ART & LIFE

Triển lãm In Art We Trust: Bình đẳng giới thể hiện ở hai chữ “tình người”

Jan 10, 2022 | By Trang Ps

Triển lãm “In Art We Trust” trưng bày 40 sáng tác nổi bật  từ cuộc thi vẽ tranh Cổ động về Bình đẳng Giới do Ơ Kìa Hà Nội, Heritage Space và WISE phối hợp tổ chức. Thông qua triển lãm ý nghĩa này, ta sẽ hiểu hơn giá trị tự do và bình đẳng chỉ có thể đạt được khi mỗi người có một tâm hồn đủ cởi mở và phóng khoáng để đón nhận những điều khác biệt. 

Thôi được rồi – Phạm Quang Hưng. Mỗi người chúng ta đều rực rỡ sắc màu giống như một khối rubik, mỗi cá thể đều có thể trở nên độc lập một cách ngẫu nhiên, tùy theo mong muốn được thể hiện mình của mỗi người.

TOP 40 sáng tác dự thi nổi bật của các tác giả từ nhiều lứa tuổi (người lớn tuổi nhất là 68 và trẻ nhất là 9 tuổi) và từ nhiều vùng miền trên cả nước. Sự kiện hướng đến việc phát triển và biểu dương các luồng nhận thức về Bình đẳng Giới thông qua Nghệ thuật, đồng thời tái đánh thức tranh Cổ động – một trong những hình thức nghệ thuật công cộng đóng vai trò truyền đạt thẩm mĩ bằng ngôn ngữ đồ họa-hội họa cô đọng, và truyền đạt thông điệp xã hội, nâng cao nhận thức công chúng.

Tự do là vượt lên được quan niệm nhị nguyên của xã hội 

Mỗi chúng ta cùng đều có một trái tim yêu thương – Nguyễn Ngọc Minh Tâm

Vốn dĩ, thân nam hay thân nữ… không nhằm mục đích để phân biệt, hơn thua, mà là để cả hai đối tượng được trải nghiệm cuộc sống hết mình dựa trên những gì mà tạo hóa ban tặng. Một kẻ tự do và phóng khoáng là kẻ đã vượt thoát khỏi được tư duy nam – nữ để chỉ nhận mình là một con người bình thường đang trải nghiệm giữa cuộc đời muôn mặt. Thật thú vị khi sự thật này lại được 40 tác giả thể hiện vô cùng dễ thương mà sâu sắc. Để rồi ta có thể đúc kết như Nguyễn Ngọc Minh Tâm rằng, dù được sinh ra với giới tính nào, thì mỗi chúng ta đều có một trái tim yêu thương. Và rốt cuộc, thứ còn lại duy nhất và luôn sẵn có để hàn gắn và chữa lành thế giới này nằm ở hai chữ “tình người”.

Gái Trai Như Một – Trụ Cột Tương Lai – Nguyễn Khánh Vy

Không có một ràng buộc và “ngục tù” nào nguy hiểm hơn tư duy phân biệt được hình thành từ chính bản ngã nơi mỗi cá nhân. Chính thái độ phán xét, so sánh ấy đã phóng chiếu ra một thế gian đầy rẫy đau thương và bất hạnh. Tư tưởng trọng nam khinh nữ hay đàn ông là trụ cột của gia đình cũng đến từ lý tưởng cực đoan này. Lý tưởng, dù được đánh bóng bằng hệ giá trị đạo đức đẹp đẽ, thì cũng luôn có tính hai mặt, luôn có tính phân chia, và chẳng bao giờ trao cho con người chiếc chìa khóa đến chân hạnh phúc. Tác phẩm Gái Trai Như Một – Trụ Cột Tương Lai của Nguyễn Khánh Vy là một quan điểm thật sự thẳng thắn và đánh mạnh vào thái độ phân biệt in hằn trong tư tưởng nhiều người Việt hiện nay.

Nước Mắt – Văn Ngọc Khánh

Thế giới vui nhộn – Vũ La Hiên

Nụ hôn của sự bình đẳng – Chiu Chí Hùng

Dù là nam, nữ hay giới tính thứ 3 thì điều nghiễm nhiên mà ai ai cũng có ấy là cảm xúc, suy nghĩ,… Dù sinh ra là thân gì đi nữa thì cảm xúc lẫn suy nghĩ không hề bị chi phối bởi giới tính, mà lại chính ở quan niệm “cay nghiệt” của xã hội, từ đó dẫn đến những cách hành xử quán tính, rập khuôn hay kiềm nén, ức chế nơi mỗi người. Chính điều này sẽ làm hại đến trải nghiệm tự do của mỗi cá nhân, và khiến họ không thể bộc lộ hết tiềm năng sẵn có. Nước Mắt của Văn Ngọc Khánh, Thế giới vui nhộn của Vũ La Hiên đến Nụ hôn của sự bình đẳng của Chiu Chí Hùng như nhấn mạnh điều này hơn thế nữa thông qua cách biểu đạt hình ảnh vừa chân thật, dễ thương, vừa sâu sắc đáng chiêm nghiệm.

DÙ LÀ AI, SỐNG CUỘC ĐỜI BẠN MUỐN – Văn Thị Thúy Hằng

Thấu – Lê Hướng Dương

Và sau tất cả, lên tiếng về bình đẳng giới không phải là một sự phán xét hay phê bình những cá nhân đang có ý phân biệt đối xử trong đời sống, mà là cách chúng ta thể hiện tình người nằm ở chỗ lắng nghe, thấu hiểu, bao dung, tha thứ… cho nhau. Được sinh ra làm người, dù là nam, nữ hay giới tính nào đi nữa, thì đó cũng là một may mắn lớn để ta tự hào và sống là chính mình. Vì chỉ khi được sống là chính mình, ta mới không tự dằn vặt bản thân, và mới có thể tự do, bao dung, bác ái trong đời sống.


  • Thời gian: Mở cửa trưng bày từ 9h – 19h, từ thứ Sáu ngày 14 – Chủ Nhật 16 tháng 1, 2022.
  • Lễ trao giải thưởng Cuộc thi: 18h – 19h30 thứ Bảy, ngày 15 tháng 1, 2022.
  • Tọa đàm Triển lãm và Cuộc thi: 9h30 – 11h30, Chủ Nhật 16 tháng 1, 2022.
  • Địa điểm: Phòng đa năng, Viện Goethe, 56 – 60 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
  • Lưu ý: Khách tham quan cần có chứng nhận tiêm 2 mũi vaccine COVID và vui lòng tuân thủ 5K theo hướng dẫn của Bộ Y Tế.


 
Back to top