ART & CULTURE

Tang lễ Peranakan [Kỳ 3]: Diễm lệ trong mọi cung bậc cảm xúc

Jul 07, 2024 | By La Quốc Bảo

Ba năm tiết giảm điểm tô, thân mặc huyền y, chân mang hài lam, xoa dịu nỗi buồn tử biệt.

Bộ kerongsang bằng bạc đính ngọc trai, được các nyonya sử dụng trong thời gian cư tang. Thuộc Bộ sưu tập Norman Cho.

Người Peranakan vẫn gắn bó sâu sắc với nguồn cội Trung Hoa, vì vậy vẫn chung quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, “chữ hiếu đặt làm đầu”. Tang lễ càng long trọng, chu toàn thì càng thể hiện sự cung kính, hiếu thảo của con cháu đối với người đã khuất. Đồng thời cho bá tánh thấy được sự dư dả tài chính, học thức và lễ nghĩa, cũng như giúp củng cố vị thế của gia tộc trong xã hội.

Y phục nhập quan

Một phong tục đáng quan tâm ở văn hóa Peranakan chính là “thọ y”, vốn cũng tồn tại ở Việt Nam nhưng gần như đã thất truyền. Theo quan niệm xưa, 60 tuổi đã coi là rất “thọ” vì đã qua “lục thập hoa giáp” – đủ 6 chu kỳ hàng can, 5 chu kỳ hàng chi (12 con giáp), xem như trọn vẹn một đời, vì vậy phải được cử hành sanh thần thật long trọng.

Khi bậc cao niên trong gia đình chạm ngưỡng lục tuần (60 tuổi) thì sẽ được con cháu chuẩn bị một bộ áo sắc sẫm, thường là đen – dạng thức đối khâm (cho nữ) hoặc giao lĩnh (cho nam), thêu thùa hoa lá rực rỡ, đặc biệt xen kẽ rất nhiều chữ thọ, vậy nên mới có tên “thọ y”. Áo này được gọi bằng tiếng Phước Kiến là “siew ee”, hoặc theo tiếng Mã Lai là “baju mati” (dịch thẳng là “áo chết”).

Thọ y được chuẩn bị cho bậc lão niên được chế tác theo lối Triều Châu, nổi tiếng với việc độn bông cho đồ án nổi khối rõ nét rất ấn tượng, thường sẽ được liệm theo khi người đó qua đời. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Wereld, Hà Lan.

[Chi tiết] Thọ y được chuẩn bị cho bậc lão niên được chế tác theo lối Triều Châu, cặp ngư hóa long ở gấu áo được độn bông nổi khối rõ nét. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Wereld, Hà Lan.

Trái: Một vị phu nhân Singapore mặc thọ y đối khâm. Phải: Ông Cheah Cheang Lim tại Penang, Mã Lai, với thọ y giao lãnh.

Rất rất ít hiện vật thọ y Peranakan còn tồn tại, bởi đây cũng chính là chiếc áo sẽ theo vị cao niên này sang thế giới bên kia một khi họ giá hạc tây quy. Như bao sản phẩm mỹ nghệ thêu phức tạp khác, thọ y được đặt hàng thực hiện bởi những người thợ lành nghề tại Trung Hoa. Về kết cấu, thọ y đối khâm cho nữ có phần tương đồng với áo Nhật Bình của triều Nguyễn, Việt Nam, đặc biệt với những áo sử dụng cổ thêu nền trắng, rất dễ nhầm lẫn.

“Người Peranakan coi trọng hôn sự và lễ giáo, nên nghiễm nhiên sẽ đặt một niềm tin trọn vẹn về nghĩa vợ chồng suốt một đời, ngay cả khi chuyển kiếp”

Quan niệm tình phu thê trong văn hóa Peranakan là một nguyện ước nhân duyên truyền kiếp. Khi một người đã kết hôn qua đời, thì chiếc áo mặc trong lễ Chiu thau (梳頭 – chải đầu) sẽ được liệm theo cùng thọ y.

Chiu thau là nghi lễ đặc biệt quan trọng trong hôn sự Peranakan, đây là thời khắc đánh dấu sự thuần thục của một con người, chấm dứt tuổi thiếu niên và chính thức bước vào giai đoạn trưởng thành. Buổi lễ được thực hiện ngay trước ngày đầu tiên của chuỗi 12 ngày đám cưới, trước bàn thờ Sam Kai (三界 – tam giới). Tân nương và tân lang thực hiện nghi thức riêng tại nhà ba mẹ mình, ở dưới mặc xiêm thêu thùa lộng lẫy (vốn là một phần của bộ hỷ bào sẽ được vận trong lễ cưới ngay sau đó), nhưng bên trên mặc một áo lót trắng thuần khiết không thêu thùa, gọi là áo Chiu thau. Cặp áo này được chế tác từ cùng một thợ may, cùng một kiểu dáng, trên cùng một đoạn vải, thậm chí còn được cắt và may đo trong cùng một giờ hoàng đạo phù hợp với lá số tử vi của đôi vợ chồng.

Hỷ bào có thể làm gia bảo truyền đời cho con cháu mặc lại, nhưng áo Chiu thau thì hoàn toàn không. Việc liệm chiếc áo Chiu thau theo cùng người quá cố, sẽ giúp họ tìm lại được nửa kia khi luân hồi chuyển kiếp, như lời ẩn ý về tình phu thê vĩnh kết đồng tâm, bỉ dực liên chi.

Charles Chua và vợ trong nghi thức Chiu thau trước thềm hôn lễ. Charles Chua là tác giả của sách “Baba Nyonya Heritage: Peranakan Weddings from a Malaccan Perspective” (2019).

Áo Chiu thau dành cho chú rể – tín vật kết nối âm dương hôn phối trong văn hóa Peranakan. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Peranakan, Singapore.

Y phục cư tang

Đối với người Peranakan, khi một người thân qua đời, đặc biệt là đấng sinh thành, thì sự hiếu thuận tột cùng còn được thể hiện qua cách chấp hành gia giáo lễ nghĩa. Thời gian để tang dài nhất của người Peranakan là 3 năm, được gọi là Tua-har berat, tức “Đại đới hiếu” (大带孝).

Nam giới Peranakan, tức các ông baba, ngày thường đều chuộng âu phục vì phải ngoại giao, và vì tiếp khách liên tục nên các ông cũng ưu tiên những bộ áo sẫm màu, vì vậy mà trang phục cư tang của nam giới được đơn giản hóa thành “chi tiết thêm” chứ không quy vào một thể loại rõ ràng. Vì thường là trụ cột gia đình nên sau 100 ngày tính từ khi an táng người quá cố, các baba không cần mặc áo xổ gấu mà chỉ đính miếng vải xô bên cánh tay trong 9 tháng tiếp theo, và theo quy tắc “nam tả nữ hữu”, tức người quá cố là nam giới thì đính ở tay áo trái, nữ giới thì đính ở tay áo phải. Sau thời gian này thì chuyển qua đeo một băng vải đen vòng quanh cánh tay trong một năm.

Trang phục cư tang được chia ra rõ ràng nhất là ở phụ nữ, tức các bà các cô nyonya. Trong 100 ngày đầu, gia quyến trực hệ mặc áo xổ gấu, trắng nguyên (nếu nam giới không tham gia kinh doanh, quán xuyến gia đình thì vẫn phải mặc theo như vậy). Các bà buộc phải thả tóc để thể hiện nỗi tiếc thương, hoàn toàn không được đính kết trâm cài. Theo nhà nghiên cứu Norman Cho, sau 100 ngày để tang, các nyonya được phép búi tóc và mặc sarong kebaya như thường nhật nhưng phải là màu đen toàn bộ trong một năm đầu. Năm thứ hai, được thêm vào các sắc trắng. Đến năm thứ ba thì chia làm hai giai đoạn: sáu tháng đầu tiên mặc các sắc xanh lam (biru), sáu tháng tiếp theo mặc sắc xanh lá (ijoh). Thậm chí, cả hài cườm của các nyonya cũng phải bám sát quy định, dễ nhận biết nhất chính là đế hài màu đen hoặc xanh lam thay vì màu nâu tự nhiên của da thuộc thường thấy.

Năm cư tang thứ nhất: Tang đen

Một bộ gồm sarong (váy), kebaya (áo ngoài) và áo lót đen trơn cho năm đầu cư tang. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Peranakan, Singapore.

Năm cư tang thứ hai: Tang đen-trắng

Một chiếc kebaya có nguồn gốc từ Malacca, Malaysia. Các biến tấu trên chất liệu để dịu đi sự nặng nề của y phục trong năm cư tang thứ hai. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Peranakan, Singapore.

Năm cư tang thứ ba: Tang lam và tang lục

Mặc dù là y phục cư tang, nhưng chỉ cần theo sát “mã màu”, còn độ phức tạp của chi tiết là tùy nghi. Chính vì lẽ đó, nhiều nyonya trong các gia đình quyền quý cũng chăm chút cho phục trang tỉ mỉ hết mức. Các bộ y phục này chỉ được mặc trong nửa năm hoặc một năm (tùy theo khu vực và quan điểm gia tộc mà có sự khác biệt). Về hài cườm, rất hiếm khi ta khảo được những hiện vật này vì đa phần đều bị đốt bỏ sau ba năm cư tang.

Kebaya màu xanh lam sẫm kẻ caro trắng nhỏ, được nyonya sử dụng trong giai đoạn tang lam, năm cư tang thứ ba. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Peranakan, Singapore.

Tấm sarong (váy quấn) vẽ batik các tông màu lam, được một nyonya sử dụng trong giai đoạn nửa đầu năm của năm cư tang thứ ba. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Văn minh Châu Á, Singapore.

Tấm sarong (váy quấn) vẽ batik các tông màu lam được một nyonya sử dụng trong năm cư tang thứ ba. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Peranakan, Singapore.

Tấm sarong (váy quấn) nền lam trang trí cầu kỳ, được nyonya sử dụng trong giai đoạn tang lam. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Peranakan, Singapore.

Một đôi hài cườm (kasut manek), kết hình cá vàng, có thể dùng cho năm cư tang thứ hai và thứ ba, với 3 tông màu: lam, lục, trắng. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Peranakan, Singapore.

Áo kebaya màu phấn lục, kẻ trắng, viền hoa thêu ren, được một nyonya sử dụng trong giai đoạn thứ hai của năm cư tang thứ ba. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Peranakan, Singapore.

Tấm sarong vẽ batik, nền màu lục và xanh khói, được một nyonya sử dụng trong giai đoạn thứ hai của năm cư tang thứ ba. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Văn minh Châu Á, Singapore.

Hiện vật guốc cườm rất độc đáo với mũi hài màu xanh ngọc và đế màu xanh lam, phù hợp cho cả hai giai đoạn của năm cư tang thứ ba.

Tuy nhiên, các nyonya cũng là những doanh nhân, có công việc và kế hoạch rất sát sao, nên không lấy làm lạ khi họ cũng rút ngắn thời gian cư tang, thay vì 100 ngày thì rút còn khoảng 90 ngày, thay vì 1 năm 12 tháng thì rút còn 11 tháng mà thôi. Khi gần hết thời gian cư tang, theo truyền thống, các nyonya sẽ cài thêm một đóa hoa Trang trên tóc (gọi là bunga siantan hay Ixora chinensis) và lựa chọn màu sarong kebaya tươi dần theo từng ngày nhằm báo hiệu cuộc sống thường nhật sắp trở lại.

Ixora chinensis, một giống hoa Trang từng được trồng nhiều tại Nam Dương và thường xuyên xuất hiện trong các dịp lễ của Peranakan. Ngày nay, ta chỉ thường thấy loại hoa Trang cánh nhọn giống ở Việt Nam.

Trang sức cư tang

Trang sức dùng trong tang sự được gọi là “barang tua ha”, nghĩa là trang sức đới hiếu. Trong đời sống thường nhật, niềm kiêu hãnh của phụ nữ Peranakan không chỉ nằm ở nữ công gia chánh, công phu nấu nướng tuyệt đỉnh, mà còn là bộ trang sức được thay đổi và phô diễn mỗi ngày. Tuy nhiên, khi tang sự xảy ra, họ hoàn toàn không được phép sử dụng vàng và kim cương nữa. Vàng quá đắt đỏ, kim cương thì quá lấp lánh, không thể hiện được sự tiếc thương. Chất liệu được thay thế chính là bạc và ngọc trai.

“Họ dùng mỹ học để thể hiện mọi cung bậc cảm xúc, lễ tiết một cách nhuần nhị và đầy tính biểu tượng”

Văn hóa Peranakan dưới sự ảnh hưởng của thời kỳ thuộc địa Anh có lẽ đã du nhập quan niệm thẩm mỹ của kỷ nguyên Victoria, rằng ngọc trai là biểu tượng của giọt lệ và sự thuần khiết. Ngày nay, ta dễ dàng nhận ra Hoàng gia Anh đều vận trang sức bạc đính ngọc trai ở hầu hết mọi lễ tang, chính là theo truyền thống đã định từ giữa thế kỷ 19.

Tiền thân của kebaya là baju panjang – một dạng áo dài không có nút, được cài lại bằng ba chiếc kerongsang bằng vàng (ngày thường) hoặc bạc (ngày tang) – được đính với nhau bằng một sợi dây chuyền, gọi là bộ kerongsang.

Bộ kerongsang bằng bạc đính ngọc trai, được các nyonya sử dụng trong thời gian cư tang. Thuộc Bộ sưu tập Norman Cho.

Một bộ kerongsang hình ngôi sao (bintang) bằng bạc đính ngọc trai. Thuộc Bộ sưu tập Norman Cho.

Trong suốt 3 năm cư tang, các nyonya sẽ đặt cho mình rất nhiều bộ trâm cài, cúc áo, vòng cổ để thay đổi liên tục, thậm chí chúng cũng nhiều và tinh xảo không kém gì những bộ trang sức lấp lánh thường ngày. Không ít trường hợp, các nyonya cũng mang nữ trang vàng, kim cương yêu thích của mình cho nghệ nhân chế tác thành các bản sao bằng bạc, ngọc trai để mang theo khi trăm tuổi.

Trâm cài tóc bạc đính trân châu, thuộc Bộ sưu tập Norman Cho. Theo nhà nghiên cứu Norman Cho, không còn bao nhiêu hiện vật dạng thức này còn tồn tại.

Không vì tang sự mà sức sáng tạo của các nghệ nhân Peranakan bị giới hạn. Ba mẫu kerongsang rất tinh nhã được chế tác theo hình chùm nho, bó hoa và ngôi sao kiểu Tây phương. Thuộc Bộ sưu tập Rossman Ithnain.

Một số trang sức nhỏ cũng được đính thêm các loại đá để tăng độ bắt mắt, nhưng vẫn theo sát tổ hợp màu phù hợp lễ nghi như xanh lam, xanh lục. Thông thường chúng là đá nhân tạo vì tính chất sử dụng chỉ trong thời gian rất ngắn. Thuộc Bộ sưu tập Richard Wee.

Lời kết

Phải công nhận rằng người Peranakan đắm chìm trong lối sống duy mỹ, từ lúc vừa đón ánh bình minh đầu đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng về bên kia thế giới. Họ dùng mỹ học để thể hiện mọi cung bậc cảm xúc, lễ tiết một cách nhuần nhị và đầy tính biểu tượng. Nói không ngoa, khó mà tìm được một nơi nào trên cõi Đông Á này có thể “cài hoa” lên nỗi buồn thật mỹ lệ như người Peranakan


 
Back to top