ART & CULTURE

Bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu” của Lương Xuân Nhị: Nhầm lẫn hay đánh tráo?

May 13, 2022 | By Kevin Vương

Tại phiên đấu giá Họa sĩ Châu Á – Tác phẩm quan trọng ngày 29.11.2021, nhà Aguttes đã bán thành công bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu” được cho là của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị với giá 539,520 EUR (đã bao gồm phí giao dịch). Trước đó các chuyên gia Việt Nam trao đổi với bà Charlotte Aguttes-Reynier, đại diện của nhà Aguttes, về việc có thể đây là sự nhầm lẫn tên tác giả, nhưng nghi vấn này đã bị bỏ qua. Sau 6 tháng tìm kiếm, nhà nghiên cứu Kevin Vương đã tìm ra manh mối về người sáng tác bức tranh, là một nữ họa sĩ. Đây là lần thứ 2 liên tiếp nhà Aguttes mắc phải lỗi nghiêm trọng này.   

Trích đoạn bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu” trên trang bìa Catalogue dành cho phiên đấu giá nhà Aguttes ngày 29.11.2021. Nguồn: aguttes.com

 

Tại phiên đấu giá Họa sĩ Châu Á – Tác phẩm quan trọng của nhà Aguttes ngày 29.11.2021, bức tranh sơn dầu “Cô gái bên chim bồ câu” được cho là của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị đã được chọn in lên trang bìa catalogue, khẳng định tầm quan trọng và độc đáo của bức tranh này. Bức tranh được gõ búa 539,520 EUR đã bao gồm phí giao dịch. 

Tháng 11.2021, trước phiên đấu giá, trong thư trao đổi với đại diện nhà Aguttes là bà Charlotte Aguttes-Reynier, tôi nhấn mạnh rằng nhà đấu giá đã vội vàng khi khẳng định đây là bức tranh của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị với những lý do: bức tranh không có chữ ký của họa sĩ và thủ pháp sử dụng trong bức tranh này không giống với những gì mà Lương Xuân Nhị đã từng thực hiện. Tuy nhiên, bà Charlotte với nhiều năm kinh nghiệm tổ chức đấu giá tranh họa sĩ Đông Dương, một lần nữa vẫn chắc chắn rằng đây là một tác phẩm của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị. 

Bức tranh Cô gái bên chim bồ câu được cho là của họa sĩ Lương Xuân Nhị được giới thiệu trong Catalogue dành cho phiên đấu giá nhà Aguttes ngày 29.11.2021, Nguồn: aguttes.com

Trích thư của bà Charlotte: 

november 17, 2021

„[…]It comes from a Vietnamese family who had an important position in Hanoi and who, in France, rubbed shoulders with Le Pho, Vu Cao Dam among others…

This painting is perhaps, according to the family legend, the portrait of the seller’s mother who married at 15-16 years old in 1938. It has always remained in their home and there are many witnesses.

It is true that the signature is not usual and it is not common for Luong Xuan Nhi. Nevertheless, it is a work of youth, and therefore this is possible. With some painters, it is more frequent, for example Pham Hau also has signatures that are often different.

The painting technique is very recognizable from Luong Xuan Nhi’s work. I have sold several works by this artist in the past, including some very beautiful oil paintings, and I can see the technique of this painter, the way he uses the brush… the precision of his gesture, the work on the background…

I also examined the painting with my restorer and also the cracks, the back, the wear, the frame… all this is without any doubt possible from the period 1935-1940.[…]

Charlotte 

Chuyển ngữ sang tiếng Việt bởi Kevin Vương:

Ngày 17.11.2021

Bức tranh có nguồn gốc từ một gia đình Việt Nam có địa vị quan trọng ở Hà Nội và khi tới Pháp họ cũng qua lại rất thân thiết cùng Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và những người khác.

Có lẽ bức tranh này, theo lời kể của gia đình, là chân dung của mẹ người bán bức tranh, bà lấy chồng năm 15-16 tuổi vào năm 1938. Bức tranh này vẫn luôn ở trong nhà của họ và có rất nhiều người chứng kiến.

Đúng là chữ ký không bình thường và cũng không phải chữ kí thường thấy của Lương Xuân Nhị. Tuy nhiên, nó là một tác phẩm thực hiện khi ông của trẻ, và do đó điều này có thể xảy ra. Với một số họa sĩ thì thường xuyên hơn, chẳng hạn Phạm Hậu cũng có những chữ ký khác nhau.

Kỹ thuật vẽ rất dễ nhận biết từ tác phẩm của Lương Xuân Nhị. Tôi đã bán một số tác phẩm của nghệ sĩ này trong quá khứ, trong đó có một số bức tranh sơn dầu rất đẹp, và tôi có thể thấy kỹ thuật của họa sĩ ở đây, cách ông ấy sử dụng cọ vẽ … độ chính xác trong cử chỉ của ông ấy, màu nền bức tranh…

Tôi cũng đã kiểm tra bức tranh với chuyên gia phục chế của mình và các vết nứt, mặt sau, độ mòn, khung … tất cả đều khẳng định bức tranh được hoàn thành trong giai đoạn 1935-1940.)”

Ký tên,

Charlotte 

Bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu” được nhà Aguttes cho là của họa sĩ Lương Xuân Nhị

 

Cũng vào thời điểm đó, trên facebook diễn ra một cuộc trao đổi về bức tranh này của các họa sĩ và chuyên gia có uy tín của Việt Nam như nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, họa sĩ Trần Lương, nhà giáo Lê Huy Tiếp. Các ý kiến thảo luận đều đưa ra nhận định rằng những gì thể hiện trong bức tranh “Cô gái bên chim bồ câukhông phải là thủ pháp quen thuộc của họa sĩ Lương Xuân Nhị. 

Nhà giáo Lê Huy Tiếp là người đã từng xem tranh và trò chuyện nhiều với cố họa sĩ Lương Xuân Nhị khẳng định bức tranh của nhà Aguttes “không có một chút thần thái nào của cụ trong nét bút, màu sắc và độ xốp của sơn.” 

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa từ Canada chuyển lời của con trai cả họa sĩ Lương Xuân Nhị, là ông Lương Xuân Trình về bức tranh này: “Không có bức tranh nào như thế này trong bản thống kê di sản mỹ thuật của cụ Nhị mà chúng tôi đã làm xong từ lâu. Việc không có chữ ký trên bức tranh là hết sức vô lý, bởi tất cả các tranh của cụ đã được công bố ra ngoài như bán hoặc triển lãm thì đều đã ký. Nhất là, nếu cụ đã bỏ công viết hai hàng chữ nho mà quên ký là điều hết sức phi lý. ”  

Đã tới Paris xem tận mắt tác phẩm “Cô gái bên chim bồ câu, tôi quyết tâm tìm ra tác giả đích thực của bức tranh này. Sau nhiều tháng tìm kiếm và tới ngày hôm nay, khi viết bài viết này, tôi đã tìm ra những manh mối khẳng định chắc chắn những nghi vấn trước đây về sự nhầm lẫn tác giả nghiêm trọng của nhà Aguttes đối với tác phẩm này. 

Chi tiết đầu tiên được coi là quan trọng để lần ra manh mối nằm ở phần lạc khoản của bức tranh.

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Châu Hải Đường đã đọc ra như sau: 

“Vọng mỹ nhân hề, thịnh vượng tảo tri thiên hữu Á;

Tướng bỉ điểu hĩ, hòa bình hỉ dật hải chi Đông.

Dung Đoan tác”

Đây là hai câu đối, Vọng mỹ nhân hề lấy ý từ Xích Bích Phú, còn Tướng bỉ điểu hĩ là trích từ Kinh Thi. Đại ý hai câu đối này chúc mừng tình hình hòa bình đang sắp có ở Đông Á, cụ thể là Đông Dương. Câu đối có điển tích, dẫn thơ hợp tranh, đối Á – Đông khéo léo, nội dung phù hợp hoàn cảnh lịch sử, thực là thi trung hữu họa, hẳn đây là một người rất hay chữ.

Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng, dấu mốc ra đời của bức tranh vào năm 1938, theo thông tin ghi trên catalogue của nhà Aguttes, không thể khớp với bài thơ chữ Hán về “con chim câu hòa bình ở biển Đông”:  “Phải lưu ý về biểu tượng chim câu hòa bình“, nó chưa bao giờ trở thành biểu tượng chung về hoà bình cho cả thế giới trước năm 1949 khi Hội Đồng Hoà bình Thế giới chọn bức  “Paloma“ của Picasso để in poster (mặc dù hình ảnh chim câu là biểu tượng trong tranh tượng Kitô giáo từ xưa)“, nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng chia sẻ.

Tiếp theo tôi để ý rằng, hai câu thơ được sáng tác bởi một người tên là Dung Đoan, một cái tên phần nhiều nữ tính. Lần theo tên này, tôi đã phát hiện ra một số bức ảnh được chụp vào năm 1952 mang đến một thông tin quan trọng. Đó là những bức ảnh chụp Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là ông Trần Văn Hữu cùng Tân chính phủ trong chuyến công du miền Bắc đã chính tay cắt băng khánh thành cho triển lãm tranh của nữ họa sĩ Dung Đoan, tổ chức tại Nha thông tin Bắc Việt. Trong đó có một bức ảnh chụp cận cảnh bà Dung Đoan đang giới thiệu với Thủ tướng về các bức tranh của mình. 

Ảnh: Bà Dung Đoan đang giới thiệu với Thủ tướng Trần Văn Hữu về các bức tranh. Nguồn: imagesdefense.gouv.fr

Cũng trong bức ảnh này, tôi quan sát thấy một trong hai bức tranh treo trên tường, phía sau đoàn tùy tùng của Thủ tướng, có một bức vẽ cậu bé ôm đèn con cá. 

Tình cờ, một lần tôi được một người bạn cho xem một tập ảnh chụp năm 1953. Trong tập ảnh này, có ba chi tiết đáng chú ý. Thứ nhất, mặt sau của những bức ảnh đều ghi thông tin về nguồn gốc của chúng: “Triển-lãm Saigon, tháng 6, 1953, Nữ họa sĩ Phạm-Dung-Doan”  Thứ 2, trong tập ảnh này có ảnh chụp bức tranh cậu bé ôm đèn con cá, đã từng xuất hiện trong bức ảnh chụp triển lãm tranh năm 1952 của bà Dung Đoan nói trên. Chi tiết thứ 3 đặc biệt quan trọng, đó là trong tập ảnh này, xuất hiện ảnh chụp một bức tranh vẽ một cô gái đang cầm hoa có khuôn mặt giống với nhân vật được miêu tả trong tranh “Cô gái bên chim bồ câu”. Tức là, hai bức tranh này được vẽ từ cùng một người mẫu.

Ảnh phải: Bức tranh cậu bé ôm đèn cá. Ảnh trái: Mặt sau của những bức ảnh tư liệu chụp triển lãm tranh của bà Dung Đoan năm 1953 tại Sài Gòn. (Tư liệu Nhà sưu tập Tâm Silicat)

 

Ảnh trái: Tác phẩm “Cô gái bên chim bồ câu” (Nguồn: aguttes.com). Ảnh phải: Cô gái trong một bức tranh tại triển lãm của bà Dung Đoan tại Sài Gòn năm 1953. (Nguồn: Tư liệu Nhà sưu tập Tâm Silicat). Cả hai bức tranh này đều vẽ từ cùng một người mẫu.

Như vậy, thời điểm sáng tác của bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu” có thể diễn ra trước hoặc sau năm 1953, tức đầu thập niên 1950, chứ không phải vào năm 1938 như thông tin của nhà đấu giá Aguttes. Đó cũng trùng vào thời điểm phù hợp với thông điệp mong mỏi hòa bình cho Đông Dương như trong bài thơ lạc khoản ghi trong bức tranh. Quan trọng hơn cả, dựa vào bức ảnh chụp bức tranh cô gái cầm hoa, ta có bằng chứng để khẳng định người họa sĩ vẽ bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu” chính là bà Dung Đoan, một nữ họa sĩ, chứ không phải là họa sĩ Lương Xuân Nhị. 

Việc nhà đấu giá Aguttes gán ghép bức tranh Cô gái bên chim bồ câu cho cố họa sĩ Lương Xuân Nhị là một lỗi sai nghiêm trọng. Trong hai phiên đấu giá liên tiếp tháng 11.2021 và tháng 04.2022, nhà đấu giá Aguttes đã đưa hai bức tranh siêu sao, ước tính giá trị cao lên bìa nhưng đều sai tên tác giả. Việc sai tác giả của bức tranh “Cô gái chải đầu” của họa sĩ Trần Tấn Lộc đã được tôi phát hiện trước phiên đấu giá. Nghiên cứu của tôi đã bị nhà đấu giá Aguttes sử dụng để sửa lại catalogue nhưng không tôn trọng bản quyền, không xin phép, nhưng ít nhiều thông tin sai lệch đã được đính chính tới công chúng trước khi việc mua bán diễn ra. Trong trường hợp với bức tranh ”Cô gái bên chim bồ câu” tôi cũng đã có những trao đổi trước khi bức tranh được gõ búa, nhưng chưa tìm ra bằng chứng chính xác nên phiên đấu vẫn diễn ra bình thường. 

Bức tranh Cô gái chải đầu của họa sĩ Trần Tấn Lộc từng được Aguttes cho là của họa sĩ Trần Bình Lộc trên trang bìa Catalogue dành cho phiên đấu giá ngày 14.03.2022

 

Vào thời điểm đó, bà Charlotte còn khẳng định chắc chắn  việc cẩn trọng của bà, về sự thấu hiểu về luật pháp của Pháp khi sẽ phải chịu những trách nhiệm về tài chính và pháp lý nếu xảy ra sai sót, bán những bức tranh sai tác giả cho các nhà sưu tập.

Trích thư bà Charlotte:

november 18, 2021 

“[…]In France, buyers are protected by French law. If a work is announced by an artist, the auctioneer’s responsibility is engaged. And he has to pay back if lying.

If problems occur sometimes concerning some work, it’s the result of non-serious companies or individuals…

As far as I am concerned, none of the works I’ve presented from the last 10 years had been criticized or contested. Never.

I know how dangerous it is to play on this subject and I don’t play, I select and present the works I’ m ready to guarantee, and Aguttes behind me.

I avoid all others and send them back.

I’m really concerned on the importance of my position.[…]”

 

Kevin Vương chuyển ngữ sang tiếng Việt 

Ngày 18.11.2021 

“[…] Ở Pháp, người mua được luật pháp nhà nước Pháp bảo vệ. Nếu một tác phẩm được công bố là thuộc một nghệ sĩ, trách nhiệm của nhà đấu giá gắn liền với tuyên bố đó.

Và anh ta phải trả giá nếu nói dối.

Nếu đôi khi xảy ra sự cố liên quan đến một số tác phẩm, thì đó là kết quả của các cá nhân hoặc tổ chức làm việc không nghiêm túc…

Theo như tôi được biết, không có tác phẩm nào tôi đã bán đấu giá trong 10 năm qua bị chỉ trích hay tranh cãi. Không bao giờ.

Tôi biết việc chơi đùa trong lĩnh vực chuyên môn này nguy hiểm như thế nào và tôi không dại gì, tôi chọn và trình bày những tác phẩm mà tôi sẵn sàng đảm bảo và có uy tín của nhà Aguttes đứng sau bảo trợ.

Tôi từ chối tất cả các tác phẩm không đủ tiêu chuẩn khác và gửi lại họ.

Tôi thực sự quan tâm đến tầm quan trọng trong vị trí của mình. […] ”

Ký tên Charlotte

Với những lời chắc nịch của bà Charlotte, lần này, khi bức tranh đã được mua bán xong, chúng ta sẽ cùng chờ đợi phản hồi của chuyên gia và nhà đấu giá này. Với tầm quan trọng và giá trị kinh tế lớn, tôi hy vọng mọi việc sẽ được làm triệt để nhằm đảm bảo tính minh bạch cho thị trường nghệ thuật, bảo vệ quyền lợi của các nhà sưu tập Việt Nam và trên thế giới. Đồng thời cũng là tiếng nói cảnh tỉnh cho các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam phải làm việc thật sự nghiêm túc và có bằng chứng đầy đủ, chứ không thể chạy theo lợi nhuận mà làm việc cẩu thả như trong cả hai trường hợp của nhà Aguttes.  Điều này cho thấy vẫn còn một lỗ hổng lớn trong việc tìm tác giả cho tranh, trong công tác định giá, thẩm định tranh. 

Có thể gần như khẳng định chắc chắn bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu là của họa sĩ Dung Đoan, dù cái tên này vẫn còn nhiều bí ẩn. Mong những bạn đọc quan tâm, những người yêu nghệ thuật, những nhà nghiên cứu, nhà sưu tập nếu ai biết về họa sĩ này hãy cùng chia sẻ để chúng ta cùng khám phá và trả lại tên người sáng tác cho bức tranh của bà. 

Nhân đây cũng xin gửi lời nhắn tới người mua bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu, nếu anh/chị muốn biết thêm thông tin mà tôi có thể giúp được, tôi luôn rất sẵn lòng. 

Bài viết: Nhà nghiên cứu Kevin Vương.
Vui lòng liên lạc tác giả và Art Republik, nghiêm cấm sao chép hoặc đăng tải thông tin khi chưa có sự đồng ý của tác giả.


 
Back to top