ART & CULTURE

The A. Talk: KTS Nguyễn Việt Triều – “Nghệ thuật vượt ra ngoài thời điểm và không gian vật lý”

Jun 21, 2023 | By Trang Ps

Một cuộc trò chuyện thân mật với KTS Nguyễn Việt Triều, đồng sáng lập May Artspace,  dẫn người đọc đi qua những chiêm nghiệm về cách anh và đội ngũ cùng xây dựng một không gian kết nối giới thiệu nghệ thuật ra công chúng, cùng đó là tầm nhìn về việc biến hóa nơi đây thành không gian cho sáng tạo đương đại có cơ hội phát triển. 

Chào KTS Nguyễn Việt Triều! Mây Artspace đã đi vào hoạt động hết sức sôi nổi trong suốt những tháng qua, với nhiều triển lãm chất lượng nối đuôi nhau ra mắt. Không biết nhân duyên mà anh và cộng sự thành lập Mây Artspace diễn ra như thế nào và với tinh thần hướng đến ra sao?

Trong thời gian hành nghề thiết kế, tôi đã nghĩ rất nhiều về việc mang tác phẩm nghệ thuật vào không gian mà mình thực hiện. Việc chưa chú trọng tác phẩm nghệ thuật trong không gian nhà ở vừa là một điều đáng tiếc, cũng vừa là cơ hội, một thị trường tiềm năng để nghệ thuật có thêm khu vực hoạt động ngoài các gallery, bảo tàng tư nhân, hay không gian riêng của nhà sưu tập.

Một vài lần thuyết phục gia chủ mua tác phẩm của hoạ sĩ mình quen biết vào công trình, tôi càng tin hơn vào câu chuyện này. Ý tưởng làm một điều gì đó thúc đẩy thị trường, nâng cao khả năng cảm thụ tác phẩm nghệ thuật của khách hàng trong lĩnh vực thiết kế xây dựng khiến tôi thường chia sẻ với những người bạn của mình. Cho đến một ngày, chúng tôi quyết định phải làm gì đó, bắt đầu bằng thứ khá rõ ràng nhưng khó nắm bắt – đó là Mây, một không gian kết nối giới thiệu tác phẩm nghệ thuật cho giới thiết kế và người trẻ cũng như với nhóm khách hàng tuy mới lạ nhưng lại thân quen này.

Một trong những điều không thể không nhắc đến Mây là không gian cải tạo lý tưởng. Ý tưởng cho không gian được hình thành ra sao, và khán giả, nghệ sĩ… khi đến với Mây có chia sẻ gì về yếu tố không gian này?

Kiến trúc của ngôi nhà mà Mây sử dụng là một biệt thự cổ còn khá đẹp, ở đây tôi chỉ sử dụng một vài thủ pháp để nó có thể tạo nên sự dung chứa và tương tác với đối tượng cụ thể là tác phẩm nghệ thuật và người thưởng thức. Khán giả mà Mây hướng đến là lớp trẻ, khách hàng trong lĩnh vực thiết kế và nghệ sĩ đương đại, cho nên hướng tiếp cận của không gian kiến trúc là sự cởi mở và thân thiện. Để làm sao tác phẩm không còn trong tháp ngà xa cách mà có thể được giản dị cảm nhận như một vẻ đẹp chân thực và dung dị.

Điều này rất khó, bởi không khéo nó sẽ làm tầm thường hoá tác phẩm nhưng cũng may mắn, chúng tôi đã làm đúng và làm vừa đủ để không gian có thể nâng đỡ tác phẩm và nâng đỡ cả cảm xúc người tham quan. Tín hiệu vui là Mây được đông đảo bạn trẻ đón nhận và hào hứng chia sẻ, cũng như sự ủng hộ của hoạ sĩ và giới chuyên môn. Khá nhiều hoạ sĩ, nhà sưu tập đã tâm sự với Mây về sự bất ngờ ở khía cạnh cảm xúc khi ở trong không gian, Mây mang lại cho họ cảm xúc đủ & đầy đối với nghệ thuật.

Một yếu tố rất thiết yếu với một gallery, đó là tính chuyên nghiệp của giám tuyển. Mây đã được cố vấn hay vận hành cách giám tuyển ra sao để đảm bảo một cuộc trưng bày uy tín về thẩm mỹ lẫn nội dung?

Các đồng sáng lập viên của Mây hầu hết đều làm trong lĩnh vực thiết kế và nghệ thuật, cho nên có được kiến thức và thẫm mỹ tương đối. Bản thân tôi còn là nhà sưu tập cho nên sự gắn kết với các nhà nghiên cứu, giám tuyển khá thân thiết. Tuy nhiên, để gallery trở nên chuyên nghiệp và uy tín, thì Mây đã cân nhắc rất nhiều về nội dung và tầm vóc của tác phẩm cũng như hoạ sĩ tham gia triển lãm.

Với sự ủng hộ và giúp đỡ của các nhà nghiên cứu và hoạ sĩ đã thành danh như anh Lý Đợi, Bùi Chát hay hoạ sĩ Lương Lưu Biên, Bùi Tiến Tuấn – Mây xem họ như những người thầy, cố vấn, giám tuyển riêng cho các cuộc triển lãm của mình.

Thời gian qua, Mây tổ chức các cuộc trưng bày với tần suất khá dày, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ mới nổi và đã nổi. Mây có ý kiến sao về điều này? Và việc duy trì những triển lãm liên tục như vậy có cơ hội và thử thách nào? Qua đó thấy được tính linh hoạt của một gallery vừa mới gây dựng.

Đó là một may mắn cũng như là một áp lực từ chính những cơ hội mà Mây có. Lịch đăng ký triển lãm của Mây đã kín trong năm, và Mây phải cân nhắc những tác giả tác phẩm nào phù hợp với định hướng mà Mây hướng đến. Không những là chất lượng tác phẩm, mà Mây còn mong muốn sự tác động vào trình độ thẫm mỹ của công chúng, để nó vừa chất lượng nhưng cũng không quá lạ lẫm, xa rời. Nghệ thuật trước tiên phải là những gì con người có thể thẩm thấu, trân quý.

Việc duy trì những triển lãm liên tục một cách có chất lượng là cơ hội để Mây xây dựng công chúng riêng vừa trẻ vừa nhiều và vừa có trình độ. Nó như sự rót đầy vào một cái đập chứa nước.

Mây chỉ là một dòng nước nhỏ, và mong chờ nhiều dòng nước khác cùng đổ vào đập nước này để sau đó, tạo nên một điều kiện lớn lao cho nền nghệ thuật chung. Một dòng chảy đầy năng lượng từ nghệ thuật để nâng đỡ đời sống con người.

Hiệu ứng thành công của các triển lãm được Mây đánh giá qua các yếu tố nào? Mây có hướng đến các cách tiếp cận triển lãm độc đáo hơn? Hay sự gần gũi thân mật là chính yếu?

Đầu tiên, ngay cả từ triển lãm đã nói lên tiêu chí thành công của sự kiện. Đó là Lãm, sự thưởng lãm – có nghĩa là sự kiện phải tiếp cận được nhiều người xem nhất có thể. Khi đủ lượng, cái chất sẽ đầy thêm từng ngày. Tất nhiên, yếu tố để sự kiện thành công viên mãn là tác phẩm của hoạ sĩ phải được đón nhận từ giới sưu tập trong ngắn hạn và dài hạn. Là bàn đạp về tài chính cũng như tinh thần để nghệ sĩ thêm tin vào hành trình của mình để dấn thân dựng nên những tác phẩm ngày càng tốt hơn.

Trong tương lai, Mây muốn ( và sẽ ) triển lãm của mình tiếp cận thêm nhiều hướng khác. Cụ thể là sự kết hợp với các nghệ thuật nghe nhìn khác như múa đương đại hay âm nhạc, với không gian đóng hoặc mở tuỳ theo chủ đề. Mây không nhất thiết phải là một địa điểm hay một hình thái, mà nó sẽ biến hoá sinh động như một áng mây, đến những nơi mà nó có thể giúp ích cho nền nghệ thuật.

Khán giả đến với Mây là ai? Anh có thể chia sẻ thêm về việc ngoài đầu tư, thưởng lãm, thì nghệ thuật có chức năng giáo dục khán giả ở các khía cạnh cụ thể nào?

Khán giả đến với Mây là học sinh sinh viên, nhà sưu tập, người đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, thiết kế và những người có quan tâm đến nghệ thuật. Nó tạo nên sự tương tác, trao đổi giữa những lớp người khá khác biệt này để mở rộng không gian tri thức.

Tôi thường chia sẽ với team Mây rằng nghệ thuật là một con đường. Ngoài giá trị về đầu tư mặt tài chính, thì nó đầu tư cả về mặt tinh thần cho nhiều thế hệ. Sự thưởng thức là không giới hạn trong tác phẩm nghệ thuật, bạn có thể thưởng thức một món ăn thức uống thì dư vị hay khoảnh khắc đó chỉ dành riêng cho bạn vào một thời điểm. Nghệ thuật vượt qua những giới hạn về thời điểm và không gian vật lý đó. Chưa nói đến về mặt chức năng giáo dục khán giả, vấn đề đó là tầm nhìn rất riêng biệt của mỗi tác giả, có rất nhiều tác giả mà tác phẩm không mang tính giáo dục, nó còn có thể mang tính huỷ hoại nếu khán giả chưa đủ kiến thức hay độ chín về cảm xúc.

Tôi quan niệm nghệ thuật là con đường sạch. Thay vì rẻ lối vào một con đường của thị phi, ham muốn rẻ tiền bệnh hoạn để nó nhấn chìm những cảm xúc, những đức tính tốt đẹp của con người. Thì công chúng sẽ được tiếp cận một con đường để suy tư về thẫm mỹ, về cảm xúc tốt đẹp, về sự tồn tại, về một thế giới biết trân trọng sự khác biệt, về sự tự do. Nó là con đường mở ra cánh cửa có chiều kích rộng lớn để dựng nên một con người có phẩm giá và lương tri.

Danh sách nghệ sĩ kết nối với Mây, họ là ai? Cũng thế, với nhà sưu tập thì sao?

Danh sách nghệ sĩ của Mây đa phần là nghệ sĩ khá trẻ. Các nghệ sĩ có tuổi từ 7x trở lại đây hoặc ít nhất, họ là những hoạ sĩ có năng lượng rất tươi trẻ. Họ có thể là các cá nhân còn khá trẻ như Nguyễn Công Hoài, Lê Thừa Hải, Lê Quang Kha, Nguyễn Minh hay các hoạ sĩ có bề dày như Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh, Lương Lưu Biên, Hà Hùng. Họ có thể là nhóm như Nhóm Dó, Nhóm Toan, nhóm Đa Diện.v.v 

Tương lai, Mây kết nối thêm nhiều nghệ sĩ khác để những tác phẩm được giới thiệu sinh động và chất lượng hơn. Với định hướng thị trường của Mây, thì tấc cả các khách hàng trong lĩnh vực thiết kế xây dựng đều là nhà sưu tập tương lai. Cũng như các bạn trẻ có lòng yêu mến nghệ thuật. Đó không hẳn là nhà sưu tập chuyên nghiệp, nhưng họ có tiềm năng dự phóng trở thành một người bạn nghệ thuật, một yếu tố thúc đẩy nền nghệ thuật lớn mạnh hơn. Bởi Mây quan niệm, muốn có nghệ sĩ vĩ đại thì cần có thị trường lớn mạnh, muốn có thị trường lớn mạnh không gì hơn là một thế hệ công chúng văn minh và chất lượng.

KTS Nguyễn Việt Triều (phải), cùng đồng sáng lập Phạm Hồng (giữa).

Tầm nhìn về Mây trong 5 năm của anh và đội ngũ?

Mây tự nhận nhiệm vụ thúc đẩy mặt bằng chung về cảm thụ tác phẩm nghệ thuật cũng như tác động vào thị trường này. Qua đó xây dựng được thế hệ công chúng văn minh và có tiềm năng.  Vì vậy Mây mong muốn trở thành một không gian có uy tín trong khu vực. Mây đang thúc đẩy kết nối với các gallery và hoạ sĩ trong khu vực các nước lân cận để cuộc chơi có thể rộng mở và chất lượng hơn từng ngày.  Chúng tôi hy vọng rằng những bạn trẻ ghé Mây bây giờ có thể là khách hàng, nhà sưu tập của Mây và nghệ sĩ trong 5 năm tới,  hay cộng đồng Mây có thể bay ở một bầu trời khác ngoài Việt Nam.


 
Back to top