với tiền bàn có kích thước tầm trung, khá khiêm tốn, thì các tấm chấn có độ dài trung bình khoảng 2 tới 3 mét, phù hợp vừa thêu trang trí hoa văn vừa thêu các mỹ tự chúc phúc. Ngoài các đồ án “phụng hoàng chầu hoa”, “tứ linh khánh hội”, “Bát tiên”,… còn có các câu thành ngữ như “Hồng đồ đại triển”, “Vạn sự như ý”, “Chỉ nhật cao thăng”,… tùy vào gia chủ xuất thân thương gia hay học sĩ, quan lại mà chọn chữ nghĩa cho phù hợp. Tuy vậy, cũng có không ít tấm chấn không thêu chữ nào, cốt yếu mang tính trang hoàng cho không gian, trợ vận khí là chính, và đặc biệt có thể tái sử dụng trong nhiều lễ tiết khác nhau.

Tấm tiền bàn thêu “Tam sư hí cầu” nguyên sở hữu của một gia đình thương gia tại miền Tây vào đầu TK20. BST La Quốc Bảo.

Liễn đối thêu, là một cấp cao hơn của liễn giấy, thường được làm theo cặp và thêu theo nét chữ của thầy Nho, danh nhân mà gia chủ hay hộ kinh doanh liễn đã xin từ trước. Nội dung thường ca ngợi mùa xuân, khánh hỷ, mong ước về một năm mới khởi sắc, v.v. Khác với liễn giấy chỉ sử dụng được tối đa vài tháng, liễn thêu có thể truyền đời bởi độ tinh xảo, gia công phức tạp, rất quý. Bởi tính chất treo dọc phải chịu lực lớn từ khối lượng chỉ thêu nên chất liệu làm liễn cũng chọn vải dệt dày như đoạn, gấm, bông hay nỉ nên độ bền tương đối cao. Không như tiền bàn hay tấm chấn vẫn còn hiện hữu trong tín ngưỡng, liễn thêu đã dần biến mất trong văn hóa lễ tiết Việt Nam, kể cả những gia đình truyền thống cũng khó giữ được nét đẹp này mà thay vào đó là tận dụng liễn gỗ có thể treo quanh năm ít bảo dưỡng, hay liễn giấy chỉ cần qua mùa là có thể thay đi dễ dàng.

“Với nội dung đầy hân hoan, những tác phẩm thêu này được tin là mang lại nguồn sinh khí mạnh mẽ và sự luân chuyển năng lượng tích cực, nên thuở xưa cũng là dạng quà Tân niên được ưu ái bởi giới tri thức và trung lưu, thượng lưu Việt Nam.”

Cuối cùng là tranh chúc phúc treo tường. Đây là một dòng tranh đặc thù không phải gia đình nào cũng có điều kiện sở hữu. Thứ nhất, đây là dòng sản phẩm đắt đỏ vì khối lượng thêu khổng lồ. Thứ hai, ngoài các loại hoa cỏ chim muông hay nhân vật thông thường có bán sẵn ở các hiệu thêu đại trà, còn có dòng trướng thêu mỹ tự – mà chủ nhân thường được “cung hạ” – tức được “kính tặng” chứ không tự sắm. Các trướng này có độ hoàn thiện phức tạp, thêu theo bố cục chiều dọc, đan khung lồng ghép nhiều lớp hoa văn và chất liệu tinh nhã, kích thước phổ biến nhất là tầm 1,5 tới 2 mét chiều cao. Ở giữa sẽ là các mỹ tự chúc phúc hoặc vinh danh tài đức của người được tặng. Đây là những trân bửu sẽ được trang trọng “thượng” trong khu vực tiếp khách suốt các ngày lễ lớn, đặc biệt là dịp Tết tại các phủ đệ, tư dinh Việt Nam. Trong bộ sưu tập của La Quốc Bảo, có bức trướng “Đức Lưu Phương” do một trong những chủ nhân của nhà vườn An Hiên nổi tiếng tại Huế – ngài Trợ quốc khanh Tùng Lễ – làm tặng một vị quan trong triều vào đầu thế kỷ 20. Trướng cao gần 2 mét, thêu lồng ghép ba chất liệu vải với ba gam màu rực rỡ, trang trí đồ án lưỡng long và lưỡng phụng chầu nhật, xung quanh điểm xuyết phúc thọ thời hoa đặc trưng lối triều Nguyễn.

Tấm trướng “Đức Lưu Phương 德流芳 – Đức độ tiếng thơm mãi lưu truyền” làm năm Kỷ dậu (1909) của ngài Trợ quốc khanh Tùng Lễ, một trong những chủ nhân của nhà vườn An Hiên, Huế. Phối hợp hai bên là cặp liễn thêu niên đại Thành Thái lục niên (1895). BST La Quốc Bảo

Ngoài những dạng tranh cơ bản trên, còn có vô vàn những thức lụa là hoa mỹ sẽ được “diện” trong ngày Tết như: khăn thêu trải bàn, gối thêu, hay thậm chí là khăn phủ sập với kích thước ấn tượng không kém.

Một số bức tranh được cảm tác từ chính những sự kiện hoành tráng và huyên náo nhất trong suốt dịp Tết, và đương nhiên, không thể kể thiếu hai trò “múa lân”, ”múa rồng”. Chúng thường được thể hiện theo bố cục ngang và khá dài, khi xưa thường được lọng khung và treo phía trên bộ tràng kỷ tiếp khách hay bất cứ đồ nội thất nào có chiều ngang vượt trội. Với nội dung đầy hân hoan, những tác phẩm thêu này được tin là mang lại nguồn sinh khí mạnh mẽ và sự luân chuyển năng lượng tích cực, nên thuở xưa cũng là dạng quà Tân niên được ưu ái bởi giới tri thức và trung lưu, thượng lưu Việt Nam.

Một phần bức thêu Múa rồng dài hơn 2 mét mà tôi đã hồi hương thành công từ Pháp năm 2021. BST La Quốc Bảo

Trước thềm năm mới, tôi may mắn được nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Duy Linh mời tận mục sở thị và tham gia dựng lại không gian Tết xưa ở một ngôi nhà cổ tọa lạc tại quận Gò Vấp, Sài Gòn – có thể xem là một trong những ngôi nhà rường Nam Bộ còn giữ được kết cấu toàn vẹn nhất trong khu vực nội đô. Bác X – gia chủ, là một người hoài cổ với tâm huyết gìn giữ nếp xưa cho con cháu trong dòng tộc. Cứ độ tháng Chạp, gia đình lại đưa 3 tấm tiền bàn được truyền đời từ đầu thế kỷ 20 ra mà trang hoàng ba cụm bàn thờ rất trang nghiêm chỉnh tề ở phòng khách. Tôi cũng góp sức với một tấm y môn trong bộ sưu tập mà “thượng” lên cùng.

“Đối với việc trưng bày tranh thêu, sự đa dạng trong phong cách và kỹ thuật cũng là một điểm nhấn thú vị.”

Các tấm tiền bàn theo quan sát, đúng là hàng đặc tuyển của Quảng Châu, có thể được bán bởi các thương nhân Chợ Lớn ngày xưa, thêu chủ yếu là kim tuyến (các sợi vàng) theo lối bình kim (thêu phẳng không độn nổi khối), kết hợp nhịp nhàng kim kính (các mảnh kim loại mạ vàng có kích thước vài centimet, bên trong dán mảnh gương để tạo hiệu ứng lấp lánh) được đính khắp tranh, và không thể kể thiếu việc mắt các con long mã trên cụm tranh này đều được tạo tác bằng thủy tinh màu rất độc đáo. Một việc quan trọng khác đó là sự nhất quán, nếu để ý, các tấm tiền bàn tuy thêu hình ảnh khác nhau nhưng đều có sự tương đồng trong phối màu và nội dung: trang trí cổ đồ (các bảo vật) ở phần trên, bên dưới là tạo hình các chim muông, linh thú cùng chung phong cách, cuối cùng là diềm hoa bao bọc xung quanh với phối màu xanh tím – vàng nhạt bổ trợ nhịp nhàng.

Khác với bộ tiền bàn là hiện vật gốc của gia đình, tấm chấn (tấm y môn) kết hợp trong chuỗi ảnh là một tác phẩm Việt Nam trong bộ sưu tập của tôi và may mắn có hệ màu tương tự. Đối với việc trưng bày tranh thêu, sự đa dạng trong phong cách và kỹ thuật cũng là một điểm nhấn thú vị. Khác với tiền bàn, nếu là dạng bộ, không những phải giống nhau về mặt màu sắc, mà còn phải giống về phong cách để không phá vỡ tổng quan thẩm mỹ chiều ngang, thì tấm chấn thuộc tầng trên có thể khác biệt, nhưng không được quá nhiều vì sẽ gây tranh chấp. Ở đây, tấm chấn được chọn có một dải màu xanh thúy lục (tức xanh phỉ thúy) trên cùng, được chủ đích canh theo màu xanh của đôi tranh kiếng treo hai bên tường, vừa có điểm nhấn trung tâm, vừa tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sắc màu hiện hữu. Gia chủ không nhớ rõ khi xưa có liễn thêu hay không, nhưng nguyên bản trang trí có tới 3 tấm y môn cho 3 bước cột, tuy nhiên các hiện vật tôi sở hữu lại không đáp ứng được kích thước và hệ màu phù hợp nên đành sử dụng duy nhất một tấm chấn cho gian thờ trung tâm mà thôi.

Tái hiện không gian Tết xưa tại một ngôi nhà cổ ở Sài Gòn

Dù khó lòng tái hiện chính xác nét huy hoàng chốn cẩm đường nhật lệ thuở vàng son chỉ trong vỏn vẹn một buổi ghi hình, nhưng không gian này cũng đã giúp chúng tôi mường tượng phần nào về sự chỉn chu tinh tế của người xưa, cũng như cái phong vị Tết bách hoa tranh nghiên từ thật đến hư, từ ngoại đến nội mà tiếc thay đã trở thành dĩ vãng. Dù vậy, ta vẫn giữ được chút hy vọng cho mai sau, bởi những làng thêu như Đông Cứu, Quất Động (Hà Nội), hoặc xưởng Lịch Đợi (Huế) vẫn còn hoạt động khá mạnh mẽ, tuy phần lớn vẫn là phục vụ cho các hoạt động tín ngưỡng. Với vai trò là một nhà nghiên cứu và tái hiện vải vóc xưa, tôi cũng nhận thấy phục dựng một tấm tiền bàn hay y môn theo cổ lệ quả thật không hề rẻ, phần là thù lao cho sản phẩm thủ công đắt đỏ, hai là phí đầu tư cho thiết kế, phối màu thật đồng điệu, phải sử dụng đúng màu đúng chỉ mới ra được cái thần cần có. Nhưng bù lại, ta cũng có thể áp dụng các kỹ thuật thêu vi tính để giảm giá thành đáng kể, nhưng trước mắt vẫn là phổ biến cho cộng đồng về một nét đẹp đã từng biểu trưng cho nền thẩm mỹ siêu đẳng của tiền nhân. Hy vọng một ngày nào đó, truyền thống “hào nhoáng” này sẽ trở lại trong văn hóa chơi Tết một cách quy củ, vì một năm mới đậm đà phong vị, bản sắc Việt Nam.

La Quốc Bảo


 
Back to top