Dining Library: Vì sao Nikkei lại cuốn hút trong ẩm thực cao cấp?
Cuộc di cư của những người Nhật Bản đến Peru đã hình thành nên trường phái ẩm thực độc đáo Nikkei. Ngoài việc sáng tạo ra một loại hình ẩm thực mới, sự trỗi dậy của Nikkei cũng giúp biến hải sản trở thành món ăn chủ lực tại Peru.
Dấu ấn giao thoa ẩm thực Đông – Tây
Từ New York đến London, Barcelona, thực khách ngày càng ưa chuộng Nikkei – một phong cách ẩm thực được hình thành từ cuối những năm 1800 từ cộng đồng những người Nhật di cư đến Peru.
Bằng việc thay đổi kỹ thuật nấu và nguyên liệu bản xứ để phù hợp với khẩu vị cá nhân, những người Nhật đã thổi làn gió mới tạo nên văn hóa ẩm thực Nikkei. Ví dụ như Onigiri, cơm nắm phổ biến của Nhật Bản được bọc cùng rong biển khô, bên trong là nhân cá hồi được kết hợp cùng causa khoai tây. Hay wasabi thường được dùng cùng sashimi thì thay thế bằng nước sốt cay từ cốt chanh và ớt aji địa phương, tạo ra món tiradito.
Luiz Hara, tác giả cuốn sách Nikkei Cuisine: Japanese Food the South American Way nhận định: “Ẩm thực Nhật Bản khi được giao thoa cùng ẩm thực Nam Mỹ thực sự tỏa sáng”.
Ở Miami, ẩm thực Peru được ưa chuộng nhờ phần lớn người Mỹ gốc Peru định cư, tuy nhiên đối với Nikkei, nhiều đầu bếp nhận định không phải quá nhiều người đều biết.
Trong hơn 10 năm qua, Zarate – người mang ẩm thực Peru tới Mỹ đã mở một số nhà hàng khác nhau ở bờ biển phía Tây. Đến năm 2018, Zarate mang Nikkei tới Las Vegas và giới thiệu tới mọi người từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Còn đối với New York, nhà hàng Nikkei đầu tiên Sen Sakana cũng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt. Tại nhà hàng, sashimi cá hồng đỏ và cá ngừ mắt to được phục vụ theo phong cách tiradito truyền thống với xoài cay và sốt rau mùi jalapeno. Thậm chí, Sen Sakana không còn là nhà hàng Nikkei duy nhất của thành phố New York khi chỉ vài tháng tới, Erik Ramirez sẽ mở nhà hàng Nikkei Llama San. Anh cho biết: “Đây là một cơ hội để mở rộng bản đồ ẩm thực Nikkei tại New York”.
Nikkei đã đến Việt Nam
Thành công tại các quốc gia châu Mỹ, Nikkei đã đến với Việt Nam cùng với sự xuất hiện của nhà hàng TINTO ở khu vực Thảo Điền, Quận Thủ Đức. Nhà hàng thuộc quản lý của Tập đoàn Momentum Living, nơi đứng sau các nhà hàng đầy phong cách khác như The Brix hay Clay. Bếp trưởng Benoit Leloup là một người có sự am hiểu về Nikkei cuisine, đã tiếp tay cho giấc mơ mang văn hóa Nikkei lan tỏa rộng khắp. TINTO là điểm đến thích hợp dành cho nhiều dịp trong tuần. Menu phục vụ các món ăn đa dạng theo phong cách Nikkei như cá hồi nướng thấm đẫm mật ong, miso, ăn kèm với mì soba, măng tây, sốt Aji Amarillo và Hollandaise – tạo nên sự giao thoa ẩm thực hoàn hảo. Kèm theo đó là rất nhiều sự lựa chọn đa dạng về đồ uống từ sake đến boutique wine và cocktails kết hợp phong vị Peru – Nhật Bản.
Màu đỏ chủ đạo trong thiết kế không gian mang lại cảm giác chào đón nồng hậu khi chỉ vừa mới đặt chân vào đây. Không gian bếp mở giúp bạn nhìn được những người “nghệ nhân” đang trình diễn để tạo ra “tác phẩm nghệ thuật”, và những tác phẩm ấy không chỉ làm người xem mãn nhãn mà còn đáp ứng được mọi giác quan của khách hàng thông qua âm thanh và mùi vị được tỏa ra trong quá trình chế biến.
Ngày 28/9, trong không gian ấm cúng đậm chất Nhật Bản của TINTO, bếp trưởng Benoit Leloup đã hợp lực cùng 9 bếp trưởng tài ba và cũng là những thành viên của hiệp hội ẩm thực Escoffier mang đến bữa tiệc bao gồm 10 món nhằm tôn vinh văn hóa hai quốc gia Peru – Nhật Bản. Lúc này, phong cách ẩm thực Nikkei được phô diễn ở mức sáng tạo cao nhất, không thể thiếu hình thức trình bày tối giản mà bắt mắt đúng chất Nhật Bản. Đó là bạch tuộc chiên cùng sốt miso, hay mì lạnh soba ăn kèm Chupe de Camarones (súp tôm Peru). Món sủi cảo Nhật quen thuộc nay sở hữu hình hài mới: teba gyoza cua. Trong đó, “teba” có nghĩa là cánh gà, “gyoza” chỉ món sủi cảo nhồi, “teba gyoza cua” tức món thịt cua nhồi trong cánh gà – tất cả được bọc trong mai cua. Và thậm chí, món tráng miệng cũng là một sự kết hợp thú vị giữa những nguyên liệu đặc trưng của Nhật như matcha, miso… với hương vị đậm chất Peru như mousse cà phê-bơ, kem thanh yên-dừa…
10 món ăn là 10 diễn giải đương đại đầy khéo léo về trường phái ẩm thực Nikkei. Những nguyên liệu trên dĩa tưởng chừng không liên quan gì đến nhau, thậm chí có vẻ bài xích hay triệt tiêu hương vị lẫn nhau, vậy mà lại hòa hợp trong sức sáng tạo và sự đa dạng. Chưa kể, có thể nói tinh thần Nikkei còn được thể hiện qua cách 10 đầu bếp chung tay thực hiện bữa tối này. 10 cá tính khác nhau, 10 hành trình ẩm thực khác nhau, cùng giao thoa tại điểm chạm mang tên đam mê với nghề bếp, đồng lòng mang lại những khoảnh khắc đáng nhớ cho thực khách. 10 bếp trưởng không ở yên trong bếp, mà đi lại trò chuyện với khách hàng, ngồi vào bàn thưởng thức món ăn của đồng nghiệp, kể lại những khoảnh khắc vui vẻ khi cùng nhau làm việc. Nhà hàng TINTO ngày hôm ấy như thiết đãi một buổi đoàn viên của một gia đình đa văn hóa, đa ngôn ngữ – chẳng khác gì đất nước Peru rực rỡ.