STYLE

Bàn về mối liên hệ giữa ngành Đồng hồ và lĩnh vực Hàng không

Apr 14, 2023 | By Ton Binh

Ngành công nghiệp du lịch Hàng không đã hồi sinh mạnh mẽ sau khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19, điều này đã truyền cảm hứng cho chúng tôi nhìn – viết lại mối quan hệ giữa các thương hiệu đồng hồ và các Hãng hàng không Thế giới.

Mối quan hệ giữa ngành đồng hồ và lĩnh vực vận tải Hàng không không hề đơn giản như cách đồng hồ lặn gắn bó chặt chẽ với hoạt động mà chúng được đặt tên. Nhưng ngay từ đầu, nhu cầu đo thời gian chính xác đã là yếu tố tiên quyết, ít nhất là để thiết lập bằng chứng về thời gian diễn ra các chuyến bay đầu tiên của nhân loại.

Như mọi đứa trẻ đều được học, đó là chuyến bay kéo dài 12 giây của Orville Wright vào năm 1903. Dù chỉ vỏn vẹn 12 giây, nhưng đó lại là khoảng thời gian bay lâu hơn bất kỳ ai khác từng thực hiện trước đó. Anh trai của Orville là Wilbur Wright đã nỗ lực thực hiện một số chuyến bay thử nghiệm vào vài ngày trước đó, với thời gian chỉ 3 giây. Ban đầu, báo chí không mấy ấn tượng vì nỗ lực trên nhưng cuối cùng mọi người cũng phải chú ý, và chúng tôi muốn nhắc lại điều này để lưu ý rằng “thời gian quan trọng như thế nào”.

Chắc chắn sẽ có nhiều độc giả muốn nhắc nhở rằng ngành hàng không rất chú trọng đến khả năng điều hướng, đồng nghĩa rằng yếu tố kinh độ sẽ quan trọng đối với các phi công cũng như các thủy thủ. Bạn cứ yên tâm vì chúng tôi không hề bỏ qua điều này, đó là lý do vì sao chúng tôi đề cập đến mẫu đồng hồ Breitling AOPA Navitimer cùng lưu ý về chức năng thước trượt mà thương hiệu đã giới thiệu, vốn được sử dụng như một loại máy tính đeo trên cổ tay dành riêng cho các phi công chuyên nghiệp.

Chúng ta cũng hãy bỏ đi quan điểm cho rằng đồng hồ đeo tay thiết kế riêng cho việc bay lượn, hoặc đo thời gian nâng cao bắt nguồn từ nhu cầu của các phi công. Khi nói đến điều này, chắc chắn những người am hiểu như các bạn sẽ nghĩ ngay đến phi công người Brazil, Alberto Santos-Dumont và chiếc đồng hồ Cartier. Câu chuyện này bắt đầu cách đây không quá lâu với việc di chuyển bằng máy bay thương mại, nhưng sự lãng mạn của những chuyến bay vẫn là một phần của câu chuyện, ngay cả khi chỉ là yếu tố phụ. Rõ ràng, chúng ta đang nhìn xa hơn những chiếc đồng hồ phi công truyền thống ở đây.

Các hình ảnh minh họa cũng là một chủ đề cần được nhắc đến, với nhiều chiếc đồng hồ trong lựa chọn của chúng tôi được chụp theo phong cách “quân đội” đơn giản, hoặc các ảnh chụp do nhà đấu giá Phillips cung cấp theo kiểu chụp “bán quân đội” tiêu chuẩn hóa. Một số sản phẩm, chẳng hạn như đồng hồ Concorde hoàn toàn không có hình ảnh chất lượng cao phục vụ cho ngành in ấn, trong khi Tudor vẫn chưa chia sẻ hình ảnh của các mẫu Air France và những gì chúng tôi có thể tìm thấy là các ảnh chụp có kích thước khá nhỏ.

Để nói về các thông tin cơ bản, chúng tôi dành chỗ trong phần giới thiệu này cho chức năng điều hướng – yếu tố tối quan trọng của các chuyến bay. Chức năng này được xem là yếu tố chính trên đồng hồ phi công từ rất sớm, và vào những năm 1950 tính năng điều hướng hữu ích đã được tôn vinh trên những chiếc đồng hồ Breitling dành cho AOPA (Hiệp hội những người sở hữu máy bay và phi công).

Eric Wind – chủ cửa hàng đồng hồ cổ điển Wind Vintage, kiêm chuyên gia đồng hồ cho biết: “AOPA đã hợp tác cùng Breitling để sản xuất chiếc đồng hồ bấm giờ đầu tiên, và những chiếc Navitimer đời đầu đều có logo AOPA. Trong khi đó, một số mẫu trong đó chỉ có logo AOPA mà không có logo Breitling trên mặt số. Breitling đã thiết kế Navitimer cho các phi công vào những năm 1950 kèm chức năng thước trượt để thực hiện các phép đo phức tạp và một chiếc đồng hồ có thang chỉ báo 24 giờ mang tên Cosmonaute đã được phi hành gia Scott Carpenter đeo trong chuyến thám hiểm không gian vào năm 1962. Ngoài ra còn có một số đồng hồ của thương hiệu Vulcain được giới thiệu cùng logo TWA từ những năm 1960 – 1970”.

Có thể nhận thấy rằng Breitling đã không hợp tác với các hãng hàng không nào trong các ví dụ nêu trên để sản xuất đồng hồ, điều này trái ngược hoàn toàn với thương hiệu Vulcain, nhưng đó không phải vấn đề quan trọng, mà đó là sự quyến rũ và… tính phiêu lưu, một cuộc sống tự do khi bay trên bầu trời rộng mở. Đó là thời kỳ sơ khai của các hoạt động hàng không, và những chiếc đồng hồ của thời đại ấy hầu như không bị tì vết bởi sự hỗn loạn của những thập kỷ sau đó. Các nhà sưu tầm đồng hồ đã chuyển sự chú ý của họ sang những tạo phẩm cổ điển này, từ đó truyền cảm hứng cho bài viết của chúng tôi. Những mẫu đồng hồ mang tính lịch sử được lựa chọn ở đây đều có những câu chuyện rất cụ thể. Rõ ràng có một ý tưởng ẩn giấu, rằng còn có tương lai cho một sự hợp tác về cấp độ thương hiệu. 

Chúng tôi chỉ tìm thấy một kiểu hợp tác như thế ngày nay, đó là các phiên bản AOPA x Breitling giới hạn, thành thật mà nói rằng tất cả đã nhiều hơn chúng tôi mong đợi… Chúng tôi muốn bày tỏ sự biết ơn đối với tất cả các chuyên gia đã tư vấn cho bài viết này, bao gồm cả các nhà đấu giá và câu chuyện gốc cùng các mẫu đồng hồ tương tự do Hodinkee xuất bản vào năm 2021.

Concorde Air France Quartz Plastic

Được phát triển bởi Air France và British Airways, máy bay Concorde đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành du lịch Hàng không nhờ tốc độ siêu thanh, cho phép thực hiện chuyến bay đến các thành phố lớn trên thế giới trong thời gian rất ngắn. Ngự trị trên bầu trời từ năm 1976 đến năm 2003 và rất có thể sẽ quay trở lại, tuy nhiên khoảnh khắc khó quên nhất của Concorde là khi hoàn thành chuyến bay từ New York đến London trong vòng chỉ 2 giờ 52 phút 59 giây vào năm 1996. Và Concorde Air France Quartz Plastic – chiếc đồng hồ dùng một lần này là kỷ vật nổi tiếng gợi lại ký ức huy hoàng đó.

Bất cứ thứ gì liên quan đến Concorde đều vô giá và có thể trở thành vật phẩm sưu tầm vì giá trị của chính nó, một kỳ tích công nghệ trong lĩnh vực hàng không thương mại. Nếu bạn có thể tìm thấy một chiếc đồng hồ còn hoạt động (vì pin đã được tháo ra để đảm bảo tình trạng tốt nhất cho bộ máy), đó thực sự là một gia tài. 

Breitling AOPA Navitimer

Các mối quan hệ hợp tác trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều dẫn đến những kết quả đáng kinh ngạc, bằng chứng cái bắt tay giữa Breitling cùng AOPA trong hơn 70 năm trước. Năm 1952, nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ bắt đầu chế tạo mẫu Navitimer cho AOPA, theo yêu cầu của tổ chức này. Tuy nhiên, phải đến năm 1954 Breitling mới ra mắt chiếc Navitimer kèm thước trượt và logo AOPA ở vị trí 12 giờ trên mặt số màu đen. Cùng năm đó, cỗ máy này được AOPA tuyên bố là đồng hồ chính thức cho các thành viên phi hành đoàn, tuy nhiên dòng chữ Breitling đã vắng mặt. Đến năm 1956, Breitling Navitimer Ref. 806 41mm ra mắt với thước trượt, kèm logo của cả hai tên tuổi. Mẫu đồng hồ này là người bạn đồng hành lý tưởng cho cả phi công quân sự lẫn dân sự trong những năm 1950 – 1960.

Đến nay, chiếc Navitimer cổ điển vẫn là một chiếc đồng hồ chuyên dụng biểu tượng nhờ bộ máy Venus 178, vành bezel đính hạt và bộ vỏ sơn màu trắng Mark II. Những chiếc Navitimer đời đầu chỉ được thiết kế riêng cho ngành Hàng không Mỹ, bao gồm cả phiên bản nổi tiếng của năm 1959 vừa được tái phát hành vào năm 2019, và dòng Navitimer hiện tại đều vinh danh sinh nhật lần thứ 50 của chiếc đồng hồ đầu tiên. Tính đến năm nay, số Navitimer được sản xuất từ năm 1952 là hơn 40 mẫu, đây là dòng thành công nhất trong số đồng hồ phi công được giới thiệu trong bài viết. Các phiên bản chỉ in logo AOPA, được trang bị bộ máy Valjoux 72 chỉ được sản xuất từ năm 1954 đến năm 1955. Thật thú vị khi số tham chiếu không được khắc trên các nguyên mẫu này, khiến chúng trở nên cực kỳ quý hiếm.

SAS Universal Genève Polarouter

Mẫu đồng hồ Polarouter ref. 20217-6 lắp vỏ thép 36mm, với logo SAS (Scandinavian Airlines System) trên mặt số do Gerald Genta thiết kế cho Universal Genève khi ông vừa 23 tuổi. Đó được coi là một trong những thiết kế đồng hồ tiêu biểu nhất của ông. Sáng tạo này được nhà sản xuất tung ra để kỷ niệm chuyến bay thẳng đầu tiên của SAS từ Copenhagen đến Los Angeles vào năm 1954.

Lộ trình này yêu cầu phi công cần được trang bị một mẫu đồng hồ có khả năng kháng từ tính (mà Universal Genève là nhà sản xuất tiên phong lúc bấy giờ), vì các chuyến bay của SAS phải bay thẳng qua Bắc Cực để giảm khoảng cách giữa hai thành phố. Ngay sau thời khắc lịch sử ấy, Universal Genève đã trở thành nhà cung cấp đồng hồ bấm giờ và đồng hồ kháng từ tính duy nhất cho SAS. Trên thực tế, những chiếc đồng hồ ban đầu đã được cấp xuống cho các phi công cùng thành viên phi hành đoàn ngay khi chuyến bay hạ cánh ở LAX vào ngày 15 tháng 11 năm 1954.

Được trang bị bộ máy tự động loại bumper 138, chiếc đồng hồ này là một vật phẩm sưu tầm tuyệt vời vì những lý do khá rõ ràng, kể cả bộ máy bên trong. Đầu tiên là vẻ ngoài ấn tượng với vấu dây dạng đàn lia, bộ vỏ chắc chắn và mặt số tối giản bằng bạc. Theo Adam Hambly – một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về Polerouter, hiện chỉ có khoảng 150 chiếc có logo SAS đã được xác minh. Năm 1955, Universal Genève đổi tên model này thành Polerouter. Nhưng đáng buồn thay, nhà sản xuất đồng hồ Universal Genève hiện đã không còn tồn tại trên thị trường.

Tudor Prince Oysterdate Ref. 74000N Philippines Airlines

Có lẽ các nhà sưu tập sẽ không ngạc nhiên khi trong lịch sử, thương hiệu Tudor cũng từng nhận thực hiện các đơn đặt hàng từ những công ty khác nhau để chế tạo một số dòng đồng hồ đặc thù.

Ở đây chúng tôi nói về chiếc Prince Oysterdate Ref. 74000N, với logo Philippines Airlines (PAL) ở vị trí 6 giờ trên mặt số. Logo dạng hình học mang tông màu nổi bật của hãng hàng không trông rất phù hợp với tổng thể của chiếc đồng hồ 34mm, đi kèm mặt số bằng bạc và vận hành thông qua bộ máy calibre 2824-3. Người ta tin rằng PAL đã tặng chiếc đồng hồ này cho nhân viên của mình sau khi họ dành ra 25 năm cống hiến cho hãng hàng không từ những năm 1980.

Có một mẫu Tudor khác nữa là Oysterdate ref. 9101/01 được sản xuất với tên và logo của Philippine Airlines vào khoảng năm 1979. Theo tìm hiểu, rất khó để có thể tiếp cận những chiếc đồng hồ như vậy thông qua các kênh bán lẻ thông thường.

Air France Tudor Black Bay 58 Blue và Black Bay GMT

Sau từng ấy năm, Tudor vẫn tiếp tục sản xuất nhiều phiên bản đồng hồ đặc biệt với các hãng hàng không và các phiên bản mới nhất dành cho Air France là ví dụ điển hình. Không có nhiều thông tin về mối quan hệ hợp tác này, hoặc thông tin cụ thể về các mẫu Black Bay 58 và Black Bay GMT, chi tiết kỹ thuật về bộ đôi này cũng được tập hợp từ các nguồn mang tính suy đoán.

Tuy nhiên, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi Tudor hợp tác với Air France để sản xuất mẫu Black Bay GMT Ref. 79830RB-00AF “Pepsi” và Black Bay 58 Blue Ref. 79030B-00AF trong năm 2020. Black Bay GMT “Pepsi” lắp máy cơ MT5652 được sản xuất giới hạn 300 chiếc, và Black Bay 58 Blue với bộ máy MT5402 ra mắt chỉ 100 chiếc. Tất cả đều được bán cho các thành viên phi hành đoàn của Air France với giá ưu đãi. Cho dù chính xác hay không, nhưng những thiết kế ấy chắc chắn không có sẵn cho công chúng.

Seiko ANA 7S26-0620

Được thiết kế và phát triển dưới sự hợp tác của các phi công ANA vào năm 2003, rồi phân phối thông qua các chuyến bay của ANA (All Nippon Airways) vào năm 2004, mẫu đồng hồ Seiko ANA 7S26-0620 là một món quà thực sự khi mở bán rộng rãi cho mọi người, vì vậy những ai muốn “đi săn” có thể bắt đầu từ đó. Nhưng theo những gì chúng tôi tìm hiểu, chiếc đồng hồ này chỉ có sẵn trong thời điểm ấy. Đáng chú ý, logo ANA ở vị trí 9 giờ cân bằng giữa cửa sổ ngày, vâng đó là một đĩa ngày Kanji – điều rất đáng mong đợi và rất đặc biệt. Logo ANA cũng được dập ở cạnh trái vỏ.

Rõ ràng hành khách trên các chuyến bay của hãng hàng không ANA có thể đặt mua chiếc đồng hồ này một cách dễ dàng và nó cũng xuất hiện trên một số trang web chuyên bán đồng hồ thứ cấp. Vận hành thông qua bộ máy 7S26 in-house, chiếc Seiko 40mm này là một điển hình cho thương hiệu đến từ Nhật Bản. Mức độ phổ biến của ANA 7S26-0620 đã tăng gấp bốn lần nhờ bánh xe ngày Kanji của Nhật Bản. Thật khó để nói đây là chiếc đồng hồ được yêu thích nhất, nhưng tôi chắc rằng tất cả những điều này đủ để khơi dậy sự tò mò của những người yêu thích đồng hồ. 

Fossil Southwest 50th Anniversary

Vào năm 2021, Southwest Airlines đã hợp tác với Fossil để ra mắt mẫu đồng hồ đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm thành lập thương hiệu. Là một phần của sự hợp tác này, 1.971 chiếc đồng hồ Fossil Southwest 50th Anniversary đã ra đời cùng logo của hãng trên mặt số và nắp lưng. Mỗi chiếc đồng hồ bấm giờ phi công mang phong cách retro đều được đựng trong hộp thiếc màu xanh lam đặc trưng của hãng Hàng không Southwest Airlines.

Fossil Southwest 50th Anniversary ra mắt dưới hai phiên bản, gồm một chiếc có kích cỡ 44mm, kèm mặt số màu xanh lam và dây đeo da màu xanh, chiếc còn lại có kích cỡ chỉ 36mm với mặt số màu bạc nổi bật bời các chi tiết tương phản, song hành cùng dây đeo da màu xanh lam. Núm vặn của cả hai chiếc đồng hồ đều mang tông màu thương hiệu của Southwest Airlines là xanh lam, đỏ và vàng. 

Đặc biệt, bộ dây da của cả hai chiếc đồng hồ đều được làm từ chất liệu da tái chế của ngành Hàng không, càng nhấn mạnh vai trò then chốt của ngành công nghiệp đồng hồ trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường. Dù bạn cảm thấy thế nào về thông điệp đó, nhưng thật tuyệt khi biết rằng những chiếc đồng hồ này được bảo vệ bởi một thứ gì đó gắn liền với di sản của hãng Hàng không. 

Bài NAGMANI
Chuyển ngữ Vincent Phạm


 
Back to top