Tưởng nhớ Larry King: Vị vua đã rời ngai vàng
Ông hoàng talkshow của truyền hình Mỹ, Larry King, người sở hữu sự nghiệp ấn tượng kéo dài hơn 60 năm, vừa qua đời ở tuổi 87.
Công ty do ông đồng sáng lập, Ora Media, không nêu nguyên nhân, nhưng theo các báo cáo truyền thông, Larry King đã chiến đấu với Covid-19 trong nhiều tuần và gặp một số vấn đề về sức khỏe trong những năm gần đây.
Larry King, trở nên quen thuộc với bộ dây đeo quần hàng hiệu, kính gọng đen và giọng nói trầm ấm, được biết đến nhiều nhất qua 25 năm dẫn dắt talkshow “Larry King Live” của CNN. “Trong sự nghiệp 63 năm trên các nền tảng phát thanh, truyền hình và phương tiện truyền thông kỹ thuật số, hàng nghìn cuộc phỏng vấn, giải thưởng và sự ca ngợi toàn cầu dành cho Larry là minh chứng cho năng lực độc đáo và lâu dài của ông với tư cách là một phát thanh viên”, Ora Media đăng tải trên Twitter.
Danh sách dài những người từng được Larry King phỏng vấn bao gồm các đời tổng thống Mỹ kể từ năm 1974, các nhà lãnh đạo thế giới như Yasser Arafat và Vladimir Putin, hay người nổi tiếng như Frank Sinatra, Marlon Brando và Barbra Streisand. Trong chương trình “Larry King Live” cuối cùng đầy cảm xúc vào năm 2010, những lời tán dương còn bao gồm một đoạn video từ Tổng thống Barack Obama mà trong đó cựu tổng thống đã gọi King là “một trong những người khổng lồ của truyền hình Mỹ”.
Khởi đầu khiêm tốn
Những lời ca ngợi từ giới truyền thông, các chính trị gia và các ngôi sao Hollywood dành cho Larry King là vô số kể, dẫn đầu là Putin, người ca ngợi “tính chuyên nghiệp tuyệt vời và uy tín báo chí không thể nghi ngờ của người phỏng vấn”, theo Điện Kremlin. Phóng viên nước ngoài kỳ cựu của CNN, Christiane Amanpour đã nhớ đến King như “một người khổng lồ trong lĩnh vực phát thanh truyền hình và là bậc thầy về phỏng vấn người nổi tiếng, chính khách và phụ nữ trên truyền hình.”
Biểu tượng Star Trek và là cá nhân nổi trội trên mạng xã hội George Takei ấn tượng với cách King hiểu rõ “sự chiến thắng và sự yếu đuối trong con người như nhau”, trong khi Kirstie Alley, nổi tiếng từ “Cheers”, mô tả ông là “một trong những người dẫn talkshow duy nhất để bạn thực sự trò chuyện.”
Sinh ngày 19 tháng 11 năm 1933, Lawrence Harvey Zeiger, người Nga gốc Do Thái nhập cư, lớn lên tại Brooklyn, New York trong một gia đình lao động nghèo, King nói rằng ông không muốn trở thành điều gì khác ngoài một phát thanh viên. Năm 23 tuổi, ông đến Florida để thử sức và trở thành phát thanh viên cho một đài phát thanh ở Miami vào năm 1957, lấy nghệ danh là King khi người quản lý đài phát thanh nói với ông rằng họ của ông nghe có vẻ “quá dân tộc”. Tại một đài phát thanh khác ở Miami, anh ghi lại các chương trình của mình trong một nhà hàng, phỏng vấn khán giả trực tiếp. Năm 1978, ông đến Washington, nơi ông tham gia một chương trình radio vào đêm khuya cho đài quốc gia, trước khi được CNN, một kênh truyền hình được thành lập vào năm 1980, mời ông dẫn dắt các chương trình buổi tối vào năm 1985.
Một triệu người xem
“Larry King Live”, lên sóng những năm 1985-2010, phát sóng sáu đêm một tuần tại hơn 200 quốc gia, nâng tổng số phỏng vấn Larry King thực hiện lên đến 30.000. Ở đỉnh cao, chương trình đã thu hút hơn một triệu khán giả mỗi đêm, đưa King trở thành ngôi sao của truyền hình cáp, mang đến mức thu nhập hàng năm hơn 7 triệu USD.
Được xây dựng với cấu trúc hai phần, chương trình mở đầu bằng cảnh King, trong chiếc áo sơ mi đã được xắn hai tay lên, đeo cà vạt nhiều màu, phỏng vấn khách mời theo phong cách thoải mái. Phần thứ hai của chương trình là các khách mời trả lời câu hỏi do khán giả từ khắp nơi trên thế giới gọi đến. “Tôi không có một kịch bản dựng sẵn. Tôi không giả định câu trả lời”, King nói với Miami Herald vào năm 2017 về công việc của mình. “Tôi chưa bao giờ học được gì khi tôi nói, lắng nghe quan trọng hơn nhiều”.
“Larry King Live”, lên sóng những năm 1985-2010, phát sóng sáu đêm một tuần tại hơn 200 quốc gia, nâng tổng số phỏng vấn Larry King thực hiện lên đến 30.000.
Trong khi các nhà phê bình cho rằng phong cách phỏng vấn của ông là quá mềm mại, dễ dàng, những người khác lại cho đó chính là sự hấp dẫn của King, thu hút rất nhiều khách mời ngôi sao đến với chương trình và giúp CNN khẳng định sức hút của chương trình và thành công của Larry King. Ông nói với AFP năm 1995: “Tôi không quan tâm đến việc làm cho ai thấy bẽ mặt trên sóng và cũng không thích thú với việc quá tâng bốc họ”.
Vị vua đã rời đi
Sau khi tạm biệt CNN, Larry King tiếp tục thực hiện các cuộc phỏng vấn trên trang web của riêng mình và sau đó, vào năm 2013, ông tổ chức một chương trình mới, “Larry King Now,” trên Russia Today, một mạng truyền hình quốc tế của Nga do chính phủ tài trợ. Cuộc sống riêng tư của ông cũng đầy màu sắc: sau 22 năm chung sống, ông đã ly hôn người vợ thứ bảy, Shawn Southwick vào năm 2019.
Như một câu nói của Larry King, khi chia tay chương trình đã đem đến danh tiếng cho ông, “Thay cho lời tạm biệt, sao chúng ta không hẹn ngày gặp lại?”, thay cho sự tiếc nuối, hãy nhớ về ông hoàng của truyền hình Mỹ với cách chống khuỷu trên bàn, bả vai lẫn ánh mắt tập trung hướng về phía khách mời, và một sự nghiệp bền bỉ vô tiền khoáng hậu tại CNN.