DINING LIBRARY

Những quy tắc ngầm khi đi ăn tại nhà hàng Michelin

Jun 04, 2025 | By Stephanie Nguyen

Ẩm thực trong một số khoảnh khắc nhất định dường như đã vượt khỏi ranh giới của cái ăn để trở thành trải nghiệm. Tại nhiều nhà hàng Michelin, nơi từng món ăn được phục vụ là kết quả của hàng trăm giờ thử nghiệm, sáng tạo, đổ nhiều chất xám và từng cử động của nhân viên phục vụ đều được tính toán để đạt tới độ tinh tế gần như hoàn hảo thì món ăn ấy không đơn thuần là để no bụng. Nó được “mặc định” như một nghi lễ (rituals). Và như mọi nghi lễ quan trọng khác, có những quy tắc ngầm cần được tôn trọng để giữ cho cuộc chơi ẩm thực này nhiều cảm xúc hơn.

Từ cách bước vào nhà hàng, cởi áo khoác, đến việc chọn chủ đề trò chuyện hay xử lý một món ăn không hợp khẩu vị, trải nghiệm tại một nhà hàng Michelin là sự hòa quyện giữa nghệ thuật thưởng thức và nghệ thuật cư xử. Bài viết này của LUXUO không nhằm “dạy” bạn cách ăn sang, mà là lời mời cùng bước vào thế giới nơi mọi chi tiết từ ánh sáng đến tiếng dao thìa lách cách đều góp phần tạo nên một bản giao hưởng vị giác tinh tế.

Hãy cùng theo dõi 8 quy tắc ứng xử khi ăn tại các nhà hàng Michelin trên thế giới trong bài viết dưới đây.

1. Đặt bàn trước luôn cần thiết

Tại các nhà hàng Michelin, đặc biệt là những nơi được gắn từ 2 hoặc 3 sao, việc đặt bàn không đơn thuần là thủ tục, mà gần như là phần mở đầu của một cuộc gặp gỡ giữa thực khách và triết lý ẩm thực của đầu bếp. Đặt bàn trước vài tuần, thậm chí vài tháng, không chỉ để chắc chắn có chỗ ngồi mà còn thể hiện sự tôn trọng dành cho nhà hàng. Mỗi thực khách ghé thăm là mỗi lúc nhà hàng cần lên kế hoạch nguyên liệu, nhân sự và không gian phù hợp.

Nhiều nhà hàng yêu cầu xác nhận lại qua email, tin nhắn hoặc hệ thống trực tuyến, bạn cố gắng đừng bỏ qua bước này. Hủy bàn sát giờ mà không báo trước, hoặc đến trễ quá 15 phút, là điều gần như “tối kỵ” trong thế giới của những bữa ăn fine dining. Tại nhà hàng có gắn sao Michelin nói riêng và các nhà hàng nói chung, thời gian không chỉ là tiền bạc, mà còn là sự trân trọng đối với công sức của một ê-kíp vận hành đầy nhẫn nại và không biết mệt mỏi.

2. Trang phục – “dress the part”

Khi thưởng thức một buổi diễn tại nhà hát, bạn ăn mặc trang trọng. Khi dự một đám cưới, bạn chọn đồ phù hợp, thậm chí có phần nổi bật. Nhà hàng Michelin cũng vậy, đó là sân khấu nơi bạn hoàn toàn có thể “lên đồ” thật long lanh đẹp đẽ để tạo nên trải nghiệm. Nhiều nhà hàng có sao Michelin trên thế giới đều yêu cầu “đầu vào” thật trang trọng, tránh quần jeans và dép không quai loẹt xoẹt. Dù không phải tất cả các nhà hàng đều yêu cầu “strict dress code”, nhưng một tinh thần tối thiểu là lịch sự, gọn gàng và phù hợp.

Nam giới nên chọn áo sơ mi, quần âu, có thể mặc cùng áo blazer và áo vest lịch lãm. Nữ giới có thể chọn váy xòe, đầm midi hoặc trang phục có phần sang trọng hơn bình thường. Tránh dép lê, quần short, áo ba lỗ vì dù thức ăn có thể “thoáng” theo kiểu hiện đại, không gian vẫn yêu cầu một mức độ nghiêm túc. Bạn không cần phải xa hoa, nhưng nhất định không nên xuề xòa.

3. Hãy lắng nghe món ăn

Tại các nhà hàng Michelin, mỗi món ăn đều có một câu chuyện riêng về mùa màng, về nguồn gốc nguyên liệu, về kỹ thuật chế biến, hay đơn giản là cảm hứng cá nhân của đầu bếp. Người phục vụ thường là sommelier (chuyên gia tư vấn rượu); maître d’ (giám sát viên) hoặc chef de rang (phụ trách khu vực) sẽ giới thiệu món ăn với tốc độ, ngữ điệu và sự chú tâm rõ rệt. Hãy lắng nghe. Đừng mải mê chụp ảnh hay trò chuyện khi họ đang nói, vì đó là lúc bạn được trao chìa khóa để hiểu sâu hơn về món ăn trước mặt.

Thực khách không cần quá căng thẳng về cách dùng dao, nĩa hay thìa, dù theo lý thuyết, chúng có quy tắc dùng riêng. Với bữa ăn trước mặt, miễn là bạn ăn với sự nhẹ nhàng, không gây tiếng động lớn, không vội vã, không chen lấn vào không gian riêng tư của người xung quanh. Và nếu có một món ăn khiến bạn không quen, chẳng hạn như gan ngỗng, sashimi một loài cá lạ hay nước sốt lên men… hãy thử một cách chân thành. Không bắt buộc phải thử và quen thuộc ngay, nhưng đừng từ chối món ăn quá sớm. Thông thường, nhà hàng chuyên nghiệp sẽ luôn hỏi bạn về các loại thực phẩm bạn dị ứng hoặc không thích ăn để tránh những tình huống kể trên.

4. Trò chuyện tại bàn sao cho tinh tế

Một bữa tối Michelin không chỉ là đối thoại giữa bạn và món ăn, mà còn là giữa bạn và người đồng hành. Nhưng sự tinh tế nằm ở chỗ ta biết nói gì, và khi nào nên im lặng. Những chủ đề nên tránh bao gồm chuyện tiền bạc, công việc quá nặng nề, hay những tranh luận chính trị… vốn dễ phá hỏng không khí thư giãn.

Âm lượng cũng là yếu tố quan trọng. Bạn không cần thì thầm, nhưng hãy nhớ không gian yên tĩnh là một phần của trải nghiệm. Tránh để điện thoại đổ chuông, và nếu bắt buộc phải trả lời tin nhắn, hãy xin phép và xử lý nhanh chóng. Khi một món ăn được đưa lên, hãy dành ít nhất vài phút để “toàn tâm toàn ý” với nó trước khi tiếp tục trò chuyện. Có lẽ đây là một trong những không gian hiếm hoi trong đời sống hiện đại mà bạn được mời gọi trở lại với chính hiện tại, trọn vẹn và đầy cảm xúc.

5. Thưởng thức rượu – nhịp điệu của bữa ăn

Ở nhiều nhà hàng Michelin, wine pairing (rượu đi kèm món ăn) là một phần không thể thiếu. Đừng lo nếu bạn không biết gì về rượu và hãy chia sẻ điều đó với sommelier. Họ không mong bạn trở thành chuyên gia, mà chỉ cần bạn cởi mở và tôn trọng quy trình họ gợi ý.

Khi thử rượu, bạn không cần phải xoay ly ba vòng hay ngửi như dân sành điệu vẫn thường hướng dẫn nhau trên internet. Chỉ cần nhấp một ngụm nhỏ, cảm nhận mùi vị và gật đầu nếu thấy ổn. Nếu không thích, bạn có thể nhẹ nhàng yêu cầu lựa chọn khác. Điều quan trọng là không nên “giả vờ”. Thế giới ẩm thực không cần thêm những màn trình diễn rỗng. Đôi khi sự lịch thiệp, tôn trọng và đặc biệt là chân thành đã quá đủ đầy với bất cứ nhà hàng nào.

6. Chụp ảnh món ăn – bao nhiêu là đủ?

Việc chụp ảnh món ăn tại nhà hàng Michelin là điều hoàn toàn bình thường, thậm chí được khuyến khích ở mức độ nhất định vì đó là cách khách hàng lưu giữ kỷ niệm. Tuy nhiên, chúng ta nên chụp nhanh, gọn và tránh sử dụng đèn flash để hạn chế ảnh hưởng tới các thực khách xung quanh. Một vài tấm ảnh đẹp là cách bạn trân trọng trải nghiệm quý giá này. Còn nếu quá mải mê căn chỉnh góc chụp, yêu cầu bạn đi cùng không được đụng đũa cho đến khi bạn hoàn tất “shoot hình” thì lúc đó, bữa tối đã trở thành sàn diễn cá nhân hơn là một bữa ăn chung. Thậm chí, đồ ăn có thể nguội và giảm độ ngon hơn bình thường.

Một điều thú vị là tại nhiều nhà hàng có gắn sao Michelin trên thế giới, nhiều bếp trưởng tha thiết đề nghị thực khách không chụp hình để tránh ảnh hưởng tới trải nghiệm chung. Nhà hàng La Grenouillère của Alexandre Gauthier hay nhà hàng L’Auberge du Vieux Puits của Gilles Goujo đều là những nơi không mong muốn khách hàng mải mê chụp ảnh mà quên mất món ăn trước mặt.

7. Khi bạn không thích món ăn, phải làm sao?

Tại các nhà hàng Michelin nơi đầu bếp thỏa sức sáng tạo và các món ăn đều mang hơi thở của ẩm thực đương đại với sự phá cách xen lẫn những kỹ thuật nấu nướng vô cùng độc đáo. Chính vì thế, nhiều món ăn dường như quá mới mẻ với thực khách. Điều này đôi khi khiến nhiều thực khách lúng túng và không phải ai cũng dễ dàng thưởng thức bất kỳ món ăn nào. Không ai bắt bạn phải yêu thích và ăn hết tất cả các món trong thực đơn đang được phục vụ. Nhưng nếu một món nào đó không hợp khẩu vị, hãy thử một cách tôn trọng, hoặc để lại phần chưa dùng mà không bình luận nặng nề.

Các đầu bếp Michelin rất để tâm tới phản hồi, bạn có thể chia sẻ sau bữa ăn một cách nhẹ nhàng: “Món này có vị rất đặc biệt, nhưng có lẽ không phù hợp với khẩu vị cá nhân của tôi.” Lịch sự nhưng trung thực. Đó là cách bạn trở thành một thực khách có ý thức, thay vì chỉ là người tiêu dùng đơn thuần.

8. Tiền tip có chăng là văn hóa hay nghĩa vụ?

Tại Việt Nam, văn hóa tiền tip (tiền tặng nhân viên sau khi sử dụng dịch vụ) chưa phải là bắt buộc như các quốc gia khác, nhưng trong các nhà hàng cao cấp, đặc biệt là các nhà hàng Michelin hoặc hướng tới chuẩn quốc tế, việc tip thường được ngầm hiểu như một phần của trải nghiệm. Mức tip dao động từ 5-10% tổng hóa đơn, tùy vào chất lượng phục vụ và ấn tượng cá nhân. Tuy nhiên, mức tip này mang tính tham khảo.

Nếu bạn không hài lòng, bạn có quyền không tip nhưng đừng quên để lại lời góp ý mang tính xây dựng cho nhà hàng. Ngược lại, nếu bạn có một bữa ăn đáng nhớ, đừng ngại bày tỏ điều đó qua lời cảm ơn hoặc một khoản tiền tip tương xứng. Nó không chỉ là phần thưởng cho người phục vụ, mà còn là sự khích lệ cho cả đội ngũ phía sau căn bếp đầy áp lực.

Việc thưởng thức tại nhà hàng Michelin không phải để chứng minh đẳng cấp cao hay thấp, càng không phải để “check-in” cho bằng bạn bè. Đó là một cuộc gặp giữa bạn và một phần tinh túy của ẩm thực đương đại, giữa bạn và chính cảm xúc nguyên bản của mình khi tiếp xúc với điều đẹp đẽ. Sự hiện diện trọn vẹn, tinh thần cởi mở, và tâm hồn thoải mái, đó là tất cả những gì bạn cần mang theo khi bước vào thế giới ẩm thực của những nhà hàng đạt sao Michelin danh giá.

Vì rốt cuộc, “etiquette” không phải là khuôn mẫu khắt khe, mà là chiếc cầu nối giữa con người và trải nghiệm. Và khi bạn bước ra khỏi cánh cửa nhà hàng, mang theo dư vị của món ăn cùng nụ cười của người phục vụ, bạn sẽ hiểu rằng mình không chỉ vừa ăn một bữa tối mà còn vừa sống trong một trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ.

Bài: Hà Chuu


 
Back to top