Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh: “Bên trong mình vốn trọn đầy, trinh nguyên”

Jun 21, 2023 | By Trang Ps

Một thời gian nhìn ngắm series Tranh Vàng của Trần Vĩnh Thịnh, có lẽ nhiều người và cả chính tôi đều có sẵn một rập khuôn nghĩ suy về sự nhẹ nhàng và bảng lảng nơi phong cách người nghệ sĩ. Nhưng kể từ khi có cơ hội nhìn ngắm quá trình sáng tác series Con đường miền Trung của Thịnh, hết kinh ngạc này đến kinh ngạc khác dấy lên trong tôi.

Đây phải chăng là một con người mới của Thịnh chưa được khám phá? Tất cả mọi cung bậc đối chọi nơi nội tại: nổi loạn – tĩnh lặng, động – yên, sáng – tối,…bộc lộ một cách sinh động và phiêu diêu tựa bản hòa tấu réo rắt, nhưng sau tất cả, như một tác phẩm mà anh đặt tên “Trong màu áo mơ phai”, khi mở hai vạt áo ra, bên trong là một thế giới trinh nguyên.

Bất cứ ai tiếp xúc với Trần Vĩnh Thịnh đều thấy sự điềm đạm và ấm áp nơi anh, một người con xứ Huế sớm bén duyên với bầu không khí tịch tịnh của nhà Phật từ thuở ấu thơ. Chất thiền như ngấm vào những oai nghi, và hẳn nhiên, cả nghiệp hội họa của anh nữa. Thật dễ hiểu khi người nào đến với series Tranh Vàng của anh và rung động trước vẻ đẹp lặng yên, uyển chuyển và đôi phần xa xăm, bất tận của nó.

Nhưng series Con đường miền Trung, mà tôi tạm gọi là series Tranh Đen Trắng của Thịnh, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nói điều đó không có nghĩa rằng Thịnh vẽ loạt tranh mới bằng một nhân cách khác, một con người hoàn toàn khác, mà anh đang lắng nghe những thôi thúc, hay những từ ngữ mạnh mẽ hơn, là sự “quẫy đạp”, “nhào lộn”, “cuộn trào” từ nội tâm, để thấy ra con người thật của mình. Có khi bên trong đầy táo bạo, nổi loạn, có khi lại mềm mại, nhẹ nhàng. Tất cả làm nên một bản hòa tấu của sắc màu đầy thăng hoa lên tấm toan. Nhưng rốt cuộc, những động – tĩnh ấy chỉ là bề mặt. Dường như, người họa sĩ đang mời gọi chúng ta hãy thực hiện cuộc khám phá xuyên qua bề mặt đó để chạm đến phần sâu nhất của tâm hồn, là sự rỗng lặng mà không cung bậc đối kháng nào có thể chạm tới.

Nổi loạn là sự thôi thúc của tâm để tìm về chính mình

Tôi gọi Con đường miền Trung là giai đoạn nổi loạn của Trần Vĩnh Thịnh. Tất nhiên đó không phải là cái nổi loạn của một đứa trẻ ở độ tuổi mới lớn, mà là của một người đàn ông trưởng thành đang rơi vào những khoảng lặng nội tâm để nhìn ra được đa dạng thanh âm réo rắt bên trong mình.

Điều đó có nghĩa rằng, người ta phải tĩnh thì mới nhìn thấy động. Và càng tĩnh, càng thấy rõ động đến – đi như thế nào. Thế nên, sự nổi loạn này rơi vào chính thời điểm Thịnh đang ở độ tĩnh. Chính lúc này, anh mới có thể ngắm nghía những đối kháng nội tâm, để rồi lấy đó làm chất liệu sáng tác.

Khi thuận theo dòng chảy nội tại, ta mới thấy được tính uyển chuyển, tự nhiên, nhưng cũng giàu cung bậc của nó. Những nét cọ của Thịnh múa nhảy trên tấm toan, lúc nhanh thoăn thoắt như cánh chim vút qua khoảng không, lúc chậm rãi nhưng đầy nội lực để rồi ẩn hiện qua những mảng – đường loang lổ bí hiểm và ám ảnh. Nhát cọ đôi khi men theo tính động để tạo nên một thế giới đôi phần lỗn loạn, nhưng ở bất cứ bức tranh nào của Thịnh, đều có những khoảng thở mà khi nhìn vào đó, ta liền thấy sự cân bằng.

Điều này cũng khá tương thích với tên gọi series “Con đường miền Trung”. “Trung” là khoảng giữa, là sự cân bằng. Như nhà Phật vẫn hay gọi là “trung đạo”, tức không bị rơi vào bất cứ cực đoan này. Cũng như khi Thịnh rơi vào tĩnh, anh liền thấy rõ những đối kháng nội tâm lúc yên lúc chuyển. Và “cái thấy” ấy chính là sự cân bằng. Vì khi thấy được, anh không bị dính mắc, dù là tĩnh hay động. Chính sự quan sát này là nhân duyên để anh có thể lột tả được mọi thứ một cách vừa rõ ràng vừa nhịp nhàng, khoan thai. Và cũng nhờ vậy, những bức tranh anh vẽ có ” nội tại” của riêng nó.

Hội họa có lẽ là một duyên nghiệp phù hợp để Trần Vĩnh Thịnh đi sâu hơn vào chính mình. Khi vẽ, người họa sĩ bắt buộc phải nhìn ngắm lại nội tâm, phải lắng nghe tiếng lòng mình. Họ tĩnh bao nhiêu, thì sự thấu hiểu nhiều bấy nhiêu. Cũng giống như thiền, tâm phải định tĩnh trong lành thì mới thấy các pháp đến đi như thật. Và khi đúng thái độ này, thì người họa sĩ có thể sáng tác một cách an lành vì họ không bị bám chấp vào bất cứ cực đoan nào. Bởi thông thường, sự sáng tác khó khăn là do con người mải đắm chìm vào một cực đoan nào đó của nhận thức và hành vi.

Một nội tâm đầy phong phú

Có một người thầy từng bảo học trò mình như thế này: “Không biết thầy có cổ hủ không khi nhận xét rằng trí thức không bằng trong sáng, tài năng không bằng chân tình, tiền của không bằng thanh bạch, lo tính không bằng sẵn lòng… Những điều trước phải vất vả mới tạo được nhưng đôi khi không giải quyết được gì mà còn tai hại nữa. Trái lại những điều sau ai cũng sẵn có, chỉ cần biết khai thác là nó trở nên phong phú ngay.” Tôi lập tức liên tưởng điều này đến sự khai thác nội tâm nơi Trần Vĩnh Thịnh. Cách làm việc của Thịnh là sự sẵn lòng để đổi mới. Để đối mới thì phải lắng tâm nghe mình. Mà muốn vậy thỉ phải vứt quan niệm về tri thức, tài năng và tiền bạc sang một bên.

Và tôi nghĩ không quan trọng chủ đề bạn vẽ là gì, bởi một khi nội tâm phong phú và bạn biết cách khai thác, thì bạn có thể vẽ bất cứ điều gì mà vẫn thấy thong dong, thanh thản. Trần Vĩnh Thịnh là một cá tính như vậy. Vì tự do và nội lực sung mãn mà thể loại trừu tượng lại thật đồng điệu với anh. Với trừu tượng, anh có thể “cất tiếng nói” nội tâm bằng hội họa một cách tung tẩy mà “không cần quá câu nệ về hình”.

Tôi vừa đùa vừa thực với họa sĩ: “Nhìn loạt tranh mới của anh, đôi khi như gợi về sự nhói đau. Nhưng sau đó, lại là cái bật cười đầy thanh thản, vì mọi thứ đều đi qua trong mờ nhạt!” Những dữ kiện tổn thương của đời người như những nét cọ đen lớn, mạnh mẽ và xoáy đậm lên tấm toan, nhưng khi nhìn tổng thể, cùng với những sắc màu chấm phá vàng – xanh khác trong nền trắng, ta lại thấy tất cả làm nên sự phong phú, giàu có, thú vị,… nơi nội tâm ta nói riêng và đời sống này nói chung. Nhưng nói như Trần Vĩnh Thịnh, phải chăng mọi hỷ nộ ái ố trong cuộc đời này chỉ như hai vạt áo, mà khi mở ra, ta liền thấy chân tâm mình vốn luôn trinh nguyên, trọn đầy.


Triển lãm “Từ trong vô tận” của họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh trưng bày 28 bức tranh tại Huyen Art House (tp.HCM) từ ngày 10 đến 19 tháng 6 năm 2022. 


 
Back to top