Thị trường nghệ thuật 2023 – Báo cáo của Art Basel & UBS
8 điểm thu hoạch chính của giám tuyển Ace Lê về tổng quan thị trường nghệ thuật năm 2023, dựa trên bản báo cáo vừa mới được công bố của Art Basel & UBS.
Đến hẹn lại lên, bản báo cáo năm 2023 đã ra mắt độc giả! Nhiều năm nay, đây là một nguồn thông tin hữu ích với tôi khi nghiên cứu thị trường, bởi tính đến thời điểm hiện tại, nó vẫn là bảng tổng quan toàn diện nhất cho thị trường nghệ thuật toàn cầu, tổng hợp cả dữ liệu công khai trên các sàn đấu giá cùng những dự toán cho các giao dịch riêng tư OTC. Đây là dự án hợp tác thường niên giữa ngân hàng UBS và hội chợ nghệ thuật Art Basel, với bản báo cáo đầu tiên hoàn thiện năm 2017.
Mặc dù thị trường Việt Nam còn quá nhỏ để xuất hiện trong thống kê, chúng ta cũng nên theo dõi sự biến thiên của các xu hướng và cơ cấu có thể có ảnh hưởng vĩ mô tới mình. Dưới đây là một số điểm thu hoạch chính của tôi khi đọc báo cáo năm nay, xin chia sẻ để cộng đồng tham khảo.
1. Tổng doanh thu toàn cầu 2022 thoát bóng đại dịch
Bất chấp kinh tế suy thoái, tổng doanh thu thị trường toàn cầu vẫn tăng 3% lên 67.8 tỷ USD. Con số này cao hơn mức tiền đại dịch năm 2019, và trở thành mức cao thứ 2 trong lịch sử, chỉ sau kỷ lục năm 2014 (68.2 tỷ USD). Còn nhớ, trong đại dịch, tổng doanh thu toàn cầu đã giảm từ 64.4 tỷ USD (2019) xuống 50.3 tỷ USD (2020), rồi tăng ngược trở lại lên 65.9 tỷ USD vào năm 2022.
2. Anh và Trung Quốc hoán đổi thứ hạng
Hoa Kỳ vẫn củng cố thứ hạng đứng đầu từ nhiều năm qua, với thị phần tăng 2% lên 45%, tức gần một nửa doanh thu toàn cầu. Ảnh hưởng của phong tỏa do Covid-19 đã làm điêu đứng thị trường hội chợ, triển lãm và sự kiện tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, khiến thị phần khu vực này rớt 3%, xuống vị trí thứ 3 với 17%. Thị trường Anh bình ổn hậu Brexit, tăng 1% lên 18%, vượt lên chiếm vị trí thứ 2. Đứng thứ 4 là Pháp với 7%. Tại châu Á, hai thị trường lớn thứ nhì sau Trung Quốc là Nhật và Hàn, chiếm 1% mỗi nước. Chúng ta lưu ý rằng, thị trường tranh và đồ cổ Việt Nam ở hải ngoại hầu hết hiện diện ở 3 thị trường chính là Hồng Kông, Pháp và Mỹ.
3. Nhà sưu tập tư nhân vẫn là người mua chính
Cũng giống như những năm trước, các nhà sưu tập tư nhân nội địa và quốc tế vẫn chiếm đa số doanh thu (72%), với tỉ lệ nội địa:quốc tế xấp xỉ 1:2. Đối tượng cố vấn nghệ thuật và thiết kế nội thất gộp vào chiếm 5%, và vì họ mua cho khách hàng của mình, nên ta có thể coi tệp sưu tập tư nhân chiếm 77% tổng cộng. Các bảo tàng và kinh viện (cả công và tư) chỉ chiếm 11%. Đây thật sự là một con số đáng mơ ước với thị trường Việt Nam trong tương lai.
4. Nghệ thuật đương đại áp đảo phân khúc môi giới
Tín hiệu mừng cho các nghệ sỹ còn sống: doanh thu của phân khúc môi giới (gồm các phòng tranh và nhà môi giới độc lập) phần lớn đến từ nghệ thuật đương đại với 48%. Trong đó, đương đại được định nghĩa nôm na là các nghệ sỹ sinh sau 1945. Các tệp còn lại chia nhau 52% thị phần, gồm nghệ thuật hiện đại, nghệ thuật cổ điển, cổ vật… Đặc biệt, doanh thu phân khúc môi giới ở châu Á tăng mạnh, đặc biệt là Hàn Quốc với 40% sau khi đăng cai hội chợ Frieze Seoul vào tháng 9 năm ngoái. Tranh và tượng vẫn chiếm phần lớn các giao dịch (92%), nhưng lấp ló đã thấy sự xuất hiện của các loại hình đương đại như nghệ thuật số (4%), nghệ thuật sắp đặt (1%) và nghệ thuật video (1%).
5. Bình ổn cho tỉ trọng nghệ sỹ nữ trong phòng tranh
Lần đầu kể từ 2019, báo cáo mới tổng kết tiếp tỉ trọng giới tính của các nghệ sỹ được những phòng tranh đại diện. Sau xu hướng tăng mạnh từ năm 2019 so với 2018, nay tỉ trọng này đã bình ổn ở mức 42% cho thị trường sơ cấp, và 38% cho toàn bộ thị trường môi giới. Vì đây là con số trung bình, nên ta có thể đoán được rằng, trong tệp đương đại, tỉ trọng này sẽ còn cao hơn nữa bởi phần lớn nghệ sỹ được chú ý trong tệp hiện đại cố nhiên vẫn là nam giới. Và đó là một chỉ số rất lạc quan.
6. Phân khúc đấu giá ngày càng tập trung ở đỉnh tháp
Doanh thu cho phân khúc đấu giá giảm nhẹ 1% xuống 26.8 tỷ USD, nhưng các nhà lớn như Sotheby’s, Christie’s và Philips vẫn tăng trưởng tốt, và 5 nhà đứng đầu chiếm đến 55% doanh thu đấu giá toàn cầu. Và phân hóa tỉ trọng doanh thu cho các lô có giá trị cao ngày càng rõ rệt. Các lô trên 10 triệu USD chiếm tới 32% tổng giá trị giao dịch, kế đến là các lô từ 1-5 triệu đô với 21%. Những kỷ lục tranh Đông Dương của chúng ta đều nằm trong phân khúc 21% này. Các bạn có thể tham khảo lại thống kê 20 tranh Việt triệu đô của tôi ở đây (https://bit.ly/406PSYr) – lưu ý, đây là danh sách mới cập nhật đến cuối 2022.
7. NFTs giảm nhiệt, nhưng chưa nguội hẳn
Doanh thu NFTs giảm 49% từ 2.9 tỷ USD (2021) xuống 1.5 tỷ USD, với tổng số khách ở thị trường sơ cấp giảm 12%. Trong đó, NFT liên quan tới nghệ thuật bị ảnh hưởng nhiều nhất: trong số các loại NFTs, tỉ trọng cho nghệ thuật giảm từ 24% (2020) xuống 8% (2022), nhường chỗ cho các mặt hàng khác như merchandise hay thời trang. Dù đây là một hao tổn lớn, mùa đông có lẽ vẫn chưa đóng băng hẳn cho NFTs, bởi tổng doanh thu 2022 vẫn còn cao hơn 70 lần so với 2020 (20 triệu USD); và số lượng nhà môi giới cho NFTs vẫb tăng từ 1% (2021) lên 5%. Giờ đây, những cuộc hội thoại thay vì xoay quanh những kỷ lục giá, đã chuyển sang những đóng góp tầm dài và bền vững của kỹ thuật này lên thị trường nghệ thuật.
8. Khách hàng phân khúc cao lạc quan cho năm 2023
Bất chấp những bất ổn kinh tế-chính trị-xã hội, những khách hàng phân khúc cao (HNI – High Networth Individuals) vẫn tỏ ra chủ yếu lạc quan cho bối cảnh thị trường 2023, ngoại trừ Đài Loan (với căng thẳng với Trung Quốc) và Nhật Bản (với vị thế yếu dần của đồng Yên). Ta cũng để ý những khách hàng hải ngoại chủ yếu của tranh Đông Dương thường nằm ở khối đồng văn Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc đại lục, rồi Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hy vọng, năm 2023 sẽ không làm chúng ta thất vọng.
Đọc và tải bản báo cáo tại: The Art Market 2023 – A report by Art Basel & UBS