Nụ hôn đầy mùi hương kí ức của những thỏi son hiện đại
“Nước hoa không phải thứ mỹ phẩm duy nhất để lại ấn tượng,” Victoria Frolova.
Tôi không thể nhớ màu son môi đầu tiên của mình, nhưng mùi hương của nó thì có. Lúc đó tôi, một cô bé 15 tuổi, đang rảo bước qua một cửa hàng bách hóa thì bỗng nhiên bị các thỏi son đen tuyền, sáng bóng ở quầy hàng của Chanel bắt lấy. Chúng hứa hẹn sự quyến rũ tôi đã hằng khao khát trong vô vọng để có. Và giữa lúc đang say sưa thử những sắc hồng hồng đỏ đỏ khác nhau lên mu bàn tay thì đột nhiên, hương thơm hoa hồng chạm đến mũi tôi.
Làn sóng hương thơm ấy ập đến dữ dội tới mức tôi thấy nước mắt bắt đầu chảy. Mùi hương làm tôi nhớ đến bà cố Asya. Bà rất yêu thích hương hoa hồng và bà luôn quấn mình trong sự ngọt ngào ấy, thậm chí chúng ở mọi nơi bà đi ngang qua. Thỏi son của bà cũng mang hương thơm ấy. Tôi đã không biết bao nhiêu lần lén lấy thỏi son ra để tận hưởng hương thơm của nó những lúc bà vắng nhà. Mỗi lần như thế, tôi đều thích thú nhớ lại hình ảnh gò má mềm mại cùng tiếng cười dịu dàng không lẫn vào đâu được của bà.
Tất cả món đồ trang điểm của những người phụ nữ trong gia đình, từ loại kem thoa lên da đến loại dầu dùng dưỡng tóc đều khiến tôi mê mẩn, nhưng không gì sánh được với son môi cùng lớp hương không thể chối từ. Tất cả những năm sau đó làm công việc chăm sóc sắc đẹp, tôi luôn nhớ rất rõ về bà cố cùng thỏi son kì diệu của bà, đến nỗi tưởng chừng bà chưa phút nào rời tôi. Quay về hồi ức năm 15 tuổi đó, tôi đã để lại toàn bộ số tiền ít ỏi dành dụm được chỉ để đem về thỏi son hương hoa hồng cùng túi tiền lép kẹp. Cây son này tôi chưa bao giờ dùng đến, nhưng giống như thời thơ ấu, tôi muốn giữ nó ở bên để ngửi lấy mùi hương và mộng mơ về những điều tuyệt vời.
Từ “Nostalgia” (sự hoài niệm), là kết hợp của hai gốc từ Hy Lạp, nostos và algos, có nghĩa là “quay trở về nhà” và “nỗi đau”. Từ này ra đời từ thế kỷ 17, mô tả trạng thái chán nản của lính đánh thuê Thụy Sĩ khi đang chiến đấu ở vùng đất xa nhà. Ngày nay, người ta dùng đến nó để nói về nỗi khát khao về những quãng thời gian hạnh phúc và tươi đẹp đã không còn nữa. Ngành công nghiệp làm đẹp cũng đã dần nhận ra và bắt đầu tận dụng sức mạnh của kí ức vào các sản phẩm của mình.
Trong chế tác nước hoa, tạo ra mùi hương mang theo kí ức là cách làm phổ biến hơn việc chế tạo nước hoa làm công cụ quyến rũ. Vì các kích thích khứu giác được xử lý bởi amygdala, vùng não chịu trách nhiệm cho phản ứng cảm xúc và bộ nhớ của con người, nên mùi hương có thể tạo ra hồi tưởng mạnh mẽ và đưa người dùng đến một không gian và thời gian khác so với hiện tại. Chưa kể, thứ gây hoài niệm lớn nhất đối với nhiều người không phải những giọt nước hoa đắt tiền, mà là những vật dụng nhỏ bé họ chạm phải mỗi ngày trong cuộc sống. Vì vậy mùi hương của mỹ phẩm hay sản phẩm chăm sóc tóc có thể tạo ra hiệu ứng bất ngờ.
Shyamala Maisondieu là nhân viên của Givaudan, nhà sản xuất hương liệu và nước hoa Thụy Sĩ, là người sáng tác nước hoa cho các thương hiệu như Tom Ford, Lanvin và Sisley. Một phần nhiệm vụ của cô là tìm hiểu cách những trải nghiệm hàng ngày ảnh hưởng đến sở thích khứu giác của khách hàng. Cô xác nhận rằng niềm đam mê với mùi son của tôi không đơn thuần chỉ là một thói quen cá nhân. “Vì son môi chứa rất ít hương thơm, do đó, chỉ có những tiếp xúc thân mật như một nụ hôn của mẹ hay cái ôm của người yêu mới đủ để nhận ra hương thơm của nó. Do vậy, mùi son gợi nhớ đến hồi ức thơ ấu, sau đó là cảm nhận, và dần hình thành nên sở thích, thói quen lựa chọn sản phẩm của mỗi người”, Shyamala giải thích.
Nhưng nếu mùi hương là độc quyền tạo nên giá trị cho một loại nước hoa, thì trong mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp, nó còn có thêm vai trò phức tạp hơn. Chẳng thế mà ngành công nghiệp này phải chi hàng triệu USD mỗi năm để nghiên cứu và phát triển cách kết hợp nguyên liệu với mùi hương mới. Kari Arienti Hackbarth, một chuyên gia nước hoa hơn 30 năm trong ngành, cho biết: “Son môi có hương là một thử thách. Bởi son môi đã được tạo ra từ nhiều nguyên liệu khác nhau với từng mùi riêng biệt, như chất béo, sáp và chất làm mềm. Do đó điều quan trọng là có được một mùi hương hài hòa tất cả. Bên cạnh đó, thành phần tạo màu môi phải có nguồn gốc thực phẩm càng làm cho màu thêm giới hạn.” Hiện tại, tinh chất hoa hồng, ion hoa violet và phấn phủ chứa hydroxycitronellal vẫn đang là các lựa chọn thông dụng mang đến cho son môi mùi thơm đặc trưng.
Các thương hiệu như Givenchy, Chanel và Dior cần rất nhiều chuyên gia mùi hương để nghiên cứu cho sản phẩm son môi, kem của họ. Họ dành sự quan tâm để tạo mùi cho chúng không khác gì đầu tư công sức cho các những lọ nước hoa chất lượng. Mùi hương không chỉ ảnh hưởng đến ấn tượng đầu tiên của sản phẩm và mức độ muốn mua của khách hàng mà còn cảm nhận hiệu quả sau đó nữa. Dầu gội dưỡng ẩm của Kérastase – Nutritive Bain Satin 2 Complete có hương hoa dạng kem gợi lên sự mềm mại và nuôi dưỡng, trong khi dầu gội hương chanh tươi Verbena của L’Occitane có mùi của lá xanh nghiền cùng với vỏ chanh.
Son môi thường được đưa vào các nốt hương hoa cỏ vì chúng không chỉ kết hợp tốt với mùi sáp mà còn tạo sức hấp dẫn cổ điển không kém phần quyến rũ. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào văn hóa. Ví dụ, hoa hồng là lựa chọn phổ biến của các thương hiệu làm đẹp ở châu Âu và châu Mỹ do tính lãng mạn của nó trong văn hóa phương Tây, nhưng Trung Đông lại không như thế.
Cây son L’Absolu Rouge của Lancôme, Rouge Pour Couture của Yves Saint Laurent và Rouge Ultra của Dior có mùi hoa hồng tươi ngọt ngào. Chanel có dòng Rouge Coco Ultra Hydrating Lip Colour của với mùi hoa hồng creamy pha với hoa violet hoài cổ. Trong khi dòng Rouge Allure Luminous Intense Lip Colour của nó có mùi hoa hồng tinh tế cùng chút hương trái cây. Chanel đã vận dụng mùi hương để tạo ra sự liên kết đầy tinh tế giữa cây son đầu tiên năm 1924 cho đến các phiên bản mới hơn vẫn còn nằm trong phòng thí nghiệm. Ngược lại, ở Trung Đông, hoa hồng là biểu tưởng của tâm linh và thần thánh huyền bí. Do đó, Huda Beauty, một trong những thương hiệu bán chạy nhất ở Dubai, đã thay thế bằng mùi hương vani cho các loại son môi của mình.
Mùi son cũng dần biến hóa khi thị hiếu thay đổi. L’Oréal và MAC cùng sử dụng hương vani cho bộ sưu tập son, loại hương quen thuộc với giới sành ăn; Yves Saint Laurent đưa hương đào mọng thơm vào son Gloss Volupté; trong khi dòng sản phẩm Le Rouge của Givenchy có hương thơm của loài hoa mimosa, tạo cảm giác về một lớp kem không trọng lượng nhờ công thức mới tung ra vào tháng 9 năm nay. Ông hoàng mùi hương, Kilian Hennessy cũng đột phá với hương marshmallow cam cho bộ sưu tập son, đi cùng với dòng nước hoa đang bán rất chạy là Love Don’t Be Shy. Lipstick Rose – hay “Pink Lipstick” có hương hoa hồng và violet, thành phần cấu tạo của nó bao gồm vàng hổ phách, cỏ vetiver và xạ hương trắng – một hợp chất cổ điển tạo nên tính cách dịu dàng và hoài cổ.
Ralf Schwieger, nhà sáng tạo nước hoa đứng sau mùi hương của cây son thần thánh từ năm 2000 của Frédéric Malle nhận xét: “Mùi son là một mùi rất gợi cảm bởi đây là món trang điểm thanh lịch không thể thiếu của bất kì quý cô nào. Nhắc đến son môi là nhắc đến tinh hoa của tính nữ. Mẹ tôi luôn luôn tô son màu hồng đậm trước khi ra khỏi nhà. Mùi hương của những cây son ấy là một phần nét riêng của mẹ tôi, và với tôi, đây là điều sẽ không bao giờ thay đổi.”
Nhà thiết kế thời trang Shalini Kumar đã đạt đến đỉnh cao mới khi kết hợp son môi và kí ức. Vào năm 2018, cô hợp tác với nhà sáng chế nước hoa Maurice Roucel tạo ra Amorem Rose, tổ hợp hoa hồng và nghệ tây hòa quyện với hương gỗ hổ phách, tạo ra nốt hương hoài cổ về sự xa hoa một thời của xứ Ba-rốc. Kumar nhớ lại: “Khi còn nhỏ, tôi nhớ mình hay được mẹ hôn vào má. Lúc đó tôi ngửi được hương hoa hồng giã nhuyễn trong lớp son Chanel của bà.” Và cô đã chọn chính xác hương hoa hồng ấy để tạo nên Amorem Rose, ướp vào nó thứ cảm xúc đầy bí mật và sâu sắc.
Các sản phẩm lấy cảm hứng từ mùi hương quen thuộc còn được tạo do yêu cầu của khách hàng. Vì một số người dùng quá yêu thích nên Nivea đã cho ra đời dòng nước hoa eau de toilette mô phỏng những nốt hương hoa tươi phổ biến trong các hộp kem dưỡng. Trong khi đó, nhà tạo mẫu tóc Jen Atkin nổi tiếng của Mỹ đã đáp lại sự mong chờ của khách hàng bằng một bộ sưu tập nước hoa eau de parfum gắn liền với các sản phẩm chăm sóc tóc thông dụng: Melrose Place dựa trên mùi của Rose Hair & Body Oil, và North Bondi sử dụng cùng một loại hoa mộc lan và xạ hương trắng như sản phẩm Wave Spray. Bên kia đại dương, những hương nước hoa phỏng theo hương của loại kem chống nắng Amoust Solaire Sun Oil, từ Belle de Soleil đến Parfums de Nicolaï’s Musc Monoï của nhãn hiệu Fragonard đều rất đắt hàng.
Arienti Hackbarth giải thích cho hiện tượng này như sau: “Con người thường thấy thoải mái và quen thuộc với mùi hương liên quan đến những khoảnh khắc dễ chịu trong ngày của họ”. Đó là lí do có người muốn sở hữu loại nước hoa có mùi tương tự với dầu gội hoặc sữa dưỡng thể. Tất nhiên, nhu cầu về mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc tóc không mùi và vẫn còn, nhưng các sản phẩm hoàn hảo có hương vẫn giữ vai trò quan trọng. Đối với nhiều người, son môi và dầu gội có hương thơm, hay ngược lại, nước hoa có hương như son môi và dầu gội, là những cách ướp hương tuyệt vời cho cuộc sống của họ, trong trường hợp họ có xu hướng hoặc bị dị ứng trực tiếp với nước hoa.
Sự xuất hiện của người dùng millennials cũng đem lại nhiều đổi mới, theo quan sát của Arienti Hackbarth. Thế hệ này lớn lên với ít sự an toàn hơn trước kia, do đó phép thử thời gian và sự đảm bảo từ những người nổi tiếng là điều cần thiết để khẳng định giá trị. Di sản sẽ trở thành vấn đề đáng cân nhắc khi nhịp điệu của ngành thời trang trở nên chậm lại và có thể bị soán ngôi bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, sau tất cả, hoài niệm về mùi hương tuổi thơ vẫn giữ vai trò quan trọng”. Điều này tương tự với mùi son tinh tế từ hoa hồng và violet, nốt hương hoa nhài nhè nhẹ của Nivea hay hương frangipani cuộn lên trong từng lớp kem chống nắng.
Khi các nhà kinh tế vẫn hoài nghi về cái gọi là “hiệu ứng son môi” – ý tưởng cho rằng doanh số của những món hàng xa xỉ nhỏ gọn này sẽ tăng kể cả trong thời kỳ suy thoái, thì sức hấp dẫn của chúng vẫn là không thể phủ nhận. Cụ thể, các dòng son môi vẫn đang chứng kiến sự phát triển đầy tiềm năng với càng nhiều sản phẩm biến thể và cập nhật thêm trên các bộ sưu tập sẵn có từ các thương hiệu làm đẹp. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của P&S Intelligence, thị trường son môi toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 13,4 tỷ đô la vào năm 2024. Chỉ riêng thương hiệu Harrods Beauty Hall đã sở hữu đến vài nghìn thỏi son.
Cây son Chanel đầu tiên của tôi, giờ đã mang hương thơm tinh tế hơn với hương hoa hồng không còn bị lẫn trong lớp phấn phủ, nhờ đó màu sắc trở nên trong và tươi hơn. Thương hiệu cũng đã không cưỡng lại được tiếng gọi của dòng son cổ điển mà đã cho ra mắt bộ sưu tập nước hoa Les Exclusifs vào năm 2015, lấy cảm hứng từ người bạn thân của Coco Chanel, Misia Sert. Chai nước hoa đã gợi lên sự thanh lịch của những ngày tháng cũ, với sự kết hợp giữa bột hoa iris và chất son màu hồng. Nó tạo nên ảo ảnh hoài niệm tuyệt đẹp nhưng lại chứa đựng một cú lừa hoàn hảo. Misia có thể truyền cảm hứng để bạn phết lên lớp son màu đỏ thẫm với nét kiêu sa của những vũ công ballet Nga, nhưng thực sự ẩn ngầm dưới nó lại là tính cách vô cùng táo bạo và mạnh mẽ. Như Maisondieu từng nói: “Ngoài mang lại cảm giác hoài cổ, màu son đỏ đại diện cho sự tự tin, quyền lực và khát khao thu hút.”
Mùi hương của son môi có thể kín đáo, nhưng như bản thân tôi đã trải qua khi còn là một cô bé đứng ngẩn ngơ tại quầy trang điểm, ảnh hưởng của nó có thể vô cùng sâu sắc và kéo dài, như ký ức về nụ hôn đầu đời.