DINING LIBRARY

Bí mật sau hương vị khó quên của Nhà Tú

Jun 24, 2024 | By Stephanie Nguyen

Nếu cuộc đời mỗi người là một cuốn sách thì có thể nói, Tú Đặng (Chủ nhà hàng Nhà Tú và Nhà Tú Garden) bây giờ đang viết nên những chương sách đầy cảm hứng, khác biệt hoàn toàn so với cuộc đời cô cách đây 10, 20 năm về trước.

Nụ cười “thương hiệu” Tú Đặng, founder của Nhà Tú và Nhà Tú Garden

Trong một buổi chiều mưa nhẹ, tôi ngồi cạnh Tú tại một trong những nhà hàng yêu thích của cô. Tôi hỏi: “Có bao giờ chị quyết định một điều gì và thấy sai không?” “Chưa bao giờ”, Tú đáp, ánh mắt sáng ngời tự tin.

Câu trả lời ngắn gọn và chắc nịch của cô khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. 

Sau đó, tôi mới hiểu rằng không phải quyết định nào của Tú cũng đúng ngay từ đầu, nhưng cô không chấp nhận để chúng mãi sai. Tú luôn quyết liệt, kiên trì đến cùng để biến những điều mình chọn trở thành đúng, cho dù cuộc đời có thử thách cô đến thế nào. Chính sự kiên định cùng tinh thần lạc quan đã giúp Tú viết nên câu chuyện đầy cảm hứng mà bạn sắp đọc dưới đây.

Gian nan mới tỏ mặt anh hùng

“Cứ để đời đập mình đi, đập tơi tả vào, càng đập, mình càng quyến rũ,” cô trả lời vui vẻ.

Bắt đầu vào ngành F&B mà không có chút kiến thức nào, Tú đã xây dựng nên Nhà Tú từ đôi bàn tay trắng và duy nhất niềm đam mê mà cô có cho những món ăn quê nhà.

Với ít vốn dành dụm, cô bắt tay vào xây dựng nhà hàng. Từ thiết kế tổng thể đến từng viên gạch, từng chiếc bóng đèn được lắp đặt vào đâu đều do một tay Tú quản lý, thậm chí cả những bài viết quảng bá cho nhà hàng giai đoạn đầu tiên đều do Tú… có sao viết vậy. Sáu tháng đầu tiên sau khi nhà hàng ra mắt, Nhà Tú vẫn vắng khách. Cô đã khóc không biết bao lần trong những đêm dài ngủ thiếp đi trên ghế nhà hàng. Đã có hôm cô mời đồng nghiệp cũ đến Nhà Tú chơi, ban đầu là để cùng nhau ăn uống, nhưng cuối cùng lại trở thành một buổi khóc lóc đến nỗi các đồng nghiệp bất ngờ không hiểu vì sao.

Nhưng Tú có thể quên đi nỗi buồn rất nhanh. Cô khóc đó, rồi lại cười đó. Ngay cả khi bị bạn bè chất vấn vì “Ai bảo từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi con đường gian truân này!”, cô vẫn không nản lòng. “Cứ để đời đập mình đi, đập tơi tả vào, càng đập, mình càng quyến rũ,” cô trả lời vui vẻ.

Bên ngoài xởi lởi là thế, nhưng khi bước vào công việc, Tú vô cùng nghiêm túc. Cô yêu món ăn và yêu Nhà Tú. Cô muốn tất cả nhân viên chia sẻ với mình tâm huyết đó. Có lần cô đã nổi giận và dùng tay gạt hết dụng cụ bếp xuống sàn khi thấy nhân viên không chịu giã tay hành tỏi để cho hương vị ngon hơn mà lại băm nhỏ để tiết kiệm thời gian. Sự nghiêm túc còn thể hiện ở cách cô đối đãi với từng vị khách hàng, đặc biệt là những khách Nhật vốn kỹ tính và chu đáo. Chính sự tận tình của cô đã tạo nên tình cảm gắn bó đặc biệt giữa nhóm khách này với Nhà Tú, họ chiếm đến gần 50% lượng khách quen của nhà hàng.

Mối duyên của Nhà Tú với khách Nhật bắt nguồn từ một lần, Tú gặp một cô khách người Nhật đang bối rối trước nồi lẩu hàu. Thấy khách loay hoay, Tú đã đến phục vụ tận tình, không những hướng dẫn cho khách về các loại rau cỏ Việt, Tú còn tận tay làm từng bước – cho nguyên liệu vào lẩu, chờ sôi bằng những câu chuyện kể và múc nước dùng ra mời vị khách thưởng thức. Người khách ấy vô tình là một blogger ẩm thực nổi tiếng của Nhật Bản. Sau trải nghiệm ấn tượng đó, cô đã viết bài mô tả trải nghiệm tại Nhà Tú và gần như ngay lập tức, Nhà Tú đón một lượng đông đảo khách hàng người Nhật. “Người Nhật không bao giờ tin vào truyền thông báo chí hoặc quảng cáo thông thường, nhưng lại rất tin vào những lời đánh giá trực tiếp như thế này”, Tú chia sẻ. 

Dù có nhiều quyết định không thành công như mong đợi, Tú không bao giờ dừng lại ở thất bại. Cô chuyển hướng hoặc tìm cách làm lại để đạt được kết quả tốt hơn. Như Nhà Tú Garden, nhà hàng phong cách Việt thứ hai mà cô vừa hoàn thành ở khu công nghiệp Đồng Nai, một địa điểm đẹp đến mức được lên báo kiến trúc Mỹ, nhưng lượng khách đến ăn lại thưa thớt. Cô không hoảng, không nản, mà bình tĩnh phân tích lý do. Cô phát hiện rằng nhiều người nghĩ đây là viện bảo tàng vì trông quá đẹp nên không ai dám ghé lại ăn. Một số khác chưa được giới thiệu để biết đến nhà hàng. Nhưng tỷ lệ khách quay lại đạt 70-80%, cho thấy chất lượng món ăn của nhà hàng rất tốt. Từ đó, Tú tập trung vào việc truyền thông phù hợp để thu hút khách hàng mới.

Vị quê hương trong từng món ăn

“Chỉ vì ‘chủ nhà’ thích thôi. Khách đến Nhà Tú thì phải theo Tú!”

Những ai từng bước vào Nhà Tú đều sẽ cảm nhận được một điều rất đặc biệt: sự kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và sáng tạo độc đáo trong từng món ăn Việt Nam. Tú, với tâm hồn phóng khoáng và chân chất, đã mang đến cho khách hàng những trải nghiệm ẩm thực khó quên.

Món canh chua cá lóc không hề xa lạ nhưng vẫn luôn mời gọi với những tâm hồn yêu ẩm thực quê hương

Tú luôn gắn bó với ẩm thực Việt Nam, mặc cho có bao nhiêu cơ hội trải nghiệm những nhà hàng sang trọng đông và tây. Tại Nhà Tú, thực khách có thể dễ dàng cảm nhận được sự thân thuộc và gần gũi ngay từ giây phút đầu tiên bước vào. Không gian ấm cúng, không quá cầu kỳ nhưng lại đậm chất Việt, làm cho người ta có thể bỏ hết mọi khoảng cách để cùng nhau thưởng thức bữa ăn được chuẩn bị chu đáo.

Các món ăn tại Nhà Tú đều lấy cảm hứng từ những món ăn dân dã hàng ngày mà Tú phát hiện trong những chuyến đi của cô, nhưng được thêm vào chút sáng tạo và tình yêu thương. Một trong những món ăn được yêu thích nhất là lẩu hàu sữa. Những con hàu tươi ngon được chế biến kỹ lưỡng, ngọt nước, kết hợp cùng các loại rau thơm, gia vị đậm đà, khiến thực khách khó lòng quên được hương vị đặc biệt ấy. Bên cạnh đó, lẩu gà lá é với thịt gà mềm ngọt, lá é thơm lừng trong nước lẩu chua chua ngòn ngọt là một lựa chọn tuyệt vời cho những ngày se lạnh.

Món lẩu hàu đặc trưng Nhà Tú

Món cơm cháy pate hấp dẫn để khai vị

Những món mang tính ăn chơi như cơm cháy pate hay hến xào ăn bánh đa cũng không thể thiếu. Cơm cháy giòn tan, kết hợp cùng pate béo ngậy tạo nên sự đối lập thú vị mà thơm ngon mào đầu cho những câu chuyện bên bàn ăn. Hay món hến xào ăn kèm bánh đa, một món rất quen của người Huế, mang những chú hến mập mạp và chắc thịt, xào cùng gia vị hành tỏi và nước mắm đậm đà, xúc bánh đa giòn rụm thì thật hết sảy! Đặc biệt, những món ăn gia đình như bắp cải luộc chấm nước mắm mặn và trứng luộc, dồi trường xào cải chua, canh bầu nấu tôm tươi, hay canh cua rau đay, đều được chuẩn bị từ những nguyên liệu tươi ngon, chọn lọc kỹ lưỡng từ các nguồn hàng Việt Nam. Tú tâm niệm muốn giúp những người nông dân Việt Nam, vậy nên, cô luôn cố gắng tìm những nguồn hàng chất lượng nhất, được chăm sóc bằng những quy trình cẩn thận và trung thực. Ngoài nguyên liệu Việt, Tú chỉ nhập khẩu những sản phẩm cần thiết như vẹm xanh từ nước ngoài để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Những chú vẹm tươi ngon, không bị lẫn bùn hay cát, được cô chế biến bằng những nguyên liệu rất Việt Nam như lá quế, tiêu, ớt và nước mắm, tạo nên một món ăn độc đáo mà vẫn giữ được nét truyền thống.

Điều đặc biệt khi đến Nhà Tú là tủ rượu đặt ngay quầy tiếp tân. Tú, một người đam mê rượu vang, thích kết hợp rượu với các món ăn để tăng thêm hương vị. Dù món ăn Việt Nam truyền thống không thường kết hợp với rượu, nhưng tại Nhà Tú, khách hàng sẽ thấy thú vị khi thử điều này. Tú cười vui: “Không có lý do gì cả! “Chỉ vì ‘chủ nhà’ thích thôi. Khách đến Nhà Tú thì phải theo Tú!” Câu trả lời chân tình và tự nhiên, không ép buộc nhưng lại khiến khách muốn thử ngay một ly vang để cảm nhận sự khác biệt. Đặc biệt, khách Nhật lại rất thích gọi bia khi đến Nhà Tú, và Tú luôn sẵn sàng phục vụ, miễn là mọi người vui!

Một điểm độc đáo nữa tại Nhà Tú là cách nhân viên đối đãi với khách. Tú đặc biệt dặn dò nhân viên phải nhớ và gọi đúng tên khách ngay sau lần đầu tiên. Cô muốn tạo cảm giác Nhà Tú như ngôi nhà thứ hai dành cho mọi người, nơi ai cũng được đón tiếp nồng hậu và chăm sóc tận tình. Sự thân thiện và chuyên nghiệp này đã khiến nhiều người trở thành khách quen, luôn mong muốn quay lại để trải nghiệm ẩm thực và không gian ấm cúng của Nhà Tú.

Từ mâm cơm chưa trọn đến bữa ăn của tình yêu

“Chỉ cần mọi người yêu quý Nhà Tú như cách tôi yêu thương, vun vén cho nó mỗi ngày, như thế là quá đủ”.

Khi nghĩ đến Tú, nhiều người sẽ tưởng rằng một người phụ nữ yêu nấu ăn, lúc nào cũng tươi cười và chăm sóc người khác như cô hẳn phải xuất thân từ một gia đình hạnh phúc, nơi những bữa cơm gia đình ấm áp là điều không thể thiếu. Nhưng sự thật lại khác xa với hình dung. Tú lớn lên trong một gia đình không êm ấm. Mẹ cô là người buôn bán bận rộn, cha cô thì nghiện ngập. Những bữa cơm gia đình đối với Tú là giấc mơ xa xỉ không hề tồn tại trong tuổi thơ của cô. Tú cùng anh trai thường phải tự lo bữa ăn cho mình. Hai đứa trẻ ngồi trước ngôi nhà có mặt tiền hướng ra đường lớn, mỗi đứa một tô cơm, cố gắng lấp đầy cái bụng đói. Chính những kỷ niệm thiếu vắng sự ấm áp của gia đình đã thôi thúc Tú tạo nên Nhà Tú – một nơi cô có thể mang lại cho mình và những người khác cảm giác về những bữa ăn gia đình thực thụ.

Mỗi ngày, Tú đều truyền lửa cho từng nhân viên của mình để cùng họ tạo nên những bữa ăn ngọt ngào hương vị quê nhà cho từng vị khách

Bữa cơm giản dị với những món ăn truyền thống nhưng lại gợi hương vị quê nhà khó cưỡng

Khi xây dựng Nhà Tú, cô dành trọn tình yêu và tâm huyết vào từng chi tiết nhỏ nhất. Cô tự tay lựa từng chiếc chén, đôi đũa, từng cách sắp đặt bàn ăn sao cho người đến là chỉ muốn sà vào. Cô cũng yêu thích cắm hoa và cho đến giờ vẫn giữ thói quen hàng ngày đi mua hoa về cắm thành hàng chục bình khắp nhà hàng. Từ một nhân viên sale của hãng hàng không quốc tế lúc nào cũng trang phục lịch thiệp, thắt nơ xinh đẹp và nước hoa thơm ngát, Tú đã trở thành một người bán cơm đầu đội khăn, kính phủ kín mặt, tay chân khệ nệ hết túi này đến giỏ kia chỉ để sắm sửa từng chút cho nhà hàng. Những ngày đầu vất vả cách đây bảy năm ấy đã giúp cô biến Nhà Tú thành một nơi đặc biệt, một “ngôi nhà” đúng nghĩa dành cho mọi vị khách.

Khó khăn là điều không thể tránh khỏi trên con đường khởi nghiệp. Tú không có kinh nghiệm xây dựng nhà hàng, cũng không có kiến thức thị trường. Cô chỉ có một điều duy nhất: niềm đam mê với ẩm thực Việt Nam và mong muốn tạo ra một nơi để mọi người có thể ghé lại và thưởng thức những món ăn ngon. Giai đoạn đầu khó khăn đủ đường, nhưng đó cũng chính là lúc mà Tú nhận được sự giúp đỡ kỳ diệu từ rất nhiều bạn bè và các mối quan hệ tình cờ khác. Nhiều người bạn sẵn sàng cho Tú vay năm, mười triệu để cô có thể thực hiện ước mơ của mình. Có người giới thiệu cho cô khu đất hợp lý và sẵn sàng thế chấp tài sản để bảo lãnh ngân hàng cho cô. Tú xúc động nhớ lại: “Tài sản quý nhất mà tôi có trong cuộc sống này chính là bạn bè”.

Ngay cả khi mở nhà hàng thứ hai, Nhà Tú Garden, với rất nhiều công sức đầu tư nhưng chưa được nhiều khách biết đến, Tú cũng nhận được sự hỗ trợ từ… tổng giám đốc một công ty sản xuất của Nhật. Điều này cho thấy sự yêu mến và trân trọng mà mọi người dành cho cô. Khách hàng ghé thăm Nhà Tú không chỉ vì món ăn ngon mà còn vì muốn gặp “chị Tú”, người mà họ đã coi như người thân trong gia đình.

Những nhành hoa tươi được Tú tự tay mua về và chăm sóc mỗi ngày. Chẳng trách, khách đến Nhà Tú lúc nào cũng tươi vui như về lại nhà.

Bài học lớn nhất mà Tú rút ra từ hành trình của mình là về lòng đam mê. Cô từng nói với một người bạn: “Anh tính nhiều quá, thấy rủi ro không, là anh sẽ không bao giờ bắt đầu đâu.” Tú đã bắt đầu hành trình của mình một cách liều lĩnh nhưng đầy đam mê và kiên định.

Khi Nhà Tú xuất hiện trong danh sách gợi ý của Michelin Guide, lượng khách mới đổ về rất đông. Những ngày đầu, bên cạnh “thất thủ” với nhiều khách mới, còn là những lời khen chê và tranh cãi không thể tránh khỏi. Nhưng Tú chưa kịp trả lời thì đã có người lên tiếng bênh vực cô và nhà hàng với niềm tự hào. Đó là khách hàng cũ, họ tự hào chia sẻ về quán ăn mà mình yêu thích nhất. Đó là những người bạn khi cô còn chưa kịp biết tin gì, đã tới tấp gửi về nào hoa, quà và những lời chúc mừng. Giữa bão truyền thông, Tú là người yên lặng nhất. Tú bình tĩnh vì xung quanh đã có rất nhiều người “chiến đấu” thay cho cô. Điều đó, không khác gì sự gắn bó của gia đình.

Cuối buổi nói chuyện, tôi có một thắc mắc dành cho Tú. Vốn là người hay chăm sóc cho người khác, ngược lại, cô sẽ muốn được người khác chăm sóc ra sao? Điều gì sẽ làm cô cảm thấy hạnh phúc nhất khi được nhận? Tú trả lời: “Chỉ cần mọi người yêu quý Nhà Tú như cách tôi yêu thương, vun vén cho nó mỗi ngày, như thế là quá đủ”.

Tôi nghĩ, Tú đã có điều ấy rồi. 

Ảnh: Nhà hàng Nhà Tú và NVCC


 
Back to top