Vacheron Constantin tung mảnh ghép mới nhất trong BST Huyền thoại 12 con giáp
Chiều lòng các nhà sưu tầm và những người yêu thích nghệ thuật chế tác đồng hồ xa xỉ Haute Horlogerie, Vacheron Constantin vừa bổ sung vào bộ sưu tập Métiers d’Art The legend of Chinese Zodiac (Huyền thoại 12 con giáp) với Con giáp mới nhất – Tý (chuột).
Đại diện cho bản năng sinh tồn, sức sống mãnh liệt và sự khôn ngoan, chú Chuột sẽ thay thế linh vật Hợi (lợn) để trở thành linh vật cho năm Âm Lịch tới vào ngày 20/1/2020. 2 phiên bản là sự kết hợp giữa sự xuất sắc trong kỹ thuật với bộ máy Caliber 2460 G4 cùng vẻ đẹp tinh tế trong nghệ thuật thủ công hiếm.
Nghệ thuật cắt giấy khi văn hóa Đông – Tây gặp gỡ
Ít người biết rằng, Vacheron Constantin đã gìn giữ một mối duyên đặc biệt với nền văn hóa Trung Hoa đặc sắc từ năm 1845 cho đến nay. Một trong những mối liên hệ mật thiết giữa hai nền văn hóa là nghệ thuật cắt giấy Trung Quốc mang tên Jianzhi, được du nhập và nổi tiếng tại Thụy Sĩ dưới cái tên Scherenschnitt. Bộ sưu tập Métiers d’Art Huyền thoại 12 con giáp làm mới và lấy cảm hứng từ chính bộ môn nghệ thuật độc đáo này, qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tráng men và chạm khắc bậc thầy đến từ nhà chế tác đồng hồ Thụy Sĩ.
Sự kết hợp giữa hai nghệ thuật chế tác thủ công: Chạm khắc và Tráng men
Các hoạ tiết tán lá xuất hiện trên mặt số dựa theo hình tượng cổ Trung Quốc được chạm khắc trực tiếp lên bề mặt kim loại. Họa tiết được bán nhúng và nổi bật trên nền vàng kim bởi cách tạo lớp nền tinh tế bao gồm nhiều lớp nhấn khác nhau nhằm tạo độ sâu trên bề mặt. Nhờ vậy, những họa tiết tán lá trông như thể đang nổi lên trên mặt số của đồng hồ.
Ngay sau đó là kỹ thuật tráng men Grand Feu – kỹ nghệ vẫn được bảo tồn bởi một số ít nghệ nhân tài hoa tồn tại tới ngày nay. Bằng việc tráng các lớp bột men liên tiếp, nghệ nhân tráng men có thể tăng cường sắc độ của mặt số màu xanh hay ngả màu đồng. Chỉ những nghệ nhân với rất nhiều năm kinh nghiệm mới có thể thành thạo màu sắc và làm chủ các phản ứng ở nhiệt độ 800 đến 900 độ C. Chú chuột làm bằng platinum hoặc vàng hồng được chạm khắc thủ công và đính tại vị trí độc tôn chính giữa mặt số.
Tài hoa nghệ thuật thủ công kết hợp với bộ chuyển động tinh gọn
Bộ máy Calibre 2460 G4 chính là trợ thủ đắc lực cho các nghệ nhân Vacheron Constantin sáng tạo nên mặt số được trang trí thủ công ấn tượng, khi không phải là các chi tiết kỹ thuật, mà chính các hình tượng trang trí trở thành tâm điểm trên mặt số. Việc hiển thị thời gian mà không cần các kim đồng hồ trở thành hiện thực nhờ bốn cửa sổ cho phép đọc giờ, phút, thứ trong tuần và ngày tháng. Các mốc chỉ giờ này – với hai mốc chạy theo kiểu tiếp nối và hai mốc theo kiểu nhảy số – là hiện thân cho quyết tâm của Vacheron Constantin trong việc sáng tạo, thiết kế và chế tác những cách hiển thị mới mẻ khác lạ.
Dễ dàng chiêm ngưỡng qua lớp kính sapphire ở mặt sau đồng hồ là bộ máy và con lắc vàng 22K mang biểu tượng chữ thập Malte quen thuộc của Vacheron Constantin. Tất cả các chi tiết của bộ máy đều đáp ứng tiêu chuẩn Hallmark of Geneva – tượng đài chất lượng mà Vacheron Constantin chính là đại diện tiêu biểu nhất.
THÔNG SỐ KỸ THUẬT
Vỏ ngoài: Platinum/vàng hồng 18K 5N 40mm; khả năng chống nước 30m
Bộ máy: Calibre 2460 G4/2 do Vacheron Constantin phát triển và sản xuất; 40 giờ dự trữ năng lượng
Mặt số: Vàng 18K, chạm khắc thủ công, tráng men Grand Feu; Hình tượng chuột bằng Platinum chạm khắc thủ công/vàng hồng 18K 5N
Dây đeo: Da cá sấu Mississippi nâu/xanh thẫm với mặt trong cũng bằng da cá sấu, đường chỉ khâu thủ công kiểu yên ngựa, vảy da vuông lớn
Phiên bản giới hạn chỉ 12 chiếc.